Phân tích bài thơ Hoa cỏ may

Hoa cỏ may là một bài thơ mang tính triết lí rất sâu sắc của Xuân Quỳnh về tình yêu. Đọc " Hoa cỏ may" độc giả sẽ thoáng buồn vì một qui luật nghiệt ngã của tình yêu, nhưng cũng cảm nhận được cái trong trẻo của tâm hồn Xuân Quỳnh cũng như tâm hồn của rất nhiều người phụ nữ khác trong cuộc đời. Sau đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Hoa cỏ may hay và sâu sắc sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bài thơ.

1. Dàn ý Phân tích Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả Xuân Quỳnh

- Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm Hoa cỏ may

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích Hoa cỏ may

- Trích thơ

2. Thân bài

a. Giới thiệu phong cách sách tác của tác giả Xuân Quỳnh và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Hoa cỏ may.

b. Phân tích Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh

- Khổ thơ đầu: sự bồi hồi, xao xuyến, thảng thốt của thi sĩ trước sự giao mùa của trời đất, từng hình ảnh cứ chập chờn như mơ, như thực.

+ Khung cảnh được khắc họa tương đối tĩnh lặng: cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

=> Không gian khiến con người ta phải “xao xuyến”, bồi hồi trước khung cảnh thiên nhiên chuyển mùa

+ Thủ pháp nghệ thuật nhân hóa khiến khung cảnh trở nên có hồn, có sự sống

=> Đất trời trở nên “ngẩn ngơ”, “xao xuyến” cảm nhận sự chuyển mình của vạn vật trong khoảnh khoắc giao mùa.

=> Nhân vật “em” xuất hiện một cách “tình cờ”, hiện lên bao kỉ niệm cùng mùa thu, cùng người từng thương khi đi qua lối cũ thân quen.

- Khổ thơ thứ hai: điểm nhìn trở nên rộng hơn, xa hơn, cảnh vật cũng trở nên tươi sáng, rực rỡ

+ Nhà thơ chọn những gam màu tươi sáng để tô vẽ cho bức tranh khung cảnh lúc bấy giờ: Mây trắng, trời biếc,…

+ Mây và gió đều là những sự vật, hiện tượng gắn liền với nhau

=> Thể hiện sự thoáng qua, cứ bay đi như những con gió, tưởng như gần mà lại xa vời

+ Phép so sánh “Lòng người” như màu trời xanh biếc lúc nguyên sơ

=> Sự tinh khôi, niềm tin và hy vọng của nhân vật trữ tình, tình cảm ấy thuần khiết như lúc ban đầu, nguyên sơ

=> Xuân Quỳnh đã khắc họa nên một không gian giao mùa xao xuyến, mây trắng bay đi cùng gió, bao đắng cay gửi lại mùa cũ, thơ viết đôi dòng theo gió xa.

- Khổ thơ cuối: niềm khao khát tình yêu mãnh liệt của một trái tim, phụ nữ hồn hậu

+ “Hoa cỏ may” tượng trưng cho một vẻ đẹp tinh tế, diu dàng, mong manh, thoáng qua nhẹ nhàng mà nhanh chóng.

+ “Áo em đã sơ ý cỏ găm đầy”, qua đó thể hiện để níu giữ, níu kéo mối quan hệ mong manh này là vô cùng khó khăn và đau khổ

+ “Lời yêu” lại vô cùng mỏng manh như làn khói mờ ảo, không thể chạm vào cũng không thể cảm nhận được

=> Tình yêu rất đẹp nhưng cũng rất mong manh và mở ảo

=> Luôn thay đổi theo thời gian hay những biến động của cuộc đời

=> Khiến người ta phải lo sợ mất mát trước những băn khoăn lòng người liệu có đổi thay?

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Nêu cảm nghĩ của bản thân.

2. Phân tích hoa cỏ may của Xuân Quỳnh

Nguyễn Thu Phương đã từng nhận định về nhà thơ Xuân Quỳnh rằng: “Xuân Quỳnh – một cô gái mồ côi nghèo khổ: lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh chẳng khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời”. Có thể thấy, những tác phẩm của nữ hoàng thơ tình Xuân Quỳnh luôn mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm đắm chìm trong tình yêu vừa nồng nhiệt, cháy bỏng, vừa tha thiết, dịu dàng. Bài thơ “Hoa cỏ may” đã khắc họa nên bức tranh chuyển mùa có nắng, có gió, tất cả vẻ đẹp của đất trời được hòa vào từng trang văn.

"Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.

Tên mình ai gọi sau vòm lá,

Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió,

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,

Ai biết lòng anh có đổi thay?"

Xuân Quỳnh là nhà thơ trẻ, con đẻ của Cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ. Bà được mệnh danh là “Nữ hoàng thơ tình”, những bài thơ của bà đều mang những dấu ấn rất riêng, rất đặc sắc, gợi lên trong lòng người đọc những cung bậc cảm xúc rung động, đằm thắm, yêu thường. Bà dù viết về thể loại tình yêu đôi lứa hay tình yêu cách mạng thì những dòng thơ của bà vẫn mang tính nữ rất cao, một tâm hồn hồn nhiên, tươi mát, chân thành, nồng nàn và dạt dào sức sống mãnh liệt.

Bài thơ “Hoa cỏ may” là một trong những tác phẩm ấn tượng của Xuân Quỳnh có tính triết lí rất sâu sắc. Đọc “Hoa cỏ may”, người đọc sẽ thoáng buồn bởi những chuyển thay, quy luật nghiệt ngã của tình yêu, đồng thời, còn cảm nhận được sự hồn nhiên, trong trẻo trong tâm hồn của nữ sĩ tình yêu thời đại mới cũng như tâm hồn của phụ nữ khác trong cuộc đời.

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.

Tên mình ai gọi sau vòm lá,

Lối cũ em về nay đã thu.

Mở đầu bài thơ là sự bồi hồi, xao xuyến, thảng thốt của thi sĩ trước sự giao mùa của trời đất, từng hình ảnh cứ chập chờn như mơ, như thực. Những hình ảnh, khung cảnh mở đầu được khắc họa tương đối tĩnh lặng: cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ. Có cây có gió nhưng lai không thể nghe thấy tiếng lá cây xào xạt, cây chỉ ngẩn ngơ, lá chỉ tĩnh lặng rơi xuống. Có sông đầy những lại tĩnh lặng, không có tiếng nước xô bờ. Không gian khiến con người ta phải “xao xuyến”, bồi hồi trước khung cảnh thiên nhiên chuyển mùa. Không chỉ con người, mà qua thủ pháp nghệ thuật nhân hóa một cách tài tình, nữ sĩ đã khiến những sự vật, khung cảnh trở nên có hồn, có sự sống. Đất trời trở nên “ngẩn ngơ”, “xao xuyến”, âm thầm lắng nghe, cảm nhận sự chuyển mình của vạn vật trong khoảnh khoắc giao mùa. Hai câu thơ cuối, nhân vật “em” xuất hiện một cách “tình cờ” qua tiếng gọi của vòm lá, thấp thoáng, hiện lên bao kỉ niệm cùng mùa thu, cùng người từng thương khi đi qua lối cũ thân quen.

Mây trắng bay đi cùng với gió,

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Ở khổ thơ thứ hai, điểm nhìn trở nên rộng hơn, xa hơn, cảnh vật cũng trở nên tươi sáng, rực rỡ. Ngay lúc này, nhân vật trữ tình đang dần thay đổi trong cách nhìn và cảm nhận thế giới, mọi thứ dần trở nên bay bổng, phóng khoáng và yêu đời. Xuân Quỳnh đã chọn những gam màu tươi sáng để tô vẽ cho bức tranh khung cảnh lúc bấy giờ: Mây trắng, trời biếc,… Mây và gió đều là những sự vật, hiện tượng gắn liền với nhau, thể hiện sự thoáng qua, cứ bay đi như những con gió, tưởng như gần mà lại xa vời. Phép so sánh “Lòng người” như màu trời xanh biếc lúc nguyên sơ cho thấy sự tinh khôi, niềm tin và hy vọng của nhân vật trữ tình, tình cảm ấy thuần khiết như lúc ban đầu, nguyên sơ. Qua khổ thơ, nhà thơ đã khắc họa nên một không gian giao mùa xao xuyến, mây trắng bay đi cùng gió, bao đắng cay gửi lại mùa cũ, thơ viết đôi dòng theo gió xa. Với lối viết chân thực, kết hợp sử dụng miêu tả màu sắc sinh động, chân thật đã tạo nên nét đặc trưng trong thủ pháp nghệ thuật độc, bay bổng, lý tưởng của “Người tạo nên một cõi tình thơ còn sống mãi” – Xuân Quỳnh.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Sau khi bỏ lại bao đắng cay ấy, đến với khổ thơ cuối, Xuân Quỳnh đã cho ta thấy được niềm khao khát tình yêu mãnh liệt của một trái tim, phụ nữ hồn hậu. Từ những góc nhìn rộng lớn, ngắm nhìn sự mênh mông, bao la của thiên nhiên thì ngay giờ đây, nữ sĩ đã thu lại tầm mắt, để tâm đến những sự vật mỏng manh, nhỏ bé. “Hoa cỏ may” tượng trưng cho một vẻ đẹp tinh tế, diu dàng, mong manh, thoáng qua nhẹ nhàng mà nhanh chóng. Trên cung đường khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may, áo em đã sơ ý cỏ găm đầy, qua đó thể hiện để níu giữ, níu kéo mối quan hệ mong manh này là vô cùng khó khăn và đau khổ. Thế nhưng “lời yêu” lại vô cùng mỏng manh như làn khói mờ ảo, không thể chạm vào cũng không thể cảm nhận được. Qua đó, có thể thấy tình yêu rất đẹp nhưng cũng rất mong manh và mở ảo, nó luôn thay đổi theo thời gian hay những biến động của cuộc đời, luôn khiến người ta phải lo sợ mất mát trước những băn khoăn lòng người liệu có đổi thay?

Bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa điêu luyện, tinh tế, ngôn ngữ mềm mại, bình dị, thân quen, cấu trúc thơ linh hoạt, đã tạo nên một không khí, khung cảnh thiên nhiên giao mùa lãng mạn và mơ mộng. Các hình ảnh thiên nhiên cùng với sự thay đổi đa dạng góc nhìn đã khắc họa nên hình ảnh một người con gái đa sầu đa cảm, luôn nhớ về người từng thương khi đi qua lối cũ, phải chịu nhiều khó khăn và đau đớn để có thể níu giữ lòng người, nhưng thâm tâm lại chưa đứng những câu hỏi, suy từ “Liệu lòng người có đổi thay?”

Đọc “Hoa cỏ may” ta có thể cảm nhận được phụ nữ, nhân vật trữ tình trong tác phẩm thật đẹp, thật tình, thật tinh khôi. Có thể nói, sự dung dị, chân thực, nhân hậu chính là nét nổi bật làm nên sức hút của nhà thơ Xuân Quỳnh. Bà luôn lấy cảm hứng từ những cảm xúc chân thật nhất từ cuộc đời của bà. Do đó, thơ của bà luôn là nơi hòa quyện, hòa hợp của những mảng màu cảm xúc trong đời sống: có vui, có buồn, có hạnh phúc, có đau đớn, có hoài nghi, có vụn vỡ, có đằm thắm, có dịu dàng,…". Cây bút viết nên mọi cung bậc cảm xúc” ấy khiến độc giả phải bồi hồi, rung động khi chiêm ngưỡng những tác phẩm đầy tình của bà.

3. Phân tích cấu tứ bài Hoa cỏ may

Viết bài văn nghị luận khoảng 400 chữ phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ “ Hoa cỏ may “của nữ sĩ Xuân Quỳnh trong đoạn thơ sau :

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối của em về nay đã thu

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng manh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Gợi ý 1

Bài thơ "Hoa cỏ may" của Xuân Quỳnh sử dụng hình ảnh và cấu tứ tinh tế để thể hiện tâm trạng nhớ thương da diết của người con gái trong tình yêu xa cách . Cấu tứ của bài thơ xoay quanh hình ảnh hoa cỏ may – loài hoa mỏng manh, tượng trưng cho tình yêu thủy chung, nhưng cũng dễ bị tổn thương . Hình ảnh này xuyên suốt bài thơ, trở thành sợi dây liên kết các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Khổ thơ đầu tiên gợi tả không gian mùa thu rộng lớn, tĩnh lặng với hình ảnh "cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ" . Không gian này càng thêm xao xuyến khi "lối cũ em về nay đã thu", khơi gợi nỗi nhớ về quá khứ và những kỷ niệm đẹp . Tiếp đó, hình ảnh "mây trắng bay đi cùng với gió, lòng như trời biếc lúc nguyên sơ" thể hiện sự nhẹ nhàng, nhưng cũng cô đơn, lạnh lẽo của người con gái khi tình yêu bị ngăn cách bởi chiến tranh . Những "đắng cay" của tình yêu được gửi gắm vào mây gió, chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp đẽ .

Khổ thơ cuối cùng tập trung vào hình ảnh hoa cỏ may "khắp nẻo dâng đầy" . Việc hoa cỏ may "găm đầy áo em" không phải là sự cố ý, mà là sự níu kéo vô tình, thể hiện sự mong manh, dễ tổn thương của tình yêu . Câu hỏi "Ai biết lòng anh có đổi thay?" thể hiện sự lo lắng, nghi ngờ của người con gái, một tâm trạng thường thấy trong tình yêu xa cách . Qua đó, bài thơ không chỉ miêu tả cảnh vật mà còn phản ánh sâu sắc tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình, sự hoài niệm, nhớ thương và cả sự lo lắng, nghi ngờ trong tình yêu.

Gợi ý 2

Bài thơ "Hoa cỏ may" của Xuân Quỳnh không chỉ nổi bật với cảm xúc chân thành mà còn mang đến những hình ảnh và cấu tứ tinh tế, thể hiện tâm trạng và sự chuyển biến trong tình yêu. Hai khổ thơ mà ta sẽ phân tích dưới đây tạo nên bức tranh sinh động về mùa thu và những kỷ niệm gắn bó.

**"Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa,

Tên mình ai gọi sau vòm lá,

Lối cũ em về nay đã thu."**

Trong khổ thơ đầu tiên, hình ảnh thiên nhiên được khắc họa một cách sống động. Câu thơ mở đầu với “Cát vắng, sông đầy” gợi lên sự tương phản giữa không gian trống trải của cát và sự tràn đầy, tươi mới của dòng sông. Đây không chỉ là mô tả về thiên nhiên mà còn phản ánh tâm trạng của nhân vật trữ tình, đang cảm nhận sự chuyển mình của mùa thu.

Hình ảnh “cây ngẩn ngơ” thể hiện sự bâng khuâng, thả hồn vào không gian xao xuyến, như chính lòng người đang dậy sóng. Câu thơ “Tên mình ai gọi sau vòm lá” gợi lên sự khao khát, mong mỏi được yêu thương và nhớ đến. Từ "ai" thể hiện sự mong mỏi và sự mơ hồ trong tình yêu, khi mà cái tên ấy, dù không rõ ràng, nhưng lại mang đến một niềm xúc động sâu sắc. Câu thơ cuối cùng “Lối cũ em về nay đã thu” khép lại khổ thơ với cảm giác hoài niệm, gợi nhớ về những kỷ niệm xưa, khi tình yêu còn tươi đẹp.

**"Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?"**

Khổ thơ thứ hai mở ra một không gian khác, nơi “khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may”. Hình ảnh hoa cỏ may, một loài hoa bình dị, nhưng mang đầy ý nghĩa, gợi nhớ đến những kỷ niệm thân thương trong tình yêu. Sự hiện diện của hoa cỏ may như một biểu tượng cho những mối tình chân thành, giản dị nhưng sâu lắng.

Câu thơ “Áo em sơ ý cỏ găm đầy” thể hiện sự ngây thơ, trong trẻo của người phụ nữ trong tình yêu, nhưng cũng hàm chứa sự vụng về, dễ bị tổn thương trong tình cảm. Hình ảnh “lời yêu mỏng mảnh như màu khói” gợi lên sự mỏng manh, dễ bay hơi, dễ tan biến, tương tự như tình cảm trong cuộc sống. Điều này nhấn mạnh sự yếu ớt của tình yêu, cũng như nỗi lo lắng về sự thay đổi trong tình cảm của người yêu.

Câu thơ cuối “Ai biết lòng anh có đổi thay?” là một câu hỏi đầy trăn trở, thể hiện sự nghi ngờ, lo lắng về tình cảm của người đàn ông. Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều người trong tình yêu, khi mà sự đổi thay của tình cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khiến cho tình yêu trở nên bấp bênh.

Hai khổ thơ trong bài "Hoa cỏ may" của Xuân Quỳnh không chỉ là bức tranh sinh động về thiên nhiên mà còn là bức chân dung tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu. Hình ảnh và cấu tứ trong thơ đã khéo léo thể hiện nỗi lòng, sự nhạy cảm và sự chuyển biến trong tình cảm, khiến cho người đọc cảm nhận rõ nét những cung bậc cảm xúc phong phú của tình yêu và cuộc sống. Từ đó, bài thơ không chỉ ghi lại những khoảnh khắc đẹp mà còn phản ánh sâu sắc những tâm tư, tình cảm của con người trong mối quan hệ

Hoa cỏ may là loài cỏ mỏng manh, yếu ớt, tưởng chừng như có thể lung lay và gục ngã trước những cơn gió lớn. Tương truyền, hoa cỏ ma chung, dùỗi niềm yêu thương và mong đợi. Hình ảnh hoa cỏ may thủy chung chất chứa đầy nỗi hoài niệm đã trở thành mạch thơ xuyên suốt, trở thành cấu tứ của bài thơ cùng tên. Những ngọn cỏ vô ý găm đầy, níu kéo vạt áo của nhân vật trữ tình trong bài thơ như nỗi tương tư cùng hoài niệm không yên.

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.

Tên mình ai gọi sau vòm lá,

Lối cũ em về nay đã thu.

Hình ảnh cát vắng, sông đầy gợi lên một không gian mênh mông, rộng lớn và tĩnh lặng. Cây được nhân hóa như một con người, bồi hồi đứng lặng trước cảnh tượng này mà không nói thành lời. Không gian này càng trở nên xao xuyến hơn khi mùa thu đến, tiếng gọi của mùa thu như gọi cả những sợi tơ lòng giăng kín. Chính lối cũ đã khiến lòng người phụ nữ hoài niệm về một thời quá khứ, những tình cảm sống dậy khi trở về con đường quen thuộc. Tác giả nhung nhớ những kỷ niệm, tiếng gọi yêu thương của người khi ấy cho đến bây giờ, tác giả vẫn không thể quên được.

Mây trắng bay đi cùng với gió,

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khi yêu đương, bao giận buồn hờn ghen để khi xa, chúng biến thành nhung nhớ và gửi lại những cảm xúc hờn ghen vào mây với gió. Đắng cay khi ấy chỉ còn là những kỷ niệm xưa cũ, giờ người chỉ nhớ về những kỷ niệm đẹp bên cạnh người yêu thương. Những mùa cũ đã qua là bao hoài niệm, để giờ đây nơi phương xa viết thư gửi cho ai qua nơi tiền tuyến. Lúc này, những hình ảnh mây và gió vẫn thể hiện cho một khoảng không rộng lớn vô ngần. Mà trong khoảng không ấy, đôi mắt người thi sĩ lại hướng về bông hoa cỏ lau, khiến cho không gian như bừng sáng lên:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Nào phải hoa cỏ lau cố găm vào áo quần, mà là người lại cố ý như vô tình khiến những bông cỏ mỏng manh kia níu kéo. Gió và mây trên trời, dưới đất là vô tận màu trắng nhẹ của cỏ lau, như hiện thân của những nỗi nhớ và hoài niệm níu kéo. Nhưng trong lúc đó, người con gái vẫn nghi ngờ tự hỏi: Ai biết lòng anh có đổi thay? Ta có thể phần nào cảm thông được những suy nghĩ vẩn vơ đó, bởi khi yêu con gái là thế, là những hờn ghen và mong manh như nhành cỏ.

Viết bài văn nghị luận phân tích bài thơ “Hoa cỏ may” của nữ sĩ Xuân Quỳnh

Gợi ý

- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm

- Xuân Quỳnh được xem là một trong những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại từ sau năm 1945.

Bài thơ Hoa cỏ may được xuất bản năm 1989 và in trong tập thơ cùng tên.

- Khổ 1: Bài thơ mở đầu bằng một bức tranh tương đối tĩnh lặng, hợp với tâm trạng của người đang tìm về kỷ niệm... Câu thơ giàu hình ảnh mà thiếu âm thanh. Có cây mà không nghe thấy tiếng lá. Sông đầy mà không nghe thấy tiếng sóng. Tất cả đang ngưng đọng cho một sự hồi tưởng... Xao xuyến vốn là từ chỉ trạng thái, nhưng ở đây, trước hình tượng trời- đất (không gian) nó gợi âm thanh nhiều hơn. Nhạc thơ được mở rộng ra với vần ơ, rồi đến câu sau dài thêm ra với vần ua, và đến câu thứ tư co rút lại ở vần u, thì sự hướng ngoại của người đọc cũng lần lượt diễn ra như vậy. Thoạt tiên trải ra với cát, với sông, với cây, rồi mở rộng ra đến không gian, đến câu thứ ba lại thu về trong một vòm, để rồi cuối cùng rút lại, tập trung ở đôi bàn chân bồi hồi đặt lên lối cũ. Từ đây người đọc bắt đầu từ giã ngoại cảnh, để cùng bước vào thế giới nội tâm của tác giả, cùng với nỗi niềm tâm sự

- Khổ 3: bức tranh khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may không ai là không thấy gió đang khơi động, đang nổi. Thậm chí nó còn có hơi hướng ở câu thơ dưới- trong một sự "sơ ý": áo em sơ ý cỏ găm dày, bởi thật ra thì, hoặc đó chỉ là một cách nhận lỗi làm duyên, hay là tự trách mình để mà hờn mát... Sự thật một khi hoa cỏ may đã "dâng đầy khắp nẻo" như thế kia, thì áo em... cỏ găm dày cũng là một điều hiển nhiên không thể tránh. Xuân Quỳnh rất đạt khi đưa cái màu khói vào trong bức tranh... Bản thân nó cũng đã mỏng mảnh dễ tan, nữa là trong một không gian ngợp tràn những gió. Lời yêu là thế đấy. Thật cũng chẳng thể nào lường trước. Câu hỏi tu từ kết thúc bài thơà cuộc sống cứ trôi đi, con người phải sống với phần hạnh phúc mà họ còn đang có. Nhìn lại những kỷ niệm xưa cũng là một cách gạn đục khơi trong để lọc lấy những phần đẹp đẽ cho mình

- Đánh giá:

+ Lời thơ mộc mạc , các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, câu hỏi tu từ đã diễn tả vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhạy cảm trước thiên nhiên, khao khát hạnh phúc đời thường , lo âu về tình yêu tan vỡ

+ Bài thơ gợi ra cảm xúc khó quên trong lòng người đọc

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 712
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm