Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật

Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật là nội dung quan trọng trong bài Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật theo lựa chọn cá nhân trang 29 sách giáo khoa Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo tập 1 để các em có thể phác thảo dàn ý nội dung bài thuyết trình về một tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật. Sau đây là một số gợi ý chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Nội dung Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật

Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật

2. Phiếu Giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học

Các bài thơ viết về mẹ là một đề tài bao la mà các thi sĩ có thể thoải mái sáng tạo, thổi hồn vào bài thơ của mình những tâm tư cảm xúc thật riêng biệt khi viết về mẹ. Mẹ là bầu sữa ngọt lành nuôi con khôn lớn, mẹ là ánh sáng của cuộc đời con. Nói về mẹ có rất nhiều nhà thơ viết hay, viết lạ, thế nhưng với Lưu Trọng Lư, ông đã có một cách thể hiện riêng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về mẹ thông qua bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư.

Giới thiệu tóm tắt về nội dung, nghệ thuật, chủ đề

1. Nội dung

- Kí ức về mẹ gắn liền với sự biết ơn, tình yêu tha thiết của NVTT.

2. Nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn

- Giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết

- Sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ.

- Cách ngắt nhịp đều đặn, chủ yếu là 4/3, gieo vần chủ yếu là vần thông.

3. Chủ đề:

Chủ đề trong bài thơ Nắng mới là nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình. Người mẹ được hiện lên trong nỗi nhớ với những hình ảnh gần gũi, giản dị mà lại đẹp đẽ có phần lấp lánh: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi; Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa. Tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh người mẹ trong thơ văn. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy hình ảnh người mẹ hiện lên một cách nhẹ nhàng, không khắc khổ, lam lũ. Không phải vì chủ thể trữ tình trong bài thơ này không nhớ mẹ, không yêu thương mẹ. Tình cảm ấy được thể hiện qua những từ ngữ như: não nùng, chập chờn, nhớ, chửa xóa mờ. Mới chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ nhưng giản thị thôi đã khiến con người ta phải não nùng, chập chờn thì những hình ảnh khắc khổ, lam lũ sẽ khiến con người ta phải cảm thương đến nhường nào!

Một số ý kiến đánh giá về tác phẩm

“Nắng mới” là một bài thơ thoạt đọc qua không có gì đặc biệt, nhưng nếu có một tâm hồn đồng cảm, một tình yêu sâu nặng với người đã sinh thành ra mình thì bài thơ thực sự là một tiếng đàn đồng điệu. Hoài Thanh đã từng nói: “Thơ Lưu Trọng Lư không phải là một bài thơ, nghĩa là không phải là một công trình nghệ thuật mà là tiếng lòng thổn thức hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.

3. Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học - Truyện Kiều

Tài sản về vật chất có thể nhanh đến và nhanh đi nhưng tài sản về tinh thần thì sẽ luôn luôn được lưu giữ. Người ta cũng không thể đem tài sản tinh thần ra để định giá bởi vì nó là vô giá. Đối với tất cả người dân Việt Nam, chúng ta có nhiều khối tài sản tinh thần chung và trong số đó không thể không nhắc đến đó chính là Truyện Kiều. Tác phẩm giống như một viên ngọc sáng mà tất cả các nhà văn, nhà thơ đều ao ước mình có thể làm nên một tác phẩm như vậy.

Kiệt tác vĩ đại Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm theo thể loại truyện thơ. Toàn bộ tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Mặc dù được viết dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Nguyễn Du đã có sự sáng tạo để tạo nên một Đoạn Trường Tân Thanh phù hợp với văn hoa của người Việt và thể hiện được những tinh hoa trong ngôn ngữ của người Việt.

Cốt truyện xoay quanh cuộc đời của Thúy Kiều, một người con sinh ra trong gia đình trung lưu lương thiện. Thúy Kiều vốn có cuộc sống êm đềm bên cha mẹ và hai người em là Thúy Vân và Vương Quan cho đến trước khi sóng gió ập đến.

Cả thiên truyện được chia làm ba phần với phần một có tên là Gặp gỡ và đính ước. Vào ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Thúy Kiều cùng nhau đi tảo mộ. Tại đây, Kiều đã gặp nấm mồ của Đạm Tiên và tỏ lòng thương xót cho thân phận của người con gái hồng nhan, bạc mệnh. Lúc chuẩn bị ra về, Kiều lại gặp gỡ Kim Trọng và dường như hai người đã cảm mến nhau ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Sau đó, hai người đã bí mật gặp nhau và cùng nhau đính ước.

Phần hai có tên gọi Gia biến và lưu lạc. Sau khi đính ước, Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Đúng lúc này gia đình Kiều bị vu oan, cha và em Kiều là Vương Quan bị bắt. Để cứu cha và em, Kiều đã phải bán mình để có tiền chuộc. Trước khi ra đi, Kiều đã trao lại mối duyên tình của mình cho em gái Thúy Vân. Sau khi bán mình, Kiều bị Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh lừa vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều đã được Thúc Sinh cứu ra để làm vợ lẽ. Thúc Sinh là một khách làng chơi hào phóng nhưng vợ của hắn là Hoạn Thư có tính ghen điên cuồng. Hoạn Thư đã bày mưu tính kế để bắt Kiều về đày đọa. Sau khi trốn thoát, Kiều đã đến nương nhờ nơi cửa Phật và được sư Giác Duyên giúp đỡ. Nhưng sư Giác Duyên vì tin lời Bạc Bà, Bạc Hạnh nên đã giao lầm Kiều vào tay kẻ xấu. Thêm một lần nữa Kiều bị rơi vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều gặp được Từ Hải, một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Không chỉ chuộc Kiều về làm vợ, Từ Hải còn giúp Kiều báo ân, báo oán. Nhưng nàng Kiều thật thà lại một lần nữa bị kẻ xấu lừa. Tin lời Hồ Tôn Hiến, Kiều đã đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Sau đó, Kiều bị bắt phải hầu rượu, đánh đàn trong tiệc mừng công của quân triều và sau cùng bị ép gả cho một viên quan thổ. Vì quá đau xót và tủi nhục cho chính mình, khi đi qua sông Tiền Đường nàng đã nhảy xuống tự vẫn nhưng may mắn được sư Giác Duyên cứu giúp. Kiều lại tiếp tục sống nương nhờ cửa Phật.

Phần ba có tên gọi là Đoàn tụ. Sau khi hộ tang chú, Kim Trọng đã trở lại để tìm người yêu. Lúc này biết được sự việc Kim Trọng vô cùng đau đớn. Chàng kết duyên với Thúy Vân theo như lời dặn của Kiều nhưng trong lòng vẫn không nguôi nhớ về nàng. Kim Trong đã đi tìm Kiều ở khắp nơi và may mắn đã cho hai người gặp lại nhau. Ngày đoàn viên của gia đình, Kiều đã quyết định “Duyên đối lứa cũng là duyên bạn bầy” để tỏ lòng kính trọng người yêu cũng như bảo vệ danh tiết của mình.

Về nội dung, Truyện Kiều mang đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vô cùng to lớn. Đó là một bức tranh khắc họa chân thực xã hội trước đây đầy rẫy những sự bất công và tàn bạo. Ở đó, con người bị vùi thập, bị tha hóa chỉ vì đồng tiền. Ở xã hội đó xuất hiện quá nhiều những con buôn giáo dở, nhà chứa nhơ nhớp và cả những tên quan tham ô lại. Người phụ nữ sống trong xã hội ấy bị đối xử một cách tàn nhẫn, bất công, bị chà đạp lên nhân phẩm khiến cho họ sống không bằng chết. Thế nhưng họ vẫn giữ được nhân phẩm, vẫn thể hiện được tài năng và khát vọng tự do, khát vọng tình yêu.

Về nghệ thuật, Truyện Kiều đã cho thấy được tinh hoa trong ngôn ngữ cũng như thể loại văn học của dân tộc. Tác phẩm đã sử dụng thể thơ lục bát một cách quá xuất sắc. Khi đọc tác phẩm, ta thấy một sự gần gũi, thân thuộc nhưng vẫn rất bác học. Có thể nói, nghệ thuật tự sự của tác phẩm đã có bước phát triển vượt bậc.

Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Truyện Kiều không chỉ đưa văn học Việt Nam vươn xa ra thế giới mà còn giúp đất nước và con người Việt Nam ra xa hơn phạm vị quốc gia. Truyện Kiều hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Những nhân vật trong tác phẩm như là con người thật ngoài đời. Đó là những điều làm nên giá trị tuyệt vời cho tác phẩm này.

4. Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học - Vợ chồng A Phủ

Thể loại: Truyện ngắn.

Tên tác giả: Tô Hoài

Lí do chọn giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật

“Vợ chồng A Phủ” được đánh giá là truyện ngắn hay, đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của truyện không chỉ thể hiện ở nội dung diễn tả được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi khi bị áp bức, bóc lột, dám vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được tác giả sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.

Nội dung giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật

Nội dung: Tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực số phận của những người dân nghèo khổ miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của tác giả Tô Hoài đã giúp người đọc thấy rõ sự độc ác, tàn bạo của bọn chúa đất áp bức, tiêu biểu trong tác phẩm chính là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần những người dân lao động nghèo. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả sinh động quá trình thức tỉnh để vươn lên đi tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo miền núi phía Bắc.

Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của nhà văn Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng biệt. Những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ, chất tình. Bên cạnh đó là lối kể chuyện tự nhiên, sinh động và hấp dẫn cùng với kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý của truyện. Tác giả rất biết cách dẫn dắt những tình tiết đan xen và kết hợp chúng một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn. Không chỉ vậy, nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng được tác giả đưa vào rất thành công. Mỗi nhân vật đều được sử dụng một bút pháp riêng để khắc họa tính cách mặc dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế. Ngôn ngữ mang đậm màu sắc miền núi, giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật tạo nên chất trữ tình. • Giới thiệu về chủ đề, thông điệp của tác phẩm:

Chủ đề của tác phẩm: phản ánh số phận đau thương và quá trình tìm đến với con đường tự do, con đường cách mạng của người dân miền núi Tây Bắc.

Thông điệp: Vợ chồng A Phủ là một bản tố cáo đanh thép đối với những thế lực thực dân phong kiến tàn bạo, luôn áp bức bóc lột, đọa đày những người dân nghèo miền núi. Đồng thời khẳng định sự khát vọng về một cuộc sống tự do hạnh phúc, với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động.

Trình này một số ý kiến nhận xét, đánh giá/ điều thích hoặc không thích về tác phẩm/ tình cảm, cảm xúc khi đọc/ xem/ nghe tác phẩm:

Tô Hoài đã xây dựng nên hai nhân vật đại diện cho những con người dù có phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu số phận đau khổ, bất hạnh. Mị tiêu biểu cho kiểu nhân vật tâm trạng còn A Phủ tiêu biểu cho kiểu nhân vật hành động. Cuộc hành trình của 2 vợ chồng Mị và A Phủ trong truyện ngắn không chỉ là hành trình giữa những ngọn núi và rừng rậm, mà còn là hành trình tìm đến sự tự do, lòng dũng cảm và tình yêu thương. Tô Hoài biết cách tận dụng sự chi tiết từ nhân vật đến ngôn ngữ để tạo nên một bức tranh sống động về sự đoàn kết, về tình người và lòng dũng cảm trong cuộc sống. Câu chuyện này không đơn giản chỉ là một trang văn học mà còn là một món quà tinh thần của tác giả khắc sâu vào tâm hồn độc giả, đem lại niềm tin, niềm hy vọng vào khả năng vượt qua mọi khó khăn thử thách của con người.

5. Phiếu giới thiệu về một tác phẩm văn học - Ai đã đặt tên cho dòng sông

Tên tác phẩm văn học/nghệ thuật Ai đã đặt tên cho dòng sông? Thể loại: Bút kí

Tên tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

1. Lí do chọn giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật:

Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) không đơn thuần chỉ là tác phẩm miêu tả về vẻ đẹp thiên nhiên nước nhà mà đó còn là tác phẩm thể hiện tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước.

2. Nội dung giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật:

- Giới thiệu tóm tắt về nội dung và nghệ thuật:

Nội dung: Ai đã đặt tên cho dòng sông là một tùy bút súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Xuyên suốt toàn tác phẩm là hình ảnh con sông Hương xứ Huế vừa mang vẻ đẹp thơ mộng, êm ả, nhẹ nhàng; vừa mang vẻ đẹp hoang dã, bao la,mênh mông, hùng vĩ. Vẻ đẹp con sông Hương là vẻ đẹp làm xao động lòng người. Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên quê hương ấy là tấm lòng thủy chung, son sắt, tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên quê cha đất tổ, vẻ đẹp non nước quê hương của người con xứ Huế - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Nghệ thuật: Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, bộc lộ cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa. Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan. Chủ quan là sự trải nghiệm của bản thân. Khách quan là đối tượng miêu tả - dòng sông Hương.Ngôn ngữ giàu hình tượng; văn phong mê đắm tài hoa; chất trí tuệ và chất trữ tình hài hòa thống nhất; am hiểu nhiều lĩnh vực như địa lí, lịch sử, âm nhạc, thơ ca; cảm xúc dạt dào, tha thiết; cái tôi trữ tình hấp dẫn, lôi cuốn.

- Giới thiệu về chủ đề, thông điệp của tác phẩm:

Chủ đề chính của tác phẩm: kể về một dòng sông thơ mộng mà thiên nhiên dành tặng riêng cho xứ huế mộng mơ. Dòng sông Hương hiện lên lúc hoang dại như một cô gái Digan, lúc lại rất trữ tình và thơ mộng.

- Thông điệp của tác phẩm: Yêu thương, tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên quê hương, xứ sở - Bài học về việc trân trọng, nâng niu, bảo vệ thiên nhiên môi trường.

3. Trình bày một số ý kiến nhận xét, đánh giá/ điều thích hoặc không thích về tác phẩm/ tình cảm, cảm xúc khi đọc/xem/nghe tác phẩm:

Bài bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể về một dòng sông thơ mộng mà thiên nhiên dành tặng riêng cho xứ huế mộng mơ. Dòng sông Hương hiện lên lúc hoang dại như một cô gái Digan, lúc lại rất trữ tình và thơ mộng. Đó cũng chính là tính cách như một cô gái ngang bướng, mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại và thơ mộng. Con sông ấy không hề lặp mình trong những cảm hứng của người nghệ sĩ cho dù từ hiện đại hay ngược dòng thời gian về phong kiến xa xưa. Sự minh chứng về những vẻ đẹp của cảnh quan và sự gắn bó của sông Hương với tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc mà nó xứng đáng là “dòng sông huyền nhiệm, nơi sinh ra vẻ đẹp tâm hồn của đất nước”.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 6.035
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm