Top 6 bài phân tích nhân vật Bê li cốp trong Người trong bao siêu hay

Phân tích nhân vật Bê li cốp trong Người trong bao để thấy được sự phê phán của tác giả đối với lối sống tầm thường dung tục của tiểu tư sản Nga. Sau đây là dàn ý phân tích nhân vật Bê li cốp cùng với bài phân tích hình tượng nhân vật Bê li cốp hay chọn lọc.

1. Dàn ý phân tích nhân vật Bê-li-cốp

I. Mở bài: giới thiệu đoạn trích Người trong bao của Sê-khốp

II. Thân bài: phân tích đoạn trích Người trong bao của Sê-khốp

1. Chân dung Bê-li-cốp:

Ngoại hình: thu mình trong vỏ bọc, luôn tạo một thứ bao bọc, bảo vệ mình

Lối sống thu mình trong bao

Biểu tượng cho sự hèn nhát, quái đản

Lối sống thu mình

Lối sống trong bao, thu mình, hèn nhát

2. Ảnh hưởng của Bê-li-cốp:

Lối sống đã đầu độc, làm ô nhiễm, khiến con người sợ hãi suốt 15 năm

Mọi người sợ sệt và xa lánh

3. Cái chết của Bê-li-cốp:

Bị đồng nghiệp trêu chọc, phản đối thô bạo

Chứng kiến đồng nghiệp không sợ cấp trên

Bị cười nhạo vì ngã

Sợ ông hiệu trưởng

III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về đoạn trích Người trong bao của Sê-khốp

2. Phân tích nhân vật Bê-li-cốp - Mẫu 1

Sê-Khốp được biết đến là một nhà văn nổi tiếng của nước Nga, dòng văn mà ông theo đuổi và thành công đó chính là văn hiện thực. Ông là một người có công cách tân truyện ngắn và kịch nói. Sáng tác của ông luôn là chiếc gương phản chiếu lên án những hiện thực ở nước Nga. Trong những tác phẩm của ông tiêu biểu có tác phẩm Người trong bao. Mà qua chân dung và tính cách của nhân vật Bê-li-cốp ta thấy được những cái nhà văn muốn lên án xã hội con người Nga. Cụ thể ở đây chính là phê phán lối sống tầm thường dung tục của tiểu tư sản Nga.

Nhan đề của tác phẩm cũng thật đặc biệt khi ta thấy được rằng chính cái tên ấy đã nói lên phần nào nhân vật Bê li cốp. Nhân vật ấy đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản với lối sống dung tục, nhút nhát, giáo điều. Đối với bê li cốp “nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm”. Và cuối cùng thì anh ta cũng phải nằm trong bao mà đi chầu Diêm Vương. Nhan đề ấy thể hiện được cái sự hèn nhát của những người tri thức Nga. Và kết cục của những con người như thế thì không tốt. Lối sống nhút nhát, dung tục ấy sẽ có hại cho người dân Nga, nó gây đầu độc cuộc sống, gây hậu quả nghiêm trọng về sau. Ngoài ra cái bao kia cũng mang hàm ý đó là cái bao bọc bó hẹp, cuộc sống tù túng, đen tối của người tri thức Nga mà sống không thoát ra được chết đi cũng thế.

Trước hết là chân dung của Bê li cốp thì nhân vật hiện lên với những cách ăn mặc và bộ mặt của mình. trang phục mà Bê li cốp diện thường xuyên đó chính là một chiếc áo bành tô, đi giày cao su và cầm ô. Những trang phục ấy khiến cho ta thấy được Bê li cốp là một người chỉ sống vì quá khứ mà thôi. Những chiếc áo bành tô từ thời xưa cũng được anh mặc suốt ngày, ngặt một nỗi nữa là mặc quang năm mặc là mưa nắng hay gió bão gì, đã thế lại còn cầm ô, đi giày cao su nữa. Trông Bê li cốp giống như những người của thế kỉ xưa cũ. Đã thế bộ mặt của anh ta lúc nào cũng dấu sau cái cổ áo bành tô ấy, đi xe ngựa thì lại phải kéo mui xe xuống để che mặt. Không những thế tai hắn còn nhét bông mà người ta thầm nghĩ rằng là nhét “trong bao”. Vậy đấy chân dung của Bê li cốp hiện lên với những vật dụng có từ ngày xưa và những lập dị của hắn. Không những thế tất cả mọi thứ từ con người cho đến những vật dụng của anh ta đều được để gọn gàng dấu kín trong bao. Chính vì thế mà ta có thấy cảm nhận thấy được rằng chính Bê li cốp đang cố tạo cho mình một cái bao ngăn cách với những người xung quanh, để tránh ảnh hưởng đến bản thân mình. Phải chăng đó chính là sự ích kẻ hèn nhát của những con người trí thức trong xã hội Nga thời bấy giờ? Nói chúng qua chân dung của Bê li Cốp ta thấy được rằng đại đa số trí thức Nga lúc bấy giờ có lối sống dung tục hèn nhát như thế, mọi thứ trở nên lập di với xã hội và chính những điều ấy gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người Nga.

Về phần tính cách của nhân vật này cũng rất kì lạ. Thu mình trong vỏ bọc là thế nhưng Bê li cốp lại có những ước mơ khát vọng khó hiểu lập dị. Đó là khát vọng ngăn cách với cuộc sống con người, chỉ biết sống cho mình, mình được an toàn và tránh xa mọi điều làm tổn hại đến sự an toàn ấy. Tính cách của bê li cốp đó là sợ hãi hiện tại và tôn sùng những gì là của quá khứ. Anh ta say mê tiếng Hi Lạp cổ vì thế mà anh ta hạnh phúc nhất khi thốt lên câu. Có lẽ đó là khoảnh khắc duy nhất để anh ta chui ra khỏi cái bao bọc của mình. Tính tình anh ta giống như một kẻ tâm thần chỉ biết “lo âu”, “sợ hãi”, “nhút nhát”. Không những thế Bê li cốp chỉ thích sống theo thông tư chỉ thị. Một khi chưa có thông tư chỉ thị thì không thể làm được. Làm theo thông tư là tốt nhưng có những chuyện đợi thông tư đến thì sẽ muộn mất thì hắn vẫn không dám giải quyết. Điều đó thể hiện lối sống cứng nhắc quá mức. Chính bởi thế mà anh ta không thể nào thoát khỏi cái vỏ bọc của bản thân mình. Sống trong sợ hãi thì còn sống làm gì nữa. Đồng thời anh ta luôn bằng lòng với lối sống cổ hủ lạc hậu và không chịu được cách sống thức thời của chị em nhà Va ren ca.

Có thể nói nhân vật hiện lên như một thảm họa của tạo hóa, một con người cô độc lạc lõng, kì quái, khủng khiếp và không hiểu cuộc sống đương thời.

Chính vì cái kì quái ấy mà khiến cho biết bao nhiêu ngươi sợ hắn. Các giáo viên trong trường hay đến hiệu trưởng cũng sợ hắn. Bình thường hắn đến thăm nhà giáo viên mà hắn cho rằng công việc ấy nhằm duy trì tình bạn tốt đẹp. thế nhưng khi đến thì hắn chẳng nói chẳng rằng, chỉ ngồi phổng ra đó và rồi đưa mắt nhìn xung quanh khiến cho người ta phải sợ. Rồi một lát thì cáo từ về. Đến chơi mà không nói gì thì đến để làm gì?. Các bà diễn kịch cũng không dám gặp mặt hắn, phải dấu. Các nhà tu thì không dám ăn thịt và đánh bài khi có mặt hắn. Quả thật Bê li cốp giống như một con ma đáng sợ khiến cho cả thành phố con người Nga phải khiếp sợ hắn. Cuộc sống như thế có khác nào địa ngục mà hắn cứ chui cái thân thể và cả tâm hồn mình trong cái vỏ bọc. Có thể nói chính cái lối sống của hắn đã ảnh hưởng đến cuộc sống và con người Nga hiện tại và tương lai. Nhân vật ấy giống như nền phong kiến tối tăm của Nga lúc bấy giờ.

Hắn cứ thế sống quanh năm với những nỗi lo sợ của mình. Nào là sợ ánh sáng ban ngày, sợ bóng tối, sợ trộm. Trong nhà lúc nào cũng đóng then cài cửa, đắp chăn kín mít cả đầu. Hắn toàn mơ thấy những điều kinh khủng nhất và chính vì thế mà hắn luôn thức dậy với bộ mặt tái nhợt. Không thể nào quên kể đến câu chuyện tình của Bê li cốp với cô nàng Va ren ca. khi nàng đến thì Bê li cốp đã yêu nàng. Và chính vì thế mà anh ta để hắn cả một tấm hình của người đẹp lên trên bàn làm việc của mình. Anh ta còn tính đến chuyện cưới xin nữa, thế rồi có người vẽ tranh biếm họa về đám cưới của anh ta và Va ren ca. Bức biếm họa ấy được gửi đến cả trường nam và trường nữ. Trong một lần Bê li cốp nhìn thấy chị em nhà Va ren ca cưỡi xe đạp giữa đường thì hắn cho rằng như thế chẳng ra thể thống gì cả. và hắn quyết định đến nói với chị em họ. Cô chị không có nhà chỉ có cô em. Hai bên cãi vã nhau và Va len cô đẩy bê li cốp xuống cầu thang khiến cho anh ta ngã nhào. Không thể quên được tiếng cười ha ha của Va ren cô. Tiếng cười ấy không những chấm dứt chuyện cưới xin mà còn phê phán cái lối sống trong bao của Bê li cốp nói riêng và người tri thức Nga nói chúng. Và sau một tháng thì Bê li cốp chết, anh ta được nằm trong cái bao vĩnh viễn.

Qua đây ta thấy được nhà văn Sê-Khốp đã lên án cái lối sống của những con người tri thức cổ hủ lạc hậu, lo sợ chỉ biết sống cho chính bản thân mình. Cách sống ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con người Nga hiện tại và con người tương lai. Chính vì thế lên án để mà không sống như vậy nữa.

3. Phân tích nhân vật Bê-li-cốp - Mẫu 2

Một tác phẩm truyện ngắn hay và chân chính trước hết có lẽ hấp dẫn người đọc bởi hình tượng nghệ thuật độc đáo, điển hình. Bởi đó là tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ lăn lộn trong hành trình cuộc đời để góp nhặt nên những tính cách và số phận để qua đó gửi gắm thông điệp nhân văn. Với Sê-khốp, con linh điểu của buổi tịch dương trên đồng cỏ dại nước Nga xưa, với hình tượng Bê-li-cốp trong truyện ngắn “Người trong bao” đã cho thấy số phận bi kịch của người dân Nga lúc bấy giờ.

Bê-li-cốp là một sản phẩm quái thai mà xã hội chuyên chế Nga hoàng nặng nề đã sản sinh ra. Hắn là người trong bao. Trang phục của hắn trông thật kì dị: chân đi giày cao su, tay cầm ô, thân thể mặc áo măng tô cốt bông. Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu, cả bộ mặt hắn dường như lúc nào cũng để trong bao nốt. Điều ấy chứng tỏ, hắn sợ nắng gió, hắn sợ mưa tuyết của thiên nhiên cũng như cuộc đời. Vật dụng của hắn từ cái dao cắt giấy hắn cũng để trong bao nốt, qua đó thấy được rằng hắn sợ mất đồ, sợ bị thất lạc. Hắn sợ cả những điều tưởng như không có gì để đáng sợ. Nhân dạng hắn thì hắn dấu mặt trong chiếc áo bành tô, tai nhét bông chứng tỏ hắn sợ nghe, sợ nhìn sợ phải đối mặt với mọi điều xung quanh. Nghề nghiệp của hắn là dạy tiếng Hy Lạp một thứ ngôn ngữ cổ và khó hiểu, trong khi cả thế giới đang không ngừng hướng đến những điều mới mẻ thì hắn đi ngược lại với thế giới, với thực tại.

Với mọi người xung quanh, hắn đến nhà và không nói chuyện chỉ ngồi im một chỗ khoảng chừng 15 phút rồi ra về. Hắn cho đó là cách để giao tiếp với mọi người xung quanh. Điều ấy chứng minh rằng, hắn cũng sợ cô độc, sợ mất mối quan hệ nhưng lại luôn giấu giếm và sợ sệt tất cả mọi thứ, tức là hắn sợ chịu trách nhiệm với lời nói của mình. Đến cả trong tình yêu, dường như hắn cũng muốn nhốt nó vào bao nốt. Hắn muốn cầm tù tình yêu của mình, cái bao đấy chính là không được tiếp xúc với cái mới. Như vậy hắn sợ cái mới, mô lệ vào cái cũ, cầm tù chính mình và hắn chết ngay cả khi còn đang sống, từng giờ, từng phút, từng giây hắn đang chết trong chiếc báo sợ hãi mà chính hắn tạo ra. Qua đó phản ánh chân thực số phận của những người dân Nga dưới chế độ Nga Hoàng nặng nề chuyên chế đã sản sinh ra những con người tự do về thân thể nhưng lại bị cầm tù về tâm hồn, chết ngay cả khi đang sống. thật đáng sợ biết bao, qua đó bày tỏ niềm cảm thương cho số phận những người dân nước Nga xưa của Sê-khốp.

Bằng tài năng xây dựng những hình tượng điển hình hấp dẫn và lôi cuốn người đọc Sê-khốp đã giúp người đọc nhìn thấy sâu sắc và chân thật xã hội Nga lúc bấy giờ, bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc cho những thân phận bi kịch ấy.

4. Phân tích nhân vật Bê-li-cốp - Mẫu 3

Xã hội Nga cuối thế kỷ XIX ngập trong bầu không khí chuyên chế bảo thủ nặng nề và ngột ngạt. Môi trường xã hội ấy đã để lại lắm thứ sản phẩm người kì quái. Bêlicốp, nhân vật chính trong truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp, là một nhân vật điển hình của xã hội ấy.

Người trong bao không chỉ đơn thuần là sự phản ánh "một thực trạng xã hội mà còn có ý nghĩa khái quát triết lý sâu sắc". Bê-li-cốp, một sản phẩm điển hình của xã hội Nga bảo thủ. Ý nghĩa điển hình ấy không chỉ thể hiện trong tính cách mà còn trong cả những thói quen và hình dáng.

Bê-li-cốp hiện dần qua từng lời kể của Bùi-kin, một đồng nghiệp của Bê-li-cốp ở trường trung học. Bắt đầu từ việc miêu tả ngoại hình và những thói quen. Bất kỳ lúc nào, dù ngày mưa gió hay cả những ngày đẹp trời Bê-li-cốp (người kể chuyện gọi là "hắn") đều "đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc bành tô cốt bông". Một con người bảo thủ điển hình. Hắn bao bọc mình bởi những lớp quần áo giày và mũ, kín mít. Cứ như thể hắn sợ có một hạt bụi nào dính vào thân thể hắn vậy. Sự cổ hủ, bảo thủ ấy khiến hắn mắc một chứng bệnh: luôn sợ hãi. Cũng vì sợ hãi mà hắn cố nhét mình vào trong một cái bao. "Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu và khi rút chiếc dao nhỏ để gọt bút chì thì chiếc dao ấy cũng đặt trong bao". Tệ hại hơn, "cả bộ mặt hắn dường như cũng ở trong bao". Và cái con người ấy lúc nào cũng có "khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một cái bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài’.

Từ sự bảo thủ chuyên chế dẫn đến sự thu mình trong bao, càng thu mình bao nhiêu càng thể hiện sự bảo thủ bấy nhiêu. Quả là một cái vòng luẩn quẩn trong chính cái bao do hắn tạo ra. Hình ảnh "cái bao" là một "phát hiện nghệ thuật" 'của nhà văn và nó mang ý nghĩa điển hình. "Bao" thường dùng để bọc đồ, đựng đồ. Nhưng trong truyện ngắn của Sê-khốp, "cái bao" ấy dùng để bọc con người, và rộng hơn là để bọc cả một xã hội. Không nhìn thấy, không nghe thấy hay là không muốn nhìn sự đổi thay của cuộc sống, không muốn nghe những âm thanh mới đang rộn vang?

Cuối thế kỷ XIX, thế giới đã có những bước chuyển mình vĩ đại, nước Nga cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Sự biến đổi ấy hẳn sẽ gây nên những rối loạn trong đời sống xã hội. Đối với những con người còn mang trong mình tư tưởng cũ như Bê-li-cốp, tàn dư của chế độ Nga hoàng chuyên chế thì điều đó là khó có thể chấp nhận. Bê-li- cốp lúc nào cũng ngợi ca quá khứ, quá khứ là huy hoàng và là cái ô che chở giúp hắn trốn tránh cuộc sống thực tại. Đó là sự bảo thủ đến cố chấp! Quá khứ là lịch sử. Giữ gìn và bảo vệ quá khứ là tốt, song bảo vệ không đồng nghĩa với bảo thủ. Ở xã hội Việt Nam sau này, vào những năm 30 - 45 khi làn gió Âu hoá tràn vào cũng đã gây nhiều biến động. Một số người tiếp thu nó và một số người chống lại. Mặc dù vậy không có nghĩa là bảo thủ, đóng kín hoàn toàn và tiếp nhận tất cả. Cần bảo vệ cái gọi là bản sắc và tiếp thu những tinh hoa, những giá trị mới để phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Trong bối cảnh xã hội Nga ngạt thở bởi bầu không khí chuyên chế những năm cuối thế kỷ XIX thì những con người như Bê-li-cốp xuất hiện cũng không có gì là lạ. Hay nói khác đi, Bê-li-cốp là một trong những sản phẩm của xã hội Nga cuối thế kỷ XIX - một nhân vật điển hình. Nói như Bi-ê-lin-xki thì đó là "người lạ mà quen biết", kiểu như Chí Phèo của văn học hiện thực Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Thu mình trong bao không dám ngó nhìn những ánh nắng đẹp của bình minh. Cũng chẳng khác gì những con ốc sên cứ cố giấu mình trong lớp vỏ cứng rồi tự cho mình là an toàn, mạnh mẽ. Nhưng chính điều đó khiến con ốc chậm chạp, sợ hãi và trở nên yếu đuối, bạc nhược. Những con người sống trong bao như Bê-li-cốp cũng vậy, cũng mắc chứng bệnh sợ hãi và bạc nhược của loài ốc sên. Cuộc sống làm hắn khó chịu, sợ hãi, buộc hắn phải thường xuyên lo âu và có lẽ như để bào chữa cho thái độ nhút nhát, ghê tởm đối với hiện tại”. Sống giữa hiện tại mà lại sợ hiện tại, sống với cuộc sống mà lại sợ cuộc sống khác nào người phụ nữ muốn có con mà lại ghê tởm, lại sợ người đàn ông. Cái nghịch lý ấy đã tạo ra một con người kì quặc như Bê-li-cốp. Phải chăng đó cũng chính là triết lí sâu sắc của tác phẩm?

Ý nghĩa điển hình của nhân vật Bê-li-cốp còn được biểu hiện trong những nét tính cách, những suy nghĩ. Tất cả đều mang một vẻ thật kỳ quái. "Cả ý nghĩ của mình Bê-li-cốp cũng giấu vào bao". Những ý nghĩ chứa đựng ở trong đầu cũng không an toàn và hắn cần giấu vào bao. Phải cất thật kĩ, gói ghém thật kĩ. Như vậy mới an toàn, ấy thế nhưng hắn vẫn sợ hãi. "Sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì?" Giấu mình trong bao chưa đủ hắn còn giấu cái bao ấy trong một cái hộp. Bằng chứng là quang cảnh căn buồng ngủ của hắn. Với sự miêu tả tỉ mỉ, sự quan sát tinh tường và nhạy cảm của các giác quan, nhà văn đã tái hiện lại căn buồng chật như chiếc hộp của Bê-li-cốp với đủ thứ âm thanh nghe rùng rợn.

Sự ngột ngạt của căn buồng phải chăng cũng là sự ngột ngạt của cả xã hội Nga lúc bấy giờ? Và căn buồng đóng kín của Bê-li-cốp vô hình dung cũng là một điển hình của xã hội ấy? Trong xã hội ấy, với những con người điển hình như Bê-li-cốp, mọi người cũng chịu ảnh hưởng của họ. Hay nói cho đúng hơn họ không dám chống lại hoặc không thể chống lại sự ảnh hưởng đó. Vì sao? Một câu hỏi quả là khó trả lời trong thời điểm ấy. "Dưới ảnh hưởng của những kẻ như Bê-li-cốp, dân chúng trong thành phố đâm ra sợ tất cả: sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, sự giúp đỡ người nghèo. Thậm chí thầy hiệu trưởng cũng phải sợ hắn. Một thực tế thật đáng buồn và cũng thật nực cười.

Ta tự hỏi không biết cuộc đời của những con người như Bê-li-cốp là cuộc đời gì? Hắn trở nên gầy gò hơn và "thu mình sâu hơn trong cái bao của hắn" khi mọi người biết hắn mến Va-ren- ca, chị gái của một đồng nghiệp cùng trường. Hắn tái mét mặt mày, bực dọc bỏ ăn, bỏ buổi lên lớp khi thấy chị em Va-ren-ca đi xe đạp. Đối với hắn như vậy là "không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên".

Nếu thầy giáo mà đi xe đạp thì học sinh chỉ còn nước đi đầu xuống đất. Nhất là đàn bà con gái như Va-ren-ca mà đi xe đạp thì quả là chuyện kinh khủng. Với Bê-li-cốp, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài toán quy định cấm đoán điều này, điều nọ "mới là rõ ràng, quan trọng”. Vì vậy nếu không có chỉ thị nào cho phép thầy giáo được đi xe đạp thì không được làm. Sự bảo thủ bắt đầu từ trong ý nghĩ, quả đúng là như vậy. Những khuôn khổ, những luật lệ đã gò bó con người và chính những con người như Bê -li - cốp cũng tự nhốt mình trong những luật lệ ấy. Để rồi cuối cùng, khi chết đi lại cũng tự chui vào trong những luật lệ ấy. Cũng giống như cái chết của Bê-li-cốp. Hắn chết là phải. Và khi đã nằm trong quan tài, "vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa, cứ hệt như hắn mừng rằng cuối cùng hắn đã được chui vào cái bao mà từ đó không bao giờ hắn phải thoát ra nữa".

Người trong bao cuối cùng cùng chui vào bao và đối với Bê-li-cốp, điều đó là hạnh phúc nhất. Nghĩa là, hắn đã đạt được mục đích cuộc đời.

Thật đáng thương.- Cái chết của Bê-li-cốp phải chăng là sự giải thoát đối với hắn, đối với xã hội? Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi thoát khỏi hắn, thoát khỏi sự ngột ngạt của những quy ước, luật lệ. Thế nhưng chỉ là phút chốc thôi. Cuộc sống lại trở về nhịp điệu cũ, mệt mỏi, nhàm chán, vô vị và nặng nề dù không bị chỉ thị nào cấm đoán. Vì sao? Bởi trong thực tế xã hội ấy còn bao nhiêu con người Bê-li-cốp. Và đó là hệ quả tất yếu của một xã hội chuyên chế và bảo thủ. Nó cũng gần giống như xã hội Việt Nam phong kiến đã đẻ ra Chí Phèo và những đứa con của nó. Một sự so sánh không mấy khập khiễng. Bởi để có thể xóa đi những con người đó thì xã hội cần thay đổi. Không phải một cá nhân con người nào mà là cả một lớp người, cả xã hội. Phải chăng đó cũng là động lực cho sự bùng nổ của cách mạng tháng mười sau này?

Cũng giống như Chí Phèo, Bê-li-cốp là sản phẩm của một chế độ xã hội, là một nhân vật điển hình cho nền văn học hiện thực Nga cuối thế kỷ XIX. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét: "Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh; hình thù và tên họ nhân vật đã thành một cái sự đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn còn tác dụng lớn". Nghĩa là nó cảnh tỉnh chúng ta trước những kẻ giống như "người trong bao", trước tình trạng xã hội như Người trong bao. Phải lật tấm "bao" ấy để nhìn ra lối cho xã hội phát triển".

5. Phân tích nhân vật Bê-li-cốp - Mẫu 4

Sê-khốp một trong những nhà văn lỗi lạc của văn học Nga. Ông không chỉ là nhà viết kịch tài năng, mà còn là một nhà viết truyện ngắn bậc thầy. Người trong bao được viết năm 1880, là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm nổi bật với hình tượng Bê-li-cốp – hình ảnh tiêu biểu cho người dân Nga lúc bấy giờ.

Chân dung Bê-li-cốp được nhà văn lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất để miêu tả. Ông ta là một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp cổ - một thứ tiếng đã trở nên lỗi thời, rất ít người học. Hắn là có một ngoại hình hết sức kì quái, mọi thứ đều được hắn ta cho vào trong “bao”. Trong những ngày đẹp trời nhất hắn vẫn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô, chiếc áo bành tô tô cổ luôn dựng đứng đến lấp cả gương mặt. Không chỉ vậy ra ngoài hắn luôn phải đeo kính râm, lỗ tai nhét bông và ngồi trên xe ngựa nhất định phải kéo mui. Ở nhà, một không gian riêng tư nhưng cái “bao” của hắn vẫn không hề thay đổi, áo khoác vẫn mặc, cửa đóng, then cài, luôn sợ sẽ có kẻ trộm đột nhập. Giường ngủ của Bê-li-cốp được tác giả miêu tả là chật và kín như cái hộp, nóng bức, ngột ngạt, khi ngủ luôn trùm chăn kín đầu. Dường như luôn có nỗi sợ hãi bủa vây xung quanh Bê-li-cốp khiến hắn phải phòng ngừa hết sức. Những chi tiết miêu tả rất sức cụ thể đã cho thấy những chiếc bao hữu hình đang bủa vây, quấn chặt lấy Bê-li-cốp. Đồng thời cũng cho người đọc bước đầu thấy chân dung quái gở, kì quặc của hắn.

Nhưng đó mới chỉ là chân dung bên ngoài, để làm rõ sự kì quái của Bê-li-cốp, Sê-khốp còn đi sâu vào những biểu hiện thế giới bên trong. Bê-li-cốp luôn mang trong mình khát vọng mãnh liệt, ở mọi lúc, mọi nơi đó là “thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một cái bao có thể bảo vệ, ngăn cách hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”. Bởi cuộc sống ngoài kia đối với hắn quả đáng sợ hãi, hắn ghê tởm hiện tại, và hắn luôn ca ngợi quá khứ, cho đó là quãng thời gian huy hoàng, đẹp đẽ nhất, chính bởi vậy nghề dạy tiếng Hi Lạp cổ cũng thật phù hợp với hắn. Hắn tôn thờ những chỉ thị, thông tư, đối với hắn chỉ có những bài báo cấm đoán mới là điều rõ ràng. Và con người đó còn thường trực trong đầu suy nghĩ “nhỡ xảy ra chuyện gì”. Những chi tiết mô tả tâm lí bên trong của Bê-li-cốp đã cho ta thấy đầy đủ hơn kiểu “người trong bao” của xã hội Nga cuối thế kỉ XIX. Hắn luôn lo lắng, sợ hãi, phải tự bao bọc bản thân để có thể tránh sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bê-li-cốp không phải bỗng dưng xuất hiện, hắn chính là con đẻ của xã hội tù túng, ngột ngạt của xã hội Nga chuyên chế lúc bấy giờ.

Trong mối quan hệ với mọi người, Bê-li-cốp cũng tỏ ra mình là kẻ hết sức kì cục. Tạo mối quan hệ với mọi người là điều tất yếu đối với mỗi con người khi chúng ta đang sống trong một tập thể, một cộng đồng. Bê-li-cốp ý thức rất rõ điều đó, chỉ có điều cách hắn làm chỉ khiến người khác hoảng sợ, ghét bỏ: “Hắn có một thói quen kì quặc là đi hết nhà này đến nhà khác” hắn “kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm vật gì. Hắn cứ ngồi im như phổi thế rồi độ một giờ sau thì cáo từ. Hắn gọi đó là cách duy trì những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp”. Sê-khốp đã thật khéo léo khi lựa chọn chi tiết này, nó đã giúp bổ sung tính cách “trong bao” của hắn ở cách cư xử, hành động. Hắn ta tưởng rằng làm như vậy là đúng đắn mà không hề nhận ra mình đang quấy rầy, đang làm người khác ghê sợ. Lối sống của hắn và những người như hắn đã khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng, những nỗi sợ vô hình cứ thế chất chồng lên những con người bình thường: “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách,, giúp đỡ người nghèo, sợ dạy học chữ”. Những nỗi sợ thật vô lí nhưng lại hợp lí khi cuộc sống của những con người nơi đây bị tắm đẫm trong những tư tưởng, lối sống trong bao của Bê-li-cốp. Một thói quen kì quặc của Bê-li-cốp nhưng lại có thể khống chế được cả một trường học, một thành phố trong cả chục năm trời, đó quả là một điều phi lí. Giọng kể có vẻ khách quan nhưng đằng sau đó ta vẫn thấy giọng điệu châm biếm, phê phán của tác giả.

Không chỉ vậy, Bê-li-cốp còn rất dị ứng và sợ những cái mới. Trong cuộc đời hắn ta, chưa bao giờ hắn nhìn thấy một người con gái cưỡi xe đạp, bởi vậy khi nhìn thấy Va-ren-ca cưỡi xe đi qua, mặt hắn ngẩn ra, trắng bệch, dường như không thể tin vào mắt mình. Điều đó làm hắn khó chịu, hoảng hốt và hắn quyết định đến nhà Cô-va-len-cô để giảng giải mọi điều. Hắn giãi bày tâm sự, hắn không hiểu vì sao mà mọi người lại giễu cợt mình, bởi lúc nào hắn “cũng cư xử như một người tử tế, đúng đắn”. Bê-li-cốp rất có ý thức về bản thân mình, nhưng lại không đủ minh mẫn để nhận thấy sự kì quặc về chính mình, luôn sống trong ngộ nhận. Ý đồ giảng giải không được thực hiện, hắn bị Cô-va-len-cô đánh ngã dúi trên bậc thang, cùng với tiếng cười giòn tan khi Va-ren-ca đi về đã làm hắn nhục nhã, xấu hổ trở về nhà nằm một tháng sau rồi chết. Hắn chết nhưng không đau buồn, tiếc thương, bởi hắn đã được ở trong chiếc bao vĩ đại, chắc chắn nhất mà hắn không bao giờ phải chui ra nữa, đó cũng chính là mục đích cuộc đời hắn, vẻ mặt Bê-li-cốp trở nên hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có cả phần tươi tỉnh. Và cái chết đó cũng làm cho những người xung quanh như thoát được khỏi một gánh nắng “Từ nghĩa địa trở về, lòng chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái”. Nhưng sự thoải mái ấy cũng chỉ diễn ra chỉ trong một tuần, một tuần sau cái chết của Bê-li-cốp mọi thứ lại trở về như cũ. Vậy vấn đề ở đây không phải chỉ bởi cá nhân Bê-li-cốp mà rộng hơn là cái bao ngột ngạt của xã hội chuyên chế Nga hoàng lúc bấy giờ đã kìm kẹp, giam hãm con người. Hoàn cảnh ấy đòi hỏi con người phải thức tỉnh, đứng lên đấu tranh. Cái chết của Bê-li-cốp cũng như một lời dự báo về cuộc cách mạng sau này.

Xây dựng nhân vật Bê-li-cốp, tác giả đã lựa chọn những chi tiết điển hình nhất. Trong truyện ngắn này hay bất cứ truyện ngắn nào mọi chi tiết ông xây dựng đều vừa vặn, khéo léo, không có bất cứ chi tiết thừa. Những chi tiết nhỏ nhặt cũng góp phần khắc họa tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Nhân vật Bê-li-cốp là nhân vật điển hình của kiểu người trong bao của xã hội. Nghệ thuật kể truyện đặc sắc, giúp có cái nhìn chân thực, khách quan nhất về nhân vật. Giọng điệu biến đổi linh hoạt, thể hiện quan điểm của người viết về đối tượng.

Bằng con mắt quan sát tinh tường, Sê-khốp đã phát hiện ra “cái tầm thường dung tục” tưởng là rất đỗi bình thường trong nhân vật Sê-khốp. Hình tượng người trong bao Sê-khốp không chỉ là vấn đề của một thời mà nó là vấn đề xã hội muôn đời. Trong mỗi chúng ta ai cũng tồn tài một Bê-li-cốp, việc của chúng ta là phải phá bỏ mọi rào cản, để không trở thành những “cái bao” quái giở của xã hội. Tác phẩm và hình tượng của Sê-khốp có ý nghĩa, giá trị muôn đời.

6. Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong tác phẩm Người trong bao

Nhân vật trong tác phẩm văn học có chức năng tái hiện cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Cũng như bao nhân vật khác trong trang văn, Bê-li-cốp là hình tượng nhân vật được tác giả Sê-khốp khắc họa thật tài tình dưới ngòi bút châm biếm, đả kích con người sống trong chế độ xã hội tù túng, ngột ngạt. Bê-li-cốp là nhân vật mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn mà nhà văn gửi gắm khi thực hiện nhiệm vụ là “thư kí trung thành của thời đại”.

Quảng Cáo
Bê-li-cốp hiện lên qua lời của một đồng nghiệp trong trường với nhân vật kể lại cho bác sĩ I-van I-va-nứt nghe. Có lẽ người đọc sẽ thật ấn tượng với ngoại hình kì dị của hắn “nổi tiếng về điều là lúc nào cũng vậy, thậm chí cả khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông”. Những chi tiết tưởng chừng như vặt vãnh, nhỏ lẻ thì lại được tác giả miêu tả chi tiết, tỉ mỉ như chiếc ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao nhỏ gọt bút chì, bông nhét lỗ tai, cổ áo, kính râm, kéo mui xe ngựa… tất cả đều làm nổi bật lên chân dung kì quái, lạ đời và nét tính cách nhân vật. Trong tất cả các chi tiết đó có đôi giày cao su, cái ô gắn liền với Bê-li-cốp quanh năm suốt tháng, khiến cho nhân vật hiện lên như một bức tranh biếm họa. Đó là khi đi ra đường còn về nhà hắn cũng chẳng được thông thoáng hơn một chút: “vẫn mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then, có đủ sự ngăn cấm và hạn chế”. Bê-li-cốp thật dị thường với vẻ bề ngoài khiến cho người ta tò mò không hiểu vì sao hắn lại như vậy?

Tất cả là bởi từ trong suy nghĩ luôn luôn “Sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”. Có đến năm lần Bê-li-cốp lặp lại chi tiết này, dường như sự sợ hãi chẳng bao giờ rời khỏi hắn ta. Nỗi sợ ấy thường trực cả trong những thói quen giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày. Khi đi đến chơi nhà đồng nghiệp hắn thường “kéo ghế ngồi, hắn thường chẳng nói chẳng rằng mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm vật gì. Ngồi im như phỗng rồi độ một giờ sau thì cáo từ”. Ngay cả cái buồng ngủ cũng chật như một cái hộp, khi ngủ thường kéo chăn trùm đầu kín mít, nằm trong chăn nhưng “hắn vẫn cảm thấy rợn rợn. Hắn sợ nhỡ lại có chuyện gì, sợ kẻ trộm chui vào nhà”. Sê-khốp đã phát hiện ra ở nhân vật có một khao khát mãnh liệt là được thu mình trong vỏ bọc, hắn tự tạo ra những “cái bao”để chui vào trong đó cho an toàn. Nhưng vẫn chẳng thể an tâm và chính nỗi sợ hãi cũng là một cái bao để hắn chui vào. Bên cạnh những cái bao hữu hình ngoài đời thực còn có những cái bao vô hình như ngợi ca quá khứ, ngợi ca những cái không có thật, ngợi ca thứ tiếng Hi Lạp cổ, che giấu suy nghĩ là những cái bao mà hắn tự tạo ra để bao bọc bản thân khỏi bị tác động bởi ngoại cảnh bên ngoài.

