Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông Chân trời sáng tạo

Soạn Ai đã đặt tên cho dòng sông Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo - Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ gợi ý soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông Chân trời sáng tạo để các em học sinh có thêm tài liệu trả lời các câu hỏi trong SGK ngữ văn 11 CTST tập 1 trang 11 đến trang 16.

Soạn Ai đã đặt tên cho dòng sông lớp 11 Chân trời sáng tạo

1. Bạn đã biết gì về Huế? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó

Thừa Thiên Huế là một tỉnh nằm ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, có đường biên giới với nước bạn Lào. Hiện nay, thành phố này là một trong ba vùng du lịch lớn của cả nước, có bề dày lịch sử văn hóa lâu năm. Đây là nơi bảo tồn, phát triển nhiều danh lam thắng cùng quần thể di tích lịch sử được thế giới công nhận.

Cho đến nay, Kinh thành Huế vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, cung điện nguy nga, các đền đài có giá trị văn hoá đặc biệt như: Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Duyệt Thị Đường, Kỳ Đài, Bao Vinh.

2. Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, bạn dự đoán gì về nội dung của văn bản?

Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, theo em nội dung của văn bản sẽ đưa người đọc tìm hiểu về những nét đẹp của xứ Huế thơ mộng cùng với vẻ đẹp của dòng sông Hương.

Đọc hiểu văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông lớp 11 CTST

Câu 1. Đoạn văn này miêu tả khúc sông nào của sông Hương? Nét đẹp riêng của khúc sông này là gì?

- Đoạn văn này miêu tả khúc sông Hương ở thượng nguồn con sông toát lên vẻ đẹp kỳ vĩ: chảy “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn…”; “phóng khoáng và man dại”.

+ Khi chảy khỏi phạm vi trong vùng đại ngàn, sông Hương chuyển dòng, ẩn mình trong cuộc hành trình giữa lòng Trường Sơn, “ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”

→ Vẻ đẹp dữ dội và hùng vĩ của sông Hương mà ít ai biết đến khi lẫn vào giữa rừng già đại ngàn.

Câu 2. Bạn hình dung như thế nào về hình ảnh sông Hương qua đoạn văn này?

Thiên nhiên Huế được nhà văn tái hiện thật sinh động với vẻ đẹp biến chuyển phong phú trong thời gian và cả không gian. Sông Hương phản chiếu vẻ đẹp biến ảo của xứ Huế “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Gắn liền với dòng sông là những địa danh vô cùng quen thuộc: Hòn Chén, Nguyệt Biều, Vọng Cảnh, Thiên Thai dường như sống động hơn: “sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn”, “sắc nước trở nên xanh thẳm”…

→ Sông Hương tôn tạo vẻ đẹp cho thiên nhiên xứ Huế và dòng sông cũng tạo nên một mảng trời riêng đầy sắc màu, văn hóa vùng đất cổ kính cố đô.

Câu 3. Nêu tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua đoạn văn này

Tình cảm của tác giả đối với dòng sông Hương được cảm nhận bằng các giác quan với sự tinh tế và nhạy cảm của một người nghệ sĩ – vừa là một họa sĩ tài ba vừa là một nhạc sĩ rung cảm đắm say trước cái đẹp của sông Hương. Nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình, sông Hương cũng giống sông Seine của Pari, sông Đa Nuýp của Budapest,… nhưng trong cách biểu đạt tài hoa của tác giả, sông Hương được cảm nhận với nhiều góc độ: nhìn bằng con mắt của hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận âm nhạc, sông Hương “đẹp như điệu Slow” chậm rãi, sâu lắng, trữ tình và với cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là người tình dịu dàng và chung thuỷ.

Câu 4. Bạn hiểu gì về mối quan hệ giữa sông Hương với Huế qua câu văn “Quả đúng như vậy…của những mái chèo khuya”?

Dưới cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương được đối sánh trong các ngành nghệ thuật, sông Hương về với Huế như hồn gặp xác, là tiếng nói của người con gái đi được nửa cuộc đời và tìm được người tình nhân đích thực. Sông Hương đã làm cho Huế đẹp một cách trầm lặng và có chút gì đó hấp dẫn nhưng rất kín đáo.

Từ góc độ văn hóa, trong cách nhìn với âm nhạc tác giả đã gắn sông Hương với một nền âm nhạc cổ điển Huế: “Sông Hương trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Từ đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã liên hệ đến việc nghe hát trên sông Hương.

Nhà văn đã đưa ra một minh chứng rằng: “Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này trong một khoang thuyền nào đó giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Từ góc nhìn văn hóa, người nghệ sĩ đã tưởng tượng về đại thi hào Nguyễn Du, về Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Nhà văn đã đặt hình ảnh dòng sông trong mối quan hệ với tiếng chuông chùa ngân nga khi vào Huế để nhìn nhận.

Câu 5. Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” trong đoạn văn này?

Đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông” không khó để nhận thấy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả lại một cách chi tiết, sinh động và độc đáo về thủy trình của sông Hương từ thượng nguồn đến trước khi ra biển. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bằng tất cả tình yêu, sự say đắm với sông Hương, với Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết về sông Hương ở vẻ đẹp của lịch sử qua hình ảnh “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Thật vậy, sông Hương hiện lên là dòng sông của lịch sử. Nhìn lại suốt cả chặng đường dài của lịch sử dân tộc, sông Hương đã góp sức mình làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Thời kì dựng nước, nó là dòng sông biên thùy xa xôi, thời kì trung đại, gắn với tên tuổi của anh hùng Nguyễn Trãi. Và để rồi trong suốt thế kỉ XIX hay trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và cả mùa xuân năm 1968, sông Hương đã ghi dấu lại những chiến công vẻ vang của dân tộc. Thêm vào đó, sông Hương còn là dòng sông của cuộc đời. Nó như một người con gái dịu dàng của đất nước. Người con gái ấy khi nghe lời gọi, đã “sẵn sàng hiến cuộc đời mình để làm một chiến công” và để rồi khi trở về với cuộc sống đời thường, sông Hương lại là một người con gái dịu dàng.

Trả lời câu hỏi trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Câu 1 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Thực hiện các yêu cầu dưới đây:

a. Nêu một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau (thiên nhiên, lịch sử, văn hoá,...).

b. Liệt kê một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện cái “tôi” của tác giả trong văn bản.

c. Phân tích vẻ đẹp của sông Hương được miêu tả qua một đoạn văn trong văn bản.

Trả lời

a. - Góc nhìn thiên nhiên:

+ Ở thượng nguồn: sông Hương vừa mang vẻ đẹp phóng khoáng, man dại, bản lĩnh, tự do (một trường ca, rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy, cô gái Di-gan, bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do, trong sáng) vừathơ mộng, trữ tình (dịu dàng và say đắm giữa…đỗ quyên rừng).

+ Ở ngoại vi thành phố: sông Hương mang nhiều vẻ đẹp phong phú như thơ mộng, trữ tình (người gái đẹp nằm ngủ mơ màng…đầy hoa dại); chủ động, mãnh liệt, duyên dáng với hành trình tìm kiếm tình yêu (chuyển dòng liên tục, vòng giữa, uốn mình, chuyển hướng, vòng qua, đột ngột vẽ, ôm lấy…); trầm mặc, cổ kính (Giữa đám quần sơn…như triết lí, như cổ thi); bình dị (mặt nước phẳng lặng…bát ngát tiếng gà).

+ Ở trong thành Huế: thủy chung, chỉ thuộc về một thành phố duy nhất là Huế; sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ, duyên dáng, vui tươi của cô gái gặp người tình nhân mong đợi (kéo nét thẳng thực yên tâm, vui tươi hơn, uốn cánh cung rất nhẹ…tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu); có điệu chảy slow tình cảm dành riêng cho Huế.

- Góc nhìn lịch sử: chứng nhân lịch sử, gắn bó với mọi biến cố của Huế (dòng sông biên thùy thời vua Hùng, dòng sông viễn châu oanh liệt thời trung đại, dòng sông vẻ vang thời Nguyễn Huệ, dòng sông bi tráng thời kì cách mạng tháng Tám).

- Góc nhìn văn hóa: Sông Hương là cái nôi của âm nhạc cổ điển Huế; dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ (mang nhiều sắc thái khác nhau trong thơ Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu…).

b. Một số từ ngữ, câu văn cho thấy cái tôi của tác giả trong văn bản là:

- "bản trường ca của rừng già", "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức", "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế"...

- "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".


- "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi".

c. Đoạn văn tham khảo phân tích vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn:

Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ đặc biệt này, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già” với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, lúc “mãnh liệt vượt qua ghềnh thác”, khi “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu”, lúc “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Bằng biện pháp nhân hoá, sông Hương hiện ra tựa “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” với một “bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Theo tác giả, nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành mà không chú ý tìm hiểu sông Hương từ nguồn cội, người ta khó mà hiểu hết cái vẻ đẹp trong phần tâm hồn sâu thẳm của dòng sông mà chính nó đã không muốn bộc lộ. Có thể nhấn mạnh sông Hương vùng thượng lưu toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại, đầy cá tính.

Câu 2 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong đoạn văn:

“Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên ... chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Tìm và phân tích một vài đoạn khác trong văn bản có đặc điểm tương tự.

Trả lời

* Đoạn văn: “Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên… chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”.

- Yếu tố tự sự: giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực theo hướng tây nam – đông bắc; nơi cuối con đường là chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời.

- Yếu tố trữ tình: như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên; nơi cuối con đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng…nhỏ nhắn như những vành trăng non.

=> Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó là: Giúp cho câu văn trở nên trong trẻo, có hồn và có tình hơn; lột tả được hết những vẻ đẹp của sông Hương khi đi qua.

* Phân tích đoạn văn: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.

- Yếu tố tự sự: Vùng châu thổ cùng sự tươi tốt, rầm rộ của rừng già với những cây cổ thụ ngàn năm cùng những ghềnh thác, đáy vực và cả rừng đỗ quyên đỏ rực.

- Yếu tố trữ tình: Châu thổ êm đêm, bản tình ca của rừng già, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn, dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng

=> Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó là: Giúp cho câu văn trở nên đẹp đẽ, thơ mộng đi vào lòng người đọc, làm toát lên vẻ đẹp huyền bí, dịu dàng thơ mộng của sông Hương khi ở thượng nguồn.

Câu 3 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Trả lời

- Biện pháp so sánh: “[…] sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”

Tác dụng: khiến sông Hương trở nên sinh động, có hồn, dòng sông gần với tâm hồn của con người xứ Huế.

- Biện pháp nhân hóa: “[…] sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long […]”

Tác dụng: khiến sông Hương trở nên sinh động, có hồn, gần gũi và thân thiết với con người.

Câu 4 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Nhận xét về cách thể hiện cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm.

Trả lời

Cảm hứng thẩm mĩ là khả năng rung cảm của con người trước những ấn tượng thẩm mĩ được nhận thức, là sự rung động của tâm hồn con người trải qua quá trình thụ cảm cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, trong cuộc sống.

Cảm hứng thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? là sự ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của con sông Hương từ khi ở thượng nguồn đến khi về với thành phố Huế - con sông của lịch sử, văn hóa, thi ca của mảnh đất cố đô.

Câu 5 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Theo bạn, vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản hay không? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?

Trả lời

Trước hết, dòng sông Hương hiền hòa, nên thơ gắn liền với nền âm nhạc cổ điển của miền Huế thơ. Với tâm hồn lãng mạn và một giọng văn đậm chất trữ tình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đắm say ngắm nhìn dòng sông Hương yêu dấu và nhận ra rằng dòng sông ấy giống như một “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Người tài nữ ấy đã đánh thức tâm hồn nhà văn, đánh thức những tâm hồn Huế và những tâm hồn yêu Huế hết mực bằng những điệu nhạc êm dịu, mê đắm lòng người.

Qua đoạn trích, ta cảm nhận được với Hoàng Phủ Ngọc Tường, không gian sông nước êm đềm, thơ mộng ấy cơ hồ chính là nguồn cảm hứng bất tận để “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Những câu văn tiếp theo là lời giãi bày chân thành của nhà văn với những tâm hồn đồng điệu. Cùng với sự so sánh mang nặng nỗi lòng, tâm tư ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa người đọc đến với không gian màn đêm trên sông nước xứ Huế mà “trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của một mái chèo khuya”. “Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” ấy đã đắp bồi nên một nền âm nhạc cổ điển đáng trân quý giữa cái không gian trầm mặc của kinh thành lăng tẩm.

Đâu chỉ với âm nhạc, dáng hình “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” còn được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện ở chỗ dòng sông đã khơi nguồn cảm hứng thi ca nghệ thuật ở biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Liên tưởng đến “Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu”, nhà văn nhắc đến “những bản đàn đã đi suốt đời Kiều”.

Mảnh đất Huế thơ ngày nay được nhiều người biết đến và lỡ yêu, lỡ thương bởi nhiều nét đẹp trong nó, nào là vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, nét đẹp tâm hồn Huế và cả những nét đẹp văn hóa Huế. Đâu phải mấy ai cũng nhận ra rằng, những nét đẹp văn hóa ấy đã được ươm mầm, vun đắp từ “dòng phù sa mượt mà” của “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” – theo như cách nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Câu 6 trang 16 SGK Ngữ văn 11 CTST tập 1

Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho bạn bài học gì về cách quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh?

Trả lời

Dòng sông Hương là dòng sông của lịch sử, của thi ca. Trong lịch sử, sông Hương mang vẻ đẹp của một bản anh hùng ca, ghi dấu bao chiến công oanh liệt của dân tộc. Từ dòng sông biên thùy của các vua Hùng, đến bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt thời trung đại. Thế kỉ mười tám nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bị tráng của thế kỉ mười chín với máu của các cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám của những chiến công rung chuyển. Không chỉ lịch sử mà còn là thi ca. Dòng sông không bao giờ tự lặp lại mình. Nó luôn mang vẻ đẹp mới. Nó có khả năng khơi nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn nghệ sĩ. Một cảm hứng vô tận, nhiều sắc màu.

Hình tượng sông Hương hiện lên trong tác phẩm càng khiến cho em yêu thêm dòng sông và muốn được đến thăm thú, nhìn ngắm vẻ đẹp của dòng sông. Đó chính là thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Làm một bài thơ, vẽ một bức tranh,... về hình tượng sông Hương (hoặc về sông núi quê hương của bạn)

Bài thơ hay về sông Hương - xứ Huế

Anh đã đến Huế rồi,
Anh đã biết Huế chưa?
Ví đã biết Huế rồi
Thì đã hiểu Huế chưa?
Hiểu rồi cũng ngỡ là chưa,
Mà chưa nào biết rằng chưa hay rồi.
Ra đi lòng những bồi hồi,
Biết chăng? Chẳng biết rằng rồi hay chưa.
Huế tôi, cảnh đẹp như mơ,
Đế đô là một bài thơ muôn vần.
Tay tiên dù nắn bút thần
Cũng đành bỏ lắm những phần thanh tao.
Ngự Bình như thấp, như cao,
Nhạt màu mây móc, đượm màu cỏ hoa.
Gió đờn, thông dịp, chim ca,
Hoạ vần thoang thoảng một vài khúc tiêu.
Hương Giang: cô gái mỹ miều,
Tấm thân bay bướm láy chìu nhởn nhơ,
Trời xuân rải bóng dương tà:
Dưới hoa óng ả một vài tiểu thơ.
Đêm thu trăng tỏ nước mờ,
Chiếc thuyền bé tí bên bờ cỏ hoen;
Điệu đờn vút tận cung tiên,
Ung dung tỏa nhẹ xuống miền nhân gian
Ru hồn một giấc mang mang
Êm như mặt nước mơ màng biếng trôi.
Anh tìm cảnh lịch đến chơi
Thì anh đã hiểu Huế rồi hay chưa?

Tranh vẽ sông Hương đẹp

Làm một bài thơ, vẽ một bức tranh,... về hình tượng sông Hương

Làm một bài thơ, vẽ một bức tranh,... về hình tượng sông Hương

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn. 

Đánh giá bài viết
2 14.192
0 Bình luận
Sắp xếp theo