Nghị luận về cấu tứ bài Chiếc lá đầu tiên

Cấu tứ bài Chiếc lá đầu tiên

Chiếc lá đầu tiên là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Dòng chảy của bài thơ là lời tự tình của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường, trên đường ra trận với người yêu là cô bạn gái cùng lớp. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý nghị luận phân tích cấu tứ bài thơ Chiếc lá đầu tiên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cấu tứ của bài Chiếc lá đầu tiên.

Cấu tứ bài Chiếc lá đầu tiên

Dàn ý viết bài văn nghị luận tìm hiểu vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Chiếc lá đầu tiên

CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN

Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi

“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm

Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.

Bài thơ này lúc đầu được tác giả đặt tên là Trường ơi, chào nhé.

(Nguồn: Hoàng Nhuận Cầm, Xúc xắc mùa thu, NXB Hội Nhà văn, 1992)

DÀN Ý THAM KHẢO

1. Mở bài: (Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết):

- Giới thiệu chung về bài thơ:

+ Hoàng Nhuận Cầm sinh 1952 mất 2021, quê quán Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà thơ của học sinh, sinh viên bởi có nhiều tác phẩm viết về kỉ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi.

+ Tác phẩm Chiếc lá đầu tiên được in trong tập Xúc xắc mùa thu NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 1992.

- Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận: Vẻ đẹp của bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ

2. Thân bài: Cần triển khai các ý:

* Vẻ đẹp của cấu tứ thơ:

- Nhan đề Chiếc lá đầu tiên: Đó có thể là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đầu tiên mới chớm nở, cho cuộc hẹn hò đầu tiên, cho kỉ niệm đầu tiên…; những gì có tính chất “đầu tiên” thường ban sơ, ngây ngô, trong trẻo, vì vậy chúng rất đẹp và để lại ấn tượng sâu đậm.

- Cấu tứ bài thơ:

+ Tứ thơ được gợi ra từ sự tương đồng giữa tuổi học trò và những chiếc lá tươi non:

++ Tương đồng bởi những vô tư, hồn nhiên.

++ Tương đồng bởi nhựa sống tràn trề.

++ Tương đồng bởi những mong manh, thoáng chốc.

+ Cấu trúc bài thơ là sự đan xen giữa những kí ức, những hình ảnh của tuổi học trò nghịch ngội, vui chơi, yêu đương, mơ mộng và cảm giác thực tại bâng khuâng, hoài nhớ, nuối tiếc nghẹn ngào.

+ Ẩn sâu trong từng câu chữ, ta nhận ra, dù trong luyến nhớ, nhà thơ vẫn phải thừa nhận sự thật phũ phàng: tuổi học trò đã quá xa xôi, một đi không bao giờ trở lại.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ: Đối sánh với một số bài thơ tuổi học trò như bài: Trường huyện của Nguyễn Bính, Tựu trường của Huy Cận.

+ Giống: Cùng là câu chuyện về kí ức đầy ắp kỉ niệm tuổi học trò với trường lớp, bạn bè, thầy cô,…

+ Khác:

++ Bài Tựu trường: Cả bài thơ là cả một mạch cảm xúc náo nức của tuổi học trò trong ngày đầu nhập học. Bài thơ gợi niềm hạnh phúc và phấn khích của những chàng trai trẻ tuổi mười lăm trước buổi khai trường. Những hình ảnh giản dị đơn sơ nơi trường cũ đã mãi mãi ở lại trong tâm hồn của những chàng trai tuổi mười lăm thuở ấy.

++ Bài thơ Trường huyện kể chuyện tình trường huyện, nhưng trên tựa đề lại chỉ có hai chữ Trường huyện và tới khổ thơ cuối, Trường huyện nhòa vào phố huyện. Chuyện tình chỉ là cái nền, là trang giấy để Nguyễn Bính viết chuyện đời. Để từ đó thoảng tâm sự u buồn bởi em là thời chân quê xưa, em đi và ngày ấy đã mất.

++ Bài thơ Chiếc lá đầu tiên gợi liên tưởng về tình yêu đầu tiên mới chớm nở, kỉ niệm đầu tiên, sự đan xen giữa những kí ức, những hình ảnh của tuổi học trò nghịch ngội, vui chơi, yêu đương, mơ mộng và cảm giác thực tại bâng khuâng, hoài nhớ, nuối tiếc nghẹn ngào,…

* Vẻ đẹp của hình ảnh thơ:

- Hình ảnh trong bài thơ mang tính biểu tượng độc đáo:

+ Một loạt những hình ảnh: hoa súng, chùm phượng hồng, tiếng ve trong veo, lớp học bâng khuâng màu xanh rủ, sân trường đêm, trái bàng đêm kết hợp những từ ngữ thể hiện cảm xúc của tác giả trong bài thơ: xa rồi, yêu dấu, nhớ, biết mấy, các bạn ơi, ta ơi, ôi.

=> Tạo nên thế giới hình ảnh thơ vừa thực (thế giới kí ức của tác giả) vừa mang tính biểu trưng (tiêu biểu cho trường lớp; tuổi hoa niên vừa rực rỡ, vừa ngây thơ, trong sáng), đồng thời thể hiện sự nhớ thương, tiếc nuối khi phải rời xa mái trường, phải chia tay tuổi hoa niên, sự trong trẻo của những rung động tình yêu đầu đời.

+ Hình ảnh “chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ là một hình ảnh mang tính tượng trưng. Đó là tình yêu đầu, là tuổi học trò, là quãng thời gian đẹp đẽ và cũng là một con người khác của tác giả – một người của thời ngây ngô, trong sáng.

- Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ:

+ Từ ngữ bộc lộ cảm xúc đan xen những đoạn tự sự với màu sắc đối thoại đầy cá tính

+ Sử dụng những câu đặc biệt tạo bất ngờ cho người đọc

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ:

=> Văn bản tái hiện kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò bên trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm… và cả tình yêu đầu tiên của mình. Tình cảm ấy thật trong sáng, là nỗi bâng khuâng nhớ tiếc, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên. Đây là xúc cảm của bất kì ai, trên đường đời tấp nập, có những lúc kí ức ấy chìm sâu nhưng chúng sẽ không bao giờ có thể biến mất trong trái tim mỗi người. Để từ đó ta biết nâng niu, trân trọng từng phút giây cuộc đời.

3. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.226
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm