Tống Trân Cúc Hoa đọc hiểu (2 đề)

Đọc hiểu Tống Trân Cúc Hoa

Tống Trân Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm khuyết danh trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Truyện thơ Nôm Tống Trân – Cúc Hoa mang tính truyền thống cao đẹp, tưởng nhớ tới danh nhân văn hóa - tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó ham học, tài năng đức độ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc bộ đề đọc hiểu văn bản Tống Trân Cúc Hoa có đáp án chi tiết giúp các em hiểu thêm về tác phẩm.

Đọc hiểu Tống Trân Cúc Hoa - đề 1

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

TỐNG TRÂN – CÚC HOA

(Truyện thơ Nôm khuyết danh)

(Trích)

Mẹ chồng thấy dâu thảo hiền

Đôi hàng nước mắt chảy liền như tuôn.

Khó nghèo có mẹ có con,

Ít nhiều gan sẻ (1) vẹn tròn cho nhau

Lòng con nhường nhịn bấy lâu

Mẹ ăn cơm ấy ngon đâu hỡi nàng

Cúc Hoa nước mắt hai hàng:

“Lạy mẹ cùng chàng chở quản (2) tôi

Gọi là cơm tấm cạnh lê (3)

Mẹ ăn đỡ dạ kéo khi võ vàng (4)

Chàng ăn cho sống mình chàng,

Dốc lòng kinh sử văn chương đạo là.

Kể chi phận thiếp đàn bà,

Khó nghèo chớ quản nỗi nhà thảm thương”.

Thương con mẹ giấu cho vàng,

Bảo rằng gìn giữ để nương tựa mình.

Cúc Hoa trong dạ đinh ninh:

“Lạy mẹ còn có chút tình thương con”.

Tức thì trở lại phòng môn,

Cầm tay đánh thức nỉ non bảo chồng:

“Chàng ơi xin tỉnh giấc nồng,

Nay vàng mẹ thiếp cho dùng một chương”

Kể đoạn Cúc Hoa bán vàng,

Bán cho trưởng giả giàu sang hơn người.

Hai bên giả cả hẳn hoi,

Bắc cân định giả được ngoài tám mươi.

Cúc Hoa trở lại thư trai (5)

“Khuyên chàng kinh sử dùi mài cho hay.

Thiếp xin rước một ông thầy,

Để chàng học tập đêm ngày thiếp nuôi”.

Một ngày ba bữa chẳng rời,

Nuôi thầy, nuôi mẹ lại nuôi cả chồng.

Nàng thời nhiều ít cũng xong

Đói no chẳng quản miễn chồng làm nên.

Khấn trời lạy Phật đòi phen:

“Chứng minh phù hộ ước nguyền chồng tôi.

Khuyên chàng khuya sớm hôm mai,

Cố chăm việc học đua tài cho hay.

Một mai, có gặp rồng mây (6)

Bảng vàng may được tỏ bày họ tên (7)

Trước là sạch nợ bút nghiên (8)

Sau là thiếp cũng được yên lòng này”.

(Theo bản in của NXB Phổ thông Hà Nội năm 1961, Bùi Thức Phước sưu tầm & biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2012)

Chú thích:

(1) Gạn sẻ: Gạn - chắt lọc và sẻ - chia sớt, chia nhỏ

(2) Quản: e ngại, ngại ngùng. Chở quản: không e ngại, quan tâm.

(3) Canh lê: canh nấu bằng rau lê; người nghèo thường ăn loại rau này.

(4) Võ vàng: gầy và da không hồng hào vì thiếu máu.

(5) Thư trai: phòng đọc sách, phòng học

(6) Rồng mây: hội rồng mây, cơ hội người đi thi đậu làm nên danh phận cao sang như rồng gặp mây.

(7) Bảng vàng: bảng màu vàng dùng để ghi tên thí sinh thi đỗ.

(8) Nợ bút nghiên: cha mẹ lo cho ăn học, thầy dạy cho chữ nghĩa. Đó là nợ của học trò.

(Tóm tắt tác phẩm: Tống Trân là con cầu tự của một cự phủ ở huyện Phù Hoa, đời vua Thái Tông. Lên ba tuổi thì cha mất, lên tám tuổi thì phải dắt mẹ đi ăn mày. Hôm ấy, Tống Trân dắt mẹ tới nhà của một trưởng giả, con gái của trưởng giả thương tình mang gạo ra cho thì bị cha bắt gặp, bèn bắt nàng lấy Tống Trân làm chồng, và đuổi khéo ra khỏi nhà. Dù vậy, Cúc Hoa vẫn chăm chỉ việc nhà, nàng bán cả vàng mẹ cho để rước thầy về dạy chồng học. Học được nửa năm, vua mở hội thi. Tống Trân tham dự kỳ thi cùng năm nghìn công sĩ. Chàng đậu Trạng nguyên được vua ban áo mão và gả công chúa cùng tuổi cho chàng. Tống Trân lấy nhà nghèo mà từ chối, được vua cho vinh quy bái tổ. Chưa vui sum họp được bao ngày thì Tống Trân phải từ biệt Cúc Hoa về triều nhận chiếu chỉ đi sứ nước Tẩn dài tới mười năm do vua nghe lời tấu xin của công chúa. Tới nước Tần, nhờ trí thông minh và tài khôn khéo Tống Trận không chỉ thoát được những lần hãm hại mà còn giúp vua Tần xử nhiều vụ án rắc rối. Thế nên từ tâm trạng khinh ghét vua Tần chuyển sang mến phục, phong cho “lưỡng quốc Trạng nguyên” và gả công chúa cho chàng. Một lần nữa Tống Trân viện cớ từ chối. Vua Tần không căm ghét mà lại cho xây nhà ở nội thành giúp vua. Ở quê nhà, Cúc Hoa một lòng một dạ, làm lụng vất vả nuôi mẹ, chờ chồng. Thấy Tống Trân bảy năm chưa về, trưởng giả sai người gọi Cúc Hoa về. Khuyến dụ con gái không được, trưởng giả bèn nhốt và hành hạ nàng. Trưởng giả còn bắt mẹ của Tống Trân xuống ở trong chuồng trâu. Quá đau khổ và quyết thủ tiết chờ chồng, đêm hôm ấy Cúc Hoa trốn khỏi nhà. Đến núi Sơn Vi, nàng định quyên sinh. Thần Sơn Tinh hiểu rõ tình cảnh, hóa thành mãnh hổ, mang thư của nàng qua nước Tần trao tận tay Tống Trân. Nhận được thư, Tống Trân mang vào triều tâu lên vua. Vua Tần cảm động khen ngợi. Và đồng ý cho Tống Trân về nước trước kỳ hạn năm tháng. Tống Trân trả lời thư cho Cúc Hoa và nhờ mãnh hổ mang về.

Ở nhà, Phú ông đi tìm gặp và đưa Cúc Hoa về rao gả cho đình trưởng. Qua ba năm ở rể của đỉnh trưởng, trưởng giả tổ chức đám cưới linh đình. Cùng lúc ấy Tống Trân trên đường về. Tới đầu làng, biết rõ nguồn cơn, chàng đóng vai người ăn mày vào xin ăn. Chàng len lỗi khắp nhà, tai nghe mắt thấy cảnh Cúc Hoa khóc chồng, thương mẹ chồng, xuống chuồng trâu gặp và nói chuyện cùng mẹ. Tống Trân gặp và biết suy nghĩ, cách đối xử của tất cả mọi người trong tiệc cưới. Tới ngày đình trường rước dâu, Tống Trận cùng quân sĩ xuất hiện. Chàng xét xử phân minh, mẹ con và vợ chồng đoàn tụ.

Ở nước Tần, công chúa Bạch Hoa xin vua cha cho qua Nam Việt sum họp cùng Tống Trân. Giữa biển khơi đoàn ghe tàu bị giông bão đánh chìm, công chúa trôi dạt vào núi Cô Hồng, được bầy hươu rừng cứu sống, nuôi dưỡng. Tống Trân đi săn hươu gặp và đưa công chúa về nhà, phân chia ngôi thứ, gia đình hạnh phúc.)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Đặc điểm của truyện thơ trong văn bản trên là:

A. Có sự việc, cốt truyện, được kể bằng văn vần

B. Có sự việc, cốt truyện, nhân vật và được kể bằng văn vần

C. Có sự việc, cốt truyện và được kể bằng ngôi thứ ba

D. Có sự việc, cốt truyện và có lời đối thoại

Câu 2. Các nhân vật được nhắc đến và xuất hiện trong đoạn truyện là:

A. Tống Trân, Cúc Hoa, mẹ Tống Trân (người mẹ chồng)

B. Tống Trân, Cúc Hoa, mẹ Cúc Hoa

C. Tống Trân, Cúc Hoa, trưởng giả

D. Tống Trân, Cúc Hoa, mẹ Tống Trân (người mẹ chồng), mẹ Cúc Hoa, trưởng giả

Câu 3. Đoạn thoại sau là lời của ai nói với ai, về vấn đề gì?

“Chàng ơi xin tỉnh giấc nồng,

Nay vàng mẹ thiếp cho dùng một chương”

A. Tống Trân nói với Cúc Hoa về việc bán vàng để lấy tiền ăn học

B. Cúc Hoa nói với Tống Trân về việc mẹ nàng cho vàng để phòng thân.

C. Cúc Hoa nói với Tống Trân về việc mẹ chồng cho vàng để làm của hồi môn.

D. Tống Trân nói với Cúc Hoa về việc mẹ chồng cho vàng để hai vợ chồng làm ăn.

Câu 4. Hình ảnh mẹ chồng hiện lên qua các câu thơ:

Mẹ chồng thấy dâu thảo hiền

Đôi hàng nước mắt chảy liền như tuôn.

Khó nghèo có mẹ có con,

Ít nhiều gan sẻ vẹn tròn cho nhau

A. Cảm động, yêu thương con dâu

B. Lạnh nhạt, xa cách con dâu

C. Mang ơn con dâu, cảm thấy hổ thẹn

D. Thấu tình đạt lí

Câu 5. Lời thoại ““Lạy mẹ còn có chút tình thương con” là kiểu lời thoại nào? Của ai với ai?

A. Lời đối thoại Cúc Hoa với mẹ mình

B. Lời độc thoại Cúc Hoa nói với chính mình

C. Lời đối thoại Cúc Hoa nói với chồng mình

D. Lời đối thoại Cúc Hoa nói với mẹ chồng mình.

Câu 6. Từ Gạn sẻ được giải nghĩa trong văn bản là: Gạn - chắt lọc và sẻ - chia sớt, chia nhỏ. Cách giải thích nghĩa của từ là:

A. Phân tích nội dung nghĩa của từ

B. Sử dụng từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa

C. Nêu định nghĩa

D. Phân tích các thành tố cấu tạo

Câu 7. Qua đoạn trích trên, Cúc Hoa hiện lên là người như thế nào?

A. Người vợ hiền, dâu thảo, hết lòng vì chồng và nhà chồng

B. Người con ngoan, vâng lời mẹ cha

C. Người giàu tình yêu thương và trượng nghĩa

D. Người phụ nữ toan tính, cho chồng tiền ăn học cũng vì tương lai của mình

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Cảm nhận của em về nhân vật Cúc Hoa qua đoạn thơ:

Một ngày ba bữa chẳng rời,

Nuôi thầy, nuôi mẹ lại nuôi cả chồng.

Nàng thời nhiều ít cũng xong

Đói no chẳng quản miễn chồng làm nên.

Câu 9. Theo em văn bản trên có những chủ đề nào? Hãy xác định chủ đề chính và ít nhất một chủ đề phụ của văn bản

Câu 10. Đoạn thơ sau cho thấy được số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa:

Chàng ăn cho sống mình chàng,

Dốc lòng kinh sử văn chương đạo là.

Kể chi phận thiếp đàn bà,

Khó nghèo chớ quản nỗi nhà thảm thương”.

Bằng hiểu biết của em và về nội dung của truyện thơ, hãy viết đoạn văn ngắn khoảng 10 câu trình bày về số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

II. VIẾT (4.0 điểm)

Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích nhân vật Cúc Hoa qua đoạn truyện thơ trên và cho biết đoạn trích trên thể hiện giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh nào?

Đáp án

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6.0

1

B

0.5

2

D

0.5

3

B

0.5

4

A

0.5

5

B

0.5

6

D

0.5

7

A

0.5

8

Nhân vật Cúc Hoa hết lòng vì chồng và gia đình chồng, lo lắng cho mẹ chồng. Mong gia đình có đầy đủ bữa ăn hàng ngày còn bản thân nàng thì như nào cũng không đáng lo vì chỉ mong chồng có thể công thành danh toại, làm nên sự nghiệp

0.5

9

HS có thể nêu nêu chủ đề chính và phụ, gợi ý như sau:

- Chủ đề chính: Vẻ đẹp phẩm chất (hiếu thảo, thủy chung) của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa

- Chủ đề phụ:

+ Số phận đầy thiệt thòi, vất vả của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa

+ Tình thương yêu của mẹ chồng đối với nàng dâu trong xã hội đầy ngang trái xưa

1.0

10

HS trình bày các lí lẽ và bằng chứng để bàn luận về: Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa

a. Khái quát vấn đề: Người thiệt thỏi, vất vả, biết hy sinh, chịu đựng nhưng cũng là người đầy hiếu thảo, thủy chung, hết lòng hết dạ vì nhà chồng

b. Biểu hiện cụ thể qua hiểu biết và các tác phẩm đã học

- Chấp nhận chịu khổ (nhịn ăn, nhịn uống) để chồng có thể có cơ hội học tập, có tiền đồ sáng lạng

- Hy sinh tất cả của cải hay những gì mình có để tạo cơ hội cho chồng học tập đỗ đạt

- Họ tự nhận thân phận thiệt thòi, cam chịu những định kiến xã hội và không có quyền tự quyết cuộc đời của mình

1.0

II

VIẾT

4.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Phân tích và đánh giá:

+ Nhân vật Cúc Hoa qua đoạn trích

+ Giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh qua đoạn trích

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được về tác phẩm, tiến hành phân tích nhân vật Cúc Hoa và phân tích giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh qua tác phẩm

Sau đây là một hướng gợi ý:

- Giới thiệu chung về tác phẩm và nhân vật Cúc Hoa

- Phân tích nhân vật Cúc Hoa

+ Người con dâu hiếu thảo: Gia đình khó khăn nhưng nàng vẫn lo lắng cho bữa ăn qua ngày của mẹ chồng hơn chính bản thân

Mẹ chồng thấy dâu thảo hiền

Đôi hàng nước mắt chảy liền như tuôn.

Khó nghèo có mẹ có con,

Ít nhiều gan sẻ (1) vẹn tròn cho nhau

Lòng con nhường nhịn bấy lâu

Mẹ ăn cơm ấy ngon đâu hỡi nàng

Cúc Hoa nước mắt hai hàng:

“Lạy mẹ cùng chàng chở quản (2) tôi

Gọi là cơm tấm cạnh lê (3)

Mẹ ăn đỡ dạ kéo khi võ vàng (4)

+ Người vợ thủy chung, biết hi sinh và lo lăng cho chồng: Lo lắng cho bữa ăn của chồng, bán vàng để lấy tiền thuê thầy thợ cho chồng ăn học và thi cử đỗ đạt, không quản ngại gian khó và không lo lắng cho chính mình

· Lo lắng cho bữa ăn của chồng

Chàng ăn cho sống mình chàng,

Dốc lòng kinh sử văn chương đạo là.

Kể chi phận thiếp đàn bà,

Khó nghèo chớ quản nỗi nhà thảm thương”.

· Bán vàng để lo tiền ăn học cho chồng

Kể đoạn Cúc Hoa bán vàng,

Bán cho trưởng giả giàu sang hơn người.

Hai bên giả cả hẳn hoi,

Bắc cân định giả được ngoài tám mươi

“Khuyên chàng kinh sử dùi mài cho hay.

Thiếp xin rước một ông thầy,

Để chàng học tập đêm ngày thiếp nuôi”.

· Lo lắng nuôi cả gia đình chồng để chồng đỗ đạt

Một ngày ba bữa chẳng rời,

Nuôi thầy, nuôi mẹ lại nuôi cả chồng.

· Khấn trời lạy Phật, khuyên nhủ chồng cố gắng đỗ đạt để yên lòng gia đình

Khấn trời lạy Phật đòi phen:

“Chứng minh phù hộ ước nguyền chồng tôi.

Khuyên chàng khuya sớm hôm mai,

Cố chăm việc học đua tài cho hay.

Một mai, có gặp rồng mây (6)

Bảng vàng may được tỏ bày họ tên (7)

Trước là sạch nợ bút nghiên (8)

Sau là thiếp cũng được yên lòng này”.

+ Người thấu tình đạt lí, cam chịu chấp nhận thiệt thòi: Nàng chấp nhận thân phận nữ nhi để chồng có cơ hội phát triển và gây dựng sự nghiệp

Chàng ăn cho sống mình chàng,

Dốc lòng kinh sử văn chương đạo là.

Kể chi phận thiếp đàn bà,

Khó nghèo chớ quản nỗi nhà thảm thương”.

- Giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh

+ Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không theo lẽ thường

Thông thường là mối quan hệ nhiều mâu thuẫn, nhưng mẹ chồng và nàng dâu hết mực yêu thương, hòa thuận, nàng dâu hiếu thảo khiến mẹ chồng cảm động, sẵn lòng đồng cam cộng khổ không lời oán trách

Mẹ chồng thấy dâu thảo hiền

Đôi hàng nước mắt chảy liền như tuôn.

Khó nghèo có mẹ có con,

Ít nhiều gan sẻ (1) vẹn tròn cho nhau

+ Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa: Họ sẵn sàng hi sinh sự hạnh phúc, đầy đủ ấm no của mình để chồng và gia đình chồng được toàn vẹn, bởi với người phụ nữ đó là trách nhiệm, là lẽ đương nhiên mà bất kì người phụ nữ nào trong xã hội xưa cũng đều phải làm. Tư tưởng trọng nam khinh nữ và những áp lực vô hình đè lên vai người phụ nữ xưa.

Kể chi phận thiếp đàn bà,

Khó nghèo chớ quản nỗi nhà thảm thương”.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0.5

Tổng điểm

10.0

Đọc hiểu Tống Trân Cúc Hoa - đề 2

Đọc văn bản Tống Trân Cúc Hoa (Truyện thơ Nôm khuyết danh) và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

TỐNG TRÂN CÚC HOA

(Trích)

1731.

Trạng nguyên ngẫm nghĩ giờ lâu,

Còn chước này nữ xem hầu ai hơn.

Hai người phải thử nấu cơm,

Xem ai chín trước thì hơn tài này.

Mỗi người một vác mía dày,

Lính gạo lính nước cùng tày đem ra.

Công chúa mình vốn cung nga,

Cơm bưng tận mặt chuyên trà tận tay.

Biết đâu trong bếp ngoài ngòi,

Nấu cơm chẳng được kém tươi nét vàng.

1741.

Cúc Hoa nấu chẳng được cơm,

Lửa lên lại tắt hai hàng châu sa.

Trạng nguyên nhân lúc đi qua,

Bày mưu bày chước dạy qua lời này:

Vừa ăn vừa nấu mới hay,

Thưở xưa nuôi mẹ nuôi thầy làm sao?

Cúc Hoa học được chước cao,

Bấy giờ mới lấy mía vào ngồi ăn.

Ăn rồi đun nấu dần dần,

Cúc Hoa nấu đoạn mới bưng cơm vào.

1751.

Trạng nguyên cười nói tiêu hao,

Nào cơm công chúa khi nào bưng lên?

Công chúa ren rén thưa liền,

Tôi đâu có dám tranh quyền chính thê.

Cho nên chẳng nấu làm chi,

Xin chàng trao vị chính thê cho nàng!

Từ rày hiếu phụng gia đường,

Ứng điềm thái mộng, ứng tường bạch vân

Một nhà hòe quế đầy sân,

Lâu đài phúc lộc thiên xuân thọ tường.

1761.

Trai thì đèn sách văn chương,

Gái thì kim chỉ theo đường cung nga.

Vườn xuân cây phúc nở hoa,

Bút nghiên lại nối khôi khoa bảng rồng.

Đền thời hưởng phúc nhà chung,

Mối duyên cũng vẹn chữ đồng cũng yên.

(In trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 10, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 192 - 193)

Câu 1: Tóm tắt nội dung của văn bản. Chỉ ra chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

Trả lời:

- Tóm tắt nội dung văn bản: Trạng nguyên (Tống Trân) cho Cúc Hoa và công chúa nước Tần thi tài nấu cơm bằng mía, ai nấu được sẽ xứng đáng ngồi vào vị trí chính thể. Cả hai có vợ đều không biết làm thế nào, Tống Trân bèn chỉ cách “vừa ăn vừa nấu mới hay”, thế là Cúc Hoa nhai mía lấy bã, nấu chín cơm, trở thành vợ cả.

- Chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản:

+ Trạng nguyên ra để thi cho Cúc Hoa và công chúa: nấu cơm bằng mía.

+ Cúc Hoa và công chúa đều bó tay trước thử thách này, nhưng Trạng nguyên đã ngầm chỉ cách riêng cho Cúc Hoa.

+ Cúc Hoa ăn mía, rồi lấy bã mía nấu cơm.

+ Thấy Cúc Hoa thắng cuộc, công chúa liền tỏ ý mình không hề muốn tranh giành, mà nhường vị trí chính thê cho Cúc Hoa.

+ Từ đó về sau, gia đình ấm êm, hoà thuận, vinh hoa phú quý.

Câu 2: Đoạn trích được thuật lại theo ngôi kể nào? Dựa vào đầu để bạn khẳng định như vậy?

Trả lời:

Đoạn trích được thuật lại theo ngôi kể thứ ba. Căn cứ nhận biết: Người kể tự giấu mình đi và gọi tên nhân vật theo tên/ chức vị của mỗi người. Trong văn bản, Tống Trân được gọi là “Trạng nguyên”, Cúc Hoa được gọi là “Cúc Hoa, công chúa nước Tần được gọi là “công chúa. Cách kể này giúp người kể có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

Câu 3: Phân tích đặc điểm của nhân vật Trạng nguyên (Tống Trân), Cúc Hoa và công chúa được thể hiện qua văn bản.

Trả lời:

- Trạng nguyên: Đây là nhân vật thận trọng và túc trí, đa mưu, thể hiện qua các chi tiết “ngẫm nghĩ giờ lâu”, “bày mưu bày chước”, “cười nói tiêu hao”,... Chàng muốn lập Cúc Hoa làm chính thế, nhưng cũng không muốn làm mất lòng công chúa nước Tần, nên đã cách vẹn toàn cho cả đôi bên.

- Cúc Hoa: Đây là nhân vật hiền hậu, chịu thương chịu khó, thể hiện qua chi tiết: Cúc Hoa nấu chẳng được cơm/ Lửa lên lại tắt hai hàng châu sa và lời nói của Trạng nguyên. Thuở xưa nuôi mẹ nuôi thầy...

- Công chúa: Là nhân vật quyền quý, cành vàng lá ngọc: Công chúa mình vốn cung nga/ Cơm bưng tận mặt chuyên trà tận tay, nhưng cũng rất khiêm tốn, biết mình biết ta: Công chúa ren rén thưa liền/ Tôi đâu có đám tranh quyền chính thê Cho nên chẳng nấu làm chi/ Xin chàng trao vị chính thể cho nàng!

Câu 4: Dấu hiệu nào trong văn bản cho thấy đây là truyện thơ Nôm bình dân?

Trả lời:

Tống Trân Cúc Hoa là tác phẩm truyện thơ Nôm khuyết danh có nội dung phản ánh cuộc sống và khát vọng của nhân dân, ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Câu 5: Xác định chủ đề và thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc.

Trả lời:

Đoạn trích thông qua câu chuyện thi nấu cơm giành quyền làm vợ cả để ca ngợi trí tuệ, sự chịu thương, chịu khó của người Việt Nam, đồng thời gửi gắm thông điệp khát khao đoàn tụ và hạnh phúc sum vầy trong gia đình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 5.603
0 Bình luận
Sắp xếp theo