Đọc hiểu Đời thừa Nam Cao

Đời thừa là một tác phẩm văn học hiện thực của nhà văn Nam Cao. Đời thừa là truyện về một nhà văn nghèo bất đắc dĩ. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của Hộ - một người luôn hướng tới sự toàn mỹ trong việc sáng tạo nghệ thuật và luôn cố gắng giữ lấy lý tưởng sống của mình nhưng tất cả đều trở thành bi kịch trước những nỗi lo cơm áo thường ngày. Sau đây là bộ đề đọc hiểu văn bản Đời thừa của Nam Cao có đáp án chi tiết sẽ giúp các bạn nắm được ngôi kể, phương thức biểu đạt cũng như những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Đọc hiểu văn bản Đời thừa

Đọc hiểu Đời thừa đề 1

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Lược phần đầu: Hộ là một văn sĩ nghèo mang trong mình nhiều hoài bão ước mơ. Anh là người có lí tưởng sống rất cao đẹp. Là một nhà văn, anh đã từng ước mơ có những tác phẩm lớn, có giá trị vượt thời gian. Nhưng từ khi cứu vớt cuộc đời Từ, cưới Từ về làm vợ, anh phải lo cho cuộc sống của cả gia đình chỉ với những đồng tiền ít ỏi của nghề viết văn. Hộ phải viết những thứ văn rẻ tiền để bị dằn vặt để phải tự nguyền rủa mình nhưng vợ con anh vẫn nheo nhóc. Túng quẫn và phẫn uất, Hộ chán nản đâm vào rượu chè, say xỉn... Mỗi lần say lại bốc đồng và về nhà làm khổ Từ... Khi tỉnh dậy Hộ lại ân hận, hối tiếc, ăn năn...)

Sáng hôm sau, hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. Hắn thấy mình mẩy đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng. Cổ thì ráo và rát cháy. Hắn đưa tay với ấm nước ở trên bàn để uống. Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm. Ðó là một sự ý tứ của Từ. Hộ hiểu thế, và lòng buồn nao nao. Bởi hắn lờ mờ nhớ ra rằng: hình như đêm qua hắn say rượu, đi la cà chán rồi về, lại gây sự với Từ; hình như hắn lại đánh cả Từ, đuổi Từ đi, rồi mới đóng cửa lại và đi ngủ… Hắn đột nhiên hoảng sợ, nhổm dậy, mắt nhớn nhác tìm Từ. Nhưng không! Từ vẫn còn nhà… Chắc hẳn trong lúc quá say, hắn gài cửa nhưng chưa gài được, thành thử khi thấy hắn ngủ mệt rồi, Từ lại bế con vào.

Bây giờ Từ đang thiếp đi trên võng, đứa con nhỏ nằm bên. Từ vốn dậy sớm quen. Sáng nay, chắc Từ mệt quá, vừa mới lịm đi, nên mới ngủ trưa như thế. Ðầu Từ ngoẹo về một bên. Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xoè ra lỏng lẻo. Dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não. Hắn bùi ngùi. Chao ôi! Trông Từ nằm thật đáng thương! Hèn chi mà Từ khổ cả một đời người! Cái tướng vất vả lộ ra cả đến trong giấc ngủ. Hộ nhớ ra rằng: một đôi lúc, nếu nhìn kĩ thì Từ khó mặt lắm.

Ðột nhiên Hộ nảy ra ý muốn lại gần Từ, nhìn kĩ xem mặt Từ lúc bấy giờ ra sao? Hắn rón rén, đi chân không lại. Hắn ngồi xổm ngay xuống đất, bên cạnh võng và cố thở cho thật khẽ. Hắn ngắm nghía mặt Từ lâu lắm. Da mặt Từ xanh nhợt; môi nhợt nhạt; mí mắt hơi tim tím và chung quanh mắt có quầng; đôi má đã hơi hóp lại khiến mặt hơi có cạnh. Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực… Một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi…

Thế mà hắn đã làm gì để cho Từ khỏi khổ? Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc… Ôi chao! Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc. Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động. Mắt Từ giàn giụa nước. Từ khẽ rút tay ra, vòng lên cổ chồng, nhẹ nhàng níu hắn vào, để hắn gục đầu lên cạnh ngực Từ. Hắn lại càng khóc to hơn và cố nói qua tiếng khóc:

– Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!

Không!… Anh chỉ là một người khổ sở!… Chính vì em mà anh khổ.

Từ bảo thế. Tay Từ níu mạnh hơn một chút. Ngực Từ thổn thức. Từ chực ngả đầu sát vào vai Hộ. Nhưng đứa con, bị giằng, khóc thét lên. Từ vội buông chồng ra để vỗ con. Tiếng vẫn còn ướt lệ, Từ dỗ nó:

– A! Mợ đây! Mợ đây mà! Ôi chao! Con tôi nó giật mình… Mợ thương…

Hộ đã tránh chỗ để Từ đưa võng. Từ vừa đưa vừa hát...

“Ai làm cho khói lên giời

Cho mưa xuống đất, cho người biệt li

Ai làm cho Nam, Bắc phân kì

Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân…”

(Tuyển tập Nam Cao, tập 2, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1997)

Câu 1. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy, có điểm nhìn nghệ thuật như thế nào?

Câu 2. Truyện ngắn trên viết về đề tài gì ?

Câu 3. Nhân vật chính trong truyện là ai?

Câu 4. Theo nội dung truyện ngắn và tình cảnh bi kịch của Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao, em hiểu như thế nào về cụm từ "đời thừa" ?

Câu 5. Qua đoạn trích em hiểu gì về bi kịch của nhân vật Hộ?

Câu 6. Cuối truyện Đời thừa, nhân vật Hộ đã bật khóc “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh”. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên.

Câu 7. Tiếng hát ru của nhân vật Từ ở cuối văn bản có ý nghĩa gì?

Câu 8. Qua nhân vật Hộ trong đoạn trích, em có nhận xét gì về cuộc đời, số phận của bộ phận trí thức tiểu tư sản Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám?

Gợi ý

Câu

Đáp án

1

Truyện được kể theo ngôi thứ ba, có điểm nhìn toàn tri

2

Truyện ngắn trên viết về đề tài: Người trí thức

3

Nhân vật chính trong truyện là: Hộ (Văn sĩ Hộ)

4

"Đời thừa" được dùng để chỉ tình trạng sống vô ích, sống vô tích sự, không có ý nghĩa gì cho cuộc đời.

5

Bi kịch của nhân vật Hộ đó là:

- Bi kịch của con người có tài năng, có hoài bão, muốn sống có ích nhưng lại trở thành vô ích.

- Bi kịch của con người vốn có nhân cách, muốn sống có tình thương nhưng cuối cùng lại chà đạp một cách thô bạo lên chính nguyên tắc thiêng liêng cao đẹp ấy

6

- Biện pháp tu từ so sánh: Nước mắt Hộ bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh

- Tác dụng:

+ Làm cho câu văn sinh động, hấp dẫn

+ Nhấn mạnh sự hối hận và nỗi đau đớn, tủi nhục, xót xa đến tột cùng của nhân vật Hộ - người trí thức tiểu tư sản nghèo có nhân cách, đồng thời còn thể hiện sự thấu hiếu, đồng cảm, sẻ chia nhà văn dành cho nhân vật

7

Ý nghĩa tiếng hát ru của nhân vật Từ ở cuối văn bản:

- Lời ru con của Từ là lời thở than, trách móc một cách tinh tế thể hiện sự thương thân và thương chồng sâu sắc (Ru con nhưng là để nói với chồng)

- Lời ru của Từ với những câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời cũng là sự khắc khoải của nhà văn về số phận bi kịch của những người trí thức và gia đình họ.

8

Qua nhân vật Hộ trong đoạn trích cho thấy rõ cuộc đời, số phận của bộ phận trí thức tiểu tư sản Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám rất tăm tối, quẩn quanh, bế tắc và rơi vào bi kịch tinh thần không lối thoát

Đọc hiểu Đời thừa đề 2

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?

(Trích “Đời thừa”, Hà Minh Đức sưu tầm và giới thiệu, Nam Cao – Tác phẩm, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1977, tr.68-69)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Tóm tắt nội dung đoạn trích.

Câu 3. Nỗi buồn của nhân vật “hắn” có lí do từ đâu? Qua nỗi buồn ấy, em đánh giá nhân vật này là người như thế nào?

Câu 4. Phân tích điều tâm niệm sau đây của nhân vật “hắn” về văn chương: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...

Câu 5. Qua đoạn trích, em nhận thấy điều gì về việc lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện?

Câu 6. Nhận xét khái quát về hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng nhiều kiểu câu trong đoạn trích.

Gợi ý

Câu 1

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2

Tóm tắt nội dung đoạn trích

- Đoạn trích ở để bài xoay quanh nhân vật “hắn”. “Hắn” vốn là một nhà văn.

- Đối với nhân vật “hắn”, nghệ thuật là tất cả những gì hắn quan tâm. “Hắn” luôn mong muốn tạo ra được một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời.

- Thế nhưng, vì cuộc sống, “hắn” phải in nhiều cuốn văn viết vội vàng, phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc.

- Mỗi lần đọc lại những tác phẩm ấy, “hắn” lại căm ghét chính mình, xấu hổ và day dứt. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Hắn cảm thấy đau đớn cho chính mình, cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt.

Câu 3

- Nhân vật “hắn” buồn vì:

+ Ước mong sáng tác được những tác phẩm hoàn hảo, tử tế nhưng lại chỉ viết ra những trang viết nhạt nhẽo, “bất lương”

+ Mong được chuyên tâm sáng tác nhưng thực tế lại phải dành phần lớn thời gian cho chuyện áo cơm, cho những việc “tẹp nhẹp, vô nghĩa lí”

- Qua đó, ta thấy “hắn” là người có lương tâm nghề nghiệp, có lòng tự trọng, có trách nhiệm với cuộc sống và đặc biệt luôn từ vấn bản thân.

Câu 4

Tâm niệm của nhân vật “hắn” về văn chương: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...

- Câu văn thứ nhất phủ định lối sáng tác văn chương theo đơn đặt hàng, theo kiểu mẫu, máy móc, không có đóng góp mới

- Câu văn thứ hai khẳng định lối văn chương chân chính, muốn tạo ra những tác phẩm đích thực thì nhà văn phải không ngừng khám phá, tìm tòi, tạo ra điểm mới mẻ, độc đáo.

=> Đoạn trích được xem là danh ngôn nói về yêu cầu tối cao của hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Câu 5

Nhận xét về việc lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện:

- Sử dụng linh hoạt điểm nhìn bên ngoài (điểm nhìn từ người kể chuyện) và điểm nhìn bên trong (điểm nhìn từ nhân vật “hắn”). Điểm nhìn bên ngoài là lời kể của tác giả với vai trò là người chứng kiến, hiểu rõ toàn bộ câu chuyện dưới cái nhìn trực diện, khách quan, diễn tả một cách chân thực các sự việc, đặc biệt là hành động của nhân vật. Điểm nhìn bên trong được thể hiện qua những câu cảm thán “Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương!” hay “buồn lắm, buồn lắm!”

- Dịch chuyển giữa các điểm nhìn, từ người kể chuyện chuyển sang lời kể của nhân vật một cách độc đáo, tài tình: khi là điểm nhìn của người kể chuyện, khi là điểm nhìn cả “hắn”. Đoạn trích này không có một điểm nhìn duy nhất bao trùm.

Câu 6

Nhận xét khái quát về hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng nhiều kiểu câu trong đoạn trích:

- Đoạn văn sử dụng kết hợp nhiều kiểu câu: trần thuật, cảm thán, câu hỏi tu từ

- Hiệu quả nghệ thuật

+ Góp phần làm nổi bật chân dung tinh thần của nhân vật “hắn”

+ Giúp nhịp điệu và giọng điệu của lời kể tránh được sự đơn điệu, buồn tẻ

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn bản.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 2.163
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm