Cấu tứ bài thơ Hương Thầm

Hương Thầm là bài thơ đặc sắc của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn. Nội dung bài thơ nói về mối tình thần lặng của người thiếu nữ với chàng hàng xóm, hai nhà chỉ cách nhau khung cửa sổ, sau nhà có cây bưởi tỏa hương thơm mát. Vậy vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hương thầm là gì? Trong bài viết dưới đây, Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc bài văn nghị luận phân tích vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hương thầm, giúp các bạn hiểu rõ hơn giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Bài thơ “Hương thầm ” được rút trong tập Nghiêng về anh 1992. Nhà thơ Thanh Nhàn sáng tác bài thơ này đúng vào mùa hoa bưởi tháng 3 năm 1969 để dành tặng người em trai ruột tên là Phan Hữu Khải. Sau này người em trai lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và đã nghe được bài thơ Hương thầm do chị gái mình sáng tác. Nhưng nhà thơ chưa kịp chia sẻ với em trai rằng, chính tình cảm trong sáng của em trai và cô bạn nhà kế bên là nguồn cảm hứng để bà sáng tác bài thơ Hương thầm thì em trai bà đã hy sinh.

1. Cấu tứ trong bài thơ là gì?

Cấu tứ còn được gọi là tứ, là thứ vô cùng quan trọng khi nhắc đến các tác phẩm văn học. Cấu tứ được xem là linh hồn, mô hình nghệ thuật, thể hiện rõ được cái hồn của tác phẩm văn học. Sở dĩ cấu tứ quan trọng như thế vì nó thể hiện được quá trình suy ngẫm của tác giả khi phác thảo về cả nội dung lẫn hình thức của một tác phẩm.

Thông qua cấu tứ, độc giả có thể có một cái nhìn tổng quan về cách thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm. Thế nên không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra cấu tứ của một tác phẩm văn học. Cấu tứ sẽ giúp từng tác giả khẳng định chất riêng của mình, vì nó góp phần định hình phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện về quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời của nhà văn.

=> Cấu tứ là cách tác giả bố trí và tổ chức các ý và câu trong bài văn bài thơ, từ đó tạo một mạch chuyển đổi ý tưởng, cảm xúc một cách trơn tru. Nhờ có cấu tứ, nhà văn/nhà thơ có thể truyền đạt được suy nghĩ và cảm xúc của mình, đồng thời giúp câu văn mạch lạc/ bài thơ có tính thống nhất hơn.

Cấu tứ rất quan trọng bởi để có thể hiểu rõ một tác phẩm nghệ thuật, độc giả buộc phải tìm ra mạch ngầm chảy trong cơ thể nghệ thuật đó - cũng có nghĩa là tìm cấu tứ của tác phẩm.

Trong bài văn phân tích về cấu tứ, đầu tiên, bạn cần xác định phần quan trọng nhất là cần phải chỉ ra cấu tứ bên trong tác phẩm? Cấu tứ của một tác phẩm nằm ở đâu? Cấu tứ sẽ nằm trải dài từ nhan đề của tác phẩm đến tất cả mạch truyện/ mạch thơ của tác phẩm. Thế nên bạn cần xác định chính xác và nắm giữ cảm xúc xuyên suốt quá trình phân tích, tránh trường hợp bỏ sót những điểm mấu chốt, ảnh hưởng đến cấu tứ của tác phẩm.

2. Cấu tứ trong bài thơ Hương thầm

Bài thơ "Hương thầm" của Phan Thị Thanh Nhàn có cấu tứ và hình ảnh như sau:

Cấu tứ: Bài thơ được chia thành 7 đoạn văn, mỗi đoạn văn có số câu không đồng đều. Cấu trúc của bài thơ không tuân theo một quy tắc cụ thể, tuy nhiên, các đoạn văn được sắp xếp một cách hợp lý để tạo nên sự liên kết và diễn đạt đúng ý nghĩ mong muốn của tác giả. Xuyên suốt bài thơ là hương bưởi lan tỏa. Trong bài thơ thì “hương thầm” chính là mùi thơm của hoa bưởi. Phan Thị Thanh Nhàn đã lấy cái mùi thơm này làm ẩn dụ, làm biểu tượng cho mối tình thầm lặng nhưng nồng nàn sâu sắc rất giàu thi vị của một đôi trai gái thời chống Mỹ. Trong bài thơ, cái tứ “hương thầm” như kết thành một chuỗi và đan xen với lời kể chuyện trong suốt tuyến.

Hình ảnh: Bài thơ tập trung vào việc miêu tả hình ảnh của hai người bạn ngồi im lặng trong căn phòng, mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi. Hình ảnh cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa, cô gái giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay, và mùi hương đầm ấm thanh tao của hoa bưởi tạo nên không khí lãng mạn và bối rối trong tình yêu.

Đánh giá: Bài thơ "Hương thầm" mang đến cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế và lãng mạn. Tác giả đã sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ một cách tinh vi để diễn đạt tình cảm của nhân vật chính. Bài thơ tạo nên một không gian tĩnh lặng, nơi mà tình yêu được thể hiện thông qua mùi hương và sự im lặng của hai người.

3. Dàn ý nghị luận tìm hiểu vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hương thầm

1. Mở bài: (Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết):

- Giới thiệu chung về bài thơ:

+ Hương thầm được Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác vào mùa hoa bưởi tháng 3-1969 để ghi nhớ ngày cậu em Phan Hữu Khải (1953-1972) lên đường ra trận. Ở lớp cấp III có cô bạn thầm thương trộm nhớ cậu em ấy, nhưng chính cậu không hề biết, chỉ có người chị gái tinh ý biết được điều này.

+ Bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn được đăng trong Việt Nam, những bài thơ phổ nhạc, Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2000, trang 142-143. Bản phổ nhạc được in ở trang 144-145 trong cuốn sách nói trên, do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984. Hương thầm quen thuộc với thế hệ 8X vì bài thơ này được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông thập niên 1980.

- Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận: Vẻ đẹp của bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ.

2. Thân bài: Cần triển khai các ý:

* Vẻ đẹp của cấu tứ thơ:

- Nhan đề bài thơ Hương thầm gợi cho độc giả một sự liên tưởng tới hương vị tình yêu thầm lặng. “Hương” vốn được dùng để miêu tả hương hoa bưởi. Hoa bưởi có hương thơm dịu nhẹ, ngan ngát trong không gian mùa xuân. Vào tháng 3, khi hoa bưởi nở, người ta cảm nhận được vẻ đẹp tinh khiết của mùa xuân. “Thầm” có nghĩa là lặng lẽ, âm thầm. Hương thơm của hoa bưởi nhẹ nhàng, âm thầm lan tỏa. Hương thơm ấy, qua quá trình biểu trưng hóa của ngôn ngữ thì có tính biểu tượng. Hương thơm của hoa bưởi tượng trưng cho hương vị thanh cao của một tình yêu trong sáng, thầm lặng. “Hương thầm” là một cách kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo ấn tượng và cuốn hút độc giả, tạo ra những làn sóng rung động nhẹ trong lòng người đọc khi lần đầu tiếp nhận bài thơ.

- Yếu tố tự sự giúp người đọc hình dung diễn biến một chuyện tình: Bài thơ diễn tả một mối tình thầm lặng của người thiếu nữ với chàng hàng xóm, ở cách nhau khung cửa sổ: “cửa sổ hai nhà cuối phố”, ở sau nhà có cây bưởi tỏa hương ngan ngát. Chàng trai lên đường ra trận, cô gái e lệ “giấu chùm hoa trong chiếc khăn tay” để tặng chàng trai. Khi cô gái tặng chiếc khăn tay cho chàng trai, họ “ngồi im không biết nói năng chi”, không dám nói gì “nào ai đã một lần dám nói”. Tình yêu thầm lặng của người con gái trong sáng, tinh khiết lay động lòng người, đến lúc chia tay, cô gái ấy và chàng trai ấy “vẫn chẳng nói điều gì”, chỉ có hương bưởi thơm ngan ngát lặng lẽ, âm thầm “thơm mãi bước người đi”.

- Từ đó, Phan Thị Thanh Nhàn tạo nên một cấu tứ lạ:

+ Tác giả mượn hương bưởi để kể câu chuyện tình yêu không nói của hai người vừa là hàng xóm, vừa là bạn chung một lớp.

+ Từ khung cửa sổ không khép của hai nhà gần nhau, tác giả bắt vào câu chuyện chàng trai phải ra trận ngay ngày mai, cô gái yêu không nói nhưng hương bưởi đã nói hộ, cho đến khi họ không còn bên nhau nhưng hương bưởi vẫn vương vấn chứng minh họ vẫn luôn hướng về nhau.

+ Bài thơ như một câu chuyện với những diễn biến tâm trạng đầy bất ngờ, thú vị, để từ đó, tình yêu vút cao, vượt qua mọi cái đáng sợ của chiến tranh.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ: Đối sánh với bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan

+ Giống: Cùng là câu chuyện tình yêu gắn liền với một loài hoa xinh đẹp.

+ Khác:

++ Bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan: Câu chuyện tình yêu thời chinh chiến buồn như màu tím hoa sim vì đôi ngả âm dương cách biệt.

++ Bài thơ Hương thầm gợi cho độc giả một sự liên tưởng tới hương vị tình yêu thầm lặng, ngọt ngào, hướng con người tới niềm tin về hạnh phúc, về tình yêu trong điều kiện chiến tranh khốc liệt.

* Vẻ đẹp của hình ảnh thơ:

- Hình ảnh trong bài thơ mang tính biểu tượng độc đáo:

+ Hoa bưởi tượng trưng cho tình yêu không lời của cô gái – một tình yêu trong trắng, thuần khiết, ngọt ngào, thầm lặng nhưng có phần mạnh mẽ, chủ động của những người con gái thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

+ Chiếc khăn tay là biểu tượng cho tình cảm, cho tấm lòng, cho lời hẹn ước của cô gái - hẹn ước đợi chờ chàng trai trở về sau chiến trận.

=> Những hình ảnh thơ mang tính biểu tượng độc đáo thể hiện sự khéo léo của cô gái trong việc tỏ tình, đồng thời cũng phần nào khắc họa nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt xưa: ứng xử tinh tế và thanh lịch trong giao tiếp, có những trường hợp không dùng lời nói mà dùng hành động để biểu thị cảm xúc.

+ Hương hoa bưởi là một thứ hành trang không lời theo bước chân chàng trai đi khắp mọi nẻo đường nơi chiến trường gian khổ; là hương thơm của sự hy vọng và sự chung thủy, thương nhớ của cô gái dành cho anh.

- Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ:

=> Vừa mộc mạc, tự nhiên, vừa trau chuốt, giàu sức gợi, có khả năng biểu đạt tinh tế cảm xúc của nhân vật; kết hợp với thể thơ tự do, với giọng thơ nhẹ nhàng, da diết, đậm chất lãng mạn và hình ảnh thơ đẹp góp phần tạo nên màu sắc thi vị, bay bổng cho toàn bài thơ.

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ:

=> Đọc Hương thầm, người đọc cảm nhận được tình yêu thầm lặng mà bền bỉ trong thời kỳ chiến tranh của những người con gái, con trai. Tình yêu ấy sẽ sống mãi với thời gian, là “bản nhạc thanh nhã” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Hương thầm cũng thể hiện đặc trưng văn hóa ứng xử, giao tiếp khéo léo, tinh tế của thiếu nữ Việt Nam nói riêng, của con người Việt Nam nói chung.

3. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.

4. Bài văn nghị luận phân tích vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hương thầm

Theo Macel Proust “người nghệ sĩ độc đáo” là người có khả năng “tạo lập lại thế giới”. Với các nhà văn, nhà thơ, tạo lập thế giới thành công là khi họ biến những câu văn, vần thơ của mình thành hình ảnh sống động trước mắt người đọc, thành công xây dựng hình ảnh con người, cảnh vật, cấu tứ cho tác phẩm. Cấu tứ sẽ giúp từng tác giả khẳng định chất riêng của mình, vì nó góp phần định hình phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện về quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời của nhà văn.

Với bài thơ Hương thầm, ta có thể thấy cấu tứ của bài thơ ở dạng ẩn dụ.Trong bài thơ thì “hương thầm” chính là mùi thơm của hoa bưởi. Phan Thị Thanh Nhàn đã lấy cái mùi thơm này làm ẩn dụ, làm biểu tượng cho mối tình thầm lặng nhưng nồng nàn sâu sắc rất giàu thi vị của một đôi trai gái thời chống Mỹ. Trong bài thơ, cái tứ “hương thầm” như kết thành một chuỗi và đan xen với lời kể chuyện trong suốt tuyến. Ngay từ đầu, cái “ngan ngát hương đưa” dường như cũng đã nhiễm một chút tình ý rồi:

Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa

Rồi đến ngày người con trai ra trận. Người con gái thấy mình không thể vắng mặt và đã gửi lòng mình vào một chùm hoa bưởi:

Dấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận.

Không vắng mặt, nhưng tình yêu thì vẫn ủ kín không bộc lộ:

Nào ai đã một lần dám nói
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được
Cứ bay dịu nhẹ.

Nhưng hình như càng dấu diếm nhau thì họ lại càng nhận ra nhau đến tận cùng hơi thở:

Rồi theo cùng hơi thở của anh
Hương thơm ấy
thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
hương sẽ theo đi khắp

Thế là lời thì chưa ngỏ, nhưng tình thì đã trao và đã nhận:

Họ chia tay, vẫn chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi.

Hương thầm nhưng chính là tình thầm. Tình thầm nhưng lại vô cùng ngào ngạt, lan tỏa và thấm sâu…Tứ thơ Hương thầm vừa độc đáo, vừa kỳ diệu, giàu thi vị đến lạ lùng là như thế. Thơ là sự thăng hoa của cuộc sống, của tình đời, tình người có lẽ là như vậy đây chăng, để rồi hơn nửa thế kỷ trôi qua, hương hoa bưởi ngày xưa trong bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn còn phảng phất, ngan ngát mãi không thôi.

Chiến tranh chỉ còn là dĩ vãng, nỗi đau chiến tranh đã tạm nguôi ngoai. Thế nhưng khát vọng tình yêu, khát vọng hòa bình vẫn ngát hương lan tỏa, nồng nàn suốt bao năm tháng thăng trầm của lịch sử. Để đến hôn nay, “Hương thầm” của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn vẫn chiếm một vị trí không hề thay đổi trong trái tim độc giả, hương thơm hoa bưởi lại trở thành một điểm nhấn đầy yêu thương, khiến người ta khắc khoải.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
13 21.897
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm