Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng giang ngắn gọn

Tràng giang là bài thơ nổi tiếng của Huy Cận nói riêng và thơ ca lãng mạn 1932-1945 nói chung. Bài thơ “Tràng giang” được trích trong tập “Lửa thiêng”. Tràng giang là vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên “trời rộng sông dài”, đồng thời cũng là cái cảm giác về cái bé nhỏ, bơ bơ hữu hạn của kiếp người. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng giang kèm theo bài văn mẫu chi tiết để các bạn hiểu rõ hơn về thi phẩm.

1. Dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng Giang

Dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng Giang

2. Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng Giang hay

Huy Cận - một tiếng thơ man mác nỗi sầu, một tâm hồn hoang hoải, nhạy cảm với từng biến chuyển tinh tế của thiên nhiên. Nhắc đến Huy Cận là nhắc đến thời kì Thơ mới trước năm 1945, khi cái tôi của mỗi cá thể được coi là những vật thể tinh tú nhất, thơ ông luôn thể hiện tinh thần và điểm nhìn cá nhân độc đáo khó hòa lẫn. Trong "Tràng giang", từng câu chữ đều được Huy Cận phủ lên nỗi buồn da diết, mênh mông bể sở.

Tìm hiểu tứ thơ trong thi phẩm Tràng giang (Huy Cận ). “ Vẻ đẹp sáng nhất của nghệ thuật là vẻ đẹp ẩn hiện. Nó cần hiện lên để hấp dẫn mời chào, lại cần ẩn để tiếp tục mời chào, hấp dẫn”( Chu Văn Sơn). Bởi vậy, một nhà văn tài năng là một con người luôn biết tạo ra sự ẩn hiện trong tác phẩm, vừa khiến người đọc dễ dàng nắm bắt, vừa thôi thúc họ phải lao vào khám phá, lật giở. Tràng giang là một thi phẩm như thế. Nhà thơ của “ Cái hồn buồn Đông á” đã tác động trực tiếp đến thế giới tâm cảm của người đọc bằng một tứ thơ độc đáo- tứ thơ Tràng giang. Sau cách mạng, Huy Cận có ngồi chiêm nghiệm lại chặng đường thơ trước 1945 của mình, ông phát biểu: Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm. Nỗi nhớ thương không biết đã với chưa Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi. Có thể nói, thơ Huy Cận trước Cách mạng bài nào cũng buồn. Nói như Hoài Thanh, “ Huy Cận đã lượm nhặt chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não.” Tràng giang (in trong tập Lửa thiêng- 1940) cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Bao trùm toàn bộ bài thơ là một nỗi buồn. Nỗi buồn thấm sâu trong từng hình ảnh, câu chữ. Nguyên nhân của nỗi buồn ấy chính là từ tứ thơ Tràng giang. Theo như lời Huy Cận, tứ thơ Tràng giang được hình thành vào một buổi chiều mùa thu năm 1939. Trước đó, nhà thơ thường có một thú vui đặc biệt là đi lên vùng bến Chèm để ngắm cảnh Hồ Tây và sông Hồng. Sông nước mênh mông, đất trời bao la đã vô tình gợi lên sự rợn ngợp trong tâm hồn nhà thơ. Một chút suy tư, một thoáng trăn trở và cuối cùng thì những dòng chữ đầu tiên khơi mở nguồn mạch cảm xúc xuất hiện. “ Tràng giang” – cái ý lớn toàn bài, tứ thơ lạ đã bắt nhịp được suy nghĩ của Huy Cận. Và hệ quả của nó chính là sự ra đời của bài thơ Tràng giang. Khi Hoàng Cầm viết Lá diêu bông, đã biết bao người cầm bút tìm hiểu: Lá diêu bông là lá gì? Trong thực tế không hề có thứ lá ấy. Lá diêu bông chỉ tồn tại trong thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ mà thôi. Nhưng chính Lá diêu bông- một ảo ảnh không bao giờ tồn tại trong cuộc đời lại là nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn cho thi phẩm. Bởi trong suốt bài thơ, tứ thơ Lá diêu bông đã khiến bạn đọc phải chơi vơi, hẫng hụt, có gì đó : “ chập chờn năm tháng, bảng lảng không gian, xanh mơi mong manh màu kỉ niệm…”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, thành công của bài thơ phụ thuộc rất nhiều vào tứ thơ. Trở lại bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã chọn tứ thơ Tràng giang- vừa là tên bài thơ, vừa là mạch cảm xúc lan toả, chảy tràn trong từng câu chữ. Tràng giang có nghĩa là sông dài. Nhưng nó khác với trường giang ở chỗ nó gọi được cái rộng lớn, bao la của không gian. Bởi vậy, mà nó mới độc đáo, bởi vậy mà nó mới khêu gợi được cả xúc cảm, cả ấn tượng của độc giả từ cái bắt nhịp đầu tiên vào tác phẩm. Tứ thơ Tràng giang xuất hiện không trực tiếp trong lời đề từ: “ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.” Tràng là dài, giang là sông.

Nghĩa của từ Tràng giang được nhắc lại đầy đủ trong lời đề từ. Đó vừa là cảm xúc (Bâng khuâng – nhớ) trước thiên nhiên bao la rộng lớn (trời rộng – sông dài), vừa là nỗi buồn phảng phất được gợi lên bởi sự xa cách, chia ly giữa trời và sông (trời rộng nhớ sông dài). Để rồi từ lời đề từ này, mạch cảm xúc của bài thơ cứ chảy tràn, chảy miết theo nhịp cuộn của sông nước mênh mang. Để nói về tầm quan trọng của tứ thơ Tràng giang, có ý kiến cho rằng thử bỏ tất cả những chữ có liên quan đến sông nước mênh mông. Chắc chắn, bài thơ sẽ sụp đổ. Nó sẽ không còn là Tràng giang nữa bởi ý đồ nghệ thuật và ý đồ tư tưởng của nhà thơ đã không tồn tại. Tràng giang đã trở thành một cái cớ để giúp Huy Cận tự tin, thăng hoa trong từng bức tranh miêu tả cảnh vật. Bài thơ có bốn khổ, viết theo thể thất ngôn trường thiên. Mỗi khổ thơ là một sự khám phá của tác giả về thiên nhiên và vũ trụ, về cái nhịp nhàng, lặng lẽ của thế giới bên trong con người: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Con thuyền xuôi mái nước song song. Tràng giang đó, bình thản suy tư qua bao lớp sóng buồn điệp điệp, qua dòng khơi nước song song, cảm giác buồn gửi lại trong vần điệu, trong những từ ngữ gợi hình, trong không gian của vũ trụ mênh mông. Xuân Diệu nói: “Bài thơ hầu như đã trở thành cổ điển của một nhà thơ Mới.” Cổ điển trong tứ thơ, trong nhan đề, trong lời đề từ, và cổ điển trong cả đề tài về sông nước. Tứ thơ tràng giang không chỉ dừng lại ở đó. Người ta nhắc nhiều đến hình ảnh “củi một cành khô”. Bên những cái đã thành truyền thống, mang tầm vóc lớn là sông, là thuyền, bỗng dưng xuất hiện cái tầm thường, nhỏ nhoi, vô nghĩa, mang đậm chất hiện thực, thô ráp của đời thường. Nói như Xuân Diệu, đó là sự chân thực đến mức sống sót. Nói như Hà Minh Đức, hình ảnh cành củi khô chính là thân phận của cỏ cây đã mấy lần thương đau, khô héo, mấy lần trôi dạt. Cái hay của thi phẩm chính là ở sự kết hợp độc đáo này. Bùi Công Hùng khi “ Bàn thêm về tứ thơ” có khẳng định rằng: “Tứ thơ là linh hồn, là cốt tuỷ của bài thơ, là cái phần tinh túy có khi không rõ hình hài nhưng có sức lay động tâm hồn.” Huy Cận đã rất tài tình khi chọn được tứ thơ Tràng giang. Nó vừa có không khí đường thi, cổ kính của phương Đông, vừa có hơi thở mới lạ độc đáo của thơ Mới. Bởi vậy, đã ba phần tư thế kỉ trôi qua kể từ khi bài thơ ra đời, Tràng giang từng song hành với rất nhiều thi phẩm hay của nhiều xu hướng, trào lưu nghệ thuật khác nhau, song giá trị của nó thì vẫn không hề bị suy giảm, vẫn trường tồn trong suy nghĩ và cảm nhận của độc giả. Tứ thơ Tràng giang trước hết gợi cho người đọc một bức tranh về thiên nhiên. Thiên nhiên trải dài, xuyên suốt và được sắp xếp theo hệ thống đối lập. Một bên là những hình ảnh cao lớn, rộng dài bao la kì vĩ mang chiều vũ trụ: sông dài, trời rộng, mây cao, núi bạc, bờ xanh, bãi vàng… Một bên là những hình ảnh, sự vật nhỏ bé đơn sơ, trơ trọi, trôi nổi vật vờ: con thuyền, cồn nhỏ, bèo dạt…Hệ thống hình ảnh đối lập này đã tạo nên sự liên tưởng về thân phận con người nhỏ bé, bơ vơ, bất lực, buông xuôi, không định hướng như bèo dạt hàng nối hàng không biết đi về đâu, như một cành củi khô lạc mấy dòng.. Huy Cận rất tài tình khi chọn tứ là Tràng giang chứ không phải trường giang. Dù cả hai từ này nghĩa đều giống nhau. Tràng giang - với sự láy lại 2 lần của vần ang, vô hình chung đã làm kéo dài ngữ điệu, gợi lên một cảm giác mênh mang khó tả. Cái cảm giác ấy có tên là nỗi buồn.Nỗi buồn choáng ngợp câu chữ, choáng cả thời gian, không gian, và choáng cả cảnh vật “buồn điệp điệp”, “ sầu trăm ngả”, “ bến cô liêu”…Giữa cảnh sông nước mênh mang, không có con đò, không có chiếc cầu để gợi lên chút hi vọng về một bến bờ khác, giúp vượt thoát khỏi thực tại. Không gian tuyệt đối tĩnh lặng. Sóng gợn nhẹ, bờ bãi lặng lẽ,chỉ có thứ âm thanh từ kí ức xa xăm dội về tâm tưởng thành niềm khát khao, thành một câu hỏi day dứt:

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều?

Khổ cuối của bài thơ là một câu kết hay. Hay bởi nó lạ. Một cái nhìn xa vời đến mọi phía chân trời. Cánh chim như chở nặng bóng chiều đang “nghiêng cánh nhỏ”. Mây lớp lớp đùn lên như những “núi bạc”. Cảnh tượng tráng lệ. Cánh chim nhỏ nhoi tương phản với bầu trời bao la, với lớp lớp núi mây bạc nhằm đặc tả nỗi buồn cô đơn. Hoàng hôn phủ mờ tràng giang. Con nước làm xúc động lòng quê. Thôi Hiệu 13 thế kỷ trước, đứng trên lầu Hoàng Hạc, nhìn sông Hán Dương, cũng thổn thức: “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Với Huy Cận, chiều nay trên Tràng giang, nỗi buồn nhớ quê nhà nhiều lần nhân lên thấm thía: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Nỗi nhớ quê, nhớ nhà mênh mang như gửi về mọi phía chân trời và đang trôi theo tràng giang. Xuân Diệu đánh giá: Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, qua đó dọn đường cho tình yêu giang san Tổ quốc. Để làm được điều này, khi đọc tiếp cận với bài thơ, người ta không thể không đề cập đến tứ thơ Trang giang - Một tứ thơ vừa cũ vừa mới, vừa quen mà vừa lạ….

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
31 67.266
0 Bình luận
Sắp xếp theo