Bê-li-cốp còn là một con người có tư tưởng bảo thủ và luôn tôn thờ chính quyền thậm chí là sợ hãi cấp trên vô cùng. Khi hắn thấy hai chị em Cô-va-len-cô đạp xe ngoài đường thì trong thâm tâm hắn dù có thích Va-ren-ca rất nhiều thì cũng không thể chấp nhận nổi hành động đó của một người con gái, một giáo viên đứng lớp nên đã kịch liệt phản đối và đến nhà họ để cho lời khuyên, nhưng khi nghe lời đe dọa của Cô-va-len-cô “Kẻ nào thò mũi vào chuyện riêng nhà ta, ta cho chầu Diêm Vương tất” phản ứng của hắn trở nên gay gắt vô cùng: “Tôi yêu cầu anh khi có mặt tôi, đừng bao giờ nói như thế về cấp trên. Anh cần phải có thái độ kính trọng đối với chính quyền”. Người ta có thể tôn thờ, ủng hộ cho chính quyền tốt đẹp còn hắn sợ động đến cấp trên (hiệu trưởng và thanh tra) không thể phân biệt nổi đâu là tốt là xấu. Hắn chỉ muốn che đậy đi tâm lí run sợ của mình trước quyền lực tối cao. Đặc biệt câu nói cuối cùng khi hắn đe dọa Cô-va-len-cô: “tôi chỉ muốn báo trước cho anh rằng…Tôi sẽ phải làm việc đó” đã lí giải cho nguyên nhân vì sao hắn lại trở nên lo lắng, hèn nhát, bạc nhược khi nói đến chính quyền bởi lúc nào hắn cũng sợ bị người khác nghe thấy, sợ bị xuyên tạc, vu cáo. Chính câu nói đã khắc họa sâu thêm tính cách, lối suy nghĩ của nhân vật. Dường như trong mắt hắn cuộc sống này luôn đầy rẫy những thứ xấu xa, đê hèn và hoàn cảnh xung quanh hắn đã tạo nên cái vỏ bọc hoàn hảo.

Không chỉ vậy hắn còn luôn sợ bị “thành trò cười cho thiên hạ” khi bị đánh ngã từ trên cầu thang xuống, việc làm đầu tiên của Bê-li-cốp là “sờ lên mũi xem kính có còn nguyên vẹn không”đối với hắn sĩ diện quan trọng hơn tính mạng con người, hắn sợ chuyện này sẽ đến tai hiệu trưởng, thanh tra rồi họ sẽ ép mình về hưu non. Tiếng cười “haha” của Va-ren-ca đã chấm dứt chuyện cưới xin và chấm dứt cả cuộc đời Bê-li-cốp. Cái chết của hắn thật bất ngờ mà cũng không bất ngờ chút nào. Bất ngờ là bởi mọi người trong thành phố khá ngạc nhiên và có phần vui mừng bởi lối sống lập dị của anh ta đã khống chế trường học trong suốt mười lăm năm và cả thành phố nữa “Các bà cô tối thứ bảy không dám tổ chức diễn kịch tại nhà nữa, sợ rằng hắn biết thì lại phiền, giới tu hành khi có mặt hắn không dám ăn thịt và đánh bài”. Không bất ngời bởi đây là dụng ý nghệ thuật của nhà văn dùng cái chết để càng đậm tô tính cách nhân vật bởi khi nằm trong quan tài, vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu thậm chí có vẻ tươi tỉnh như hắn đang mừng rỡ, mãn nguyện khi được nằm trong “cái bao” tốt nhất, bền vững nhất.

Nhân vật Bê-li-cốp đã được khắc họa thật chi tiết, tỉ mỉ từ ngoại hình bên ngoài đến suy nghĩ, hành động khác người, khác thường, dị biệt. Hắn vừa là tội nhân cũng vừa là nạn nhân, vừa đáng thương cũng vừa đáng trách cho một kiếp người sống vô nghĩa. Hắn là tội nhân vì đã reo rắc ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người xung quanh, tội nhân vì chính người như hắn là con đẻ của chế độ xã hội phong kiến Nga ở cuối thế kỉ XIX. Hình tượng ấy không phải mang tính chất cá nhân mà nó là căn bệnh chúng của toàn xã hội. Bê-li-cốp đã chết nhưng còn biết bao nhiêu người trong bao trong tương lai như thế. Sự ảnh hưởng và tác động dai dẳng của Bê-li-cốp trong xã hội cũ đầy ám ảnh, đầu độc cuộc sống con người. Trong xã hội ngày nay cũng có không ít kẻ vẫn đang tìm cho mình một cái bao, tạo những cái vỏ bọc cho bản thân, phó mặc cho cuộc đời. Đó là lối sống ích kỉ, hèn nhát không đáng để được tồn tại. Qua hình tượng nhân vật Bê-li-cốp nhà văn đã cất lên tiếng nói phê phán kiểu người có lối sống trong bao, trốn tránh thực tại, không dám đối diện với hiện thực và cũng là lên án, tố cáo xã hội Nga đương thời tù túng, ngột ngạt. Nhà văn đã thức tỉnh và kêu gọi mọi người thay đổi cách sống không thể sống theo kiểu “Người trong bao” hèn nhát, bạc nhược và ích kỉ như vậy.

Sê-khốp chọn ngôi kể thứ ba để đặc tả hình tượng nhân vật Bê-li-cốp cho thấy con người hắn hiện lên chân thực, khách quan với giọng kể mỉa mai, phê phán để lại cho độc giả có cái nhìn về xã hội và con Nga lúc bấy giờ. Đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày ấy vẫn còn tác dụng lớn”. Bê-li-cốp không chỉ phản ánh lại hiện mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mọi thời đại.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 911
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi