Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam

Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam là một trong số những hoạt động mà Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức nhằm khuyến khích học sinh tìm hiểu truyện thơ dân tộc. Để hưởng ứng hoạt động ấy, em hãy chọn một đoạn trích trong một truyện thơ mà mình yêu thích để viết bài phân tích và gửi cho câu lạc bộ. Sau đây là một số bài văn mẫu giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

1. Khái quát

– Nguyễn Du: đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người có “con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”

– Truyện Kiều là tác phẩm thành công nhất của ông; đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích từ Truyện Kiều diễn tả tinh tế, sâu sắc tâm trạng của Thúy Kiều trước cảnh vật.

2. Phân tích

2.1. Sáu câu thơ đầu : Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Thúy Kiều

Bốn câu thơ đầu: hoàn cảnh, không gian nơi lầu Ngưng Bích

+ Khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích được miêu tả qua điểm nhìn từ trên cao, từ tâm trạng của Kiều

+ “Khóa xuân”: khóa kín tuổi xuân

+ “Non xa- trăng gần” nghệ thuật đối: mở ra không gian xa rộng, nơi đây Kiều chỉ có núi xa trăng gần bầu bạn

+ Từ ghép “bốn bề” đứng cạnh từ láy “bát ngát” gợi không gian rộng lớn mênh mông, càng tô đậm vẻ cô liêu, hoang vắng

+ Cảnh vật vốn có đường nét, màu sắc nhưng lại không đẹp, đã vậy còn gợi cảm giác cô đơn, rợn ngợp

=> Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Nguyễn Du đã họa bức tranh thiên nhiên hoang vắng, quạnh hiu, chất chứa nỗi cô đơn, buồn tủi, để thời gian và tuổi xuân của nàng Kiều cứ trôi đi hoài phí

Hai câu thơ sau: Tình cảnh của Kiều

+ “bẽ bàng”: nỗi xấu hổ tủi thẹn của Kiều, trong tâm trí nàng vẫn còn khắc sâu những việc việc vừa mới xảy ra: bị Mã Giám Sinh làm nhục, bị ép làm gái lầu xanh

+ Thành ngữ “mây sớm đèn khuya” : chỉ thời gian tuần hoàn khép kín, dằng dặc, vò võ, một mình Kiều nơi này đang bị giày vò bởi bao nhiêu nỗi niềm ngang trái.

+ “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” phép so sánh: Trước mắt nàng là cảnh hoang vu hay tình cảnh trớ trêu khiến nỗi lòng Kiều như bị chia cắt ra làm hai, đau đớn, quặn thắt

=> Sáu câu thơ đầu được xây dựng bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tả cảnh hoang vắng quạnh hiu để khắc họa rõ tâm trạng cô đơn của Kiều

2.2. Tám câu thơ tiếp: Nỗi nhớ người yêu và cha mẹ của Kiều

Nỗi nhớ người yêu (4 câu đầu)

+ “Người dưới nguyệt chén đồng”: chỉ chàng Kim cùng lời thề nguyền đính ước

+ Động từ “tưởng” : là cấp độ cao hơn cả nỗi nhớ, cảnh thề nguyền đính ước của nàng và chàng Kim hiện ra sống động trước mắt nàng như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

+ Hai động từ “trông, chờ” được tách ra đi kèm với các danh từ chỉ thời là “rày, mai”: Thúy Kiều lo chàng Kim cũng nhớ nàng ngày đêm tha thiết.

+ Thành ngữ biến thể “bên trời góc bể”: gợi ra không gian xa lạ, mình nàng bơ vơ.

+ Ẩn dụ “tấm son” kết hợp với câu hỏi tu từ “gột rửa bao giờ cho phai” có hai cách hiểu: tấm long thủy chung của Kiều không bao giờ phai nhạt hoặc là tấm thân của Kiều đã bị làm nhục bao giờ mới gột rửa được.

=> Tấm lòng thủy chung son sắt của Kiều với chàng Kim

Nỗi nhớ cha mẹ (4 câu tiếp theo)

+ Động từ “xót” lại kết hợp với câu hỏi tư từ : thể hiện sự đau đớn, xót xa, lo lắng của nàng khi nhớ về cha mẹ

+ “Nắng mưa”: ẩn dụ thời gian

+ Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”: làm nổi bật sự lo lắng của Kiều, không biết ai sẽ quạt mát khi trời oi nóng, ai sẽ ủ ấm chăn khi trời giá lạnh cho cha mẹ

=> Nàng là một người con có hiếu.

2.3. Tám câu thơ cuối: Tâm trạng đau buồn của Kiều và dự cảm trước tương lai sóng gió

2 câu đầu: Bức tranh cửa bể lúc hoàng hôn

+ “cửa bể chiều hôm”: Giữa không gian bao la mênh mông, Kiều cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê da diết

+ Hình ảnh “con thuyền” gợi sự nhỏ bé, cô đơn, Kiều đang nhớ gia đình,

=> Nhìn cánh buồm lẻ loi trôi nỗi giữa sóng nước, Kiều nghĩ đến thân phận mình cũng đang bị sóng gió cuộc đời phiêu dạt, xô đẩy.

Hai câu tiếp: Cảnh hoa trôi mặt nước

+ “Buồn trông”: nỗi buồn như đang từ trong lòng lan tỏa sang cảnh vật

+ Từ “trôi”: bị đưa đẩy, những cánh hoa mỏng manh, yếu đuối mặc sóng nước vùi dập như số phận Kiều

Hai câu tiếp: Cảnh nội cỏ rầu rầu

+ “rầu rầu” chỉ màu sắc của cỏ ⇒ thiên nhiên như nhuốm màu tâm trạng buồn rầu, sầu não ⇒ bút pháp tả cảnh ngụ tình

+ Màu xanh nhợt nhạt, héo hắt của cỏ cây chính là ẩn dụ cho tương lai mờ mịt vô vọng của Kiều

=> Kiều tuyệt vọng, mất phương hướng

Hai câu cuối : Cảnh giông bão sóng gió và niềm dự cảm tương lai

+ “gió cuốn mặt duyềnh”: ước lệ cho sóng gió cuộc đời dữ dội đang bủa vây, cuốn lấy Kiều, những tai ương sắp ập đến đời nàng

+ Nhân hóa “sóng… kêu”: gợi hình dung Kiều chới với giữa cái bất tận sục sôi đang vây qanh lấy nàng

=> Câu thơ thể hiện dự cảm của Thúy Kiều về cuộc đời mình nhiều gian truân sóng gió

3. Kết bài

– Khẳng định những giá trị nghệ thuật: thể thơ lục bát cổ truyền, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế kết hợp các biện pháp tu từ quen thuộc, điệp ngữ “buồn trông”…

– Đoạn trích thể hiện tâm trạng buồn đau, cô đơn, hiu quạnh trước khung cảnh thiên nhiên cùng bao nỗi nhớ ùa về trong lòng.

Nét đặc sắc về bút pháp tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trong ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Dàn ý

Phần

Nội dung

I. Mở bài

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: nét đặc sắc trong bút pháp tả cảnh ngụ tình ở tám câu thơ cuối

- Trích tắt đoạn thơ

II.Thân bài

1. Khái quát và dẫn vào đoạn thơ

- Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” gồm hai mươi hai câu thơ lục bát, nằm ở phần hai “Gia biến và lưu lạc” trong tác phẩm “ Truyện Kiều”.

- Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã miêu tả một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều trong những tháng ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích để từ đó làm nổi bật nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

- Đoạn trích hấp dẫn người đọc bởi bút pháp tả cảnh ngụ tình, bởi các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc và bởi chính tình cảm của nhà thơ dành cho nhân vật của mình

2. Nét đặc sắc trong bút pháp tả cảnh ngụ tình ở 8 câu thơ cuối

2.1. Giải thích thế nào là tả cảnh ngụ tình

Tả cảnh ngụ tình là bút pháp nghệ thuật thông qua việc miêu tả cảnh vật thiên nhiên để khắc họa tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Đây là bút pháp thường thấy trong thơ ca trung đại.

2.2. Bút pháp tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối

- “Buồn trông” là nhìn xa trông ngóng. Thúy Kiều trông ngóng một điều gì đó mơ hồ sẽ đến làm thay đổi thực tại. Nhưng dường như các trông càng vô vọng.

- Điệp ngữ: “Buồn trông” kết hợp với các hình ảnh đứng sau đó đã diễn tả nỗi buồn, nỗi cô đơn, sợ hãi, tuyệt vọng ngày càng tăng tiến trong nội tâm Thúy Kiều.

*Bức tranh thứ nhất: hình ảnh một con thuyền lênh đênh nơi cửa bể:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

+ Không gian mênh mông và thời gian khi chiều tà muôn thuở gợi buồn. Giữa khung cảnh ấy chỉ có một con thuyền vô định và hiện hữu với cánh buồm thấp thoáng xa xa như một ảo ảnh.

+ Con thuyền nhỏ bé với cánh buồm đơn lẻ như xa dần rồi khuất lấp vào khoảng không vô tân.

+ Đồng thời “cánh buồm nhỏ bé kia gợi cho ta liên tưởng đến phận bé nhỏ, lẻ loi, lênh đênh của nàng Kiều. Con thuyền nhỏ bé biết bao giờ mới tìm được bến bờ cũng như nàng Kiều biết đến bao giờ mới được xum họp với những người thân yêu.

+ Cảnh đã gợi trong lòng người tha thương nỗi buồn, nỗi nhớ về cha mẹ, về quê nhà xa cách, nỗi cô đơn và khát khao sum họp.

*Bức tranh thứ 2: Cảnh một con thác từ trên cao đang ào ào đổ xuống

“Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu”

+ Ngọn nước mới sa” là dòng thác từ trên cao ào ào đổ xuống. Nó gợi ra một khung cảnh dữ dội, hãi hùng.

+ Trên dòng nước ấy có một hình ảnh một cánh hoa mỏng manh, man mác trôi trong vô định.

+ Từ láy “man mác” mà Nguyễn Du sử dụng thật độc đáo. “Man mác” vốn là một từ láy được dùng để nói về tâm trạng của con người, nó thường gợi một nỗi buồn không tên, khó tả. Nhưng ở đây, Nguyễn Du lại mượn cái tà ấy để miêu tả một cánh hoa trôi trên dòng nước => làm cho cảnh vật như mang cả tâm trạng con người, cũng buồn vương man mác.

+ Cảnh hoa làm ta nhớ đến cuộc đời của Kiều. Cuộc đời nàng cũng có khác nào cánh hoa kia, lênh đênh, phiêu dạt.

+ Câu hỏi tu từ: “Biết là về đâu?” cho thấy sự mất phương hướng, gợi nỗi băn khoăn, thấp thỏm trong lòng Kiều.

*Bức tranh thứ ba: Hình ảnh một một nội cỏ trải dài từ chân mây tới mặt đất:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

+ “Rầu rầu” là một từ láy giàu giá trị gợi tả, nó gợi cho ta về sự tàn tạ, héo úa, thê lương.

+ Nội cỏ “rầu rầu” nhuốm màu đau thương trải rộng nơi “chân mây mặt đất” gợi cuộc sống úa tàn, bi thương, vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ.

+ Tác giả tả màu xanh của cỏ nối tiếp nhau đến tận chân trời, nhưng màu xanh ấy không sắc nét mà nhòe mờ, pha lẫn vào nhau, có phần đơn điệu. . Màu cỏ hay cũng chính là tâm hồn của Thúy Kiều đang héo úa, heo hắt, rệu rã trước cuộc đời. Phải chăng trong dòng nước mắt cô đơn và tủi cực mà cái nhìn của nàng nhìn đâu cũng thấy vô vọng.

+ Nàng cũng đang ở độ tuổi xuân thì – cái tuổi được coi là đẹp nhất của cuộc đời con người với những ước mơ, những hoài bão dự định. Thế nhưng tuổi xuân của nàng giờ đây lại phải sống trong cảnh bị giam lỏng ở đây, giữa lầu Ngưng Bích đơn độc, trải qua những tháng ngày vô vị và tẻ nhạt. Với một người con gái không chỉ xinh đẹp mà còn tài hoa như nàng thì sống như thế chẳng khác nào đã chết, đau khổ đến tột cùng.

*Bức tranh cuối cùng: Cảnh gió cuốn mặt duềnh

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

+ “Gió cuốn” là gió trong ngày dông bão. Nó là ẩn dụ cho những dông gió, tai ương của cuộc đời. Nó như báo trước sóng gió dữ dội của cuộc đời hay cũng là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên.

+ Mọi sóng gió dường như chỉ trực chờ để đổ ập xuống cuộc đời của người con gái tài hoa nhưng bạc phận. Nghĩ đến điều đó, Kiều không khỏi lo sợ bởi dù gì nàng cũng chỉ là một cô gái chưa có nhiều trải nghiệm của cuộc đời, khó có thể chống lại được những tai ương của định mệnh.

+ Với những nét vẽ này, Nguyễn Du khác họa đậm nét sự hoảng loạn, mất phương hướng trong tinh thần của Kiều. Nàng hoàng toàn tuyệt vọng trước dòng đời khắc nghiệt.

3. Đánh giá

*Đánh giá về nội dung và nghệ thuật

+ Điệp từ “buồn trông” được nhắc lại nhiều lần và được đặt ở đầu các câu thơ. Điều đó như càng nhấn mạnh, xoáy sâu vào nỗi buồn của Thúy Kiều. Nó khiến cho tám câu thơ cuối giống như một đoạn điệp khúc trong bài ca sầu buồn ảo não.

+ Hàng loạt các câu hỏi tu từ, các từ láy giàu giá trị biểu cảm, gợi tả được Nguyễn Du sử dụng để miêu tả thành công bốn bức tranh thiên nhiên.

+ Thiên nhiên được miêu tả từ xa đến gần, từ tĩnh đến động, từ nhạt đến đậm để diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu kinh sợ.

=>Tả cảnh mà gợi tâm trạng. Đoạn thơ đã cho thấy cái tài của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

* Mở rộng nâng cao vấn đề, liên hệ thực tiễn, rút ra bài học:

- Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đã khẳng định vị thế nhưng vẫn còn phải chịu nhiều bất công, thiệt thòi (bị bạo hành, bóc lột, lạm dụng...). Để hạnh phúc, người phụ nữ phải luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, độc lập, tự chủ và nỗ lực đấu tranh đạt đến sự bình đẳng.Và dù ở thời đại nào thì họ vẫn xứng đáng để chúng ta yêu thương và trân trọng.

III. Kết bài

-Nhận xét chung về đoạn trích

- Đoạn trích khơi gợi tình cảm gì

- Em rút ra được bài học gì từ đoạn trích

I. Mở bài

Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho đời một tác phẩm bất hủ. Đó là “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” gây ấn tượng với người đọc không chỉ bởi giá trị nhân văn cao cả, giá trị hiện thực độc đáo mà còn bởi nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nói đến nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong “Truyện Kiều” ta không thể không nhắc đến đoạn trích “Kiều ơ lầu Ngưng Bích” đặc biệt là tám câu thơ cuối.

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trong ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

II. Thân bài

1. Khái quát về đoạn trích:

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” gồm hai mươi hai câu thơ lục bát, nằm ở phần hai “Gia biến và lưu lạc” trong tác phẩm “ Truyện Kiều”. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã miêu tả một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều trong những tháng ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích để từ đó làm nổi bật nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Đoạn trích hấp dẫn người đọc bởi bút pháp tả cảnh ngụ tình, bởi các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc và bởi chính tình cảm của nhà thơ dành cho nhân vật của mình

2. Bút pháp tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối

2.1. Giải thích thế nào là tả cảnh ngụ tình

Để có thể làm nổi bật những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trước hết ta cần hiểu tả cảnh ngụ tình là gì? Tả cảnh ngụ tình là bút pháp nghệ thuật thông qua việc miêu tả cảnh vật thiên nhiên để khắc họa tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Đây là bút pháp thường thấy trong thơ ca trung đại. Và trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã không ít lần sử dụng bút pháp nghệ thuật ấy.

2.2. Bút pháp tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối

Ở phần cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du đã rất thành công với bút pháp nghệ thuật này khi ra vẽ ra trước mắt người đọc bốn bức tranh thiên nhiên để từ đó diễn tả bốn nét tâm trạng của nhân vật. Tám câu thơ vừa là bức tranh tâm cảnh mà cũng là thực cảnh. Cảnh được miêu tả theo kiểu tứ bình trong con mắt trông bốn bề và từ xa tới gần.

Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra phía xa, Kiều thấy hình ảnh một con thuyền lênh đênh nơi cửa bể:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

Không gian mênh mông và thời gian khi chiều tà muôn thuở gợi buồn. Giữa khung cảnh ấy chỉ có một con thuyền vô định và hiện hữu với cánh buồm thấp thoáng xa xa như một ảo ảnh. Đồng thời “cánh buồm nhỏ bé kia gợi cho ta liên tưởng đến phận bé nhỏ, lẻ loi của nàng Kiều. Cảnh đã gợi trong lòng người tha thương nỗi buồn, nỗi nhớ về cha mẹ, về quê nhà xa cách, nỗi cô đơn và khát khao sum họp. Rồi nàng sẽ đi về đâu? Có được đoàn tụ với gia đình, với chàng Kim hay không chính nàng cũng không biết nữa chỉ biết rằng ngay lúc này đây nàng đang phải đối diện với sự cô đơn nơi đất khách quê người. Điều đó hẳn sẽ khiến người con gái tài hoa ấy vô cùng đau khổ.

Rồi Kiều đưa mắt nhìn gần hơn, trướ mắt nàng là cảnh một con nước từ trên cao đổ xuống:

“Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu”

Ngọn nước mới sa” là dòng thác từ trên cao ào ào đổ xuống. Nó gợi ra một khung cảnh dữ dội, hãi hùng. Dòng nước ấy hay chính là dòng đời vạn biến. Cánh “hoa trôi man mác” trên “ngọn nước mới sa” gợi lên thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời. Từ láy “man mác” mà Nguyễn Du sử dụng thật khó để diễn tả. “Man mác” vốn là một từ láy được dùng để nói về tâm trạng của con người, nó thường gợi một nỗi buồn không tên, khó tả. Nhưng ở đây, Nguyễn Du lại mượn từ láy ấy để miêu tả một cánh hoa mỏng manh trôi trên dòng nước dữ. Cách dùng từ như thế làm cho cảnh vật như mang cả tâm trạng con người, cũng buồn vương man mác. Hình ảnh cánh hoa mỏng manh giữa dòng thác ấy gợi lên trong ta biết bao nhiêu suy nghĩ. Liệu rằng nó sẽ đi về đâu? Ra biển cả mênh mông hay vào ao tù nước đọng? Câu hỏi ấy Kiều chẳng thể giải đáp bởi chính câu hỏi về cuộc đời mình nàng còn chẳng thể trả lời. Cuộc đời nàng cũng có khác nào cánh hoa kia, lênh đênh, phiêu dạt. Rồi nàng sẽ đi đâu về đâu, được về với gia đình, quê hương hay lại tiếp tục bị đẩy vào vũng bùn ô nhục? Nghĩ đến điều đó, nàng chẳng khỏi cảm thấy xót xa, đau lòng.

Cảnh tiếp tục được miêu tả ở hai câu thơ tiếp với một nội cỏ trải dài từ chân mây tới mặt đất:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

Đọc hai câu thơ trên, ta chợt nhớ đến bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” khi mà hai chị em Thúy Kiều đi dự hội. Chỉ có khác là trong “Cảnh ngày xuân” đó là một nội cỏ xanh non mơn mởn, bừng bừng sức sống thì ở đây cảnh hiện lên là một “nội cỏ rầu rầu”. “Rầu rầu” là một từ láy giàu giá trị gợi tả, nó gợi cho ta về sự tàn tạ, héo úa, thê lương. Khắp không gian lúc này là cái màu “xanh xanh” tẻ nhạt, nhàm chán trải từ mặt đất đến chân mây- cái khung cảnh dễ khiến con người ta cảm thấy vô vị và chán nản. Tác giả tả màu xanh của cỏ nối tiếp nhau đến tận chân trời, nhưng màu xanh ấy không sắc nét mà nhòe mờ, pha lẫn vào nhau, có phần đơn điệu. Màu cỏ héo úa như sắp tàn lụi như sắp từ biệt vũ trụ, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi. Màu cỏ hay cũng chính là tâm hồn của Thúy Kiều đang héo úa, heo hắt, rệu rã trước cuộc đời. Phải chăng trong dòng nước mắt cô đơn và tủi cực mà cái nhìn của nàng nhìn đâu cũng thấy vô vọng. Khung cảnh ấy lại làm Kiều nhớ đến phận mình. Nàng cũng đang ở độ tuổi xuân thì – cái tuổi được coi là đẹp nhất của cuộc đời con người với những ước mơ, những hoài bão dự định. Thế nhưng tuổi xuân của nàng giờ đây lại phải sống trong cảnh bị giam lỏng ở đây, giữa lầu Ngưng Bích chơ vơ nơi sườn núi, trải qua những tháng ngày vô vị và tẻ nhạt. Với một người con gái không chỉ xinh đẹp mà còn tài hoa như nàng thì sống như thế chẳng khác nào đã chết, đau khổ đến tột cùng.

Và ở hai câu cuối của đoạn trích, cảnh càng được miêu tả ở gần hơn và cũng dữ dội hơn:

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

+ “Gió cuốn” là gió trong ngày dông bão. Nó là ẩn dụ cho những dông gió, tai ương của cuộc đời. Nó như báo trước sóng gió dữ dội của cuộc đời hay cũng là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên. Mọi sóng gió dường như chỉ trực chờ để đổ ập xuống cuộc đời của người con gái tài hoa nhưng bạc phận. Nghĩ đến điều đó, Kiều không khỏi lo sợ bởi dù gì nàng cũng chỉ là một cô gái chưa có nhiều trải nghiệm của cuộc đời, khó có thể chống lại được những tai ương của định mệnh. Với những nét vẽ này, Nguyễn Du khác họa đậm nét sự hoảng loạn, mất phương hướng trong tinh thần của Kiều. Nàng hoàng toàn tuyệt vọng trước dòng đời khắc nghiệt.

3. Đánh giá về nghệ thuật và nội dung

Trong tám câu thơ cuối, điệp từ “buồn trông” được nhắc lại nhiều lần và được đặt ở đầu các câu thơ. Điều đó như càng nhấn mạnh, xoáy sâu vào nỗi buồn của Thúy Kiều. Nó khiến cho tám câu thơ cuối giống như một đoạn điệp khúc trong bài ca sầu buồn ảo não. Hàng loạt các câu hỏi tu từ, các từ láy giàu giá trị biểu cảm, gợi tả được Nguyễn Du sử dụng để miêu tả thành công bốn bức tranh thiên nhiên. Thiên nhiên được miêu tả từ xa đến gần, từ tĩnh đến động, từ nhạt đến đậm để diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu kinh sợ. Tả cảnh mà gợi tâm trạng. Đoạn thơ đã cho thấy cái tài của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Và cũng qua đoạn trích này, người đọc nhận ra tấm lòng thương cảm, xót xa mà ông dành cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng.

Kết bài

Có thể nói rằng tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn thơ thành công nhất về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong “Truyện Kiều”. Lời thơ đã khơi gợi trong ta không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng thơ của tác giả Nguyễn Du, khiến ta càng thêm thương cảm cho tình cảnh bất hạnh của nàng Kiều, cho nỗi đau của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và phải chăng chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.

Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam - Chị em Thúy Kiều

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc. “Truyện Kiều” là kiệt tác của nền thi ca cổ Việt Nam. Đây cũng là một tác phẩm sáng ngời tinh thần nhân đạo. Trong đó, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất của truyện. Nó tiêu biểu cho sự thành công về bút pháp tả cảnh, tả tình rất tài hoa của nhà thơ. Qua đoạn trích, ta thất được một niềm vui xôn xao, náo nức lan tỏa, lắng đọng trọng lòng bạn đọc khi tác giả đưa ta về với khung cảnh lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc trong lễ tết thanh minh.

Bốn câu thơ đầu mở ra một khung cảnh hữu sắc, hữu hương, hữu tình nên thơ giữa bầu trời bao la, mênh mông, xanh thẳm có những cánh én nhỏ đang chao nghiêng, chao đi chao lại trông như những con thoi trên tấm vải khổng lồ. Trong nhiều tác phẩm thì cánh én luôn báo hiệu mùa xuân đến, mùa xuân ấm áp trở về sau thời gian gió lạnh nhưng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì cánh én chao nghiêng như đưa thoi gợi lên hình ảnh thời gian trôi đi rất nhanh:

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Dân gian ta có câu: “thời gian thấm thoắt thoi đưa như ngựa chạy, như nước chảy qua cầu”. Câu thành ngữ ấy đã nhập vào hồn thơ của Tố Như để tạo ra một cánh én đưa thoi ở ngay chính câu thơ đầu của đoạn trích. Cùng với thời gian đưa thoi là ánh sáng đẹp của mùa xuân, ánh thiều quang đã ngoài sáu mươi ngày. Bằng lời thơ gợi tả cùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, so sánh “con én đưa thoi” đã gợi ra sự nuối tiếc của con người vì cái đẹp ấy sắp qua khiến lòng người bâng khuâng, lưu luyến, muốn níu kéo mong cho đất trời mãi còn xuân. Không chỉ riêng Nguyễn Du, mà cả Xuân Diệu cũng đã từng viết:

“Xuân đang đến là xuân sắp qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sắp già”

Đó chính là quy luật tuần hoàn của thời gian, của vũ trụ. Nhưng trong tiết trời tháng ba ấm áp và trong trẻo ấy có một màu xanh mơn mởn, ngọt ngào của cỏ non, trải dài, trải rộng như một tấm thảm khổng lồ kéo đến tận chân trời. Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, trong trẻo, tinh khôi tràn đầy sức sống của mùa xuân hiện lên qua bút pháp miêu tả tài tình của nhà thơ:

“Cỏ non xanh tận chân trờ

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Bằng vài nét chấm phá, nghệ thuật miêu tả tài tình, kết hợp với các hình ảnh đặc sắc “cỏ non xanh, lê trắng”, từ ngữ chọn lọc “điểm”…Nguyễn Du đã mở ra trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi sáng, đẹp đẽ và sinh động vô cùng. Trong cái nền “cỏ non xanh” có điểm thêm một vài bông hoa lê trắng. Hai chữ “trắng điểm” của Tố Như như là một nét chấm phá đầy sáng tạo và độc đáo, thu hút mắt người đọc, tai người nghe như mở ra trước mắt chúng ta một khung cảnh lễ hội tưng bừng náo nức giữa bầu trời xuân êm đềm, trong trẻo, tràn ngập sắc màu. Màu sắc được phối hợp một cách hài hòa, tự nhiên đã tạo ra một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp với nền xanh điểm trắng nhẹ nhàng, tao nhã, tinh khôi, thanh khiết, trong trẻo tràn đầy sức sống với không gian trải dài trải rộng ngút ngát về phía chân trời chứ không phải là bức tranh của thơ ca cổ Trung Hoa đơn điệu một màu:

“Phương thảo liên thiên bích

Lê chi sổ điểm hoa”

Tám câu thơ tiếp theo tả cảnh trẩy hội màu xuân:

“Thanh mình trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hôi là đạp thanh.”

Nguyễn Du đã đưa chúng ta trở về lễ hội tưng bừng của người dân Việt Nam, lễ hội mang nét đẹp truyền thống của dân tộc. Lễ tảo mộ là lễ của những người còn sống đi quét dọn, thắp hương, sửa sang phần mộ cho những người đã mất để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn, nhớ thương của người ở lại với người đã ra đi, của con cháu với tổ tiên. Việc làm đó thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đây chính là lễ giáo văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta.

Bên cạnh “lễ tảo mộ” là “hội đạp thanh”, là cuộc du xuân, cuộc vui chơi trên đồng cỏ xanh của những trai tài gái sắc, nam thanh nữ tú, “hội đạp thanh” còn là cơ hội gặp gỡ tạo nên sợi tơ hồng để thành duyên đôi lứa mai sau. Vì vậy không khí lễ hội đông vui, nhộn nhịp đến lạ thường:

“Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã gợi ra không khí lễ hội bằng một loạt từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như từ láy “nô nức”, “dập dìu”, “sắm sửa” và từ ghép, từ Hán-Việt” “tài tử”, “giai nhân”, “bộ hành”, “ngựa xe”, “gần xa”, “yến anh” kết hợp với các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh đã khắc họa thật sinh động, không khí lễ hội rộn ràng, đông vui, tưng bừng, náo nhiệt đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước. Trong dòng người nô nức đó có ba chị em Kiều cũng sắm sửa, hòa nhập vào cái đẹp, cái tưng bừng, rộn rã của tuổi trẻ. Hình ảnh so sánh thật giản dị “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, gợi tả không khí náo nức của lễ hội, từng đoàn người người đi chơi xuân trong bộ áo quần đẹp đẽ, tươi thắm màu sắc, họ như từng đàn chim én, chim oanh ríu rít bay về dự lễ hội mùa xuân. Cảnh chảy hội thật đông vui, náo nhiệt trên khắp nẻo đường “gần xa”, những dòng người cuồn cuộn đi trẩy hội, có biết bao “yến anh” đang nô nức, giục dã, chân nói nhịp bước trong dòng người tấp nập, đông vui, nhộn nhịp trên khắp các làng quê. Điều đó cho thấy những “tài tử giai nhân” đã chuẩn bị hết sức chu đáo mong ngóng ngày hội vui để được hưởng niềm hạnh phúc của tuổi trẻ trong tiết màu xuân đẹp đẽ. Đi trẩy hội đã thể hiện được nếp sống phong lưu của chị em Kiều.

Thơ vốn là nghệ thuật của ngôn từ, các từ ghép “yến anh; chị em;tài tử, giai nhân; ngựa xe; áo quần” chính là những danh từ và “gần xa; nô nức; sắm sửa; dập dìu” là động từ, tính từ được thi hào dân tộc sử dụng chọn lọc, tinh tế đã làm sống lại lễ hội mùa xuân. Trong niềm vui của ngày hội xuân đó, đời sống tâm linh cùng với phong tục, dân gian cổ truyền được Nguyễn Du nói đến với nhiều cảm thông sâu sắc:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”

Với nhịp thơ 2/4 và 4/4, giọng thơ trầm xuống thoáng hiện ra một nét buồn cho thấy cõi âm và cõi dương, người sống và người chết, hiện tại và quá khứ đồng hiện trên những gò đống ngổn ngang trong “lễ tảo mộ”, cái tâm thì thánh thiện, niềm tin thì phác thực, dân gian đầy ắp nghĩa tình. Các tài tử giai nhân, chị em Kiều không chỉ cầu nguyện cho riêng mình cầu nguyện cho những vong linh mà còn gửi gắm biết bao niềm tin, ước vọng về một tương lai hạnh phúc

Sáu câu thơ cuối là đoạn ghi lại cảnh chị em Kiều du xuân trở về:

“Tà tà bóng ngả về Tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

Mặt trời đã “tà tà” xuống núi, ngày hội vui đã qua rất nhanh, chị em Kiều “thơ thẩn dan tay ra về”. Hội đã tan, lòng người buồn lưu luyến. Nhịp thơ chậm rãi, tâm tình đến “thơ thẩn”, cử chỉ thì “dan tay”, nhịp chân thì bước dần, tất cả để lại một nỗi lòng man mác, bâng khuâng, lần xem với mọi cảnh vật như tiếc nuối ngày vui mau qua. Bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cảnh vật hiện lên vẫn đẹp nhưng đã không còn tươi sáng như lúc đầu ngày. Cái tài miêu tả của Nguyễn Du khiến không khí lễ hội lúc tan ảm đạm, buồn bã mà có phần thanh dịu, lặng lẽ, mơ mộng, không gian thu hẹp lại, thời gian trôi chậm hơn, cảnh vật như nhạt dần, lặng lẽ theo bước chân “thơ thẩn” trên dặm đường về, phảng phất nỗi tiếc nuối, lưu luyến của lòng người. Mọi chuyển động nhẹ nhàng đều thể hiện qua tâm trạng giai nhân đa sầu đa cảm qua việc sử dụng một loạt các từ láy vừa gợi tả cảnh, vừa gợi tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến từ dư âm ngày vui xuân dường như đã dự báo, linh cảm về điều sắp xảy ra trong tâm hồn nhạy cảm của Thúy Kiều. Bằng việc sử dụng các từ láy gợi tả: “tà tà, thơ thẩn, nao nao, nho nhỏ, thanh thanh”, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, bút pháp ước lệ gợi nên sự nhạt nhòa của cảnh vật nhưng lại rất đẹp, rất thân quen với mỗi chúng ta bởi không ai xa lạ với “ngọn tiểu khê, nhịp cầu nho nhỏ” nơi làng quê yên bình bởi đó chính là màu sắc của quê hương trong lòng người. Cảnh chiều đẹp nhưng buồn còn tâm tình của giai nhân thì cứ man mác, bâng khuâng, nuối tiếc ngày hội vui đã tàn.

“Cảnh ngày xuân” là một trong những đoạn thơ tả cảnh hay nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đọc đoạn trích, người đọc không chỉ trầm trồ về bức tranh thiên nhiên trong sáng vô ngần mà còn cảm nhận được vẻ đẹp trong một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa của cha ông: tiết Thanh minh. Và qua đây, Nguyễn Du cũng thể hiện nét tài hoa trong việc dựng lên một bức tranh tả cảnh ngụ tình tinh tế,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 956
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng