(13 đề) Đề thi Văn cuối kì 2 lớp 7 năm 2024 có đáp án

Tải về

Bộ đề thi Văn cuối kì 2 lớp 7 năm 2024 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây là tổng hợp các mẫu đề thi cuối học kì 2 môn Ngữ văn 7 sách mới có đáp án vừa được các thầy cô biên soạn theo đúng cấu trúc môn Ngữ văn lớp 7 sách mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau đây là nội dung chi tiết đề thi Ngữ văn cuối kì 2 lớp 7 chương trình mới 2024, mời các em cùng tham khảo.

Đề thi cuối kì 2 môn Văn 7 Cánh Diều 2024 có đáp án

Đề thi cuối kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức 2024

Đề thi Ngữ văn lớp 7 cuối học kì 2 Chân trời sáng tạo 2024

Đề thi Văn lớp 7 cuối kì 2 2024 có đáp án

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BẮC GIANG

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023 - 2024

MÔN: NGỮ VĂN LỚP 7

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu:

Em vươn vai đứng dậy
Trái Đất đã xanh rồi
Giữa biêng biếc mây trời
Tiếng chim vui ngọt quá

Quàng khăn xanh biển cả
Khoác áo thơm hương rừng
Trái Đất mang trên lưng
Những đứa con của đất

Tuy màu da có khác
Nhưng vẫn chung nụ cười
Như biển cả không vơi
Một màu xanh thăm thẳm

Như ban mai nắng ấm
Lung linh bờ thảo nguyên
Hãy giữ được bình yên
Cho hoa thơm thơm mãi

Em vươn vai đứng dậy
Mong Trái Đất hòa bình
Đừng bao giờ chiến tranh
Mà đau hòn máu đỏ

Cho năm châu hội ngộ
Trong tình thương loài người
Và cho khắp mọi nơi
Là nhà bồ câu trắng.

(Em nghĩ về Trái Đất, Nguyễn Lãm Thắng, thivien.net)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra số từ trong dòng thơ: Cho năm châu hội ngộ.

Câu 3. Theo bài thơ, những đứa con của đất có đặc điểm gì riêng và chung?

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai dòng thơ:

Quàng khăn xanh biển cả
Khoác áo thơm hương rừng

Câu 5. Em hiểu như thế nào về nội dung hai dòng thơ:

Và cho khắp mọi nơi
Là nhà bồ câu trắng.

Câu 6. Tại sao nhân vật em trong bài thơ lại có mong ước: Mong Trái Đất hòa bình/ Đừng bao giờ chiến tranh?

Câu 7. Theo em, mỗi người cần làm những gì để cho cuộc sống trên Trái Đất của chúng ta ngày trở nên tốt đẹp hơn? (Nêu ít nhất hai việc làm).

II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết bài văn bày tỏ suy nghĩ của em về ý kiến sau: Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6.0

1

Bài thơ được viết theo thể thơ: 5 chữ (ngũ ngôn)

0.75

2

HS chỉ ra được đúng số từ trong dòng thơ: năm

0.75

3

- HS chỉ ra đúng Những đứa con của đất có:

+ đặc điểm riêng: màu da;

+ đặc điểm chung: nụ cười.

- HS không làm hoặc làm sai

1.0

0.5

0.5

0.0

4

- HS chỉ ra đúng yêu cầu

+ Dấu hiệu nhân hóa: biển cả quàng khăn; rừng khoác áo.

+ Tác dụng: Làm cho biển cả và rừng trở nên gần gũi, sinh động như con người; gợi ra vẻ đẹp duyên dáng của rừng và biển; qua đó thấy được tình cảm yêu mến của nhân vật “em” với thiên nhiên.

- HS không làm hoặc làm sai

1.0

0.5

0.5

0.0

5

- HS nêu được cách hiểu phù hợp về hai dòng thơ: Mong ước khắp nơi đều được hòa bình (vì chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình).

- HS không làm hoặc làm sai

0.5

0.0

6

- HS có câu trả lời phù hợp (có thể như: Nhân vật em có mong ước: Mong Trái Đất hòa bình/ Đừng bao giờ chiến tranh bởi vì: chiến tranh gây đau thương mất mát, gia đình li tán, kinh tế kiệt quệ, nhiều công trình bị hủy diệt, trẻ em không được đến trường…)
- HS không làm hoặc làm sai

1.0

0.0

7

- HS nêu ra ít nhất 02 việc làm phù hợp. (Mỗi việc làm phù hợp được 0,5 điểm). Có thể nêu các việc sau: Bảo vệ môi trường; lên án chiến tranh; sống nhân ái, thân thiện, đoàn kết;….

- HS không làm hoặc làm sai

1.0

0.0

II

VIẾT

4.0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò của đức tính khiêm tốn đối với sự thành công của con người.

0.5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:

- Xác định được các ý chính của bài viết.

- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

- Giải thích hoặc nêu biểu hiện của đức tính khiêm tốn.

- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo gợi ý sau:

+ Khiêm tốn khiến bản thân luôn thấy cần cố gắng học hỏi, nâng cao hiểu biết Vì thế dễ có được thành công

+ Khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa.

+ Khiêm tốn nên không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

+ Nhiều người không khiêm tốn, tự cao, tự đại dẫn đến chủ quan, dễ thất bại.

....

- Mở rộng hoặc có ý kiến khác để có cái nhìn toàng diện: Ngoài khiêm tốn, để thành công còn có thể cần có thêm những phẩm chất khác; khiêm tốn không phải là tự ti, thiếu tự tin, nhút nhát,...

* Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa của đức tính khiêm tốn và rút ra bài học cho bản thân.

1.0

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

- Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề.

- Đưa ra được lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng.

1.5

e. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0.25

f. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.5

Đề thi học kì 2 Văn 7 2024 có đáp án

Đề Ngữ văn 7 cuối kì 2 có đáp án - đề 1

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Tất cả xô tới chỗ Nét : thuyền trưởng, các sĩ quan, anh em, thuỷ thủ. Thật chỉ các kĩ sư và thợ đốt lò cũng bỏ máy và lò mà chạy lên. Pha-ra-gút ra lập tức hãm tàu lại và chiếc tàu chỉ còn chuyển động theo quán tính.

Trời tối như mực. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao Nét có thể nhìn thấy một vật gì đó trong đêm dày đặc như thế này. Tim tôi đập mạnh như vỡ ra. Nhưng Nét không lầm. Một lát sau, mọi người đã nhìn thấy cái mà Nét chỉ.

Cách tàu Lin-côn gần bốn trăm mét, biển hình như được chiếu sáng từ trong ra. Đó không phải là hiện tượng biển có ánh sáng như thường gặp. Con quái vật nổi lên những lớp nước phía trên và đang nghỉ.

Từ thân nó toả ra cái ánh sáng rực rỡ khó tả mà nhiều thuyền trưởng đã nói đến trong báo cáo của họ. Những cơ quan phát sáng của con vật phổ mạnh mẽ thế nào mới phát ra được ánh hào quang lộng lẫy như vậy! Con vật đó có hình bầu dục lớn, thuôn dài, ở giữa đặc biệt sáng và giảm dần ở hai đầu.

– Đó chỉ là nơi tập trung những chất hữu cơ phát sáng thôi! – một sĩ quan nói.

– Ngài lầm rồi, – tôi kiên quyết phản đối, – Động vật chẳng bao giờ phát ra chất sáng như vậy. Đó là ánh sáng điện... Kìa nhìn xem, nhìn xem kìa! Ánh sáng đang chuyển động khi gần khi xa. Nó đang hướng về phía chúng ta đấy.

[…]

Chúng tôi nín thở. Có lẽ chẳng phải vì sợ hãi mà vì ngạc nhiên mà chúng tôi cứ đứng sững tại chỗ. Con vật rượt theo chúng tôi như đùa giỡn. Nó lượn quanh tàu lúc ấy đang chạy nhanh mười bốn hải lí một giờ. Nói rồi ánh sáng điện vào tàu rồi trong chớp mắt lại bơi ra cách tàu hai, ba hải lí và để lại phía sau một vệt sáng lấp lánh trông tựa những cuộn khói từ một đầu tàu chạy nhanh phun ra. Bỗng nhiên từ phía sau đường chân trời đen thẫm, con quái vật lấy đà lao thẳng tới tàu Lin-côn với một tốc độ ghê người. Nhưng đến cách tàu khoảng sáu mươi mét, nó đột ngột dừng lại và tắt điện. Không, nó không lặn xuống, vì nếu lặn thì ánh sáng phải giảm đi dần dần. Đằng này nó tắt phụt, tựa như nguồn ánh sáng bỗng bị cạn. Con quái vật lại xuất hiện ở phía bên kia tàu, chẳng biết là đã vòng qua hay chui luồn phía dưới. Từng giây phút có thể xảy ra tai nạn đâm vào nhau. Tôi ngạc nhiên về thái độ của con tàu. Nó bỏ chạy chứ không giao chiến. Chính con tàu có nhiệm vụ tìm diệt quái vật, thế mà giờ đây quái vật lại rượt theo tàu! Tôi lưu ý thuyền trưởng Pha-ra-gút về việc đó. Trên khuôn mặt gan góc của ông ta lộ rõ vẻ hoang mang cao độ.

(Trích Hai vạn dặm dưới đáy biển - J. Verne - Theo http://www. Ietdanang.vn)

Trả lời câu hỏi bên dưới:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định thể loại của đoạn trích trên?

Câu 2. (0,5 điểm) “Con vật” trong đoạn trích có hình thù như thế nào?

Câu 3. (1,0 điểm) Trong phần đầu của đoạn trích, “con quái vật” (sau này giáo sư mới biết là tàu ngầm) đã xuất hiện trong không gian nào? Việc xây dựng không gian như vậy có tác dụng gì?

Câu 4. (1,0 điểm) Tìm và xác định chức năng của số từ có trong câu sau:

Những cơ quan phát sáng của con vật phổ mạnh mẽ thế nào mới phát ra được ánh hào quang lộng lẫy như vậy!.

Câu 5. (1,0 điểm) Xác định và nêu tác dụng của phép liên kết có trong đoạn văn sau:

Từng giây phút có thể xảy ra tai nạn đâm vào nhau. Tôi ngạc nhiên về thái độ của con tàu. Nó bỏ chạy chứ không giao chiến.

Câu 6. (2,0 điểm) Nếu có cơ hội tham gia chuyến đi biển đầy mạo hiểm song cũng hết sức thú vị như các nhân vật trong đoạn trích, em có tham gia không? Vì sao?. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày những suy nghĩ của em.

II. VIẾT (4,0 điểm)

"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời còn"

Trên đời này, có lẽ chẳng còn có điều gì hạnh phúc và sung sướng bằng việc được ở bên cạnh những người mà chúng ta hết mực yêu thương, đặc biệt là được sống bên cha, bên mẹ mỗi ngày. Từ những ấn tượng sâu sắc, em hãy viết bài văn biểu cảm về cha/mẹ của mình.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

I

ĐỌC HIỂU

1

Đoạn trích trên thuộc thể loại truyện khoa học viễn tưởng.

2

Học sinh xác định được những từ ngữ miêu tả hình thù của “ Con vật” trong đoạn trích:

Con vật đó có hình bầu dục lớn, thuôn dài, ở giữa đặc biệt sáng và giảm dần ở hai đầu.

3

Học sinh xác định được:

- Không gian con quái vật (sau này giáo sư mới biết là tàu ngầm) đã xuất hiện: Trời tối như mực.

- Tác dụng: Kích thích trí tò mò của các nhân vật, làm cho câu chuyện hấp dẫn.

4

Học sinh xác định được số từ và nêu được chức năng của số từ có trong câu:

- Số từ: Những

- Chức năng: Bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ “cơ quan”.

5

Học sinh xác định được phép liên kết và tác dụng:

- Phép liên kết: Phép thế “thay thế chocon tàu” cho câu đứng trước.

- Tác dụng: Tránh lặp đi lặp lại một từ một cách đơn điệu mà còn có tác dụng tạo sự liên kết các câu trong đoạn văn.

6

HS viết được đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày những suy nghĩ theo cảm nhận của cá nhân. Có thể lựa chọn đáp án “có muốn tham gia” hoặc “từ chối tham gia” nhưng cần có lí lẽ thuyết phục.

VD:

- Nếu có cơ hội để tham gia như thế thì em sẽ từ chối tham gia vì tuy được đi tham gia mạo hiểm như thế rất vui nhưng nó hết sức là nguy hiểm, khi tham gia như vậy có khi chúng ta gặp phải được những rủi ro khó ngờ.

- Hoặc: Nếu có cơ hội tham gia chuyến đi biển đầy mạo hiểm song cũng hết sức thú vị như các nhân vật trong tác phẩm thì em sẽ đồng ý vì khi đi phiêu lưu, em sẽ được biết nhiều điều hơn trong cuộc sống, trải nghiệm được nhiều điều thú vị và mới lạ hơn.

- ……………………………………………………………

* Lưu ý: Học sinh có thể có những hiểu biết khác nhưng phù hợp vẫn đạt yêu cầu.

II

VIẾT

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn biểu cảm

Bố cục rõ ràng, xác định rõ phạm vi tri thức về đối tượng, sử dụng các yếu tố tự sự và miêu tả thích hợp để làm bài văn biểu cảm về cha/mẹ; ngôn từ chính xác, dễ hiểu.

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Viết được bài văn biểu cảm về con người (cha/mẹ)

c. Viết được bài văn biểu cảm về cha/mẹ

- Bài viết phải cung cấp những kiến thức cơ bản về người cha/mẹ.

- Ngôi kể thứ nhất.

- Học sinh có nhiều cách diễn đạt, sáng tạo khác nhau, song về cơ bản phải đạt được những yêu cầu sau:

- Dẫn dắt và được giới thiệu được đối tượng biểu cảm

- Biểu lộ cảm xúc chung về đối tượng được biểu cảm

- Lần lượt thể hiện những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ một cách sâu sắc, chân thực thông qua việc miêu tả, kể lại các kỷ niệm ấn tượng đáng nhớ về đối tượng biểu cảm

- Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về đặc điểm, tính cách, kỉ niệm gắn với người đó.

- Mỗi cảm xúc cần có lí giải vì sao em có tình cảm, cảm xúc đó.

- ……………………………………………………………

* Lưu ý: Học sinh cần nêu được ít nhất 2 sắc thái tình cảm trở lên. Và khi biểu cảm kết hợp yếu tố miêu tả và tự sự để lí giải cảm xúc.

- Khẳng định lại có tình cảm, cảm xúc của người viết dành cho đối tượng biểu cảm

- Rút ra điều đáng nhớ đối với bản thân

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

Sử dụng yếu tố tự sự kết hợp với miêu tả trong quá trình viết bài văn biểu cảm…, văn viết giàu hình ảnh, các từ ngữ, câu văn để bộc lộ tình cảm, cảm xúc…

Đề Ngữ văn 7 cuối kì 2 có đáp án - đề 2

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau: TRÒ CHƠI “BỊT MẮT BẮT DÊ”

a. Mục đích

Trò chơi bịt mắt bắt dê giúp trẻ rèn luyện kĩ năng di chuyển, nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phán đoán. Trò chơi giúp tạo không khí vui vẻ, sôi động và tăng thêm tính đoàn kết.

b. Hướng dẫn chơi

Tùy theo mỗi vùng miền mà có cách chơi khác nhau. Sau đây là 2 cách chơi bịt mắt bắt dê phổ biến như sau:

Cách 1:

Cả nhóm cùng oẳn tù tì hoặc chọn một người xung phong bịt mắt đi bắt dê, khăn bịt mắt, những người xung quanh đứng thành vòng tròn rộng. Người chơi chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người đó hô “đứng lại” thì phải đứng lại không được di chuyển, lúc này người bịt mắt đi quanh vòng tròn và bắt một người bất kỳ, người chơi cố tạo ra tiếng động để người bịt mắt mất phương hướng khó phán đoán. Cho đến khi người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một ai đó thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Nếu không bắt được ai lại hô bắt đầu để mọi người di chuyển.

Cách 2

Chọn hai người vào chơi, một người làm dê, một người đi bắt dê. Cả hai cùng đứng trong vòng tròn và bịt bịt mắt, đứng quay lưng vào nhau. Sau đó nghe theo hiệu lệnh người làm dê vừa di chuyển vừa kêu “be be” để người bắt dê định hình phương hướng và đuổi bắt. Những người đứng xung quanh hò reo tạo không khí sôi động. Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào.

c. Luật chơi trò bịt mắt bắt dê

- Mắt phải được bịt kín

- Người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê

- Không được đi ra khỏi vòng tròn

- Nếu trong một thời gian quy định mà không bắt được dê thì coi như bên dê thắng và thay người khác vào chơi.

(In trong 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2014)

Lựa chọn và khoanh tròn vào chữ cái của đáp án đúng nhất trong mỗi câu hỏi sau:

Câu 1: Văn bản trên trình bày về quy tắc, luật lệ về trò chơi dân gian nào ? (0,5 điểm)

A. Oẳn tù tì

B. Bịt mắt vẽ tranh

C. Lò cò

D. Bịt mắt bắt dê

Câu 2: Văn bản “Bịt mắt bắt dê” cung cấp được những thông tin cơ bản nào? (0,5 điểm)

A. Mục đích, hướng dẫn chơi, luật chơi

B. Mục đích, chuẩn bị, hướng dẫn chơi

C. Nguồn gốc, hướng dẫn chơi, luật chơi

D. Mục đích, hướng dẫn chơi, hình thức xử phạt

Câu 3: Văn bản “Bịt mắt bắt dê” hướng dẫn bao nhiêu cách chơi? (0,5 điểm)

A. 1 cách chơi

B. 2 cách chơi

C. 3 cách chơi

D. 4 cách chơi

Câu 4: Đoạn văn sau sử dụng phép liên kết nào? “Trò chơi bịt mắt bắt dê giúp trẻ rèn luyện kĩ năng di chuyển, nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phán đoán. Trò chơi giúp tạo không khí vui vẻ, sôi động và tăng thêm tính đoàn kết” (0,5 điểm)

A. Phép lặp

B. Phép thế

C. Phép nối

D. Phép liên tưởng

Câu 5: Thông tin trong mục “Hướng dẫn cách chơi” được triển khai theo trình tự nào? (0,5 điểm)

A. Theo trình tự thời gian

B. Theo trình tự không gian

C. Theo quan hệ nhân quả

D. Theo diễn biến tâm lí

Câu 6: Giải thích nghĩa của từ “săn” trong câu văn: “Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào" (0,5 điểm)

A. Chạy trốn

B. Đuổi bắt

C. Chăm sóc

D. Xoắn chặt

Câu 7: Xác định thành phần được mở rộng trong câu sau: “Người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê” (0,5 điểm)

A. Chủ ngữ

B.Vị Ngữ

C. Trạng ngữ

D. Chủ ngữ và vị ngữ.

Câu 8:Xác định chức năng của số từ trong câu sau: “Chọn hai người vào chơi, một người làm dê, một người đi bắt dê” (0,5 điểm)

A. Bổ sung ý nghĩa về số lượng cho động từ “làm”

B. Bổ sung ý nghĩa về số lượng cho động từ “chọn”

C. Bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ “người”

D. Bổ sung ý nghĩa về số thứ tự cho danh từ “người”

Câu 9: Trò chơi “Bịt mắt bắt dê” mang đến cho em những trải nghiệm gì? (1,0 điểm)

Câu 10: Em hãy nêu ít nhất hai cách để giữ gìn và phát huy trò chơi dân gian? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 11: Hiện nay, một tình trạng phổ biến là học sinh xả rác một cách bừa bãi trong trường học. Em hãy viết một bài văn nghị luận nêu ý kiến của em về vấn đề này.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6.0

1

D

0.5

2

A

0.5

3

B

0.5

4

A

0.5

5

A

0.5

6

B

0.5

7

B

0.5

8

C

0.5

9

Những trải nghiệm :

- Mang lại tiếng cười vui vẻ, thư giãn

- Rèn luyện khả năng nghe, xác định phương hướng

- Sự kết nối trong một tập thể

1.0

10

- Học sinh trình bày suy nghĩ cá nhân

- Dưới dây là một số gợi ý:

+ Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè về các trò chơi dân gian

+ Thường xuyên chơi trò chơi dân gian cùng bạn bè (trong giờ giải lao, ngày nghỉ...)

1.0

II

VIẾT

4.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0,5

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: suy nghĩ cá nhân đối với vấn đề học sinh xả rác một cách bừa bãi trong trường học.

0,5

c. Triển khai nội dung:

HS triển khai vấn đề theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; sau đây là một số gợi ý:

- Thực trạng học sinh xả rác ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường học tập hiện nay.

- Những biểu hiện cụ thể

- Nguyên nhân

- Tác hại

- Giải pháp

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.

0,25

Đề Ngữ văn 7 cuối kì 2 có đáp án - đề 3

I. ĐỌC - HIỂU (6.0 điểm) Đọc văn bản sau:

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

Hồ Chí Minh

(Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 480, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995 )

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0.5 điểm): Văn bản trên thuộc kiểu văn bản?

A. Thông tin

B. Báo chí

C. Văn học

D. Nghị luận

Câu 2 (0.5 điểm): Những ai là người tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc ?

A. Đàn ông, đàn bà

B. Người già, người trẻ

C. Đàn ông, người già

D. Mọi người Việt Nam nói chung

Câu 3 (0.5 điểm): Lí lẽ nào sau đây không được đề cập trong văn bản?

A. Chúng ta cần đoàn kết lại để chống thực dân Pháp

B. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.

C. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

D. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Câu 4 (0.5 điểm): Tác giả viết văn bản trên nhằm mục đích gì?

A. Kêu gọi nhân dân cùng nhau chống nạn thất học.

B. Kêu gọi nhân dân cùng nhau đứng lên đánh giặc

C. Kêu gọi nhân dân cùng nhau xây dựng đất nước.

D. Kêu gọi nhân dân chống lại những hủ tục phong kiến.

Câu 5 (0.5 điểm): Vì sao chúng ta phải đứng lên kháng chiến?

A. Vì Pháp tấn công đồng bào ta.

B. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

C. Thực dân Pháp ngày càng lấn tới.

D. Pháp gây hấn đồng bào ta ở khắp mọi nơi.

Câu 6 (0.5 điểm): Theo tác giả, chúng ta đứng lên kháng chiến là để:

A. Không bị mất nước, không phải làm nô lệ.

B. Thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta

C. Cuộc sống của nhân dân ta đủ đầy, hạnh phúc

D. Không bị áp bức, đè nén trong xã hội.

Câu 7 (0.5 điểm): Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ tiêu biểu nào trong các câu văn sau: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

A. Nói quá

B. Nói giảm nói tránh

C. Điệp ngữ

D. So sánh

Câu 8 (0.5 điểm): Các câu sau đây sử dụng phép liên kết nào?

“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…!

A. Phép lặp

B. Phép lặp, phép nối

C. Phép nối

D. Phép thế

Câu 9 (1.0 điểm): Vì sao tác giả nói “thắng lợi nhất định về dân tộc ta”?

Câu 10 (1.0 điểm): Từ việc đọc văn bản, em hãy chỉ ra những việc cần làm để thể hiện lòng yêu nước khi còn ngồi trên ghế nhà trường (trình bày ngắn gọn từ 3 đến 5 câu).

II. VIẾT (4.0 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của bản thân về một hiện tượng trong đời sống xã hội mà em quan tâm nhất.

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

D

0,5

2

D

0,5

3

A

0,5

4

B

0,5

5

B

0,5

6

A

0,5

7

C

0,5

8

B

0,5

9

HS lí giải:

- Vì cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa. (0,5 điểm)

- Khi dân tộc ta đoàn kết, có lòng yêu nước thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn, có thể nhấn chìm mọi quân thù hùng mạnh. (0,5 điểm)

( Hs có thể diễn đạt không chuẩn từ ngữ như gợi ý nhưng có ý hiểu đúng, Gv linh hoạt cho điểm phù hợp)

1,0

10

HS nêu một số việc làm của bản thân.

+ Chăm chỉ học hành để rèn đức, luyện tài; 0,25 điểm

+ Nghe lời cha mẹ và thầy cô; 0,25 điểm

+ Yêu thương và giúp đỡ người khác; 0,25 điểm

+ Tích cực tham gia các hoạt động xã hội; 0,25 điểm

+….

(HS có thể nêu những việc làm khác của bản thân thể hiện được lòng yêu nước, không vi phạm đạo đức, pháp luật. GV thấy hợp lý vẫn cho điểm tối đa 0,25 đ/ 1 ý.)

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một hiện tượng trong đời sống xã hội

0,25

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

0,25

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và nêu ý kiến của bản thân về vấn đề đó.

0,5

2. Thân bài

a. Giải thích

- Giải thích các từ ngữ, khái niệm quan trọng về vấn đề nghị luận

b. Bàn luận

- Khẳng định ý kiến tán thành hay phản đối của người viết về vấn đề nghị luận.

- Đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

c. Mở rộng

- Nhìn nhận vấn đề ở chiều hướng ngược lại, bổ sung ý cho vấn đề nghị luận toàn vẹn

1,5

3. Kết bài

- Khẳng định lại ý kiến, đề xuất giải pháp, nêu bài học nhận thức và phương hướng hành động.

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Chữ viết sạch đẹp, cẩn thận.

0,5

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, trình bày khoa học. Diễn đạt mạch lạc, lập luận sắc sảo, trôi chảy.

0,5

......................

Để xem toàn bộ nội dung 12 đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 7 có đáp án, mời các bạn sử dụng file tải về trong bài.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.121
(13 đề) Đề thi Văn cuối kì 2 lớp 7 năm 2024 có đáp án
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm