(Có dàn ý) Phân tích bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc ngắn gọn

Phân tích tác phẩm Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc là một bài thơ hay của Bác Hồ viết vào mùa xuân năm 1947, sau một năm quân ta tạm rút khỏi thủ đô Hà Nội để lên núi rừng bạt ngàn Việt Bắc, lập căn cứ làm cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc mẫu dàn ý phân tích bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc kèm theo các bài văn mẫu phân tích tác phẩm Cảnh rừng Việt Bắc ngắn gọn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích tác phẩm Cảnh rừng Việt Bắc

1. Dàn ý phân tích Cảnh rừng Việt Bắc

Mở bài

Giới thiệu tên bài thơ, đoạn trích thơ, tác giả và nếu cảm nghĩ chung của em về bài thơ.

Cảnh rừng Việt Bắc” được Bác Hồ viết vào mùa xuân năm 1947, sau một năm quân ta tạm rút khỏi thủ đô Hà Nội lên núi rừng Việt Bắc, lập căn cứ cho cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp. Đây là lần thứ hai, Bác Hồ và Trung ương Đảng sống, làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc để lãnh đạo cách mạng.

Thân bài

Tập trung phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Nội dung:

Luận điểm 1: Đặc sắc về nội dung của bài thơ:

· - Hai câu đề: Cảm xúc trước cảnh rừng Việt Bắc.

+ Câu thơ “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay” với từ ngữ cảm thán “thật là hay” đã trực tiếp thể hiện cảm xúc ngợi ca, yêu mến của thi nhân với cảnh sắc nơi núi rừng Việt Bắc.

+ Vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc được gợi ra qua những hình ảnh: vượn hót, chim kêu- là những thanh âm quen thuộc của muông thú, gợi ra một bức tranh thiên nhiên sống động, gần gũi và bình dị vô cùng. Ở đó, con người như được chan hoà trong thế giới tự nhiên.

-> Hai câu thơ vừa thể hiện vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, vừa thể hiện tâm hồn tha thiết yêu và gắn bó với thiên nhiên của Bác.

· - Hai câu thực: Cuộc sống thú vị nơi núi rừng Việt Bắc.

+ Những món ăn dân dã như “ngô nếp nướng”, “thịt rừng quay” gợi nếp sinh hoạt giản dị, hoà hợp với thiên nhiên của người chiến sĩ cộng sản. Đó cũng là những sản vật để mời khách quý phương xa.

+ Trong câu thơ thứ tư, Bác dùng chữ “chén” thay cho chữ “ăn” nghe thân mật mà thoáng nét cười hóm hỉnh.

-> Tiếp nối và kế thừa hai câu đề, hai câu thơ thực đã cho thấy cuộc sống đầy thú vị nơi núi rừng Việt Bắc của vị lãnh tụ: những món ăn dân dã nhưng chẳng kém phần đặc sắc, đó là những món quà quý mà thiên nhiên Việt Bắc hào phóng ban tặng cho con người. Từ đó gợi liên tưởng tới nếp sống giản dị, gắn bó chan hoà với thiên nhiên, gần gũi với đời sống nhân dân của Bác.

· - Hai câu luận: Cảm xúc vui say trước thiên nhiên, cuộc sống ở Việt Bắc.

+ Thiên nhiên ban tặng con người: Non xanh, nước biếc; Rượu ngọt, chè xanh. Cuộc sống của người cách mạng có đầy đủ, phong phú cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Cảnh sắc núi rừng thì tươi đẹp; rượu ngon, chè mát luôn sẵn có hàng ngày.

+ Con người đón nhận, tận hưởng: Tha hồ dạo, Mặc sức say. Đây là cảm xúc thoả mãn, vui say trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống nơi này.

-> Những câu thơ như tạc vẽ trước mắt ta hình ảnh một con người đang rất thư thái tận hưởng, say đắm ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ấy. Cuộc đời người cách mạng những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp nơi núi rừng Việt Bắc còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với một tâm hồn lạc quan, yêu và gắn bó tha thiết với thiên nhiên, Bác luôn ung dung, tự tại như vậy.

· - Hai câu kết: Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai cách mạng.

+ “Kháng chiến thành công ta trở lại” câu thơ chất chứa bao ý tình. Cuộc kháng chiến chống Pháp mới diễn ra chưa đầy một năm, dù xác định đó là cuộc kháng chiến trường kì, nhưng Người luôn tin tưởng vào tương lai tất thắng của dân tộc. Trong buổi đầu đầy gian khó của cách mạng, mà Bác đã nghĩ về ngày “kháng chiến thành công”.

+ Cụm từ “ta trở lại” vừa như một lời hứa thuỷ chung vừa như một niềm ao ước. Dù ngày kháng chiến thành công ấy gần hay xa nhưng nhất định “ta” sẽ “trở lại”- trở về với núi rừng Việt Bắc, cái nôi của cách mạng, của cuộc kháng chiến.

+ Những hình ảnh xuất hiện qua biện pháp nghệ thuật liệt kê “trăng xưa”, “hạc cũ”, “xuân này”. Bài thơ dùng bút pháp tả thực và hình ảnh ước lệ “trăng xưa”, “hạc cũ” khiến cho khung cảnh Việt Bắc hiện ra vừa hiện thực, sinh động, vừa đầy chất thơ, sức gợi.

-> Kết thúc bài thơ, âm hưởng thơ lại càng tươi vui và bay bổng. Nghĩ đến ngày kháng chiến thành công, Bác dự cảm trở lại cảnh rừng Việt Bắc, sẽ gặp lại vầng trăng tri kỉ năm xưa, sẽ gặp lại cảnh xuân nơi núi rừng bao năm gắn bó. Phải có một tấm lòng tha thiết yêu thiên nhiên, một tâm hồn lạc quan phơi phới, Bác mới viết lên những vần thơ đẹp đẽ như thế.

Luận điểm 2: Đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ:

- Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật: mỗi câu thơ gồm bảy tiếng, cả bài thơ gồm 8 câu. Có bố cục chặt chẽ, thống nhất của thể loại là bốn phần: đề- thực- luận- kết.

- Bài thơ được viết theo luật Bằng: chữ thứ hai của câu thơ thứ nhất là “rừng”- thanh bằng.

- Thanh điệu các câu thơ và toàn bài thơ hài hoà, chặt chẽ theo đúng nguyên tắc hoà thanh “nhị- tứ- lục phân minh” của thơ Đường luật (ví dụ). Đảm bảo quy định về niêm, về liên (ví dụ).

- Vần: bài thơ gieo vần chân, là vần liền xen vần cách ở các câu 1-2-4-6-8. Cụ thể “hay- ngày- quay- say- này” với vần “ay”.

- Nghệ thuật đối được thể hiện ở cặp câu luận: đối từ “non xanh, nước biếc” đối với “rượu ngọt, chè xanh”; đối ý “tha hồ dạo” với “mặc sức say” làm nổi bật cuộc sống ung dung tự tại giữa cảnh rừng Việt Bắc của vị lãnh tụ.

- Nhịp: bài thơ ngắt 4/3- nhịp phổ biến của bài thơ thất ngôn.

- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, gần gũi mà tươi tắn, nên thơ; có sử dụng kết hợp hình ảnh ước lệ “trăng xưa”, “hạc cũ” ở cuối bài thơ.

- Sử dụng hiệu quả biện pháp tu từ liệt kê “Vượn hót, chim kêu, ngô nếp nướng, thịt rừng qua, non xanh, nước biếc, rượu ngọt, chè tươi, …” để làm nổi bật sự tươi đẹp, phong phú của khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống nơi núi rừng.

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc của thơ Đường: tình và cảnh luôn tồn tại song song biểu hiện cụ thể tâm trạng con người trong mối quan hệ giữa không gian và thời gian.

Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

2. Phân tích bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc

Bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc được Bác Hồ viết vào mùa xuân năm 1947, sau một năm quân ta tạm rút khỏi thủ đô Hà Nội để lên núi rừng bạt ngàn Việt Bắc, lập căn cứ làm cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp. Đây là lần thứ hai, Bác Hồ và Trung ương Đảng sống, làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc để lãnh đạo cách mạng.

Lần thứ nhất là trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Nói vắn tắt đôi lời để thấy trong bối cảnh như vậy mà vị lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn luôn dạt dào niềm xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, với một tứ thơ tức cảnh hàm xúc và tràn đầy lạc quan, mà có lẽ chỉ những người cách mạng mẫu mực như Bác Hồ mới có trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Mở đầu bài thơ, Bác đã như reo lên trước cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay”. Nhưng lạ là ở chỗ, cái hay ấy không phải là cái gì xa vời, lại càng không phải những cái gì gợi sự tò mò, kiểu như võ sĩ vào rừng săn tìm sự lạ lùng và khơi gợi trí tò mò. Ở đây, cái hay chính là thiên nhiên, nói cách khác, là sự gắn kết thiên nhiên với con người, con người với thiên nhiên ở một nơi thiên nhiên vẫn như còn nguyên sơ và con người vẫn nguyên vẹn tình yêu tha thiết với thiên nhiên.

Thế nên, dẫu có suốt ngày vượn hót, chim kêu mà có ai đó khó tính cảm thấy đinh tai, nhức óc, thì với Bác Hồ, đến cỏ cây hoa lá đất trời xanh cũng làm cho lòng Người rưng rưng tha thiết, thì ngày ngày được nghe tiếng vượn hót, chim kêu ấy càng như nhắc nhở, giục giã công việc và khơi gợi suy nghĩ vì non sông, đất nước. Chỉ với hai câu mở đầu đã cho người đọc thấy nhà thơ yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên đến mức nào; hay nói rộng ra, lòng yêu nước ở Bác Hồ không phải là cái gì xa vời mà chính là từ tình yêu thiên nhiên, yêu những gì gắn bó, thiết tha, gần gũi với cuộc sống thường nhật của chính mình và đồng loại, mà vì nó có thể hy sinh tất thẩy để phụng sự suốt đời. Hơn nữa, trong hoàn cảnh thực tại của cuộc kháng chiến chín năm muôn vàn khó khăn, gian khổ thì thiên nhiên ở đây không chỉ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (thơ Tố Hữu), mà còn thực sự góp phần giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt đời thường, nuôi dưỡng sức lực cho quân ta đánh giặc. Cái thực tại ấy được Bác Hồ khắc hoạ bằng nét mộc mạc, giản dị, chân thực trong bốn câu thơ đặc tả sinh hoạt đời thường rất gợi:

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Chỉ bốn câu thôi, mà làm người đọc thấy được cuộc sống của những người đi kháng chiến ở núi rừng. Không phải là một cuộc sống hoàn toàn sung sướng “cơm gà, cá gỡ”, nhưng cũng không phải là một cuộc sống túng bấn đến mức “cơm không có mà ăn”, như hồi ấy có kẻ lầm tưởng những người kháng chiến ở rừng xanh núi ngàn. Cảnh sống ấy thật đơn giản mà lịch sự biết nhường nào, bởi cái tình người với nhau chan chứa, mặn nồng, tha thiết đến cái bắp ngô, củ sắn cũng bẻ đôi:

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.

Chỉ có thế, nhưng thật là thịnh soạn, với một từ “chén” đủ làm người đọc thấy niềm lạc quan của những người đi kháng chiến bất chấp khó khăn ở rừng xanh núi ngàn. Với niềm lạc quan ấy thì trước phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, có thể thả bộ thư giãn sau những giây phút làm việc căng thẳng, hay ngồi ngâm nghi giây lát bên chén rượu, ấm trà cũng là điều rất hợp lẽ, rất đời thường:

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Đến đây, người đọc càng thấy sự bình dị và niềm lạc quan ở Bác Hồ gấp bội phần. Nhất là ở hai câu kết:

Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Thì ta càng thấy sự bình dị, lạc quan ở Bác Hồ trong một hoàn cảnh khó khăn như năm 1947 giữa núi rừng Việt Bắc biết chừng nào.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.403
0 Bình luận
Sắp xếp theo