Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích là nội dung đề số 2 trang 54 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 Cánh Diều bài Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số bài văn mẫu Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát. Mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài

2. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích

Forrest Gump là một nhân vật hiếm gặp trong điện ảnh, cũng hiếm bộ phim nào như "Forrest Gump" (1994). Phim ra mắt đã gần 3 thập kỷ, nhưng cho tới giờ vẫn là một tượng đài trong điện ảnh, là một phim truyền cảm hứng đáng xem trong đời, và là tác phẩm truyền nghị lực sống nhân hậu, sống mạnh mẽ cho nhiều thế hệ người xem.

Để gọi ra chất của bộ phim cũng khó. Phim vừa hài, vừa bi, giàu xúc cảm, nhiều thông điệp ý nghĩa. Đó là lý do tại sao bao nhiêu năm trôi qua, "Forrest Gump" vẫn là một đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của tài tử Tom Hanks.

Nhân vật chính trong phim - người hùng Forrest Gump được đảm nhận bởi tài tử Tom Hanks. Forrest Gump là một người đàn ông luôn gọn gàng, tươm tất, có chỉ số IQ ở mức 75. Cuộc đời nhân vật Forrest Gump được khắc họa trong phim từ thập niên 1950 - 1980, với biết bao biến động thời cuộc xảy ra với nước Mỹ.

Forrest Gump đã chứng kiến và trải nghiệm những biến động, đã sống sót vượt qua tất cả chỉ với... lòng trung thực và sự tử tế.

Nếu nói "Forrest Gump" là một câu chuyện ấm áp kể về một người đàn ông có những hạn chế về trí tuệ, sẽ khiến bộ phim và nhân vật trở nên nhỏ bé và giới hạn. Bộ phim quả thực nói về một anh chàng "khờ khạo", nhưng cũng chính là nói về mỗi chúng ta - những con người nhỏ bé và nhiều khi tưởng như bất lực trước cuộc đời, trước những xoay vần, biến động.

Trước muôn vàn đổi thay, trước những khó khăn, khắc nghiệt, nếu chúng ta không phải những cá nhân rất xuất sắc, liệu có thể chống đỡ và trụ vững được không? "Forrest Gump" là một câu trả lời đầy ý nghĩa, là một bài thiền dành cho những ai đang cảm thấy mình quay cuồng giữa biến thiên cuộc đời.

Có thể nói, Forrest Gump là bộ phim thể hiện thành công những tình cảm đẹp đẽ, tình gia đình, tình yêu,tình bạn, tình đồng chí và cả tình cảm giữa những con người xa lạ. Điều này đã giúp bộ phim mang ý nghĩa vô cùng nhân văn và cao cả.

3. Bàn luận về sức hấp dẫn của một vở kịch mà em yêu thích

Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ tuy đã ra đi nhưng những "gia tài" ông để lại cho nền văn học nước nhà vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Những tác phẩm kịch ông viết mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. "Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm hay và nổi bật nhất của tác giả, đã được dựng lại nhiều lần trong những năm qua.

Trong 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 9 chính là: "Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân", "Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân". Dựa trên lời thề này, Lưu Quang Vũ đã sáng tác ra vở kịch "Lời thề thứ 9". Tác phẩm kể về Đôn và Xuyên - hai anh bộ đội trong một lần làm nhiệm vụ đã gặp một ông chú, nghi là buôn lậu nên tịch thu túi xách của ông chú này. Sau đó, khi trở về, hai người mới biết đó là bố của Hiến - bạn thân hai người. Bố Hiến chính là Chủ tịch Tỉnh đương nhiệm, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong lúc này, ở quê nhà, bố Xuyên bị Chủ tịch Xã ức hiếp, bắt giam trong hầm tối. Mẹ Xuyên đi kêu oan khắp nơi không được. Ba người Đôn, Xuyên, Hiến quyết định dùng số tiền tịch thu được từ bố Hiến để về quê giúp đỡ gia đình Xuyên. Mọi chuyện vỡ lở, trung đoàn quyết định truy nã ba anh lính về chịu kỉ luật. Vở kịch kết thúc khi Trung đoàn trưởng, bố Hiến, mẹ Xuyên và mọi người gọi họ trở về, tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của mình.

Các diễn viên trong đoàn kịch đã thể hiện cực kì tròn vai. Đôn có tính cách tếu táo, hay ca cải lương nhưng trong chiến đấu cực kì anh dũng, dám đánh giáp la cà với địch và lưu lại vết sẹo trên mặt. Xuyên hiền lành, yêu thương gia đình nhưng cũng rất dũng cảm, đã lấy thân mình che chắn để cứu Hiến trong một trận đánh. Hiến là cậu con trai của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn với tính cách cương trực, thẳng thắn, luôn chiến đấu hết mình. Điểm sáng của vở kịch nằm ở diễn xuất của hai diễn viên NSƯT Đức Khuê trong vai bố Hiến - Chủ tịch Tỉnh và NSƯT Lê Khanh trong vai mẹ Xuyên. NSƯT Đức Khuê rất ra dáng một vị thủ trưởng cũ, hơi cứng nhắc, bảo thủ, hay phê bình mọi người và không nhận ra lỗi sai của mình. Cô Lê Khanh cũng toát lên mình dáng vẻ của một bà mẹ bộ đội lam lũ, kiên cường, giàu lòng yêu thương và nhân hậu. Từ cách hóa trang, dáng đi, điệu bộ cử chỉ, nhất là trong những lời thoại đầy triết lí đều cho người xem thấy rõ điều đó.

Xung đột kịch là sự xung đột giữa bộ đội và người dân, giữa nhân dân và chính quyền. Khi những người lính đang chiến đấu bảo vệ đất nước thì chính gia đình họ lại bị ức hiếp. Đau đớn, mất niềm tin, họ phải thốt lên rằng: "Thế mà bảo nhân dân ta anh hùng, đất nước ta tươi đẹp", "Không, đất nước không đẹp, nhân dân cũng không anh hùng. Nhân dân nhát... Nhân dân thế này, quê hương đất nước thế này, chúng con không tha thiết giữ đâu. Đấy, ai có giỏi thì lên biên giới mà đánh giặc.". Những suy nghĩ đó đã được mẹ Xuyên gỡ rối trong phân cảnh cuối: "Khó mấy rồi cũng xong, rối mấy rồi cũng sẽ gỡ ra, nhưng hễ động một tí chúng mày về thì bỏ nước cho ai?". Ngoài ra, nhân vật này cũng có những câu nói giàu tính hiện thực. Khi bị Chánh văn phòng Tỉnh hỏi "Nếu lên Trung ương không kiện được, bà định lên giời à", người mẹ này đã trả lời "Vâng, nếu như lên được. Nhưng khốn nỗi, không có giời. Xưa thì còn đổ lỗi cho giời được, nhưng nay biết rằng chỉ toàn con người thôi.". Câu nói vang lên vừa đanh thép, vừa thể hiện sự chua chát, đắng cay về hiện thực đáng buồn của xã hội. Từ xung đột ấy, tác giả muốn đặt ra câu hỏi cho mọi người, nhất là cho những người nắm quyền: Vậy ai phải là người chịu trách nhiệm cho câu chuyện này, khi mà quân và dân không còn chung một lòng, chính quyền thờ ơ, vô cảm với nỗi oan của nhân dân?

Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra trong "Lời thề thứ 9". Những điều đó đều mang tính thời đại mà đến ngày nay, chúng ta vẫn còn phải suy ngẫm rất nhiều. Chính bởi vì nội dung của vở kịch đã quá đặc sắc nên phần âm nhạc, phối cảnh sân khấu cũng không cần cầu kì. Những chiếc thùng gỗ được phủ vải xanh quân đội cùng hàng cây chằng chịt cho người đọc biết đấy là khung cảnh chiến trường. Hay bàn làm việc của ông Chủ tịch Xã có chiếc điện thoại mới, chiếc đồng hồ xịn to oành nhưng chẳng có mấy công văn giấy tờ đã cho ta biết đây là người như thế nào. Hay như khi mới gặp mẹ Xuyên, Chủ tịch Tỉnh vẫn ung dung ngồi trên ghế, chỉ đến khi nghe lời bà bộc bạch, ông mới đứng dậy, thể hiện thái độ tôn trọng.

Tuy đã có tuổi đời đến 35 năm nhưng những vấn đề mà vở kịch nói đến vẫn còn giữ nguyên giá trị. Tính thời đại tác phẩm mang lại cũng chính là minh chứng cho tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ.

4. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bài hát mà em yêu thích

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội rất sôi động. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan - Đài Tiếng nói Việt Nam để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày đó hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.

Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc để viết nên những giai điệu đầy cảm xúc, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.

Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.

Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử - tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).

Dù đã trải qua bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
16 43.295
0 Bình luận
Sắp xếp theo