Cây tam cúc đọc hiểu

Đọc hiểu bài thơ Cây tam cúc

Tam cúc có lẽ là một trò chơi rất phổ biến trong kí ức của nhiều người. Nhưng trong bài thơ Cây tam cúc của tác giả Hoàng Cầm, bằng việc sử dụng những hình ảnh trong bộ bài tam cúc, ông đã khéo léo lồng ghép những tâm tư cảm xúc của mình về một tình yêu đơn phương thầm kín thời non trẻ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu đề đọc hiểu Cây tam cúc có đáp án sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về cấu tứ bài thơ Cây tam cúc cũng như ý nghĩa của tác phẩm.

Đọc hiểu bài thơ Cây tam cúc

Đề đọc hiểu bài Cây tam cúc

CÂY TAM CÚC

Cỗ bài tam cúc mép cong cong

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

Chị gọi đôi cây!

Trầu cay má đỏ

Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được chinh chuyền xủng xoẻng

Đứa thua đáo gỡ ngoài thềm

Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ

Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã

Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ

Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi

Em đứng nhìn theo Em gọi đôi

(Nguồn: Hoàng Cầm, Mưa Thuận Thành, NXB Văn hoá, 1991)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Trò chơi được nhắc tới trong bài thơ là

A. Bài tam cúc

B. Chơi trận giả

C. Đánh chắt

D. Chơi chuyền

Câu 2. Đâu là sự bố trí lạ ở các dòng thơ trong bài?

A. Đan xen cặp câu 8 chữ và cặp câu 4 chữ

B. Các cặp 6 – 8 kết hợp cùng các câu thơ tự do

C. Các cặp câu 8 chữ đan xen các câu 6 chữ

D. Tách câu bất ngờ tạo những cấu trúc dài ngắn đan xen

Câu 3. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ

A. Chị - một cô gái quá lứa lỡ thì

B. Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ

C. Em – một chàng trai tuổi mới lớn

D. Tướng sĩ đỏ đen

Câu 4. Chỉ ra phép tu từ xuất hiện trong đoạn thơ:

Đứa được

chinh chuyền xủng xoẻng

Đứa thua

đáo gỡ ngoài thềm

A. Điệp

B. Cường điệu

C. So sánh

D. Nhân hoá

Câu 5. Anh (chị) hiểu tướng sĩ trong bài thơ là ai?

A. Là nhân vật mà những người bạn cùng chơi đóng giả

B. Là những quân bài tam cúc

C. Là hình ảnh nhân vật Em mơ tưởng

D. Là hình ảnh người đàn ông đã cưới Chị

Câu 6. Tại sao tác giả viết: Em đừng lớn nữa Chị đừng đi?

A. Mong trò chơi tam cúc không kết thúc

B. Mong giữ mãi tuổi thơ trong trẻo

C. Mong tình yêu đẹp mãi không rời xa

D. Mong mỏi thời gian ngừng trôi để được sống mãi khoảnh khắc đẹp bên Chị

Câu 7. Việc điệp lại hình ảnh thơ: xe hồng đưa Chị đến quê Em có tác dụng gì?

A. Nhấn mạnh một tình bạn đẹp đẽ, sáng trong

B. Nhấn mạnh sự tâm đầu ý hợp

C. Nhấn mạnh tình yêu mãnh liệt với mong muốn kết đôi của chàng trai mới lớn

D. Nhấn mạnh sự gặp gỡ đầy thú vị, bất ngờ của những người không cùng quê hương

Câu 8. Hình ảnh xe hồng, gọi đôi trong bài thơ có ý nghĩa gì?

Gợi ý

- Là những bước chơi trong trò tam cúc

- Là những hình ảnh đậm màu sắc tượng trưng: gợi về câu chuyện yêu đương, đôi lứa với cái kết đẹp đẽ bên nhau

- Là ước mong nên đôi, kết lứa thầm kín mà tha thiết của người trai mới lớn với người con gái hơn tuổi

Câu 9. Theo anh/chị, những hình ảnh cuối bài thơ:

Năm sau giặc giã

Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ

Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi

Em đứng nhìn theo Em gọi đôi

Có phải là những hình ảnh thật không? Vì sao?

Gợi ý

- Những hình ảnh cuối bài thơ trước hết là những hình ảnh có thật trong bộ bài tam cúc.

- Nhưng đồng thời chúng cũng là những hình ảnh tượng trưng ứng với câu chuyện thật ngoài đời: chị đi lấy chồng và chàng trai mãi ôm mối tương tư,…

Câu 10. Nhận xét của anh/chị về cấu tứ bài thơ.

Gợi ý

- Từ câu chuyện về trò chơi tam cúc với người con gái hơn tuổi, nhà thơ luyến láy sang câu chuyện của trái tim mình, ấy là câu chuyện yêu đương thầm kín, tha thiết chân thành mà chẳng dám nói ra.

- Mượn những hình ảnh, những hành động của trò chơi, tác giả thổ lộ những mong muốn, những khát khao rất tế nhị, kín đáo.

- Nhưng rồi, chuyện tình cũng không thành, chị cũng chẳng bao giờ biết, chỉ còn lại chàng trai với mối tình đơn phương với những khát khao trong vô vọng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 6
0 Bình luận
Sắp xếp theo