Phân tích truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó

Phân tích Trẻ con không được ăn thịt chó

Trẻ con không được ăn thịt chó là truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao, được sáng tác năm 1942, thông qua tác phẩm nhà văn đã miêu tả cảnh sống khốn cùng mà người nông dân phải trải qua trước bi kịch của cái đói. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc dàn ý phân tích, đánh giá nét đặc sắc về chủ đề và nhân vật trong Trẻ con không được ăn thịt chó giúp các bạn hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của  tác phẩm.

Dàn ý phân tích Trẻ con không được ăn thịt chó

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông thuộc trong số những cây bút hiếm hoi của nền văn xuôi hiện đại có tư tưởng, phong cách và thi pháp sáng tạo riêng độc đáo, có những cách tân lớn lao góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

- Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài: người nông dân và người trí thức nghèo trước cách mạng tháng tám. Dù ở đề tài người nông dân hay người trí thức Nam Cao đều bộc lộ sự cảm thông, thương xót trước những đau khổ, bất hạnh của con người. Tác phẩm của ông là lời kết án đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến bất công chà đạp nhân phẩm của con người, đồng thời là tiếng kêu khẩn thiết: hãy cứu lấy nhân phẩm con người.

- Trẻ con không được ăn thịt chó là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân của Nam Cao.

2. Thân bài:

a. Khái quát chủ đề của truyện

Qua truyện ngăn này, nhà văn Nam Cao đã phơi bày hoàn cảnh khốn cùng của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng thời gợi suy nghĩ về vấn đề nhân cách con người trong những cảnh ngộ khốn cùng.

b. Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

Chủ đề trên được thể hiện qua việc xây dựng hệ thống nhân vật:

* Nhân vật ‘hắn”:

- Hoàn cảnh: nhà nghèo, “cả cửa nhà cơ nghiệp nhà hắn chỉ có hai cái bát chậu”, vợ lo chạy ăn từng bữa

- Bản tính: là một kẻ hám ăn uống, chơi bời, không quan tâm gì đến vợ con, không đếm xỉa gì đến những vất vả lo toan của vợ

+ Để thỏa mãn những thú vui riêng của bản thân, hắn sẵn sáng trở thành kẻ lật lọng: bán cho “con mẹ Vụ” mười gốc chuối khác lấy hai đồng bạc đi xóc đĩa rồi lại bán lại lần nữa cho người khác lấy ngót hai đồng bạc

+ Không có tiền uống rượu, ăn thịt chó, hắn ăn chịu của mụ Tam luôn ba bữa

+ Trong đầu hắn không có suy nghĩ gì khác ngoài “Rượu… thịt chó!… Rượu… thịt chó!… Trước mắt hắn lại lập loè hai sắc: vàng bóng (của thịt chó) và xanh nhợt (của rượu). Hình ảnh được ngồi ăn thịt chó cùng chai rượu xâm chiếm tất cả suy nghĩ của hắn.

+ Chỉ vì không được uống rượu, ăn thịt chó, “hắn cho là đời thật đáng buồn. Kiếp người nản lắm. Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ”

+ Không có cách nào để ăn chịu tiếp, hắn bắt đầu tự viện cho mình mọi lí do nghe có vẻ hợp lý để mổ con chó nhà mình – con chó mà theo suy nghĩ của người vợ thì ít nhất cũng đủ gạo ăn cho cả nhà đến hàng nửa tháng.

+ Hắn ngồi ăn nhậu cùng bạn bè mặc cho người vợ gầy và những đứa con còm cõi nheo nhóc dưới bếp, không hề mảy may thương xót hay động lòng.

→ Miếng ăn là thử thách ghê gớm với tính cách con người và người cha trong tác phẩm là nhân vật điển hình không thể vượt qua được chướng ngại vật ấy. Hắn làm tất cả chỉ để thỏa cái miệng thèm ăn. Nhân cách của hắn cũng vì thế mà dần bị xói mòn.

* Nhân vật “thị”

- Hoàn cảnh:

+ Chị sống trong cảnh nghèo khó, người chồng “ăn tàn phá hại”, vũ phu. “Nó cục như chó vậy. Ương với nó, nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là thường. Thiệt thân”. “Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa.”

+ Cái nghèo, cái đói khiến chị phải tính toàn hết sức chi li. Chị thương con mà vì bữa ăn cho cả nhà mà chăng mấy khi dám mua: “ Mỗi lần mẹ về chợ, cứ nghe tiếng các anh reo là cu Con lại thét lên. Hình như nó sợ các anh chạy ra trước nó. Có khi nó khóc. Có khi mải mốt quá, nó ngã lộn tùng phèo từ trên hè xuống sân. Ấy thế mà mười lần thì đến chín, mẹ nó chỉ chìa cho nó bàn tay không. Người đàn bà, nghĩ đến cái bộ mặt tiu nghỉu của con lúc nào, rỏ nước mắt ra lúc ấy. Trông thương đứt ruột. Nhưng biết làm sao được? Đã đành quà của nó, chỉ một đồng trinh là đủ. Nhưng không thể đong một hào chín xu rưỡi gạo. Mà cái ngữ tiêu trong nhà thị, mỗi ngày không thể quá hai đồng hào. Vậy có thương con thì để bụng. Còn cái sự mua quà thật khó lòng thay!”

+ Chị là người phụ nữ tần tảo, gánh vác lo toan cho cả gia đình

+ Chị cũng là người mẹ thương con hết mực .Mặc dù luôn phải đối mặt với những bi kịch dồn dập của việc thiếu miếng ăn nhưng khi có thể, chị vẫn quan tâm đến các con, dành chút tiền nhỏ để mua quà cho con khi đi chợ về. Chỉ cần nghĩ đến cảnh chúng vui mừng khi thấy mấy cây mía lách mẹ mang về là chị lại tủm tỉm cười suốt dọc đường.

“Và trên đường về thị còn lẩn quẩn nghĩ đến xu ruỡi mãi. Nhưng thị lại nghĩ đến thằng cu Con, đến lúc nó sẽ bíu chặt lấy mấy cây mía lách mà cười nấc lên. Vậy thì thị chẳng nên tiếc nữa. Có mất đâu mà tiếc? Con thị nó sẽ ăn vào miệng.”

Trong lúc chờ đợi ăn cơm, “thấy lũ con đứa nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, người mẹ thương đứt ruột. Thị biết rằng chúng đói”

Trước sự thất vọng của những đứa con khi người cha và những ông khách ăn xong, chỉ còn mâm bát không, “người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc.”

→ Nhân vật “thị” với những tính toán, lo toan cho gia đình, con cái cũng đã góp phần khắc sâu thêm ấn tượng về cái đói

Những giọt nước mắt vì thất vọng và đói khát của những đứa con cùng với sự đắng cay, chua chát của người vợ để lại nỗi xót xa, ám ảnh trong lòng người đọc nhưng mặt khác, vẫn gợi lên sự ấm áp, sự an ủi bởi tình mẫu tử thiêng liên và cảm động

c. Đánh giá :

- Nam Cao viết về cái đói, cốt truyện cũng như những vấn đề đều xoay quanh miếng ăn thế nhưng lại khái quát được cả một thời kì khốn khó của dân tộc.

- Trong dòng văn học hiện thực, bên cạnh Nam Cao cũng có một số nhà văn viết về cái đói nhưng những trang văn về bi kịch của miếng ăn được viết ra nhằm thay người dân cất lên tiếng kêu cứu đói thì Nam Cao cũng chắp bút về đề tài ấy nhưng là để đặt ra và kêu cứu về nhân phẩm con người.

- Nghệ thuật:

+ Cốt truyện đơn giản

+ Nhân vật chủ yếu được khắc họa qua lời nói, suy nghĩ, hành động của chính họ

+Lời người kể chuyện nhiều khi như nhập vào dòng tâm tư nhân vật

+ Lời đối thoại của các nhân vật tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày

3. Kết bài:

Tác phẩm đã thể hiện quan điểm nghệ thuật của Nam Cao: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nhà văn quả đã “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời” để đem đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại”

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
29 51.269
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm