Soạn Viết bài thuyết minh tổng hợp trang 118

Bài thuyết minh tổng hợp là bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Viết bài thuyết minh tổng hợp là nội dung bài học trang 118 sách giáo khoa Ngữ văn 11 Cánh Diều tập 1. Sau đây là một số gợi ý soạn bài Viết bài thuyết minh tổng hợp lớp 11 Cánh Diều, mời các em cùng tham khảo.

Soạn bài Viết bài thuyết minh tổng hợp SGK Ngữ văn 11 tập 1 Cánh diều

Thực hành Viết bài thuyết minh tổng hợp

Đề bài: Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam.

a. Chuẩn bị

- Tìm hiểu đề:

+ Trọng tâm: giới thiệu về phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam.

+ Kiểu văn bản: Thuyết minh tổng hợp.

+ Phạm vi dẫn chứng: Dẫn chứng thực tế, kiến thức lịch sử và thơ văn liên quan.

b. Tìm ý và lập dàn ý

* Tìm ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

- Người Việt Nam có những phẩm chất tiêu biểu nào?

- Phẩm chất truyền thống và những phẩm chất mới là gì?

- Những biểu hiện cụ thể về phẩm chất con người Việt Nam?

- Nguồn gốc, vai trò, ý nghĩa của phẩm chất người Việt trong lịch sử dân tộc và cuộc sống?

- Em có những phẩm chất gì của người Việt Nam?

* Lập dàn ý

Tham khảo dàn ý sau:

1. Mở bài: Nêu khái quát vấn đề thuyết minh: giới thiệu một số phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam.

2. Thân bài:

- Nêu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam: giàu lòng nhân ái; can đảm, dũng cảm, bất khuất; cần cù, sáng tạo; lạc quan, yêu đời;…

- Phân tích các phẩm chất ấy qua các ví dụ cụ thể (con người, sự việc, suy nghĩ, hành động,…) trong chiến đấu, lao động, học tập và nghiên cứu khoa học,…

- Phân tích và lí giải nguồn gốc của các phẩm chất cao đẹp, chỉ ra sự kế thừa và phát triển về phẩm chất của người Việt ngày nay.

- Phát biểu suy nghĩ về phẩm chất của người Việt Nam.

3. Kết bài: Nêu khái quát vai trò, ý nghĩa các phẩm chất của con người Việt Nam trong cuộc sống ngày nay và trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

c) Viết

Dựa vào dàn ý để viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất con người Việt Nam. Trong khi viết, chú ý kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận, kênh chữ, kênh hình,...

Viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam

Mảnh đất hình chữ S thân yêu là mái nhà của 54 dân tộc anh em. Mỗi một dân tộc đều mang những nét văn hóa, bản sắc rất riêng và ấn tượng. Tuy nhiên, chúng ta đều xuất phát từ dòng máu mang tên “Việt Nam” với những phẩm chất chung cao đẹp và bất biến theo thời gian.

Phẩm chất là những chuẩn mực hành vi làm nên giá trị cao đẹp của một con người. Dựa vào thước đo chuẩn mực ấy, người ta có thể đánh giá được hành vi, lối sống và tính cách của những người sống trong cùng một khu vực, quốc gia.


Quan điểm đạo đức của Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội gồm: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Ngoài ra, một số phẩm chất tốt đẹp nữa đó là sự cần cù, thông minh, sáng tạo và sự ham học hỏi với tinh thần quốc tế trong sáng, tích cực… Đó là những phẩm chất cơ bản của con người Việt Nam từ xa xưa đến cả trong thời đại mới.

Đầu tiên, lòng yêu nước là một nét đặc trưng không thể thiếu của con người Việt Nam. Dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Một Việt Nam giàu mạnh như ngày hôm nay là do công lao, xương máu và nước mắt của ông cha ta xây đắp thành. V.I Lênin từng nói: “Lòng yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất được củng cố hàng trăm năm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”. Và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam như một là sợi dây bền chặt kết tinh nên những con người Việt Nam vĩ đại, và chính họ đã tạo thành sức mạnh vĩ đại để chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bảo vệ non sông đất nước. Lòng yêu nước cháy bỏng ấy được xem như bảo bối cho những chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta, giúp nhân dân ta không bị khuất phục trước kẻ thù mà liên tiếp dựng cờ khởi nghĩa. Ta phải kể đến Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Dù chiến tranh đã qua đi, biết bao vị anh hùng đã từ biệt nhân dân, nhưng không vì thế mà các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung, Ngô Quyền… đi vào lãng quên. Ngày nay, để củng cố lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, Đảng và nhà nước đã chú trọng đến việc giáo dục lòng yêu nước bằng cách đưa ra những kiến thức, cuộc thi và hoạt động tuyên truyền về các sự kiện thời kỳ lịch sử, các thời đại cha ông.

Lòng yêu thương con người cũng là một trong những phẩm chất đạo đức tiêu biểu không thể thiếu của con người Việt Nam. Đây là sự kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và tinh thần nhân văn của nhân loại. Lòng yêu thương ấy đã chảy trôi từ những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho đến những hoạt động sản xuất hàng ngày của dân tộc ta. Trong gia đình, đó là tình cảm “như núi Thái Sơn”, “như nước trong nguồn chảy ra”. Với anh em, thì nó lại “như thể tay chân”, tình nghĩa vợ chồng thì là cảnh “đầu gối, tay ấp”. Rộng hơn đó chính là tình yêu thương đồng loại: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Thương người như thể thương thân”. Phẩm chất ấy cũng được biểu hiện trong sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Đó cũng là sự khoan dung, vị tha dành cho cả những số phận từng lầm đường lạc lối muốn quay đầu. Không chỉ biểu hiện trong đời sống hàng ngày, tình yêu thương độ lượng với con người của dân tộc Việt Nam còn được tồn tại trong các bộ luật của Nhà nước, đồng thời là cơ sở hình thành tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.


Ngoài ra, phẩm chất hiếu học, tôn sư trọng đạo là một nét đẹp sáng ngời của nhân dân ta. “Tôn sư trọng đạo” đó là thái độ tôn quý người thầy, là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã từng quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Tri thức là một con đường đi đến thành công bền bỉ và hiệu quả nhất. Hạnh phúc của mỗi người chúng ta là được cắp sách đến trường. Thầy cô không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn bồi đắp cho mỗi tâm hồn chúng ta thêm phong phú, tốt đẹp để chúng ta có thể phát triển hoàn thiện trên mọi phương diện khác nhau. Đã có biết bao người thầy đáng kính được lưu danh muôn đời. Đó là thầy Chu Văn An, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, người thầy cao quý Nguyễn Bỉnh Khiêm và vị lãnh tụ của dân tộc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh,... Ngày nay, mặc dù thế giới đã phát triển, việc học tập của con người có sự giúp đỡ của nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích nhưng người thầy vẫn đứng ở vị trí thiêng liêng nhất.

Phẩm chất và những vẻ đẹp truyền thống mãi là những thứ chúng ta cần phải lưu giữ và chau chuốt nó hàng đời. Tuy nhiên, trong thời đại mới, để đáp ứng với các thách thức và cơ hội của cuộc sống hiện đại, người Việt cần phải có những phẩm chất tiến bộ. Trước hết, đó là khả năng tư duy sáng tạo, đổi mới và sẵn sàng chấp nhận những thay đổi để phát triển bản thân và đất nước cùng với tinh thần học hỏi tích cực, luôn cập nhật kiến thức mới trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, khi sự hội nhập toàn cầu là không thể thiếu, chúng ta cũng cần phải có sự tôn trọng, tìm hiểu kiến thức phong phú về văn hóa và nét đẹp ở những quốc gia khác nhau. Tính chủ động trong cuộc sống là một cử chỉ không thể thiếu trong thời đại này, chúng ta không chỉ chờ đợi mà phải tự tìm kiếm cơ hội và định hướng cho bản thân.

Tóm lại, để đạt được sự phát triển bền vững trong thời đại mới, người Việt cần phải có những phẩm chất tiến bộ và thích nghi với sự phát triển của thế giới. Đây cũng chính là một cách đưa đất nước ngày càng vươn xa và tỏa sáng.

Là một công dân, thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta không chỉ có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ mà còn phải phát triển, lan tỏa những vẻ đẹp vốn có của mình ra khắp nơi trên thế giới để góp phần giúp đất nước trở nên tươi đẹp hơn. Bên cạnh đó, ta cũng cần ngăn ngừa những hành vi xấu là ảnh hưởng đến vẻ đẹp của con người Việt Nam trong tầm kiểm soát và khả năng của mình.

Việc giữ gìn và phát triển vẻ đẹp của đất nước là một trách nhiệm không chỉ của các chính trị gia, nhà lãnh đạo mà còn là trách nhiệm lớn lao của mỗi công dân. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, giá trị văn hóa, tinh thần và phẩm chất đẹp của dân tộc Việt Nam là tài sản quý giá, mang lại niềm tự hào và định vị chỗ đứng cho đất nước ta trên đấu trường quốc tế.

Bài tập trang 120 SGK Văn 11 Cánh Diều tập 1

Dựa vào gợi ý về cách thức đã nêu ở trên, hãy chọn viết đoạn văn với ý khái quát “Con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái" bằng một trong ba kiểu (diễn dịch, quy nạp, phối hợp).

Gợi ý

- Đoạn văn diễn dịch:

Con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái. Vậy “nhân ái” là gì? Nếu ta giải thích từng nghĩa thì “nhân” có nghĩa là người còn “ái” có nghĩa là yêu. Và “nhân ái” chính là tình yêu thương giữa con người với con người. Lòng nhân ái là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề có vụ lợi, không cần hồi đáp. Trong xã hội, mỗi một cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc lập. Tuy nhiên, lòng nhân ái giống như chiếc cầu nối các tâm hồn với nhau, giúp cho mọi người được gắn kết, thắt chặt với nhau. Từ trong chiến tranh, chính tình yêu thương đã đem lại sức mạnh đoàn kết dẫn tới thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, giành lại độc lập cho quê hương đất nước. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, nhưng vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Người già không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ, thiên tai, dịch bệnh…thực sự cần sự quan tâm từ cả cộng đồng. Không nói đâu xa, bão lũ lụt triền Trung năm qua thật đáng sợ. Khổng chỉ kéo dài hơn mọi năm mà hậu quả nó đem lại là vô cùng nặng nề. Nhiều gia đình bị mất nhà, gia sản, thậm chí cả người thân, những chiến sĩ cứu nạn lại hy sinh giữa thời bình. Vì vậy, sống trên đời cần phải có lòng nhân ái, cần yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình. Dù như vậy thì cuộc sống của chúng ta có thể sẽ khó khăn hơn, nhưng như thế mới sống có ý nghĩa.

- Đoạn văn quy nạp:

Ở nước ta có câu nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – người trong một nước phải thương nhau cùng”, đây là lời dạy, lời khuyên đã được truyền lại từ bao đời cha ông. Từ lâu, tinh thần tình người và lòng nhân ái đã đi sâu vào tâm hồn của người Việt, từ việc chăm sóc gia đình đến lòng hiếu thảo với người lớn tuổi, cũng như sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn. Những trường hợp khó khăn, tai hoạ, thiên tai thường làm dấy lên tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của cộng đồng. Hình ảnh những cánh tay nối dài trong những hoàn cảnh khó khăn đang nhận được sự chú ý của cả nước, cho thấy sự đoàn kết, đồng lòng và tinh thần nhân ái trong xã hội. Sự hòa nhã, tôn trọng và quan tâm đến người khác là những phẩm chất đẹp đã gắn liền với tâm hồn người Việt. Từ những trò chuyện vui vẻ, sự cởi mở và ấm áp trong giao tiếp, đến việc giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, người lạ trong cuộc sống, người Việt thường tỏ ra tận tụy và chân thành. Thế mới thấy con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái.

- Đoạn văn phối hợp:

Lòng yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức tiêu biểu không thể thiếu của con người Việt Nam. Đây là sự kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và tinh thần nhân văn của nhân loại. Lòng yêu thương ấy đã chảy trôi từ những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho đến những hoạt động sản xuất hàng ngày của dân tộc ta. Trong gia đình, đó là tình cảm “như núi Thái Sơn”, “như nước trong nguồn chảy ra”. Với anh em, thì nó lại “như thể tay chân”, tình nghĩa vợ chồng thì là cảnh “đầu gối, tay ấp”. Rộng hơn đó chính là tình yêu thương đồng loại: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Thương người như thể thương thân”. Phẩm chất ấy cũng được biểu hiện trong sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Đó cũng là sự khoan dung, vị tha dành cho cả những số phận từng lầm đường lạc lối muốn quay đầu. Không chỉ biểu hiện trong đời sống hàng ngày, tình yêu thương độ lượng với con người của dân tộc Việt Nam còn được tồn tại trong các bộ luật của Nhà nước, đồng thời là cơ sở hình thành tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Sức mạnh của con người Việt Nam không chỉ đến từ lòng yêu nước mà còn bắt nguồn từ lòng nhân ái, khoan dung.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 79
0 Bình luận
Sắp xếp theo