4 bài phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt

Người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cũng là một nhân vật để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ bài phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà làng chài để các bạn cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam giàu lòng vị tha qua các nhân vật.

1. Dàn ý phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người Vợ nhặt và người đàn bà làng chài

a) Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và hai nhân vật trong hai tác phẩm:

+ Kim Lân là nhà văn chuyên viết về nông thôn và cuộc sống người dân quê, có sở trường về truyện ngắn. Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc, viết về tình huống “nhặt vợ” độc đáo, qua đó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất tốt đẹp của những con người bình dị trong nạn đói thê thảm.

+ Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu thời chống Mỹ, cũng là cây bút tiên phong thời đổi mới. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc ở thời kì sau, viết về lần giáp mặt của một nghệ sĩ với cuộc sống đầy nghịch lí của một gia đình hàng chài, qua đó thể hiện lòng xót thương, nỗi lo âu đối với con người và những trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ.

+ Người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài hiện lên với vẻ ngoài xấu xí, thê thảm, họ là nạn nhân của xã hội đói nghèo, cơ cực bị cuộc sống mưu sinh vắt kiệt sự sống.

b) Thân bài

* Nhân vật người vợ nhặt

– Giới thiệu chung: Tuy không miêu tả thật nhiều nhưng nhân vật người vợ nhặt vẫn là một trong ba nhân vật quan trọng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc họa sống động, theo lối đối lập giữa bề ngoài và bên trong, ban đầu và về sau.

– Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu:

+ Phía sau tình cảnh trôi dạt, vất vưởng là một lòng ham sống mãnh liệt.

Chấp nhận theo không anh Tràng – một người đàn ông xấu xí, nghèo khổ về làm vợ vừa là con đường chạy trốn với cái đói, cái chết vừa thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt
+ Phía sau vẻ nhếch nhác, dơ dáng, lại là một người hiểu biết, ý tứ. (dẫn chứng)

+ Bên trong vẻ chao chát, cong cớn, chỏng lỏn lại là một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, biết lo toan.

Trước sự bàn tán của người dân xóm ngụ cư chị ta dù không thoải mái nhưng cũng chỉ dám lầm bầm trong miệng.

Trước ngôi nhà lụp xụp của mẹ con anh Tràng, dù thất vọng nhưng c cố nén thất vọng trong tiếng thở dài cố nén, trong ánh mắt tối lại.

Chủ động làm quen, buổi sáng đầu tiên về nhà chồng chị ta cũng chủ động dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, chuẩn bị mâm cơm gia đình.

* Nhân vật người đàn bà hàng chài

– Giới thiệu chung: Là nhân vật chính, có vai trò quan trọng với việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc họa sắc nét, theo lối tương phản giữa bên ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

– Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu:

+ Bên trong ngoại hình xấu xí, thô kệch là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. (dẫn chứng)

+ Phía sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục vẫn là một người có khát vọng hạnh phúc, can đảm, cứng cỏi.

Không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no.

Hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông.

Hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.

+ Phía sau vẻ quê mùa, thất học lại là một người phụ nữ thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời, giàu tình thương

So sánh

Nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật:

– Tương đồng: Cả hai nhân vật đều là những thân phận bé nhỏ, nạn nhân của hoàn cảnh. Những vẻ đẹp đáng trân trọng của họ đều bị đời sống cơ cực lam lũ làm khất lấp. Cả hai đều khắc họa bằng những chi tiết chân thực…

– Khác biệt: Vẻ đẹp được thể hiện ở nhân vật người vợ nhặt chủ yếu là phẩm chất của một nàng dâu mới, hiện lên qua các chi tiết đầy dư vị hóm hỉnh, trong nạn đói thê thảm. Vẻ đẹp được khắc sâu ở nhân vật người đàn bà hàng chài là những phẩm chất của một người mẹ nặng gánh mưu sinh, hiện lên qua các chi tiết đầy kịch tính, trong tình trạng bạo lực gia đình…

* Lí giải sự khác biệt

- Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt được đặt trong quá trình phát triển, biến đổi từ thấp đến cao (cảm hứng lãng mạn), trong khi đó người đàn bà hàng chài lại tĩnh tại, bất biến như một hiện thực nhức nhối đang tồn tại (cảm hứng thế sự – đời tư trong khuynh hướng nhận thức lại)

- Sự khác biệt giữa con người giai cấp (Vợ nhặt) với quan niệm con người đa dạng phức tạp (Chiếc thuyền ngoài xa) đã tạo ra sự khác biệt này.

c) Kết bài

– Khái quát những nét giống và khác nhau tiêu biểu và nêu những cảm nghĩ của bản thân.

2. Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà làng chài - mẫu 1

Kim Lân là nhà văn có vốn am hiểu sâu sắc về đời sống nông thôn, cuộc sống và số phận của những người nông dân trong xã hội xưa. Trong những tác phẩm của mình, Kim Lân đã hướng ngòi bút đến những con người nghèo khổ, qua đó thể hiện thái độ trân trọng đối với những giá trị tốt đẹp bên trong họ. Vợ nhặt là truyện ngắn như vậy, thông qua tình huống nhặt vợ đầy độc đáo không kém phần lạ lùng, Kim Lân đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào những phẩm chất tốt đẹp ở những con người nghèo khổ bị nạn đói vắt kiệt sự sống. Nguyễn Minh Châu lại là người tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học trong thời đổi mới sau 1975. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu khi viết về cái nghịch lí trong gia đình hàng chài, qua đó tác giả thể hiện nỗi đồng cảm, xót thương đối với con người và những trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ.

Điểm gặp gỡ của nhà văn Kim Lân trong Vợ nhặt và Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa là đều hướng đến tái hiện những thân phận nhỏ bé, bất hạnh, những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Đó là người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”.

Người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài hiện lên với vẻ ngoài xấu xí, thê thảm, họ là nạn nhân của xã hội đói nghèo, cơ cực bị cuộc sống mưu sinh vắt kiệt sự sống. Người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt tuy không được miêu tả nhiều nhưng vẫn hiện lên với những vẻ đẹp đáng trân trọng. Với tài năng miêu tả bậc thầy, Kim Lân đã xây dựng nhân vật đầy sống động, gây bất ngờ với những thay đổi ban đầu và về sau, trong cái đối lập giữa vẻ bề ngoài với những giá trị bên trong.

Người vợ nhặt là nạn nhân của nạn đói, đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết, chị ta sống lang bạt, vất vưởng. Đây cũng là cơ duyên để chị ta gặp gỡ và nên vợ nên chồng với anh Tràng. Tuy nhiên đối lập với cảnh trôi dạt, vất vưởng ấy lại là lòng ham sống mãnh liệt, chị ta chấp nhận theo không anh Tràng – một người đàn ông xấu xí, nghèo khổ về làm vợ vừa là con đường chạy trốn với cái đói, cái chết vừa thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt ở người đàn bà ấy.

Người vợ nhặt hiện lên trong trang văn của Kim Lân với dáng vẻ thê thảm, rách rưới cùng thân hình gày gò xanh xao, bị vắt kiệt sức sống bởi nạn đói. Không chỉ xấu xí, rách rưới mà ấn tượng đầu tiên chị ta mang đến cho độc giả là sự chao chát, chỏng lỏn, một người phụ nữ vô duyên có thể lớn tiếng mắng mỏ và đòi trả công bằng bữa ăn với người đàn ông mà mình từng đẩy xe bò hộ. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong vẻ ngoài nhếch nhác, chỏng lỏn ấy lại là người đàn bà biết điều, một người phụ nữ hiền hậu, một người vợ đúng mực.

Khi theo anh Tràng về nhà, trước sự bàn tán của người dân xóm ngụ cư chị ta dù không thoải mái nhưng cũng chỉ dám lầm bầm trong miệng. Trước ngôi nhà lụp xụp của mẹ con anh Tràng, dù thất vọng nhưng chị ta cũng không bỏ đi hay mắng chửi anh Tràng như trước đó mà chỉ cố nén thất vọng trong tiếng thở dài cố nén, trong ánh mắt tối lại. Khi bà cụ Tứ về, người đàn bà ấy đã chủ động làm quen, buổi sáng đầu tiên về nhà chồng chị ta cũng chủ động dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, chuẩn bị mâm cơm gia đình. Như vậy, ấn tượng về người vợ nhặt hoàn toàn thay đổi khi chị ta theo anh Tràng về làm vợ, đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, bản chất đáng quý bên trong cái xù xì, xấu xí bên ngoài.

Người đàn bà hàng chài là nhân vật chính trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là nạn nhân của đói nghèo, của những trận bạo lực gia đình. Nhân vật người đàn bà được Nguyễn Minh Châu tái hiện rõ nét theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

Bên trong vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục vô nghĩa lí khi chấp nhận chung sống với người chồng vũ phu, chấp nhận cuộc sống như địa ngục lại là một tấm lòng vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh của một người đàn bà hiểu biết. Người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no, chị ta hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông, và trên hết là người đàn bà ấy hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.

Thông qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, ta mới vỡ nhẽ ra rằng người đàn bà ấy không cam chịu một cách vô nghĩa lí, không nhẫn nhục một cách mù quáng, chị ta chấp nhận hi sinh bản thân để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ những điều tốt đẹp mà chị ta trân trọng. Như vậy phía sau vẻ thô kệch, quê mùa lại là người phụ nữ thấu hiểu lẽ đời, một người giàu tình thương.

Như vậy, cả người vợ nhặt và người đàn bà đều là đối tượng mà Kim lân và Nguyễn Minh Châu đồng cảm và trân trọng, bên trong vẻ ngoài xấu xí, thô kệch lại là những vẻ đẹp khuất lấp đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu người vợ nhặt hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp của nàng dâu mới thì người đàn bà hàng chài lại hiện lên với những phẩm chất của người mẹ nặng gánh mưu sinh. Nét khác biệt của mỗi nhân vật làm nên cái đặc sắc của mỗi tác phẩm.

3. Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà làng chài - mẫu 2

Đều là những người phụ nữ trong những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, khó khăn, khổ đau nhưng cả người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài đều bộc lộ những vẻ đẹp riêng của mình. Đây đều là những người phụ nữ bất hạnh nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách của họ đều là những điểm sáng cho hai tác phẩm.

Người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân không được ưu ái về ngoại hình xuất thân đồng thời khi thị xuất hiện trong tác phẩm, đến cả tính cách của thị cũng khiến người đọc phải ngã ngửa. Đó là một người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, là một con người khá vô duyên, xấu xí. Khi Tràng hò bông đùa một câu hò thị cũng xấp mải chạy đến đẩy xe bò cho anh. Sau đó mấy hôm, thị xuất hiện trước mặt Tràng lần nữa và khiến Tràng phải giật mình vì vẻ ngoài của mình. Sự đen đúa, xám xịt vì đói khiến thị trở nên khó nhận dạng, thế nhưng vẫn cái tính cách trơ trẽn ấy, thị chạy lại đòi Tràng mời ăn và khi được Tràng mời ăn bánh đúc thì thị cúi đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng nhìn ai. Mãi đến khi đánh chén xong xuôi thị mới ngẩng đầu lên, cầm đôi đũa quẹt ngang miệng và chép miệng khen ngon. Ở người vợ nhặt lúc này, người ta không tìm thấy một chút biểu hiện của sự nhẹ nhàng, duyên, dáng, tinh tế của những người phụ nữ. Chỉ có ở đây một người đàn bà cố phần thô thiển, trâng tráo. Thế rồi không đợi Tràng phải mở lời lần thứ hai thị đã gật đầu cái rụp theo Tràng về nhà đồng ý làm vợ anh. Người vợ nhặt ở phần đầu câu chuyện càng bỗ bã, vô duyên bao nhiêu thì đến phần sau thị lại khéo léo, tế nhị bấy nhiêu. Thị biết thẹn thùng khi theo Tràng về nhà, biết ý tứ ngồi mớm ở mép giường. Biết gia cảnh nhà Tràng, thị cũng chỉ nén một tiếng thở dài chứ không sừng sộ, bỏ đi. Thị còn rụt rè, lo sợ khi gặp mẹ chồng. Sáng hôm sau, thị dậy thật sớm cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, phát quang ruộng vườn. Thị bỗng hóa thân thành một nàng dâu hiền thảo, một cô Tấm giữa đời thực. Khi mẹ chồng bưng ra mời cô con dâu mới nồi cháo cám, thị cũng không hề có những phản ứng thô thiển như lúc trước mà chỉ lặng lẽ và miếng cháo chát nghẹn vào miệng. Rồi thị kể cho Tràng và mẹ nghe những câu chuyện về những người đi phá kho thóc, gieo vào lòng họ những niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì ban ban đầu khi nghệ sĩ Phùng gặp gỡ và chứng kiến lần đầu tiên đã cho thấy đây cũng là một người đàn bà có ngoại hình không lấy gì làm đẹp đẽ. Đã vậy, chị lại cam chịu, cam chịu một cách hèn mọn, để chồng đánh mình, con xông vào can thì chị ngăn cản. Khi Phùng và Đẩu gọi chị đến tòa án và khuyên chị li hôn chị lại một mực từ chối. Người phụ nữ ban đầu bước vào tòa án với vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát bỗng dưng chuyển mình thay đổi thành một con người làm chủ, chủ động giải thích về hoàn cảnh của mình. Hóa ra chính chị lại là người chu đáo, tỉ mỉ. Chị biết nghĩ cho từng thành viên trong gia đình, biết cân nhắc nặng nhẹ lớn nhỏ, biết nhìn xa trông rộng. Chị hiểu rằng li hôn không phải là cách giải quyết tốt nhất ngược lại còn khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Sau khi nghe chị giải thích cả Phùng và Đẩu mới ngộ ra được nhiều điều, hóa ra họ cũng chỉ hiểu được phần nổi của câu chuyện, chỉ nắm được lí thuyết suông mà không biết rằng, thực tế cuộc sống còn rất nhiều khía cạnh, rất nhiều điều mà họ không biết tới. Chính người đàn bà hàng chài lúc này mới là người dạy cho họ những bài học về đường đời sâu sắc, thấm thía và thực tế.

Cả hai người phụ nữ đều là những con người chăm chỉ, dịu dàng, nhu mì. Họ biết chịu đựng, biết nhẫn nhịn và biết hi sinh. Dù cuộc sống đã đẩy họ vào những hoàn cảnh tăm tối nhưng họ luôn cố gắng vươn lên, nhìn về tương lai phía trước chứ không bi lụy vì thực tại, vì quá khứ. Thực ra chính họ mới chính là những người phụ nữ tốt đẹp nhất, mang trong mình những vẻ đẹp đáng quý của con người Việt Nam.

4. Cảm nhận vẻ đẹp của người vợ nhặt

Nạn đói năm 1945 đã gây ra bao mất mát, tang thương cho con người Việt Nam: người chết như ngả rạ, người sống thì vật vờ như những bóng ma. Viết về hiện thực khốc liệt của nạn đói năm Ất Dậu, nhà văn Kim Lân đã tái hiện đầy chân thực qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Cùng với nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, nhân vật người vợ nhặt đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện ngắn. Bàn về nhân vật người vợ nhặt, có ý kiến cho rằng: Đó là người đàn bà liều lĩnh, thiếu tự trọng giữa nạn đói. Ý kiến khác lại khẳng định: Đó là một người phụ nữ có khát vọng sống, có ý thức về phẩm giá của mình.

Hai ý kiến đánh giá về người vợ nhặt nhìn qua có vẻ mâu thuẫn, đối lập hoàn toàn thế nhưng mỗi ý kiến lại là một cách nhìn nhận riêng mà khi kết hợp những đánh giá ấy, ta lại thấy được chân dung con người, tính cách người vợ nhặt hoàn chỉnh nhất.

Trước hết, về ý kiến đánh giá thứ nhất cho rằng người vợ nhặt là người đàn và liều lĩnh, thiếu tự trọng. Đánh giá này dựa trên những lời nói, hành động thực tế của người vợ nhặt trong tác phẩm. Người vợ nhặt vì đói nghèo mà trơ trẽn đòi anh Tràng trả công bằng những bát bánh đúc, để chạy trốn cái đói, cái chết người đàn bà ấy đã chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ.

Điều gây bất ngờ nhất là cách người vợ nhặt đồng ý làm vợ anh Tràng quá dễ dàng chỉ với vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc. Chị ta chấp nhận giao cuộc sống và tương lai của mình cho một người đàn ông mới quen và có lẽ hoàn cảnh người đàn ông ấy cũng không khá khẩm hơn mình bao nhiêu. Ngay cả khi chứng kiến gia cảnh nghèo khó, tồi tàn của mẹ con Tràng người vợ nhặt vẫn ở lại mà không bỏ đi, chị ta đã chấp nhận đánh cược với số phận để thay đổi cuộc sống. Hành động này chẳng phải quá mức liều lĩnh với một con người ham sống như chị ta hay sao?

Ý kiến thứ hai cho rằng người vợ nhặt là người phụ nữ có tự trọng, có ý thức về phẩm giá. Thông qua những biểu hiện của chị vợ nhặt với anh Tràng ở chợ huyện ta chỉ thấy chị ta vô duyên, trơ trẽn liều lĩnh. Thế nhưng từ khi theo Tràng về nhà, sự thay đổi của chị ta đã mang đến những cảm nhận vô cùng khác biệt với ấn tượng ban đầu.

Khi theo anh Tràng về nhà, người đàn bà không còn tỏ ra trơ trẽn, chỏng lỏn mà tỏ ra vô cùng biết điều, đúng mực. Trước những lời đàm tiếu, trêu đùa của người dân xóm ngụ cư, chị ta có bực mình nhưng chỉ làu bàu trong miệng. Khi gặp bà cụ Tứ chị ta cũng tỏ ra rất đúng mực của một người con dâu mới. Ý kiến đánh giá này đã thể hiện sự cảm thông, trân trọng đối với những giá trị tốt đẹp tiềm ẩn bên trong người vợ nhặt.

Nhìn nhận một cách toàn diện nhất về nhân vật, ta có thể thấy người vợ nhặt đanh đá, chỏng lỏn chỉ là cách chị ta phản kháng lại với xã hội đen tối. Sự vô duyên, thiếu tự trọng lúc ban đầu là do chị ta quá đói, quá khổ, cũng vì ham sống mà chị ta có những hành động thiếu tự trọng. Xét đến cùng, người vợ nhặt cũng chỉ là nạn nhân đáng thương của nạn đói, cảnh ngộ bi thảm đã khiến chị ta trở nên liều lĩnh, chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ.

Sống trong cái dữ dội của nạn đói, bị đẩy vào hoàn cảnh bi thảm nhưng người vợ nhặt vẫn có những biểu hiện ý tứ, chuẩn mực đầy tự trọng: ngượng nghịu khi bị người dân xóm ngụ cư nhìn soi mói trên đường về nhà Tràng; đến nhà Tràng, chị ta cũng chỉ ngồi mớm ở mép giường.

Qua sự thay đổi của người vợ nhặt, ta có thể thấy người đàn bà ấy có khát vọng sống, khát khao hạnh phúc âm thầm mà mãnh liệt. Đó cũng là những khát vọng chính đáng của con người dẫu bị đặt vào hoàn cảnh éo le nhất. Hai ý kiến đánh giá về người vợ nhặt đã mang đến cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về nhân vật, con người trong nạn đói.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 5.190
0 Bình luận
Sắp xếp theo