Top 4 bài cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng siêu hay

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng - Cảm nhận khổ 1, 2 bài Sóng để thấy được những trạng thái đối lập của tình yêu, những cảm xúc khát khao của người con gái khi yêu đã được tác giả Xuân Quỳnh bày tỏ qua hai khổ thơ đầu bài Sóng. Bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của mình, Xuân Quỳnh đã mang đến cho người đọc trải nghiệm những cung bậc cảm xúc thăng hoa trong tình yêu. Mời các bạn hãy cùng Hoatieu tham khảo những bài văn mẫu hay nhất về cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng để thấy rõ hơn về hơi thở tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh cũng như trong 2 khổ đầu bài Sóng.

1. Dàn ý cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng

Dàn ý cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng

2. Cảm nhận hai khổ đầu bài thơ Sóng

Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương, đặc biệt ghi dấu ấn ở thể loại thơ. Nói về tình yêu, mỗi nhà thơ có một sắc thái riêng. Nếu Xuân Diệu là mạnh mẽ sôi trào thì Xuân Quỳnh lại chọn cho mình sự da diết lắng sâu. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Sóng”, một tiếng thơ về tình yêu đậm chất Xuân Quỳnh. Bài thơ là những khám phá của tác giả về tình yêu, tìm ra được quy luật của tình yêu. Đó cũng là nội dung của hai đoạn trích sau:“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

“Sóng” là thành quả sau chuyến đi vào Diêm Điền của nhà thơ, được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ gồm tám khổ, mỗi khổ lại là một nét suy nghĩ của tác giả về tình yêu khi đứng trước những con sóng. Những lớp sóng nước chính là cảm hứng cho tác giả và cũng là hình tượng chính trong bài thơ, song hành với đó là hình tượng “em”. Hai khổ thơ trên là khổ năm và khổ sáu.

Bài thơ “Sóng” được viết nhân chuyến đi vào Diêm Điền của tác giả, sau này được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là sự đúc kết những chiêm nghiệm của nhà thơ về tình yêu: quy luật tình yêu, ngọn nguồn của tình yêu và những xúc cảm khi yêu. Hai đoạn thơ trên là hai khổ đầu của tác phẩm.

Với Xuân Quỳnh, tình yêu cũng như con sóng, mang nhiều những nét đối cực:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

“Dữ dội” nhưng cũng “dịu êm”, “ồn ào” nhưng cũng lại “lặng lẽ”. Đó là những sắc thái của con sóng nơi đại dương và cũng là sắc thái của người con gái trong tình yêu. Nhà thơ mượn con sóng tự nhiên để nói thay sóng lòng. Nếu sóng biển lúc dịu êm, lúc dữ dội thì trái tim người phụ nữ đang yêu cũng có lúc êm đềm, có khi lại dông tố. Sự tinh tế của nhà thơ không chỉ biểu hiện ở phép ẩn dụ mà còn được thể hiện ở cách sử dụng từ ngữ. Giữa những sắc thái đối cực nhau, nhà thơ đặt một liên từ: “và”. Không phải “nhưng” để thể hiện sự đối lập, nhà thơ dùng từ “và” để thể hiến ự song hành của hai trạng thái ấy. Một trái tim khi yêu không lúc nào cũng chỉ êm dịu hay lặng lẽ, không lúc nào cũng mãi ồn ào và sục sôi mà nó luôn tồn tại hai trạng thái đó. Nhạy cảm hơn, nhà thơ luôn đặt sự êm đềm xuống cuối câu thơ: “dịu êm”, “lặng lẽ”. Dường như luôn tồn tại hai sắc thái, song, tâm hồn người con gái luôn đổ về phía dịu dàng đó. Sóng ở đây cũng mang những nét con gái, đó là tính nữ mà nhà thơ đã lồng vào con sóng và cũng là sự ngầm khẳng định nét tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Xuân Quỳnh đã nhận ra một quy luật bất biến của tình yêu thông qua những con sóng: đó không phải là một trạng thái tâm lý đơn thuần mà là sự hòa kết của những nét đối cực giống như nốt trầm bổng trong bản tình ca lứa đôi.

Người con gái luôn khát khao trong tình yêu ấy còn hiểu được một điều, đó là tình yêu luôn hướng ra phái không gian rộng lớn:

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Trong tự nhiên, sông đổ ra biển, nên những con sóng cũng vươn mình ra biển lớn. Những con sóng mới ban đầu chỉ là những gợn nước nhỏ, dần dần nó mang theo sức mạnh và khát vọng lớn lao để chuyển mình thành sóng sông, rồi thành con sóng bể. Chúng luôn có xu hướng thoát ra khỏi vùng không gian chật hẹp để đến với những khoảng không thoáng đạt. Đứng trước những con sóng ấy, nhà thơ nhận ra rằng: hành trình từ sông ra biển cũng là hành trình con người đến với tình yêu. Sông chính là sự hiện hữu cho những giới hạn cá nhân chật hẹp, mà con người muốn đến với tình yêu thì phải phá vỡ những giới hạn đó. Đó là hành trình dấn thân, tự nguyện và đam mê để kiếm tìm hạnh phúc và được sống trọn vẹn là mình.

Con sóng không chỉ hiện hữu trong những chiều kích không gian khác nhau mà còn tồn tại ở những chiều thời gian đối lập nhau:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Nhà thơ như đứng ở hiện tại, nhìn con sóng từ ngày xưa cho đến ngày sau để thấy sóng mãi vỗ nhịp ngoài đại dương, làm nên sức sống cho biển cả. Và người con gái cũng thế, trái tim mãi yêu dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai thì đều là nguồn sống tiếp sức trẻ cho tâm hồn. Tình yêu cũng giống như ước mơ vậy, làm cho ta “trẻ” mãi, không phải là đôi mắt không mờ hay làn da không hằn vết chân chim, mà ta khỏe và trẻ trong tâm hồn, một tâm hồn rạo rực và giàu sức sống. Tình yêu chính là không có tuổi như thế, và người biết giữ tình yêu luôn cháy chính là giữ mãi cho mình một sức sống bền bỉ dẻo dai.

Xuân Quỳnh khám phá tình yêu không phải bằng lí trí mà bằng trực cảm của một trái tim yêu chân thành và hồn nhiên. Đằng sau con sóng ấy, đằng sau quy luật ấy, ta thấy chính bóng dáng của nhà thơ: một cô gái tinh tế, nữ tính, khao khát yêu và được yêu.

3. Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng cũng yêu anh cả khi chết đi rồi”

Đó là lời thơ Xuân Quỳnh viết về niềm hạnh phúc đắm say của một người phụ nữ khi được yêu và hết lòng với người mình yêu trong “Tự hát”. Trong vốn thơ Xuân Quỳnh, ta bắt gặp rất nhiều bài thơ viết về những trăn trở, suy tư thổn thức của nữ sĩ về tình yêu. Bên cạnh những dòng thơ dạt dào xúc cảm trong “Tự hát”, “Sóng” cũng được xem là một bài thơ ấn tượng nhà thơ dùng hình tượng sóng để gửi gắm quan niệm về tình yêu. Hai khổ đầu bài thơ đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc và nghĩ suy.“Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng”

Viết về tình yêu, Xuân Diệu mượn hình ảnh biển, rồi bãi bờ đại dương để gửi lòng mình vào hai câu thơ đượm hình ảnh trên. Còn Xuân Quỳnh, nữ sĩ cùng mượn đến hình ảnh sóng, một hình tượng đa nghĩa gợi nhiều cảm xúc để gửi gắm nghĩ suy của mình về tình yêu đôi lứa. Trong hai khổ thơ đầu, nữ sĩ Xuân Quỳnh xây dựng hình tượng sóng ấn tượng để qua đó nói đến những quy luật của tình yêu:“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

“Dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ”, đó là những trạng thái khác nhau của sóng trong lòng đại dương bao la rộng lớn. Nhưng đó dường như cũng chính là những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn người con gái đang yêu. Nếu như con sóng trong đại dương lúc dữ dội, lúc dịu êm lặng lẽ. Thì con sóng lòng cuộn trào trong trái tim yêu say đắm của người con gái cũng có lúc êm đềm sau những ngày giông bão. Với sự tinh tế của mình, Xuân Quỳnh đã biến những con sóng ngoài đại dương trở thành một chủ thể trữ tình đong đầy tâm trạng, ngổn ngang những cảm xúc phức tạp. Giữa các đối cực vừa dựng lên ấy, nhà thơ sử dụng liên từ “và” như để diễn tả sự tồn tại song song và sự chuyển hóa của các đối cực. Xuân Quỳnh gửi suy nghĩ của mình về tình yêu đằng sau sự khám phá về những đối cực của sóng, rằng: tình yêu đôi lứa cũng giống như con sóng ngoài biển cả, chẳng phải lúc nào cũng mang một trạng thái thuần nhất, tình yêu đôi lứa cũng có những lúc thăng lúc trầm, hòa kết với nhau tạo nên một tình yêu đáng nhớ, đáng trân trọng.

Đâu chỉ mang trong mình nhiều đối cực, sóng trong hai khổ thơ còn hiện lên trong không gian đối lập “sông – bể” và thời gian đối lập “ngày xưa – ngày sau”:“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Dựa theo quy luật của tự nhiên, ta hiểu tất cả dòng sông đều đổ ra biển lớn, những con sóng nhỏ mang trong mình những khát vọng lớn luôn có xu hướng vượt thoát khỏi một không gian chật hẹp, có phần tù túng của sông ngòi để đến với những không gian rộng lớn, khoáng đạt, bao la hơn ngoài đại dương. Khám phá không gian tồn tại của sóng, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã phát hiện ra một quy luật sâu sắc và gửi nó qua đoạn thơ: hành trình từ sông nhỏ là biển lớn của những con sóng tự nhiên cơ hồ cũng chính là hành trình của con người đến với tình yêu của cuộc đời.

Hệt như những con sóng ngoài kia, để đến với tình yêu, con người dường như phải đối diện và vượt qua một hành trình đầy gian lao, thử thách của cuộc đời. Hành trình dấn thân đầy tự nguyện và đam mê ấy đưa dẫn con người đến với bến bờ hạnh phúc và giúp họ được sống trọn vẹn, sống thực là mình, sống thực với những cảm xúc, tâm trạng của mình. Trong chiều thời gian đối lập “ngày xưa – ngày sau”, từ hình ảnh sóng, ta cảm nhận được ý thơ Xuân Quỳnh muốn nhắc đến tình yêu rạo rực, nồng cháy trong trái tim yêu muôn đời. Những tình cảm, cảm xúc ấy có tác động mạnh mẽ, tạo nên ý nghĩa sự sống của con người. Từ việc cảm nhận được sự hiện diện của sóng trong dòng thời gian, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thầm kín gửi gắm tới bạn đọc một quy luật về tình yêu rằng: tình yêu là một tình cảm thiêng liêng đẹp đẽ, đó là tình cảm không tuổi và luôn song hành cùng với sự sống của mỗi con người trên hành trình tìm kiếm và chinh phục hạnh phúc.

Với trái tim yêu thiết tha, nồng nàn cùng lý trí sắc sảo và một tâm hồn chân thành, Xuân Quỳnh đã phát hiện và khái quát nên quy luật của tình yêu qua hình tượng sóng. Nét đặc sắc trong cả nội dung và nghệ thuật của hai khổ thơ này đã góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm cũng như khẳng định tài năng của nhà thơ Xuân Quỳnh.

4. Cảm nhận Sóng khổ 1, 2

Không biết từ bao giờ nhịp sóng vỗ ngoài đại dương không chỉ làm thổn thức biển cả mà còn làm rung động biết bao trái tim người thi sĩ để làm nên con sóng nơi “gió cuốn mặt duềnh” mang bao dự cảm bất an trong thơ Nguyễn Du, “tiếng sóng cuốn bờ mây” của cuộc sống mới ấm no, bình an trong thơ Huy Cận (“Tiếng biển về khuya”), là tiếng lòng da diết của người con trai trong tình yêu trong cái nhìn Xuân Diệu (“Biển”),... Và càng không thể thiếu tiếng sóng vỗ nghìn đời như nhịp đập bền bỉ của người con gái khi yêu trong những câu thơ đầy nữ tính của Xuân Quỳnh- “Sóng”. Từ những câu thơ mở đầu đã cảm nhận được sức sống ấy:

Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng người con gái ấy sinh ra là để dành cho thơ. Mỗi bài thơ đều là tiếng nói chân thành nhất của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa âu lo vừa da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” được viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình), là tiếng thơ của những ngọt ngào, đắng cay từng trải trong tình yêu, khi đã vun đắp và trải nghiệm sự tan vỡ trong tình yêu mà vẫn thật tha thiết, tràn đầy khát vọng. Bài thơ có sự song hành hình tượng giữa “sóng” và “em”: “Sóng” và “em” có lúc tách ra để soi chiếu vào nhau, có lúc lại hòa hợp thống nhất. Sóng biển và sóng lòng, sóng nước và sóng tình ẩn hiện, đan nguyên vào nhau tạo ra những cảm xúc mới mẻ. Bởi thế, sóng có thể nói là một ẩn dụ không hoàn toàn cho em, cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu và trong cuộc sống.

Bằng cái nhìn thơ và tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh đã phát hiện thấy ở hiện tượng sóng của tự nhiên không ít những đặc tính của người phụ nữ. Nghe tiếng sóng vỗ mà như nghe được tiếng lòng của mình, của những người con gái đang yêu:“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

Trong người phụ nữ, luôn tồn tại những trạng thái đối cực. Hai câu thơ có thể đúng với bao người nhưng nó không phải là lời của một nhà nghiên cứu trong tình yêu đứng ngoài nhìn vào. Nó được viết ra trước hết là một lời tự thú chân thành và tự nhiên đến độ khiến ta phải ngỡ ngàng: thì ra, trái tìm của người phụ nữ luôn có những đối cực như thế: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Nhà thơ đặt liên từ “và” – không phải bức tường ngăn cách mà là sự kết hợp, chuyển hóa. Như vậy, tình yêu không bao giờ là trạng thái tâm lí tuần nhất mà là sự hòa kết của những trạng thái khác nhau, thậm chí là đối lập như những nốt thăng, trầm làm nên bản tình ca đôi lứa. Người phụ nữ có thể ồn ào, dữ dội nhưng cuối cùng cũng là sự trở về của thiên tính nữ: dịu êm, lặng lẽ. Đó chính là sự hiện diện của cái “tôi” Xuân Quỳnh và cũng là sự hiện diện của “thiên tính nữ” – điều đặc biệt của tác phẩm.

Người phụ nữ luôn hướng tìm tới tự do:“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Khám phá những không gian tồn tại của sóng, Xuân Quỳnh phát hiện ra: hành trình của sóng từ sông ra biển cũng là hành trình con người đến với tình yêu: phải biết vượt qua những giới hạn bản thân chật hẹp để hòa nhập vào biển đời rộng lớn, kiếm tìm hạnh phúc. Đó là hành trình dấn thân tự nguyên, say mê để tìm đến hạnh phúc và sống trọn vẹn. Đó chính là điểm mới mẻ, hiện đại trong cảm xúc, tâm hồn người con gái: mạnh mẽ và tự do, sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn và rào cản để đến với hạnh phúc của mình – một sự kiếm tìm có ý thức trong tình yêu.

Tình yêu, với người con gái luôn là ước vọng, là đích đến và là nỗi bồi hồi, xao xuyến muôn đời:“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Thán từ “ôi” được đặt lên đầu như một sự phát hiện đầy thú vị về trạng thái tình cảm đã trở thành quy luật muôn thuở rồi. Đối với người phụ nữ, tình yêu không có tuổi: “ngày xưa”, “ngày sau vẫn thế”: vẫn “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”. Tình yêu muôn đời, với muôn thế hệ nhưng với tuổi trẻ đang khát sống và khát yêu nhất, đặc biệt “bồi hồi”. Chẳng thế mà Xuân Diệu khẳng định:“Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào”

(Xuân Diệu).

Tuổi trẻ là tuổi yêu, tình yêu luôn gắn với tuổi trẻ. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng viết: “Một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu” và một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn, của một sự sống cũng ngừng sôi sục. Nó không phải cái cảm giác bâng khuâng, nhẹ như mây bay thuở áo trắng hay sự lo toan khi đã “đứng tuổi”; đơn giản chỉ là sự bồi hồi, sự nhiệt huyết và hết mình của tuổi trẻ dám yêu, dám sống vì tình yêu ấy. Ngày xưa và ngày sau, vẫn thế....

Như vậy, qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả những trạng thái, cung bậc khác nhau của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Sự song hành hình tượng sóng và em đã khắc họa vẻ đẹp vừa dịu dàng, tinh tế vừa chủ động, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại của một tình yêu chân thành. Bề sâu tâm tình của nhân vật trữ tình kết hợp với hình thức thơ 5 chữ, việc sử dụng và “phá vỡ” ẩn dụ chính là yếu tố quyết định giá trị bài thơ. Bởi thế, con sóng ấy vừa là biểu hiện hiện của tình yêu muôn đời vừa là nhịp đập của tình tình yêu hiện đại hôm nay.

“Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào mỗi thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điệu đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ.” (Chu Văn Sơn). Và Xuân Quỳnh đã sống mãi bằng những câu thơ như thế.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
12 30.184
0 Bình luận
Sắp xếp theo