(Mới cập nhật) Vợ chồng A Phủ: tác giả, tác phẩm

Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Trong bài viết này Hoatieu đã hệ thống lại các kiến thức về tác giả tác phẩm Vợ chồng A Phủ để các bạn có thêm kiến thức ôn tập môn Ngữ Văn lớp 12.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc tác giả, tác phẩm Vợ chồng A Phủ ngắn gọn giúp các bạn nắm được Vợ chồng A Phủ tác giả tác phẩm nội dung nghệ thuật cũng như hoàn cảnh sáng tác Vợ chồng A Phủ. Có thể nói, tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một trong số các tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 12 và thường xuất hiện trong các đề văn THPT quốc gia. Hy vọng với nội dung tác giả, tác phẩm Vợ chồng A Phủ dưới đây của Hoatieu sẽ giúp các thí sinh nắm vững hơn về tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Tác giả Tô Hoài Vợ chồng A Phủ

1. Tác giả tác phẩm Vợ chồng A Phủ ngắn gọn

1. Tác giả

- Tô Hoài là một nhà văn sớm tham gia cách mạng và hoạt động văn nghệ phục vụ cách mạng.

- Ông là người am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của nhiều vùng miền trên đất nước.

- Văn của ông có sức lôi cuốn, lay động lòng người bởi lối trần thuật sinh động của một người từng trải.

2. Tác phẩm

- Tác phẩm chính: “Dế Mèn phiêu lưu kí”, “O chuột”, “Truyện Tây Bắc”, …

- Xuất xứ:“Vợ chồng A Phủ” in trong tập truyện “Truyện Tây Bắc”.

- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội giải phóng vùng cao Tây Bắc, tác giả đã tận mắt chứng kiến cuộc sống tối tăm, tủi nhục của nhân dân Tây Bắc dưới ách thống trị của thực dân phong kiến. Đồng thời nhà văn cũng cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp mà đồng bào nơi đây dành cho cách mạng.

2. Tác giả Tô Hoài Vợ chồng A Phủ

- Tô Hoài sinh năm 1920 mất năm 2014, tên khai sinh là Nguyễn Sen

- Quê quán: quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), nhưng sinh ra và lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghãi Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công

- Thời trẻ, ông phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề như làm gia sư, dạy kèm trẻ, bán hàng, làm kế toán hiệu buôn,… và nhiều khi thất nghiệp

- Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến, ông làm báo và hoạt động nghệ thuật ở Việt Bắc

- Tô Hoài bước vào con đường văn học bằng một số bài thơ có tính chất lãng mạn và một số cuốn truyện vừa, viết theo dạng võ hiệp nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang văn xuôi hiện thực và được chú ý ngay từ những sáng tác đầu tay.

- Ông là một nhà văn lớn với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục (gần 200 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau) trong văn học hiện đại Việt Nam

- Năm 1996, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

- Các tác phẩm chính: Dế mèn phiêu liêu kí (truyện, 1941), O chuột (tập truyện, 1942), Quê người (tiểu thuyết, 1942), Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Miền Tây (tiểu thuyết, 1967), Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992), Chiều chiều (tự truyện, 1999), Ba người khác (tiểu thuyết, 2006)

- Quan điểm sáng tác: Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường. Theo ông “Viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật, đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”

- Phong cách sáng tác:

+ Thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú về phong tục, tập quán của nhiều vùng miền

+ Lối trần thuật sinh động, hóm hỉnh của người từng trải

+ Vốn từ vựng phong phú đưuọc sử dụng đắc địa, tài ba, có sức lay động, lôi cuốn người đọc

3. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ

3.1. Hoàn cảnh sáng tác Vợ chồng A Phủ

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc trong tập Truyện Tây Bắc (1953) Đó là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài mà tác giả đã "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Tác giả đã thổ lộ "Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên".

- Qua hoàn cảnh sáng tác đó giúp cho người đọc không những hiểu thêm mà còn xúc động trước cuộc sống nô lệ đầy tủi nhục của đồng bào dân tộc nghèo miền núi Tây Bắc (trong tác phẩm là Mị và A Phủ) dưới ách thống trị của phong kiến (cha con lí Pá Tra và thực dân) đồng thời hiểu thêm về sức sống tiềm tàng mãnh liệt cũng như con đường mà họ đã đến với Cách mạng.

3.2. Tóm tắt nội dung Vợ chồng A Phủ

Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. A Phủ là một chàng trai nghèo, mô côi, khỏe mạnh, gan góc, giỏi lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, phải vay vốn thống lí để nộp phạt, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ trong nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.

3.3. Bố cục Vợ chồng A Phủ (3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “bị đánh vỡ đầu”): Cuộc sống và diễn biến tâm trạng của Mị khi ở nhà thống lí Pá Tra

- Phần 2 (tiếp đó đến “đánh nhau ở Hồng Ngài”): Hoàn cảnh của A Phủ và cuộc xử kiện ở nhà thống lí Pá Tra

- Phần 3 (còn lại): Mị cởi trói cho A Phủ và hai người chạy trốn khỏi Hồng Ngài

3.4. Giá trị nội dung Vợ chồng A Phủ

- “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về những người dân lao động vừng núi cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do

- Truyện cũng nói lên ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân

3.5. Giá trị nghệ thuật Vợ chồng A Phủ

- Ngôn ngữ giản dị, sinh động, hấp dẫn

- Xây dựng nhân vật đặc sắc, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, tài tình

- Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình, vừa giàu chất thơ.

3.6. Mở bài giới thiệu tác giả, tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Tô Hoài được coi là một trong những cây đại thụ của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Nếu như mỗi nhà văn đều chọn cho mình một vùng không gian riêng để thể hiện cái tôi, thể hiện những xúc cảm thì đối với Tô Hoài, Tây Bắc chính là vùng đất mà ông đã lựa chọn để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật. Với tấm lòng luôn hướng về nhân dân, sự đồng cảm với những nỗi đau của người dân Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ đã được ra đời như một bản tuyên ngôn vùng lên tìm sự sống và khát khao tự do của người dân miền núi.

4. Giới thiệu chung Vợ chồng A Phủ

“Vợ chồng A Phủ” chủ yếu kể về cuộc đời của nhân vật Mị, cũng là cuộc đời, số phận của người phụ nữ vùng cao Tây Bắc dưới chế độ phong kiến miến núi. Cuộc đời Mị chia làm những chặng đường, cho dù có lúc Tô Hoài phải để nhân vật của mình đi qua bóng tối khổ đau nhưng mỗi chặng là một bước quan trọng đưa nhân vật đến gần với ánh sáng của tự do, hạnh phúc.

Vợ chồng A Phủ không những bộc lộ tài năng nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài mà còn thể hiện tình yêu thiên nhiên và tấm lòng nhân đạo của ông với con người Tây Bắc, góp phần làm sáng tỏ cảm hứng lãng mạn cách mạng của văn xuôi Việt Nam 1945-1975.

5. Những chi tiết đắt giá trong Vợ chồng A Phủ

Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài khi viết về cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Tác phẩm mang màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình. Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” tác giả đã cho người đọc cảm nhận được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo rõ nét của tác phẩm. Và đây cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm thường xuất hiện trong các kì thi quan trọng. Dưới đây là một số những chi tiết đắt giá trong Vợ chồng A Phủ, mời các bạn cùng tham khảo.

Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân

Có thể nói cuộc sống của Mị đã hoàn toàn chấm dứt kể từ khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, cô mất đi ý thức sống của một con người và quen với cảnh phải chịu đựng. Thân phận của Mị không khác gì hơn một con ở cho nhà chồng, thậm chí không bằng. Những tưởng sức sống đã mất, sự phản kháng đã không còn song đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài, sự chai sạn ấy bị đánh thức bởi tiếng sáo gọi bạn trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo là chi tiết xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau. Lúc đầu là tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếp đến nó văng vẳng ở đầu làng, “lửng lơ bay ngoài đường”. Và rồi giữa Mị và tiếng sáo không còn khoảng cách. Âm thanh ấy len lỏi vào trong tâm trí của Mị

Tiếng sáo đánh thức về những hồi ức tươi đẹp ở quá khứ trong Mị, Mị từng có một thời trẻ trung xinh đẹp, tràn đầy sức sống thời thanh xuân, phơi phới như mùa xuân đang về trên bản làng. Những hồi ức tưởng như đã bị chôn chặt rất lâu nay đột ngột bùng cháy lại.

Tiếng sáo đánh thức bản năng trong Mị, đó là bản năng được sống, được làm con người thực sự. Mị trong đêm tình mùa xuân rất khác với Mị của những ngày thường. Trong khoảnh khắc ấy cõi lòng mị băng qua mọi khoảng cách không gian, thời gian để trở về sống trọn vẹn với tuổi trẻ tươi đẹp. Chính kí ức ấy là minh chứng cho thấy khát khao về tình yêu, về hạnh phúc vẫn luôn được ấp ủ, gìn giữ trong sâu thẳm tâm hồn Mị; bao đau khổ đọa đày của kiếp đời nô lệ không thể chôn vùi được trong khát vọng sống ấy. Mị ý thức được mong muốn của mình, Mĩ muốn đi chơi, Mị không muốn sống cuộc đời của một nô lệ nữa. Ngay cả khi bị A Sử trói, “ tiếng sáo vẫn rập rờn” trong đầu Mị, điều này chứng tỏ sợi dây cường quyền, thần quyền đã không còn trói buộc được tâm hồn của Mị nữa. Mị đang từng bước tìm lại bản thân và có sự phản kháng mãnh liệt. Tiếng sáo mùa xuân là chi tiết báo hiệu sự trỗi dậy của một tâm hồn tưởng như đã chết của Mị.

Chi tiết giọt nước mắt của A Phủ

Miêu tả về giọt nước mắt của A Phủ, Tô Hoài đã viết như sau: “hai mắt A Phủ vừa mở, một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”

Chỉ với một vài câu chữ, Tô Hoài đã miêu tả xuất sắc nỗi đau của nhân vật. A Phủ là một người đàn ông mạnh mẽ, ngang tàng không chịu khuất phục trước các thế lực thù địch. Một con người với ý chí kiên cường bất khuất như vậy nay lại phải chịu cảnh bị trói, bị gông cùm. Giọt nước mắt rớt xuống tượng trưng cho sự bất lực của A Phủ trước vòng trói của số phận. Nó thể hiện sự lo sợ trước cái chết đang cận kề mà không thể nào vùng thoát. Có lẽ đó là giọt nước mắt của cả một dân tộc, đã và đang bị áp bức. Nhưng đồng thời cũng thể hiện khát vọng sống mãnh liệt trong A Phủ.

Đồng thời, giọt nước mắt ấy có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Mị, mang đến những thay đổi lớn bên trong người đàn bà bất hạnh ấy. Giọt nước mắt của A Phủ đã mang đến sự thay đổi lớn lao trong tâm lí của Mị. Mị nhớ lại mình cũng từng bị trói đứng như thế, sợi dây thít chặt vào thân thể, Mị khóc nhưng cũng không thể tự lau nước nước. Nhớ đến tình cảnh của bản thân, Mị đã đồng cảm sâu sắc với nỗi cô đơn và tuyệt vọng của A Phủ. Như vậy, giọt nước mắt không chỉ giải thoát cho A Phủ mà còn giải thoát cho chính Mị, đánh dấu sự chuyển biến tâm lí trong những nhân vật.

Chi tiết Mị cắt dây trói A Phủ

Cũng giống như Tnú dùng bàn tay mỗi ngón bị cụt một đốt của mình để cầm súng giết giặc (trong tác phẩm Rừng Xà Nu), Mị đã dùng bàn tay nhỏ bé của mình để cắt dây cởi trói cho A Phủ đồng thời cũng cắt sợi dây ràng buộc chính mình. Đây là chi tiết có sức gợi rất cao. Nó thể hiện sự chuyển biến tâm lí ngoạn mục trong Mị. Những tưởng không ăn khớp với Mị, một cô gái yếu đuối đã cam chịu số phận, nhưng thực chất lại rất hợp lý. Bởi trước đó đã có những dấu hiệu làm tiền đề cho sự nổi loạn của Mị về sau. Giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức sự đồng cảm trong Mị và việc cắt dây cởi trói cho A Phủ là một hành động tất yếu cho chuỗi diễn biến tâm trạng của Mị. Thực chất, quá trình Mị cắt dây trói và chạy theo A phủ là một quá trình tự nhận thức: Nhận thức tại xã hội tàn bạo, lạnh lùng. Mị cứu A Phủ bởi cô thấy sự bất công, phi lí sắp giết chết một con người vô tội và nhận thức “người” cũng là để qua đó nhận thức, soi sáng “mình”

Hành động cắt dây như một hành động đạp đổ cường quyền và thần quyền, dành lại cho mình quyền quyết định, đánh dấu sự chiến thắng của sức mạnh nội tâm, một lời khẳng định đanh thép, rằng không một thế lức nào có thể khuất phục được ý chí của con người, đặc biệt là với ý chí khao khát tự do.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
51 168.575
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm