Đề thi cuối kì 1 Văn 11 Cánh diều

Tải về

Đề kiểm tra cuối học kì 1 Văn 11 Cánh diều được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây bao gồm rất nhiều mẫu đề thi học kì 1 Ngữ văn 11 Cánh Diều theo đúng cấu trúc mới. Bộ đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh Diều bám sát mạch nội dung kiến thức của chương trình học với ngữ liệu đa dạng có kèm theo đáp án chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo cực kì bổ ích cho các em học sinh.

Nội dung bộ đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều

STTĐọc hiểuTự luậnĐáp  án
1

Thông tin về ngày trái đất năm 2000 (Trắc nghiệm + Tự luận)

Thuyết minh tổng hợp về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông
2

Khám phá chùa Keo – ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo.

Nghị luận về việc giữ gìn và phát huy vốn văn hoá truyền thống của dân tộc.
3

Chí khí anh hùng

Chí khí anh hùng
4Con chó xấu xíCon chó xấu xí
5Hương thầmHương thầm
6Lệ - Nguyễn Thế Hoàng LinhLệ - Nguyễn Thế Hoàng Linh

Đề cuối  kì 1 Văn 11 Cánh Diều

I. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

THÔNG TIN VỀ NGÀY TRÁI ĐẤT NĂM 2000

Ngày 22 tháng 4 hằng năm được gọi là Ngày Trái Đất do một tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ khởi xướng từ năm 1970. Từ đó đến nay dã có 141 nước trên thế giới tham gia tổ chức này, với quy mô với nội dung thiết thực về bảo vệ môi trường.

Ngày Trái Đất hằng năm được tổ chức theo những chủ đề liên quan đến những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất của từng nước hoặc từng khu vực.

Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia Ngày Trái Đất với chủ đề “Một ngày không dùng bao bì ni lông”.

Như chúng ta đã biết, việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân huỷ [1] của pla-xtíc [2]. Hiện nay ở Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng triệu bao bì ni lông, một phần được thu gom, phần lớn bị vứt bừa bãi khắp nơi công cộng, ao hồ, sông ngòi.

Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải. Đặc biệt bao bì ni lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi [3] gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi các bao bì ni lông thải bỏ bị đốt, các khí độc thải ra đặc biệt là chất đi-ô-xin [4] có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết [5], giảm khả năng miễn dịch [6], gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh [7] cho trẻ sơ sinh.

Vì vậy chúng ta cần phải:

– Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông, cùng nhau giảm thiểu [8] chất thải ni lông bằng cách giặt phơi khô để dùng lại.

– Không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết.

– Sử dụng các túi đựng không phải bằng ni lông mà bằng giấy, lá, nhất là khi dùng để gọi thực phẩm.

– Nói những hiểu biết của mình về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông cho gia đình, bè bạn, và mọi người trong cộng đồng để cùng nhau tìm ra giải pháp [9] cho vấn đề sử dụng bảo vệ trước khi thải bỏ bao bì ni lông bởi mức gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường.

Mọi người hãy cùng nhau quan tâm tới Trái Đất hơn nữa!

Hãy bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta trước những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang gia tăng.

Hãy cùng nhau hành động:

“MỘT NGÀY KHÔNG DÙNG BAO BÌ NI LÔNG”.

(Theo tài liệu của Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội)

Chú thích

[1] Phân hủy: (hiện tượng một chất) phân chia thành những chất khác nhau, không còn mang tính chất của chất ban đầu.

[2] Pla-xtíc: chất dẻo.

[3] Ca-đi-mi: một kim loại, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất kẽm, chì, đồng từ quặng.

[4] Đi-ô-xin: chất rắn, không màu, rất độc, chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ cũng đủ nguy hiểm.

[5] Tuyến nội tiết: tuyến mà chất tiết ra của nó ngấm thẳng vào máu, có tác dụng bảo đảm hoạt động sinh lí bình thường của cơ thể.

[6] Miễn dịch: (trạng thái của cơ thể) chống lại được một bệnh nào đó.

[7] Dị tật bẩm sinh: hiện tượng biến đổi bất thường về hình dạng của bộ phận nào đó trong cơ thể (dị tật) đã có từ khi sinh ra (bẩm sinh).

[8] Giảm thiểu: bớt đi một ít, giảm bớt.

[9] Giải pháp: cách giải quyết một vấn đề.

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm): bám sát nội dung và ma trận của BGD.

Câu 1: Ngày nào hằng năm được gọi là Ngày Trái Đất ?

A- Ngày 22 tháng 4
B- Ngày 23 tháng 8
C- Ngày 24 tháng 11
D- Ngày 22 tháng 6

Câu 2: Phát biểu nào sau đây là sai:

A- Bao bì ni lông không thể phân hủy được
B- Thông điệp của văn bản là: hãy sử dụng 1 ngày trong cuộc đời không sử dụng bao bì ni lông
C- Văn bản chỉ ra sự độc hại của ni lông
D- Năm 2000 ,Việt Nam bắt đầu tham gia Ngày Trái Đất với chủ đề “Một ngày không dùng bao bì ni lông”

Câu 3: Văn bản trên thuộc loại văn bản nào?
A- Thuyết minh
B- Thông Tin
C- Tự sự
D- Nghị luận

Câu 4: Điều gì là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại với môi trường tự nhiên?

A- Bao bì ni lông đã qua sử dụng chưa được xử lí
B- Ni lông gây ô nhiễm thực phẩm
C- Ni lông không thể phân hủy
D- Sự không phân hủy của pla-xtíc

Câu 5: Văn bản trên viết về chủ đề nào?
A- Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông
B- Bảo vệ môi trường
C- Ni lông là một thứ độc hại

D- Một ngày không sử dụng bao ni lông

Câu 6: Trong văn bản Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000, bao bì ni lông được coi là gì?

A- Một loại rác thải công nghiệp

B- Một loại chất gây độc hại

C- Một loại rác thải sinh hoạt

D- Một loại vật liệu kém chất lượng

Câu 7: Tác giả lấy cảm hứng nào để viết tác phẩm Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000?

A- Cảm hứng về lao động

B- Cảm hứng về môi trường

C- Cảm hứng về chiến tranh

D- Cả A và B đều đúng

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5 điểm): Ở phần hai của văn bản có sử dụng từ hoặc cụm từ nào được coi là phương tiện để liên kết các nội dung với nhau và nêu tác dụng của phương tiện liên kết đó.

Câu 9 (1.0 điểm): Hãy chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Ngoài nguyên nhân cơ bản còn có những nguyên nhân nào khác?

Câu 10 (1.0 điểm): Viết một đoạn văn ngắn khoảng 5-6 câu về bài học mà em rút ra được qua văn bản.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào, viết về vấn đề gì?

Câu 2: Mục đích lớn nhất của tác giả khi viết văn bản Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000?

Câu 3: Hai từ “hãy” trong phần cuối của văn bản được hiểu theo nghĩa nào? Trong văn bản trên, tác giả đã chỉ ra điều gì là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại với môi trường tự nhiên?

Câu 4: Nêu tác hại của bao bì ni lông với môi trường và con người?

Câu 5: Văn bản này chủ yếu thuyết minh cho sự kiện nào? Tại sao lần đầu tiên tham gia Ngày Trái Đất, Việt Nam lại lấy chủ đề đó?

Câu 6: Nêu các biện pháp để giảm thiểu việc thải túi ni lông ra ngoài môi trường sống của con người

Câu 7: Giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật và ý nghĩa văn bản thông tin trên là gì?

Câu 8: Hãy nêu những kiến nghị đối với vấn đề bao bì ni-lông và vấn đề bảo vệ môi trường đồng thời nêu trách nhiệm bảo vệ trái đất của mỗi con người?

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Từ văn bản “ Thông tin về ngày trái đất năm 2000” hãy viết bài thuyết minh tổng hợp về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông trong đời sống hiện nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

I. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1: A

Câu 2: B

Câu 3: A

Câu 4: D

Câu 5: B

Câu 6: C

Câu 7: B

Câu 8: Trả lời:

Sử dụng từ nối “vì vậy“. Tác dụng của từ “vì vậy” trong việc liên kết các phần của văn bản đó là: từ “vì vậy” là từ nối giữa phần tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông với các giải pháp mà tác giả đưa ra. Nếu như không có từ nối “vì vậy” sẽ làm văn bản trở nên thiếu thuyết phục, không chặt chẽ, không dứt khoát, không để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với nhận thức của người đọc.

Câu 9: Trả lời:

- Tác hại của bao bì ni lông đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người:

+) Gây cản trở thực vật phát triển, tắc cống tắc các đường ống dẫn nước, làm chết sinh vật khi chúng nuốt phải…

+) Ô nhiễm thực phẩm, tạo ra khí độc gây ngộ độc, tắc thở khi đốt bao bì ni lông, gây rối loạn trao đổi chất, gây dị tật bẩm sinh….

- Nguyên nhân cơ bản: Bởi đặc tính không phân hủy của pla-xtic

+) Mỗi ngày Việt Nam thải hàng triệu bao bì ni lông ở nơi công cộng, ao hồ, sông…

- Nguyên nhân khác:

+) Ý thức vì cộng đồng của một số bộ phận người dân chưa cao

+) Nhà nước chưa có biện pháp nghiêm minh xử lí triệt để hiện tượng thải bao bì nilong ra môi trường.

Câu 10: Trả lời:

Sau khi học xong văn bản Thông tin về ngày trái đất năm 2000, em cảm thấy mình học được rất nhiều điều bổ ích cũng như hiểu thêm được về tác hại của bao bì ni lông. Chỉ là một bao bì ni lông bình thường em sử dụng hàng ngày mà thôi mà đã phải tốn hàng trăm nghìn năm thì mới phân hủy được. Chúng gây ô nhiễm không khí khi đốt. Và khi vứt xuống ao hồ, biển thì chúng sẽ khiến cho biết bao nhiêu động vật dưới nước phải chết. Ngoài ra các thành phần trong nó khi chôn dưới đất sẽ tạo thành màng cản khiến cho các rễ cây không thể phát triển được, ... rồi hàng loạt, hàng loạt các tác hại của chúng đã được liệt kê ra khiến chi em không khỏi bàng hoàng. Em tự hứa với bản thân, từ nay sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì ni lông, cũng như là các sản phẩm gây hại cho môi trường, ngoài ra, khi đi chợ cùng mẹ, em sẽ nhắc mẹ đổi từ bao bì ni lông bằng túi vải, vừa bền lại vừa giữ được bền lâu, cũng như tuyên truyền mọi người cùng chung tay bảo vệ cuộc sống của chính mình và các thế hệ sau nữa.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Văn bản trên thuộc văn bản nhật dụng

Viết về vấn đề môi trường

Câu 2: Mục đích lớn nhất của tác giả khi viết văn bản Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000 là: Để góp phần vào việc tuyên truyền và bảo vệ môi trường của Trái Đất là mục đích lớn nhất của tác giả

Câu 3: Hai từ “hãy” trong phần cuối của văn bản được hiểu theo nghĩa là tiếng thốt ra để gọi người đối thoại, có ý thúc giục

Trong văn bản trên, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại với môi trường tự nhiên là tính không phân hủy của pla – xtic

Câu 4: Tác hại của bao bì ni lông với môi trường và con người là:

- Với môi trường:

+ Lẫn vào đất → cản trở thực vật phát triển, gây xói mòn.

+ Vứt xuống cống → tắc cống → ngập lụt.

+ Trôi ra biển → chết sinh vật.

=> Ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực vật, động vật, ô nhiễm môi trường sống.

- Với con người:

+ cống tắc → muỗi → dịch bệnh.

+ ni lông màu → ô nhiễm thực phẩm → hại cho não, ung thư phổi.

+ đốt ni lông → ngộ độc, khó thở, giảm miễn dịch, dị tật, ...

=> Gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.

Câu 5: Thông tin về ngày trái đất năm 2000 là văn bản đã thuyết minh, phân tích đầy sức thuyết phục về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông, về lợi ích của việc giảm bớt chất thải ni lông và đề ra những giải pháp, hành động có thể cải thiện môi trường sống, để bảo vệ Trái đất.

Lần đầu tiên tham gia Ngày Trái Đất, Việt Nam lại lấy chủ đề đó bởi thực trạng ở Việt Nam: mỗi ngày đều có hàng triệu bao ni lông được thải ra môi trường - chỉ một phần nhỏ được thu gom, số còn lại vứt bừa bãi ra môi trường công cộng. Điều này đang là vấn đề cấp bách và cần được quan tâm.

Câu 6: Các biện pháp để giảm thiểu việc thải túi ni lông ra ngoài môi trường sống của con người:

– Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông, cùng nhau giảm thiểu chất thải ni lông bằng cách giặt phơi khô để dùng lại.

– Không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết.

– Sử dụng các túi đựng không phải bằng ni lông mà bằng giấy, lá, nhất là khi dùng để gọi thực phẩm.

– Nói những hiểu biết của mình về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông cho gia đình, bè bạn, và mọi người trong cộng đồng để cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề sử dụng bảo vệ trước khi thải bỏ bao bì ni lông bởi mức gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường

Ngoài ra nhà trường, thầy cô phải là tấm gương sáng về bảo vệ môi trường, là người bạn đồng hành cùng học sinh trong việc thực hiện các chiến dịch “Hành động vì môi trường”, “Nói không với ni lông”, … cùng trao đổi với học sinh những giải pháp tối ưu giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng túi ni lông trong đời sống. Mỗi cá nhân, đặc biệt là các bà, các mẹ nội trợ trong gia đình nên thay thế túi ni lông bằng các làn, các túi giấy để đi chợ, các hộp nhựa để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.

Câu 7: Giá trị nội dung: Lời kêu gọi giản dị, tạo ấn tượng cho người đọc, có ý nghĩa như một khẩu hiệu, một thông điệp gửi tới tất cả mọi người để cùng nhau hành động: Một ngày không sử dụng bao bì ni lông.

- Giá trị nghệ thuật:

+) Hình thức trang trọng.

+) Giải thích đơn giản, khách quan, rõ ràng.

+) Bố cục chặt chẽ.

+) Ngôn ngữ: chính xác, rõ ràng, chân thành... trên cơ sở khoa học khách quan, đáng tin cậy…

- Ý nghĩa văn bản: Nhận thức về tác dụng của một hành động nhỏ, có tính khả thi trong việc bảo vệ môi trường Trái Đất.

Câu 8: Những kiến nghị đối với vấn đề bao bì ni-lông và vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm bảo vệ trái đất của mỗi con người là:

- “Ngày Trái Đất năm 2000” của Việt Nam nêu lên chủ đề “Một ngày không sử dụng bao bì ni lông” thật vô cùng cần thiết và thiết thực.

+ Nếu mọi người, mọi nhà, nếu 80 triệu con người Việt Nam đều tự giác thực hiện thì chúng la sẽ giảm được hàng trăm triệu, hàng nghìn triệu bao bì ni lông trong mỗi ngày, trong mỗi tháng, sẽ mang lại bao lợi ích vô cùng to lớn.

+Có đi quanh Hồ Tây, có đến Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu, … có dạo quanh sân trường, bệnh viện, chợ búa, … ta mới nhận thấy con người Việt Nam ta đã và đang sử dụng bao bì ni lông một cách bừa bãi và nếu họ nhận biết được sự ô nhiễm đó thì môi trường cũng như không gian trở nên sạch đẹp và thoáng mát hơn

- Tổ chức “Ngày Trái Đất năm 2000″ của Việt Nam đã nêu lên những kiến nghị rất thiết thực: “

+) Hãy thay đổi thói quen và giảm sử dụng bao bì ni lông

+) Hãy không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết.

+) Hãy dùng giấy, lá để gói thực phẩm.

+) Hãy nói cho mọi người trong nhà và bạn bò biết những tác hại ghê gớm về việc sử dụng bao bì ni lông.”

● Trách nhiệm bảo vệ trái đất của mỗi con người:

Vì bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta, ai cũng phải quan tâm tới Trái Đất hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường. Một trong những việc làm của chúng ta là “Một ngày không dùng bao bì ni-long.

II. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

1. Mở bài: Nêu khái quát vấn đề cần thuyết minh: Việc sử dụng bao bì ni lông bừa bãi đang lại một vấn nạn.

2. Thân bài: cần xác định rõ vấn đề có ý nghĩa được nêu ra trong văn bản và lần lượt nêu các luận điểm làm sáng tỏ vấn đề.

- Nêu biểu hiện:

+ Bao bì ni-lông có những đặc tính không phân hủy

+ Bao bì ni-lông có bảy tác hại lớn

+ Chai nhựa

- Phân tích qua các ví dụ cụ thể: khi rùa biển ăn phải và chết, túi ni-lông lại một lần nữa thải ra môi trường. Nhiều loài tôm, cá sẽ ăn phải. Như vậy, chất độc cứ thế đi hết dạ dày này sang dạ dày khác, và cuối cùng là con người.

- Bàn luận, mở rộng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng

- Phát biểu suy nghĩ của bản thân.

Cần thể hiện rõ thái độ, tình cảm; vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

3. Kết bài: Khẳng định vấn đề:

Việc sử dụng bao bì nilong rất nguy hại cần ngừng ngay

Bài viết tham khảo

Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến con người bận rộn trong cuồng quay công việc, chính bởi vậy mà con người thường quên đi sự hiện diện và vai trò quan trọng của môi trường sống. Hành tinh xanh của chúng ta đang phải chống chọi với rất nhiều vấn nạn mà chúng ta đang không thể nào giải quyết được. Việc sử dụng bao bì ni lông bừa bãi đang lại một vấn nạn mà chưa quốc gia nào có cách giải quyết. Vì thế mà môi trường chúng ta sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Các bạn nghĩ gì về hiện tượng này?

Túi nilon là sản phẩm bao bì sử dụng rất phổ biến và cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Thế nhưng cũng ít ai biết rằng, túi ni-lông là một trong những mối đe dọa
lớn đến môi trường, sức khỏe con người và sinh vật do độ bền chắc của nó.
Theo kiến thức của môn Hóa học, thời gian phân hủy trong điều kiện môi trường
tự nhiên của túi ni-lông có thể từ 500 năm thậm chí đến 1.000 năm. Bao bì ni-lông có những đặc tính không phân hủy nên những biện pháp xử lí rác thải thông thường như: tiêu hủy, tái chế, chôn lấp… đều không khả quan. Trong số lượng khổng lồ túi nilon được sử dụng, chỉ có chưa tới 1% trong số chúng được tái chế và sử dụng đúng cách. Phần còn lại được chúng ta hồn nhiên vứt ra sông, suối. Ước tính trọng lượng túi nilon bị vứt mỗi năm vào khoảng 3,5 triệu tấn và nếu nối tất cả túi nilon cũng như rác thải nhựa, ta sẽ được một sợi dây thòng lọng quấn quanh Trái đất 4 lần.

Theo kiến thức môn Sinh học, ni-lông có bảy tác hại lớn là: Thứ nhất là xói mòn đất đai, bao ni-lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loại thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn đất đai.

Thứ hai là tàn phá hệ sinh thái, túi ni-lông nằm trong đất khiến cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng. Cây trồng trên đất đó không phát triển được vì không thể chuyển nước và chất dinh dưỡng cho cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái.

Thứ ba là gây ngập úng lụt lội, bao bì ni-lông bị vứt xuống cống, hồ, đập thoát nước làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước thải làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị vào mùa mưa, từ đó sẽ làm cho muỗi sinh sôi, gây bệnh truyền nhiễm. Sự lạm dụng các sản phẩm ni-lông cùng với sự bừa bãi, vô ý thức của con người khiến cho nó trở thành thứ rác bị vứt bừa bãi, không chỉ làm mất mỹ quan đường phố mà còn là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ô nhiễm môi trường. “ Thử tưởng tượng một ngày, nếu số cá câu được ít hơn số bao bì ni lông câu được thì sẽ ra sao?”

Thứ tư là hủy hoại sinh vật, bao bì ni-lông bị trôi xuống hồ, biển làm chết các vi sinh vật khi chúng nuốt phải. Nhiều động vật đã chết do ăn phải những hộp nhựa đựng thức ăn thừa của khách tham quan vứt bừa bãi. Bao bì ni-lông đã gây ra sự nhầm lẫn chết người cho chúng. Rùa biển, cá thường nhầm tưởng những chiếc túi ni-lông tưởng như vô hại này là những con sứa ngon lành nên ăn phải và bị chết. Những loài động vật khác thường vô tình bị những chiếc túi ni-lông quấn quanh cổ và làm cho ngạt thở.

Theo thống kê, mỗi năm có tới hàng nghìn sinh vật biển bị chết bởi những chiếc túi ni-lông. Nhưng vì đặc tính không phân hủy nên sau khi rùa biển ăn phải và chết, túi ni-lông lại một lần nữa thải ra môi trường. Nhiều loài tôm, cá sẽ ăn phải. Như vậy, chất độc cứ thế đi hết dạ dày này sang dạ dày khác, và cuối cùng là con người.

Chính chúng ta đang tự hại mình: “Bạn ném vào đại dương, biển khơi sẽ trả lại bạn”.Vứt túi nilon bừa bãi cũng chính là tự tay giết chết bản thân mình.

Đặc biệt bao bì ni-lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi bao bì ni-lông bị đốt, các khí thải ra đặc biệt là khí đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, ho ra máu ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

Và đây là tác hại nguy hiểm nhất, túi ni-lông gây ung thư, biến đổi giới tính, bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi ni-lông có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia chứa trong túi ni-lông sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó. Nếu sử dụng túi ni-lông để đựng các thực phẩm chua có tính a-xít như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi ni-lông sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, a-xít lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại thành muối thủy ngân có thể gây ung thư.

Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ.Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Hàng năm, theo tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có 5 triệu người chết và có gần 40 triệu trẻ em mắc các bệnh có liên quan tới rác thải. Tác hại của rác thải sinh hoạt đối với con người và môi trường là rất dễ nhận thấy. Mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn rác thải sinh hoạt là điều không thể, tuy nhiên mỗi người có thể góp phần làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt đối với môi trường và chính cuộc sống của chúng ta bằng cách nâng cao ý thức hơn thông qua những việc làm nhỏ như không vứt rác bừa bãi, hãy tận dụng rác nếu còn có thể (ví dụ như túi nilon, rác hữu cơ…) để góp phần hạn chế thải rác ra môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính mình ngày một tốt hơn.

Chúng ta phải quan tâm hơn đến hành tinh này trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Hãy cùng chung tay hành động, bởi “Việc thay đổi không đơn giản dựa vào một vài cá nhân. Số ít không thể tạo ra sự khác biệt nhưng khi 100 triệu người quyết định cùng hành động, đó mới thực sự mang đến những tác động mạnh mẽ” (Chris Jordan).

Xem trọn bộ đề thi học kì 1 ngữ văn 11 Cánh Diều trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 67
Đề thi cuối kì 1 Văn 11 Cánh diều
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng