9 mẫu phân tích Lưu biệt khi xuất dương hay nhất

Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương là một trong những bài thơ hay của Phan Bội Châu được ông sáng tác để từ biệt bạn bè trước khi lên đường sang Nhật tìm đường cứu nước. Bài thơ đã thể hiện được quan niệm mới về chí làm trai, cùng ý thức của cái tôi đầy trách nhiệm của tác giả. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích Lưu biệt khi xuất dương kèm theo các bài văn mẫu phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương ngắn, phân tích Lưu biệt khi xuất dương học sinh giỏi... để các em hiểu  rõ hơn về tác phẩm.

Phan Bội Châu là một trong những cây bút xuất sắc của văn chương Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Đối với Phan Bội Châu, văn chương chính là một thứ vũ khí sắc bén để thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Sau đây là các bài văn mẫu phân tích Lưu biệt khi xuất dương hay nhất Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc.

Phân tích Lưu biệt khi xuất dương học sinh giỏi

1. Dàn ý phân tích bài Lưu biệt khi xuất dương

1. Mở bài:

Trình bày khái quát những nét chủ yếu nhất về cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu: Đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn chương…

Giới thiệu khái quát nội dung và nhấn mạnh tầm quan trọng của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương: Bài thơ ấy là tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của chính tác giả

2.Thân bài:

- Phân tích hai câu thơ đầu (hai câu đề): Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu

+ Tác giả nêu lên quan niệm mới: là đấng nam nhi phải sống với khát vọng, mong muốn làm nên điều kì lạ : “ yếu hi kì”, không cam chịu để cho trời đất xoay chuyển mình.

⇒ Tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi phải tin tưởng ở mức độ và tài năng của mình ⇒ Tuyên ngôn về chí làm trai.

- Hai câu thực: Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc

+ Câu 3: “Tu hữu ngã” (phải có trong cuộc đời) → ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, ý thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cá nhân đối với vận mệnh trăm năm. Điều này đối lập với sự tự cao cá nhân.

+ Câu 4: Tác giả lại chuyển giọng nghi vấn “cánh vô thùy” (há không ai?) ⇒khẳng định cương quyết hơn khát vọng sống hiển hách, phi thường, phát huy hết tài năng trí tuệ dâng hiến cho đời.

→ Ý thức sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó.

- Hai câu luận : Quan niệm về nguyên tắc hành xử mới của Phan Bội Châu trước vận mệnh đất nước

+ Tình cảnh đất nước: “Non sống đã chết”, đất nước đã rơi vào tay giặc

+ Quan niệm mới mẻ, đối lập với các tín điều xưa cũ: ý thức về lẽ vinh nhục gắn với sự tồn vong của đất nước: “sống thêm nhục :

“Hiền thánh còn đâu cũng học hoài”

+ Người cách mạng cảm nhận sự tồn vong của mình trong mối quan hệ trực tiếp với sự tồn vong của dân tộc ⇒ hành động cởi mở, luôn tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đối lập với quan điểm cứu nước trì trệ, lạc hậu của các nhà Nho đương thời.

- Hai câu kết: Tư thế và khát vọng buổi lên đường

+ Tư thế lên đường của người chí sĩ thật sự hoành tráng:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Tiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

+ Những hình tượng kì vĩ được sử dụng: “trường phong”- ngọn gió dài, lớn; “Thiên trùng bạch lãng” (ngàn lớp sóng bạc) ⇒ Tư thế hiên ngang, mong muốn lớn lao mang tầm vũ trụ của người cách mạng.

⇒ Tầm vóc của ý chí con người đã lớn lao hơn, không cam chịu trói mình trong khuôn khổ, vượt ra ngoài vòng kiểm tỏa

III. Kết bài:

Khái quát về những nét đặc sắc nghệ thuật đem lại thành công cho tác phẩm.

Khẳng định lại nội dung tư tưởng của tác phẩm và liên hệ về ý chí, khát vọng của con người trong thời đại hiện nay.

Phân tích lưu biệt khi xuất dương

2. Phân tích Lưu biệt khi xuất dương học sinh giỏi

Sau khi tham gia thành lập Duy tân hội, đầu năm 1905, theo chủ trương cùa tổ chức, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương tới Trung Quốc rồi Nhật Bản, mở đầu phong trào Đồng du, đặt cơ sớ đào tạo cốt cán cho cách mạng trong nước và cầu Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp. Lúc này đất nước đã mất chủ quyền ; ngọn lửa của phong trào Cần vương đã tắt, báo hiệu sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tướng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo. Thời cuộc thay đổi đòi hỏi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phải có phương hướng, nội dung và hình thức hoạt động mới. Phan Bội Châu lúc này còn tương đối trẻ (38 tuổi), là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt mình, vượt qua giáo lí đã lỗi thời của đạo Khổng để đón nhận luồng tư tưởng tiên phong trong giai đoạn, mong tìm ra hướng đi mới cho sự nghiệp khôi phục giang sơn. Phong trào Đông du được nhóm lên cùng với bao hi vọng… Lưu biệt khi xuất dương được viết ra trong bữa cơm ngày Tết mà Phan Bội Châu tổ chức tại nhà mình để chia tay các đồng chí trước lúc lên đường. Về sau, trên Bình sự tạp chí (Hàng Châu, Trung Quốc) số 34 (2-1917), Phan Bội Châu cho đăng bài thơ này dưới nhàn đề Đông du kí chư đồng chí (Gửi các đồng chí khi Đông du) với một vài sửa đổi vể câu chữ (so với bản được lưu hành trước đó).

Phan Bội Châu tuy văn tài lỗi lạc nhưng không bao giờ xem văn chương là cứu cánh của đời mình. Ông chỉ muốn dùng nó để xốc người đời (đặc biệt là tầng lớp thanh niên) đứng dậy làm cách mạng, cứu nước, cứu dân. Với định hướng này, sáng tác của ông có được một âm hưởng đầy kích thích, khiến người đọc không thể ngồi yên một khi đã được tiếp xúc với nó. Bài Lưu biệt khi xuất dương chính là một ví dụ điển hình.

Bài thơ được mở ra không phải với những tình cảm bịn rịn, nhớ nhung. Hiện lên lồ lộ là lí tướng và hoài bão của một con người đang quyết xoay chuyển càn khôn, vũ trụ:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

(Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.)

Lưu biệt là để lại cho người đưa tiễn một cái gì đó như lời dặn dò hay bài thơ trước lúc rong ruổi đường xa. Ở đây, bản thân bài thơ là lời dặn dò, là tiếng nói khích lệ. Nhà thơ hiểu rằng hơn lúc nào hết, cả người ở lại lẫn người ra đi cần có một niềm tin, nếu chưa phải vào kết quả hành động thì cũng vào cái đúng của hành động mà mình đã lựa chọn. Quan niệm về chí làm trai cùa các nhà nho xưa đã được nhắc lại trên tinh thần này. Không thể nói điều được nhà thơ phát biểu ở hai câu thơ là hoàn toàn mới mẻ. Trước Phan Bội Châu, bao nhiêu con người ưu tú đã nói về chí làm trai với nhiệt tình cháy bỏng và với một hình thức ngôn từ rất gây ấn tượng. Ngay câu thơ thứ nhất của Phan Bội Châu, có thể nói, cũng thoát thai từ hai câu chữ Hán mở đầu bài Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ: "Thông minh nhất nam tử — Yếu vi thiên hạ kì" (Một người trai thông minh ắt phải làm được những việc khiến thiên hạ phải thấy kì lạ). Vậy vấn đề ở đây không phải là xét tính độc đáo của tư tưởng mà là xét mục đích của việc phát biểu tư tưởng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nêu lên tín niệm của các trang nam tử muôn đời, thực chất Phan Bội Châu đang muốn nhắc nhở, cật vấn chính bản thân: lẽ nào để trời đất tự xoay vần tới đâu thì tới, còn mình là kẻ đứng ngoài, vô can? Là câu hỏi nhưng cũng là một lời đáp. Tính hai mặt này của lời thơ đã ngay từ đầu tạo được cho thi phẩm một không khí dồn nén và thúc giục rất rõ rệt. Từng chữ, từng lời cứ bện chặt lấy tâm trí người đọc, khiến họ không thể lảng tránh vấn đề đã được nhà thơ đặt ra một cách tâm huyết.

Hai câu tiếp theo của bài thơ vẫn đi theo mạch đó:

Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.

(Trong khoang trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?)

Câu trước không chỉ đơn giản xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình giữa thế gian mà còn hàm chứa một tâm niệm: ta hiện diện không phải như một sự kiện ngẫu nhiên, vô ích, và vì vậy, ta phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Câu sau có thể diễn ý: Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có kẻ nối tiếp công việc của người trước? Như vậy, hai câu 3 – 4 đã thể hiện thật đậm nét cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ: thấy việc không thể không làm, không ỷ lại cho ai. Hơn thế, cái tôi ấy thấy rõ lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt, sự tham gia gánh vác bổn phận của nhiều thế hệ. Đây có thể xem là một nét mới trong tư tưởng của Phan Bội Châu so với không ít bậc tiền bối vốn nhìn lịch sử như một vòng chu chuyên khép kín, khi đại nghiệp không thành dễ rơi vào tình trạng thở than tuyệt vọng. Tác giả hoàn toàn dự cảm được tính chất khó khăn của sự nghiệp cứu nước mà mình đứng ra đảm trách, nhưng dự cảm đó không làm ông nao núng. Ông có sẵn lòng tin không chỉ vào mình mà còn vào bao kẻ sau mình. Tư tưởng của ông và tính cách của ông là vậy. Ta hiểu vì sao sau này, lúc kiểm điểm cuộc đời, dù cay đắng cho bản thân, Phan Bội Châu vẫn có được lời nói hết sức vô tư, hồn hậu: "Chúc phường hậu tử tiến mau!" (Từ giã bạn bè lần cuối cùng – 1940). Cảm nhận ý nghĩa các câu thơ theo hướng đó, ta dễ nhận ra cái "non” của từ tớ trong ban dịch (nguyên tác là ngã). Phan Bội Châu không phải là kẻ tự thị. Ông phát ngôn nhân danh những kẻ làm trai, những người yêu nước nói chung trong cuộc đời!

Bốn câu đầu bài thơ nghiêng về nói tới cái lẽ thường của đấng nam nhi, dù đọc chúng, người đọc vẫn nhận ra nỗi bức xúc trong tâm trạng tác giả. Sang hai câu 5-6, nỗi bức xúc ấy được biểu hiện trực tiếp hơn, qua việc nhà thơ nêu lên hiện trạng thê thảm của đời sống lúc bấy giờ:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!

(Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

Đúng là những câu thơ đau đớn. Đau đớn cho việc mất nước. Đau đớn cho sự tồn tại trơ trơ nhục nhã của mình khi cơ đồ của dân tộc đã bị đắm chìm. Đau đớn cho cái học, kiểu học mà bản thân từng một thời theo đuổi, giờ đã thành vô ích, vô vị…

Là người chịu ảnh hưởng của Tân thư (tức sách báo tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, tư tưởng cải cách xã hội theo mô hình Âu-Mỹ,… được dịch qua hoặc được viết bằng Hán văn, đưa tới từ Trung Quốc), Phan Bội Châu tuy không phủ nhận hoàn toàn Nho giáo nhưng không còn giữ thái độ sùng kính đối với nó. Cái gì tỏ ra không còn có ích cho sự nghiệp cứu nguy giống nòi thì ông dứt khoát giã từ. Có thể xem đây là hệ quy chiếu mà ông đã dùng để nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề của đời sống xã hội và mọi ứng xử của kẻ sĩ lúc ấy.

Trước đây, Nguyễn Khuyến từng than: "Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con). Câu thơ đầy chiêm nghiệm, có niềm tủi thẹn và thoáng nghi ngờ về tính hữu dụng của cái học từ chương "nhai văn nhá chữ" trong bối cảnh đất nước đã lọt vào tay giặc (mà nhà thơ gọi bóng gió là ngày loạn). Với Phan Bội Châu, thái độ không dừng ở mức nghi ngờ. Tình thế đất nước vào buổi ông lên đường đã khác nhiều, hơn nữa, với cá tính mạnh mẽ của một con người ưa hành động, tràn đầy nhiệt huyết, ông đã đưa vào bài thơ của mình những từ, cụm từ đầy cảm hứng phủ định, rất gây ấn tượng: tử hĩ (chết rồi), nhuế (thừa), si (ngu). Phải nói rằng với cách dùng từ ngữ mạnh bạo như thế, thơ ông có khả năng táađộng tới độc giả rất sâu sắc. Đằng sau sự hấp dẫn của cách nói là sự hấp dẫn của cốt cách một con người! Các từ nhục, hoài trong bản dịch thơ sự thực chưa truyền lại đầy đủ khí lực dồi dào của các từ nhuế, si trong nguyên tác.

Phải hành động, phải hành động – tự mạch thơ toát lên lời giục giã. Hai câu cuối đến như một cơn gió mạnh, bốc nhà thơ thoát khỏi những tủi thẹn, day dứt, đau buồn. Việc lạ (kì) mà nhân vật trữ tình nung nấu thực hiên được khởi đầu từ điểm này chăng:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

Người có hiểu biết về phong trào Đông du hẳn sẽ nhận ra tính tự nhiên, hợp lô gích của việc nhà thơ liên tưởng tới Đông hải cùng hình ảnh thiên trùng hạch lãng. Nhật Bản – niềm hi vọng mới của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu – ở phía đông, giữa biển khơi, cách nước ta muôn dặm hải trình. Chính vì vậy, sang Nhật cũng đồng nghĩa với chuyện vượt bể. Tuy nhiên, trong hai câu thơ, các hình ảnh chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Câu thơ dịch không hoàn toàn bám sát ý nguyên tác, đã chuyển một khát vọng, một dự cảm, một liên tưởng bất chợt thành sự tường thuật – miêu tả thực tế, do vậy, chưa truyền đạt được phong độ hào hùng, niềm hăm hở dấn thân cùng trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. Tâm thế cùng tư thế của nhân vật trữ tình lúc này là muốn lao ngay vào một trường hoạt động mới mẻ, sôi động ; bay lên làm quẫy sóng đại dương hay bay lên cùng những đợt sóng trào sôi vừa thoáng hiện trong tâm tưởng.

Trong bài thơ, có rất nhiều từ, cụm từ chỉ các đại lượng không gian, thời gian lớn cùng một số hình ảnh kì vĩ thể hiện bối cảnh mang tính chất vũ trụ đã được sử dụng: càn khôn, giang sơn, hách niên trung, thiên tải hậu, Đông hải, trường phong, thiên trùng hạch lãng,… Nhớ lại các bài như Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, Nổi lòng của Đặng Dung, Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu,… ta thấy đây là bối cảnh khá đặc trưng của thơ tỏ chí thời trung đại. Như vậy, bối cảnh vũ trụ hoàn toàn không phải là hiện tượng cá biệt ở một vài bài thơ nào đó, bởi con người trong thơ xưa về cơ bản chưa phải là con người cá nhân cá thể mà là con người vũ trụ. Tuy nhiên, với trường hợp bài Lưu biệt khi xuất dương, vẫn có thể nói rằng bối cảnh ấy có tác dụng tô đậm các phẩm chất rất riêng và nổi bật của nhân vật trữ tình: tự tin, dám đối thoại cùng trời đất, lịch sử ; ý thức rõ về cái vinh, cái nhục ở đời ; có khát vọng khẳng định cái tôi trong hành động dấn thân vì đất nước, dân tộc,… Nói tóm lại, phải có bối cảnh ấy thì chí "vá trời lấp biển" của nhà thơ mới được khắc tạc ấn tượng đến như thế.

Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ từ biệt mà cũng là bài thơ mời gọi lên đường. Nó hoàn toàn tương xứng với tầm vóc của một con người được cả dân tộc ngưỡng vọng và tin tưởng vào thời điểm lịch sử khi đó.

3. Phân tích Lưu biệt khi xuất dương ngắn nhất

“Con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị. Ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng”. Phan Bội Châu là người đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm con đường cứu nước mới, cả cuộc đời văn chương của ông chính là cả cuộc đời cách mạng sáng ngời. Và khi ý chí làm trai sôi sục trong tim ông thì cũng là lúc “Lưu biệt khi xuất dương” ra đời, đánh dấu thời điểm ông lên đường sang Nhật, từ giã bạn bè, đồng chí.

Đối với Phan Bội Châu, là đấng nam nhi là phải có chí hướng riêng cho mình, chí làm trai của đứa con đất nam, ông quan niệm:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời. ”

Con người tuy nhỏ bé nhưng chính ý chí, tư thế đã làm con người to lớn hơn so với vũ trụ. Và với Phan Bội Châu, “chí” để xây dựng được một con người hiển hách chính là chí làm trai. Làm trai là phải “lạ”, là phải biết sống cho phi thường hiển hách. Dám mưu đồ những chuyện kinh thiên động địa, xoay chuyển càn khôn. Đây là quan niệm này gần gũi với lí tưởng nhân sinh của các nhà nho thuở trước nhưng nó táo bạo hơn, quyết liệt hơn, con người dám đối mặt với vũ trụ, với đất trời rộng lớn để tự khẳng định mình. Chính quan niệm vừa kế thừa truyền thống, vừa mới mẻ này đã tạo ra một con người, một Phan Bội Châu với tư thế khỏe khoắn, ngang tàn, ngạo nghễ, thách thức càn khôn. Đó chính là tư thế chủ động trước thời cuộc, là lí tưởng vì nước, vì dân.

Phạm Ngũ Lão đã từng bày tỏ quan niệm về chí làm trai của mình qua bốn câu thơ của “Thuật hoài”

“Múa giáo non sông trải kháp thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh quân tử còn vương nợ,

Luống hẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu. ”

Phạm Ngũ Lão như ý thức được trách nhiệm của bản thân trước thời cuộc, trước vận mệnh đất nước. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão đầy thiết thực;một ngày còn bong quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn, xã tắc vẫn còn vương, chưa trả hết. Dù ở cách nhau bảy thế kỉ nhưng quan niệm về chí làm trai của Phạm Ngũ Lão và Phan Bội Châu vẫn có nét giống nhau, nó như nền tảng của bất kì bậc nam nhi nào cũng phải có dù ở thời nào. Phan Bội Châu đã nói rằng:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?”

Chí làm trai là phải gắn liền với ý thức của bản thân, ý thức về cái tôi chứ không thể nào sống tầm thường tẻ nhạt, buông xui theo số phận. Đó là cái tôi công dân đầy trách nhiệm trước thời cuộc, trước số phận. Bằng nghệ thuật đối ý, tác giả đã khẳng định trong một khoảng trăm năm cần có sự tồn tại của mình và sau này không lẽ không có ai hiểu và tiếp bước của ông hay sao. Và quả đúng như lời ông nói khi sau đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Bác Hồ vĩ đại đã ra đi tìm đường cứu nước, xây dựng nên nước Việt nam dân chủ Cộng hòa.

Câu ba vừa khẳng định dứt khoác về vai trò của cái “Tôi”, cống hiến cho đời, lưu danh thiên cổ thì câu bốn lại chuyển sang nghi vấn bằng câu hỏi tu từ nhằm khẳng định quyết liệt hơn một khát vọng sống hiển hách, phát huy hết tài năng để cống hiến cho đời. Phan Bội Châu như đã vừa khẳng định ý thức và trách nhiệm công dân của mình, của mọi người. Với cảm hứng lãng mạn, bay bổng gắn với hình tượng nghệ thuật kì vĩ đã tăng thêm khát vọng, niềm tin, lòng yêu nước sôi sục, thiết tha của dân tộc.

Đến với hai câu thơ năm, sáu chính là nhận thức, thái độ quyết liệt của kẻ làm trai trước tình cảnh đất nước phải rơi vào tay lũ giặc, tay sai, bán nước.

“Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài!”

Non sông, đất nước là một phần tạo nên con người, cốt cách, non sông chết ta trở thành nô lệ thì sống chỉ thêm nhục. Giờ đây, sách vở thánh hiền chẳng còn ích gì nước khi nước đã mất, nhà đã tan. Phan Bội Châu đã xây dựng một tư tưởng mới mẻ đầy táo bạo, tiến bộ mang đậm tính cách mạng. Đây như lời tự bạch về nỗi đau đớn, xót xa, tủi nhục của đứa con mất nước nhưng lại hé mở con đường cách mạng rửa nhục nước nhà.

Hằng hà sa số ý nghĩ cũng chẳng bằng một hành động và khi ý chí sục sôi trong Phan Bội Châu đạt tới đỉnh điểm thì cũng là lúc ông ra đi tìm đến ánh sáng thay đổi vận mệnh đất nước. Ông ra đi với tư thế hiên ngang mang trong mình đầy khát vọng.

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi. ”

Những hình ảnh lớn lao, kì vĩ: Bể Đông cánh gió, muôn trùng sóng bạc như tạo cho Phan Bội Châu một tư thế như bay lên. Hình ảnh ấy thật hào hung, lãng mạn, con người như được chắp đôi cánh thiên thần bay lên trên thực tế tối tăm, nghiệt ngã, vươn ngang tầm vũ trụ. Đó là một tư thế hăm hở, đầy nhiệt huyết thăng hoa, một tấm lòng yêu nước của một nhà thơ, nhà cách mạng.

“Nhân sinh trăm năm như một giọt nước vươn nơi mi mắt, nhẹ như lông hồng lại nặng như thái sơn”. Một kiếp người, nếu ta chọn cuộc sống vì mình thì cuộc sống không phải lo nghĩ vì ai nhưng giương mắt nhìn đất nước lầm than thì làm sao có thể yên giấc. Phan Bội đã chọn con đường ra đi tìm đường cứu nước, ông không thể nhìn và để bản thân mình trở thành nô lệ. Bằng giọng thơ tâm huyết có sức lay động mạnh mẽ, “Lưu biệt khi xuất dương” đã khắc họa vẻ đẹp hào hung của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ và khát vọng cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước.

4. Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 1

Phan Bội Châu (1867-1940), quê tại Làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện là mình là một người tài hoa xuất chúng, lại sớm có lòng yêu nước và ý thức về việc giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu cũng là một người mang quan niệm nhập thế tích cực vô cùng sâu sắc, nặng lòng với nghiệp công danh cùng món nợ của phận nam nhi.

Ông tham gia tích cực vào nhiều phong trào chống Pháp và sau nhiều lần thất bại cuối cùng ông đã nhận thức được sự sai lầm, yếu kém trong phong cách tổ chức của các phong trào yêu nước thời bấy giờ, từ đó đề ra chủ trương cứu nước theo con đường tư sản. Ông nung nấu ý định cho các thanh niên ưu tú của nước nhà sang các nước như Nhật Bản, Trung Quốc để học hỏi rồi trở về giúp đỡ đất nước, còn gọi là phong trào Đông Du, với tên gọi tổ chức là Duy Tân hội.

Sự tiến bộ trong tư tưởng cứu quốc của Phan Bội Châu dường như đã mở ra một con đường sáng cho cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu, vào những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, dẫu rằng kết quả không như mong đợi. Bên cạnh vai trò là một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng đất nước thì Phan Bội Châu còn được biết đến với tư cách là một nhà thơ, nhà văn lớn trong nửa đầu thế kỷ 20, với số lượng tác phẩm lớn, được xem là người mở đầu cho nền văn học cách mạng Việt Nam, mà sau Tố Hữu chính là người đưa nó bước tới đỉnh cao.

Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Phan Bội Châu, nó không chỉ đơn thuần là một bài thơ thể hiện lý tưởng cách mạng của chí sĩ yêu nước, mà còn đánh dấu mốc quan trọng mở đầu công cuộc tìm đường cứu nước theo chủ nghĩa tư bản của nhà thơ.

Lưu biệt khi xuất dương được viết vào năm 1905, trước khi Phan Bội Châu cùng một số thanh niên ưu tú khác lên tàu vượt biển sang Nhật Bản học tập. Tác phẩm có ý nghĩa động viên, cổ vũ tinh thần cho người ra đi, đồng thời cũng có tác dụng củng cố tinh thần, niềm tin, hướng người ở lại về một tương lai tốt đẹp hơn, sáng lạn hơn của đất nước. Thể hiện được rõ chí khí làm trai của một nhà nho, với tinh thần yêu nước sâu sắc, quyết tâm trả món nợ công danh cho đời khi Tổ quốc lâm nguy, lịch sử có nhiều biến động.

Trong hai câu thơ đầu tác giả đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về chí làm nam nhi trong thời đại mới, một thời đại đầy biến động, buộc con người ta phải có những biến đổi về ý chí để tạo lập một con đường riêng cho bản thân và cho dân tộc, đất nước mà vẫn giữ được khí tiết của một nhà nho chân chính, trong vai trò một nhà cách mạng sôi nổi.

“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”

Phan Bội Châu quan niệm rằng thân nam nhi “vai năm tấc rộng, thân mười tấc cao” sống ở trên đời phải tạo ra được chữ “lạ” cho riêng mình, tức là không cam chịu cuộc sống bình thường mờ nhạt, quanh quẩn bên chốn “ao tù nước đọng”, mà phải tự làm cho mình có điểm nhấn, nổi bật thông qua những lý tưởng cao đẹp, những ước mơ và kỳ vọng lớn, tráng chí ở bốn phương.

Người nam nhi phải dám tự thách thức bản thân mình vượt ra khỏi cái vòng an toàn, vượt qua được chướng ngại chi ly, được mất, vượt ra khỏi mọi giới hạn khuôn phép một cách mạnh mẽ và dũng cảm, để đạt được những thành công lớn, làm nên sự nghiệp hiển hách, phi thường, khác lạ mà hiếm kẻ làm được. Để “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/Còn hơn le lói suốt trăm năm”, để cuộc đời nam nhi sống sao cho xứng với hai chữ “nam nhi”, có cống hiến cho cuộc đời, trả cho kỳ được món nợ công danh, chớ để hoài phí một cuộc đời mờ nhạt vô nghĩa.

Cái quan niệm về chí làm trai trong thời đại mới của Phan Bội Châu tiếp tục được làm rõ thông qua câu “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Thể hiện ý chí mạnh mẽ, thái độ hiên ngang, ý muốn thách thức, ngang tầm với vũ trụ, rằng thân trai tráng cần phải nắm chắc và tự quyết định lấy vận mệnh cuộc đời một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Chứ không phải là ý muốn cuộc sống an nhàn, chấp nhận sự sắp đặt của tạo hóa, bộc lộ khẩu khí mạnh mẽ, ngang tàn của bậc đại trượng phu, mang khí thế tự tin, táo bạo và hiên ngang vô cùng.

Ý thơ của Phan Bội Châu không chỉ nằm ở việc thể hiện tráng chí của bản thân mà bên cạnh đó còn mang ý nghĩa khích lệ các thanh niên trong thời đại mới, biết đứng lên tự lực, tự cường, theo đuổi lý tưởng cao đẹp, phụng sự cho Tổ quốc, nâng tầm vóc của bản thân mình ngang tầm vũ trụ, tạo hóa, rũ bỏ cuộc đời tầm thường, quanh quẩn ao vườn, ruộng cá, để kiến thân lập nghiệp.

Trong hai câu thơ tiếp “Trong khoảng trăm năm cần có tớ/Sau này muôn thuở há không ai” chính là nhận thức của tác giả về trách nhiệm của người làm trai với đất nước, dân tộc, là món nợ công danh cần phải đáp đền. Đặc biệt là trong thời buổi lịch sử dân. tộc có nhiều biến đổi, giặc dữ lăm le xâm phạm chủ quyền thì thanh niên lại càng phải biết đứng ra phụng sự cho Tổ quốc.

Tác giả đã vẽ ra khoảng thời gian “trăm năm”, trước là ngụ ý chỉ về một kiếp người như quan niệm của ông cha ta từ bao đời nay, một đời tức chỉ trăm năm. Thứ hai nữa khoảng thời gian trăm năm còn là để gợi nhắc về một thế kỷ biến động của dân tộc, thế sự đã biết bao lần đổi thay, sự suy tàn của chế độ phong kiến, sự xâm lược của đế quốc phương Tây khiến nhân dân biết bao phen lầm than. “Trong khoảng trăm năm cần có tớ” là ngụ ý của tác giả về tầm quan trọng của bản thân trong công cuộc phục hưng, bảo vệ đất nước.

Mà người làm trai, sức dài vai rộng trong giữa sự sắp đặt của tạo hóa, đã ban cho ta một khoảng thời gian đầy biến động, thì bản thân người chí sĩ phải làm sao cho xứng với sự kỳ vọng của tạo hóa, cũng như xứng đáng với cái danh nam nhi của mình. Nếu như câu trước là khẳng định tầm quan trọng của đấng nam nhi trước thời cuộc, là sự nhận thức về lý tưởng cũng như vai trò của bản thân với đất nước thì câu thơ “Sau này muôn thuở há không ai?” lại là một câu hỏi ngỏ, thể hiện sự kỳ vọng, cũng như sự khích lệ của tác giả đối với tầng tầng lớp lớp các thế hệ thanh niên và mai sau nữa.

Phan Bội Châu đã dùng chính tráng chí, lý tưởng cao đẹp của mình làm tấm gương sáng, cũng như đặt những bước chân đầu tiên cho con đường cách mạng tiên tiến của dân tộc, của thanh niên Việt Nam. Thức tỉnh trong họ những nhận thức về tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của người thanh niên, và sự tự tin sẵn sàng đối mặt với sóng gió của bậc đại trượng phu.

Đến hai câu thơ luận, Phan Bội Châu lại cho chúng ta thấy tầm nhận thức tân tiến của một nhà nho yêu nước, một nhà cách mạng kiểu mới trước tình hình dân tộc, trước sự suy thoái của chế độ phong kiến và nền nho học đang dần mất đi vị thế vốn có của mình.

“Non sông đã mất sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”

“Non sông đã chết” đó là cái chết của chủ quyền dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và sự suy tàn của chế độ phong kiến, đất nước lầm than thế nhưng bọn đầu sỏ cầm quyền, những con người đứng đầu một đất nước lại sợ sệt, chỉ dám luồn cúi, nịnh bợ đám giặc Tây để níu kéo những ngày tháng gấm vóc lụa, là hữu danh vô thực, còn mặc kệ số phận dân tộc và đất nước. Một đất nước nhưng không có chủ quyền, không có tự do, triều đình phong kiến chỉ là một mớ bù nhìn, thối nát tận xương thì còn cách bên bờ diệt vong là mấy bước chân nữa đâu.

Thế nên tác giả nói “non sông đã chết” cũng chẳng có gì là không đúng, đặc biệt một người với tráng chí, với tinh thần yêu nước mạnh mẽ như Phan Bội Châu thì đứng trước viễn cảnh ấy thì quả thật là nhục nhã khôn cùng. Đến câu thơ sau “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”, người ta lại càng khâm phục cái nhân cách và nhận thức của Phan Bội Châu.

Bởi vốn dĩ Phan Bội Châu là một nhà nho chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ nền giáo dục phong kiến từ thuở thiếu thời, thế nhưng ông không như một số những nhà nho cố chấp ôm khư khư giấc mộng hão huyền về việc phục hưng những thứ vốn đã cũ kỹ, lạc hậu mà trái lại ông lại chính là một trong những người đầu tiên nhìn thẳng vào vấn đề, bóc trần sự tụt hậu của nho học, vạch rõ nguyên nhân khiến đất nước lâm vào tình trạng yếu hèn.

Không phủ nhận rằng Nho học quả thực là một kho tàng rộng lớn, mang đến cho con người sự giáo dục tốt đẹp, thế nhưng nhìn vào bối cảnh hiện tại nó chỉ đem đến những sự ảo vọng không có thực, không có ích trong việc diệt giặc thù, giành lại chủ quyền dân tộc. Việc phủ nhận nền Nho học vốn đã gắn bó với mình bao nhiêu lâu ấy quả thực là nỗi đau xót vô cùng lớn của tác giả, nhưng với nhân cách cũng như lý tưởng cao đẹp và lòng quyết tâm của một chí sĩ yêu nước, thì không nỗi đau nào vượt qua được nỗi đau mất nước.

Mà với tư cách người làm trai, ông lại càng phải thể hiện vai trò phục hưng Tổ quốc bằng con đường tiên tiến chứ không phải là ôm mãi giấc mộng huy hoàng đã qua. Từ đó ta thấy được tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ và tự do của một chí sĩ yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh tất cả, nén nhịn nỗi đau cá nhân vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, để hoàn trả món nợ công danh.

Cuối cùng ở hai câu thơ kết “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” chính là hình ảnh người chí sĩ yêu nước lên đường vượt biển xa quê hương để tìm tới chân trời mới, học hỏi những kiến thức mới để quay về phụng sự cho Tổ quốc, dân tộc với phong thái hiên ngang và tự tin vô cùng.

Những hình ảnh “bể Đông”, “muôn trùng sóng bạc” đã gợi ra một bối cảnh không gian rộng lớn, khoáng đạt, thể hiện tâm hồn yêu đời, cùng những khát vọng, lý tưởng cao lớn muốn vươn ra biển lớn của người chí sĩ. Tầm vóc con người trở nên kì vĩ, lớn lao nổi bật hẳn trên cái nền của thiên nhiên bởi sự kiêu hãnh, tráng chí hùng mạnh bên trong tâm hồn nhân vật trữ tình.

Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ hay, có nội dung và ý nghĩa lớn, không chỉ bộc lộ những khát vọng, lý tưởng cao đẹp của một nhà hoạt động cách mạng thời đại mới, mà còn là lời động viên khích lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, cũng như thức tỉnh sự tự tin, lý tưởng và khát vọng cao đẹp của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động.

Có thể nói rằng Lưu biệt khi xuất dương là một trong những bài thơ mang khuynh hướng trữ tình cách mạng đầu tiên, khơi nguồn cho nền văn học cách mạng của dân tộc đạt đến đỉnh cao về sau này.

5. Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 2

“Thi dĩ ngôn chí” - thơ để nói chí, tỏ lòng. Cho nên tầm vóc của loại thơ này rốt cuộc, phụ thuộc vào tầm vóc của chí. Mà chí khí không phải là những bột phát nhất thời, càng không thể là những chí hướng vay mượn. Chí cần phải được đảm bảo bằng nghiệp.

Có thể có những sự nghiệp không thành, nhưng sự dang dở ấy cũng chứng tỏ về một chí lớn đã dấn thân, không phải thứ chí suông. Chính nó là sự đảm bảo cho thơ. Vì thế. thơ sẽ chỉ còn là những lời lẽ khoa trương sáo rỗng, là sự cường điệu đao to búa lớn rẻ tiền, nếu như không có một chí lớn, hơn thế nếu như chí lớn ấy không gắn với một cốt cách lớn, một cuộc đời lớn.

Tiếng thơ bộc lộ trực tiếp các chí lớn xưa nay thường gắn với những bậc hào kiệt, những đấng trượng phu. Thơ của họ là lời tuyên ngôn của cuộc đời họ. Trước khi họ tạc con người mình vào trong thơ, thì họ đã tạc con người mình vào sông núi. Người đời thường ví họ như chim hồng, chim hộc và đối lập với những chim sẻ, chim ri. Và trong thơ của mình, họ hiện ra đúng như những cánh đại bàng vẫy vùng trong mênh mông trời biển.

Tư thế của họ là tư thế kì vĩ, tư thế vũ trụ, chẳng “Hoành sóc giang san cáp kỉ thu’ (Cấp ngang ngọn giáo bảo vệ giang sơn đã mấy. thu - Phạm Ngũ Lão), thì cũng “Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma” (Bao phen mang gươm báu mài dưới trăng - Đặng Dung), chảng "Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Kêu to một tiếng làm lạnh cả hư không - Không Lộ thiền sư) thì cũng “Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán, Phá vòng vây bạn với Kim ô” (Nguyễn Hữu cầu)... như thế dã chứa đựng trong đó hào khí của cả giống nòi.

Nằm trong mạch ngôn chí trực tiếp ấy, Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu là hùng tâm tráng chí của một trong những người con ưu tú nhất của nòi giống Việt Nam. Thực ra cái quan niệm làm trai ở trong bài thơ này không phú của riêng Phan Bội Châu. Nó là quan niệm chung về chí làm trai của nhà Nho thuở trước. Và ít nhất ta cũng thấy nó từng vang lên rất mãnh liệt trong thơ văn Nguyễn Công Trứ.

Song, điều đáng nói chính là ở chỗ, không phải Phan Bội Châu đang ném ra cuộc đời một quan niệm lí thuyết như một người có ý đồ lập thuyết, mà ông là người đã sống cái quan niệm ấy một cách đủ đây trước khi viết thành thơ. Có lẽ vì thế mà Xuất dương lưu biệt không chỉ chứa đựng một lẽ sống mà trước hết là chứa đựng chân dung một con người - một con người lỗi lạc, kiệt xuất. Hai câu đề:

Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.

Tôi không nghĩ chữ “lạ” trong bản dịch này đã thể hiện được hết cái tinh thần của chữ “kì”. Bởi chữ “kì” muốn nói đến cái điều: làm trai phải làm được những điều kì lạ, kiệt xuất, phi thường. Một mình chữ “lạ” không tải hết ý của Phan tiên sinh. Tôi cũng không nghĩ rằng người dịch dùng ba chữ "ở trên đời” là đã diễn được thực ý của nguyên tác.

“Đời” là một không gian tưởng là rộng nhưng hóa ra lại hẹp, bởi nó có xu hướng co vào cái phạm vi của thế giới người thôi. Trong nguyên văn, Phan Bội Châu không dùng những chữ ấy. Chỉ đến câu thứ hai ta mới thấy yêu tố không gian xuất hiện. Và lập tức bậc tu mi nam tử theo quan niệm của Phan Sào Nam đã hiện ra trong tương quan kì vĩ nhất: không gian vũ trụ.

Đấng nam nhi sinh ra ở trong vũ trụ này là đối mặt với càn khôn (trời đất), nghĩa là với tất cá những gì lớn lao nhất trong vũ trụ này, chứ không riêng gì thế giới người. Vậy là ngay từ hai câu đề, hình ánh khái quát về một bậc hào kiệt đã hiện lên đầy ấn tượng: Đó không phải là kẻ sống thụ động phó mặc đường đời mình cho trời đất, và cũng không phó mặc cõi đời này cho sự xoay vần của trời đất.

Đấng nam tử phải là người chủ động đổi thay cả càn khôn. Cái chí dọc ngang trời đất, chọc trời khuấy nước, cải tạo vũ trụ đó mới là điều xứng với một đời làm nam nhi. Quan niệm con người của Phan Bội Châu ở đây là quan niệm con người vũ trụ rất quen thuộc của văn chương Nho giáo trung đại. Nếu hai câu đề gợi ra hình ảnh nam tử trong không gian kì vĩ, thì hai câu thực đã phát triển hình ảnh ấy trong một chiều kích khác: thời gian. Thời gian ở đây cũng là thời gian thuộc tầm cỡ vĩ mô:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở há không ai?

Ở câu đề tuy khẩu khí cá nhân đã rõ, nhưng quan niệm vẫn là quan niệm chung. Đến đây thì con người cá nhân Phan Bội Châu đã xuất hiện ngay trên bề mặt câu chữ. Ông đã ý thức về vai trò lịch sử của mình thật kiêu hùng đầy tự tôn, tự tin. Mình phải trở thành một nhân vật không thể thiếu trong cái khoảng thời gian một trăm năm nay. Nói một cách khác, ông tự lãnh nhận sứ mạng của mình: một con người cần thiết của thế kỉ.

Đối diện với càn khôn, đối diện với cả thế kỉ, tầm vóc của bậc nam tử này thật là tầm vóc vũ trụ. Không phải ông muốn chiếm lấy một chỗ đứng trong thời gian như một kẻ vĩ cuồng háo danh. Mà chính là làm nên cái việc trọng đại, kiệt xuất là xoay chuyển càn khôn để làm đổi thay bộ mặt của thế kỉ. Chữ “tớ” là cách dịch thoát của chữ “ngã“ (tôi).

Dù dịch là tôi, là ta, là “tớ” thì ngã vẫn cứ là cái ý thức mãnh liệt về cá nhân mình trên cõi thế gian này. Hình ảnh tác giả hiện ra trong mênh mông thời gian, lồng lộng không gian như thế là một vẻ đẹp cá nhân thật nguy nga tráng lệ. Phải thấy rằng, ít có ai đã tự họa mình trong một không gian và thời gian hoành tráng như vậy! Dầu sao trong bốn câu đầu này mới nói đến điều phải “lạ”, mà chưa nói rõ “việc lạ” cần làm là gì! Bốn câu tiếp theo sẽ dần dần làm sáng lên điều đó. Hai câu luận là một sự nhìn nhận phi thường:

Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài

Câu trên khẳng định: Non sông đã chết! Khi chủ quyền đã về tay kẻ ngoại bang, thì non sông đã chết. Sống mà không có quyền làm chủ là sống nhục. Bốn chữ “Giang sơn tử hĩ” chất đầy đau đớn và phẫn uất. Câu dưới tiếp tục Hiền thánh đã vắng bóng thì có đọc sách cũng ngu thôi! Tất cả là những lời phủ định dứt khoát, quyết liệt rằng: Còn theo đòi sách vở, còn sống ở trong nước thời buổi này là điều nhục nhã đối với một trang nam nhi.

Bởi đó là đã nhắm mắt quay lưng cho “càn khôn tự chuyển đi”, là phó mặc mình cho đời xoay vần. Tất cả những gì thiêng liêng xứng đáng với một bậc nam tử coi như đã chết. Vì thế mà cần phải có hành động xứng đáng. Hành động xứng đáng, hành động kiệt xuất phi thường ấy bây giờ chính là: Xuất dương. Những câu trên ta thấy cái tôi (ngã) hiện ra trước “càn khôn”, trước “ Bách niên trung”, “Thiên tải hậu” những chiều kích vĩ của không gian và thời gian, ở đây, nó tiếp tục được tô đậm bằng: “Giang sơn” và “Thánh hiền".

Con người ấy đối mặt với giang sơn đất nước, đối mặt với toàn bộ nền học vấn. Cho nên, càng về sau chân dung của con người ấy, cái tôi ấy càng sắc nét với tất cả những gì lớn lao nhất. Cái không gian duy nhất có thể chứa đựng được con người ấy là vũ trụ. Đến hai câu kết thì những nét bút kì vĩ cuối cùng đã hoàn thiện hành động kiệt xuất của một cuộc đời kiệt xuất:

Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Sáu câu trên gợi ra những nghĩ suy, những lựa chọn, những chuẩn bị trong tâm lí, trong tư tưởng của một con đại bàng. Ở hai câu này, chúng ta thấy con đại bàng ấy đang tung đôi cánh mênh mông của mình bay thẳng ra trùng dương, đối mặt với hết thảy những giông tố bão bùng. Câu thơ gợi ta nhớ đến tư thế của con chim lớn trong thư Quận He: “Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán, Phá vòng vây bạn với Kim ô”.

Nhưng câu thơ của Phan Bội Châu không còn là một hình ảnh ước lệ nữa. Bởi phong trào Đông du mà ông là người chủ trương, bởi việc xuất dương mà ông là người khởi sự chính là những hành động phi thường của những bậc trượng phu sẵn sàng ném đời mình vào muôn trùng sóng bạc ra khơi tìm đường làm sống lại “giang sơn đã chết”, tìm cách xoay chuyển càn khôn. Bài thơ kết bằng câu thơ đầy hùng tâm tráng chí mà câu thơ dịch chưa thể truyền tải hết được: Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Như vậy, làm trang nam nhi không phải là bằng mọi cách để lưu danh sử sách, khẳng định cá nhân. Mà cá nhân ấy phải làm nên việc phi thường, ấy là việc kinh bang, tế thế, cứu dân cứu nước. Khát vọng sống cao cả của Phan Bội Châu ở đây, một lần nữa, giúp ta hiểu được cái cốt cách vĩ đại của con người kiệt xuất này.

6. Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 3

Phan Bội Châu (1867 – 1940) tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, người làng Đan Nhiệm, nay là xã Nam Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến sự thất bại của phong trào Cần Vương chống Pháp. Chế độ phong kiến suy tàn kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống tư tưởng phong kiến già cỗi, lỗi thời.

Tình hình đó đặt ra cho các chí sĩ yêu nước một câu hỏi lớn: Phải cứu nước bằng con đường nào? Trong không khí u ám bao trùm khắp đất nước thời đó, những tia sáng hi vọng hé rạng qua nguồn sách Tân thư truyền bá tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản của phương Tây với nội dung khác hẳn với các sách thánh hiền thuở trước. Người ta có thể tìm thấy ở đó những gợi ý hấp dẫn về một con đường cứu nước mới, những viễn cảnh đầy hứa hẹn cho tương lai. Vì thế, các nhà Nho tiên tiến của thời đại như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã tiên phong dấn bước, bất chấp nguy hiểm, gian lao.

Phan Bội Châu là một trong những chí sĩ yêu nước đầu tiên mở ra con đường cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Mặc dù sự nghiệp không thành, nhưng ông mãi mãi là tấm gương sáng chói về lòng yêu nước thiết tha và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất.

Sinh thời, Phan Bội Châu không coi văn chương là mục đích của cuộc đời mình nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã chủ động nắm lấy thứ vũ khí tinh thần sắc bén ấy để tuyên truyền, cổ động, khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào ta. Năng khiếu văn chương, bầu nhiệt huyết sôi sục cùng sự từng trải trong bước đường cách mạng là cơ sở để Phan Bội Châu trở thành một nhà văn, nhà thơ lớn với những tác phẩm xuất sắc như: Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1914), Trùng Quang tâm sử (1913 -1917), Phan Bội Châu niên biểu (1929)…

Năm 1904, ông cùng các đồng chí của mình lập ra Duy Tân hội. Năm 1905, hội chủ trương phong trào Đông Du, đưa thanh niên ưu tú sang Nhật Bản học tập để chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho cách mạng và tranh thủ sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài. Trước lúc lên đường, Phan Bội Châu làm bài thơ Xuất dương lưu biệt để từ giã bạn bè, đồng chí. Phiên âm chữ Hán:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cảnh vô thùy.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Dịch thơ:

Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Bằng giọng thơ tâm huyết có sức lay động mạnh mẽ, Lưu biệt khi xuất dương đã khắc họa vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi trào và khát vọng cháy bỏng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước. Bài thơ mở đầu bằng việc khẳng định chí làm trai:

Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.

Câu thơ chữ Hán: Sinh vi nam tử yếu hi kì. Hai từ hi kì có nghĩa là hiếm, lạ, khác thường cần được hiểu như những từ nói về tính chất lớn lao, trọng đại, kì vĩ của công việc mà kẻ làm trai phải gánh vác. Đây cũng là lí tưởng nhân sinh của các nhà Nho thời phong kiến.

Trước Phan Bội Châu, nhiều người đã đề cập đến chí làm trai trong thơ ca. Phạm Ngũ Lão đời Trần từng băn khoăn: Công danh nam tử còn vương nợ,/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu (Tỏ lòng). Trong bài Đi thi tự vịnh, Nguyễn Công Trứ khẳng định: Đã mang tiếng ở trong trời đất,/ Phải có danh gì với núi sông… và nhấn mạnh: Chí làm trai nam, bắc, tây, đông/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể (Chí khí anh hùng).

Chí làm trai của Phan Bội Châu thuyết phục thế hệ trẻ thời bấy giờ ở sự táo bạo, quyết liệt và cảm hứng lãng mạn nhiệt thành bay bổng. Với ông, làm trai là phải làm được những điều lạ, tức những việc hiển hách phi thường. Câu thơ thứ nhất khẳng định điều đó. Câu thơ thứ hai mang ngữ điệu cảm thán bổ sung cho ý của câu thứ nhất: Kẻ làm trai phải can dự vào việc xoay chuyển càn khôn, biến đổi thời thế chứ không phải chỉ giương mắt ngồi nhìn thời cuộc đổi thay, an phận thủ thường, chấp nhận mình là kẻ đứng ngoài.

Thực ra, đây là sự tiếp nối khát vọng của nhân vật trữ tình trong bài Chơi xuân: Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,/ Sinh thời thế phải xoay nên thời thế. Chân dung nhân vật trữ tình trong bài Lưu biệt khi xuất dương hiện lên khá rõ qua hai câu đề. Đó là một con người mang tầm vóc vũ trụ, tự ý thức rằng mình phải có trách nhiệm gánh vác những trọng trách lớn lao.

Con người ấy dám đối mặt với cả càn khôn, vũ trụ để tự khẳng định mình. Chí làm trai của Phan Bội Châu đã vượt hẳn lên trên cái mộng công danh xưa nay thường gắn liền với tam cương, ngũ thường của Nho giáo để vươn tới lí tưởng xã hội rộng lớn và cao cả hơn nhiều.

Cảm hứng và ý tưởng đó phần nào xuất phát từ lí tưởng trí quân, trạch dân của các nhà Nho thuở trước nhưng tiến bộ hơn vì mang tính chất cách mạng. Theo quy luật, con tạo xoay vần vốn là lẽ thường tình, nhưng Phan Bội Châu ôm ấp khát vọng chủ động xoay chuyển càn khôn, chứ không để cho nó tự chuyển vần.

Cũng có nghĩa là ông không chịu khuất phục trước số phận, trước hoàn cảnh. Lí tưởng tiến bộ ấy đã tạo cho nhân vật trữ tình trong bài thơ một tầm vóc lớn lao, một tư thế hiên ngang, ngạo nghễ thách thức với càn khôn. Hai câu thực thể hiện ý thức về trách nhiệm cá nhân của nhà thơ, cũng là nhà cách mạng tiên phong trước cuộc đời:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?

Câu thứ ba không chỉ đơn giản xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình ở trên đời mà còn hàm chứa một tâm niệm: Sự hiện diện của ta không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, vô ích; vì vậy, ta phải làm một việc gì đó lớn lao, hữu ích cho đời. Câu thứ tư có nghĩa là ngàn năm sau, lẽ nào, chẳng có người nối tiếp công việc của người đi trước. “Cái tôi công dân” của tác giả đã được đặt ra giữa giới hạn trăm năm của đời người và ngàn năm của lịch sử.

Sự khẳng định cần có tớ không phải với mục đích hưởng lạc mà là để cống hiến cho đáng mặt nam nhi và lưu danh hậu thế. Câu hỏi tu từ cũng là một cách khẳng định mãnh liệt hơn khát khao cống hiến và nhận thức đúng đắn của tác giả: Lịch sử là một dòng chảy liên tục, cần có sự góp mặt và gánh vác của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Trong bốn câu thơ đầu, những hình ảnh kì vĩ của thiên nhiên như càn khôn, trăm năm, muôn thuở đã thể hiện cảm hứng lãng mạn bay bổng, chính là cội nguồn sức mạnh niềm tin của nhân vật trữ tình.

Ở những năm đầu thế kỉ XX, sau thất bại liên tiếp của các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, một nỗi bi quan, thất vọng đè nặng lên tâm hồn những người Việt Nam yêu nước. Tâm lí an phận thủ thường lan rộng. Trước tình hình đó, bài thơ Lưu biệt khi xuất dương có ý nghĩa như một hồi chuông thức tỉnh lòng yêu nước, động viên mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm. Trong hai câu luận, Phan Bội Châu đặt chí làm trai vào hoàn cảnh thực tế của lịch sử đương thời:

Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Lẽ nhục – vinh mà tác giả đặt ra gắn liền với sự tồn vong của đất nước và dân tộc: Non sông đã chết, sống thêm nhục. Ý nghĩa của nó đồng nhất với quan điểm: Chết vinh còn hơn sống nhục trong thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cuối thế kỉ XIX.

Câu thơ thứ 5 bày tỏ một thái độ dứt khoát, được thể hiện bằng ngôn ngữ đậm khẩu khí anh hùng, bằng sự đối lập giữa sống và chết. Đó là khí tiết cương cường, bất khuất của những con người không cam chịu cuộc đời nô lệ tủi nhục. Ý thơ mới mẻ mang tính chất cách mạng. Ở câu thứ 6, Phan Bội Châu đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến trước một thực tế chua xót là ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo đối với tình cảnh nước nhà lúc bấy giờ.

Sách vở thánh hiền chẳng giúp ích được gì trong buổi nước mất nhà tan. Cho nên nếu cứ khư khư theo đuổi thì chỉ hoài công vô ích mà thôi. Tất nhiên, Phan Bội Châu chưa hoàn toàn phủ nhận cả nền học vấn Nho giáo, nhưng đưa ra một nhận định như thế thì quả là táo bạo đối với một người từng là đệ tử của chốn cửa Khổng sân Trình.

Dũng khí và nhận thức sáng suốt đó trước hết bắt nguồn từ lòng yêu nước thiết tha và khát vọng cháy bỏng muốn tìm ra con đường đi mới để đưa nước nhà thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Phan Bội Châu cho rằng nhiệm vụ thiết thực trước mắt là cứu nước cứu dân, là Duy tân, tức là học hỏi những tư tưởng cách mạng mới mẻ và tiến bộ. Bài thơ không đơn thuần là chỉ để bày tỏ ý chí mà thực sự là một cuộc lên đường của nhân vật trữ tình:

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Các hình ảnh kì vĩ trong hai câu kết mang tầm vũ trụ: bể Đông, cánh gió, muôn trùng sóng bạc. Tất cả như hòa nhập làm một với con người trong tư thế bay lên. Trong nguyên tác, hai câu 7 và 8 liên kết với nhau để hoàn chỉnh một tứ thơ đẹp: Con người đuổi theo ngọn gió lớn qua biển Đông, cả vũ trụ bao la Muôn lớp sóng bạc cùng bay lên (Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi).

Tất cả tạo thành một bức tranh hoành tráng mà con người là trung tâm được chắp cánh bởi khát vọng lớn lao, bay bổng lên trên thực tại tối tăm khắc nghiệt, lồng lộng giữa trời biển mênh mông. Bên dưới đôi cánh đại bàng đó là muôn trùng sóng bạc dâng cao, bọt tung trắng xóa, dường như muốn tiếp sức cho con người bay thẳng tới chân trời mơ ước. Hình ảnh đậm chất sử thi này đã thắp sáng niềm tin và hi vọng cho một thế hệ mới trong thời đại mới.

Thực tế thì cuộc ra đi của Phan Bội Châu là một cuộc ra đi bí mật, tiễn đưa chỉ có vài ba đồng chí thân thiết nhất. Dù phía trước chì mới le lói vài tia sáng của ước mơ, nhưng người ra đi tìm đường cứu nước vẫn hăm hở và đầy tin tưởng. Sức thuyết phục, lôi cuốn của bài thơ chính là ở ngọn lửa nhiệt tình đang bừng cháy trong lòng nhân vật trữ tình.

Bài thơ đã thể hiện hình tượng người anh hùng trong buổi lên đường xuất dương lưu biệt với tư thế kì vĩ, sống ngang tầm vũ trụ. Người anh hùng ấy ý thức rất rõ ràng về “cái tôi công dân” và luôn khắc khoải, day dứt trước sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được viết theo bút pháp ước lệ và cường điệu, rất phù hợp với mục đích cổ vũ, động viên. Giọng thơ vừa sâu lắng, da diết, vừa sôi sục, hào hùng, mang âm hưởng tráng ca. Nỗi đau đớn, niềm lạc quan, nhiệt tình hành động cùng tư tưởng cách mạng đã thổi hồn vào từng câu, từng chữ, từng hình ảnh trong bài thơ. Âm hưởng hào hùng của bài thơ có sức lay động, thức tỉnh rất lớn đối với mọi người.

Đây là bài thơ từ biệt mà cũng là lời kêu gọi, thúc giục lên đường. Tầm vóc bài thơ hoàn toàn tương xứng với tầm vóc của một con người được cả dân tộc ngưỡng mộ và tin tưởng. Trong tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925) tác giả Nguyễn Ái Quốc đã suy tôn Phan Bội Châu là: bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn sùng.

7. Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - mẫu 4

Những năm đầu thế kỉ XX, trong lúc đất nước Việt Nam mất đi chủ quyền, phong trào Cần Vương thất bại thì tư tưởng dân chủ tư sản đã thổi một luồng gió mới đến các thanh niên yêu nước. Họ tìm thấy những lí tưởng mới mẻ và ra đi với một niềm tin mạnh mẽ vào dân tộc. Một trong những nhà cách mạng đã có cuộc ra đi hào hùng như vậy là Phan Bội Châu. Trước khi lên đường sang Nhật Bản, ông đã viết bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” như một lời từ biệt. Đây là một bài thơ đặc sắc trong kho tàng văn thơ của Phan Bội Châu.

“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”

Hai câu đầu mở ra một quan niệm mới về chí làm trai và vị thế của con người trong xã hội. Đã làm nam nhi thì phải sống thật phi thường, hiển hách, dám mưu đồ sự nghiệp, dám xoay chuyển “càn khôn”, dám chủ động đương đầu với thử thách chứ không sống thụ động, tẻ nhạt và tầm thường.

Con người phải khẳng định được vị trí của mình trong cuộc đời chứ không đầu hàng trước số phận. Cũng giống như Nguyễn Công Trứ từng dõng dạc: “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Như vậy, Phan Bội Châu đã bộc lộ một tư tưởng, một lẽ sống cao đẹp và tiến bộ. Từ đó tác giả ý thức:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?”

Quan niệm mới đã hình thành nên ý thức cá nhân gắn với một “cái tôi” đầy trách nhiệm trước thời thế. Nhà thơ khẳng định về sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình giữa cuộc đời, ý thức sâu sắc và trách nhiệm lớn lao của bản thân. Không phải chỉ sống một cuộc sống nhạt nhòa, bình lặng mà phải sống cống hiến, hiên ngang, hiển hách để ghi lại tên tuổi với hậu thế. Câu thơ thứ tư phủ định chính là để khẳng định dứt khoát hơn về lẽ sống của mình.

Những hình ảnh thơ to lớn, kỳ vĩ như “càn khôn”, “trăm năm”, “muôn thuở” đã góp phần làm nổi bật lên khát khao sống, cống hiến của tác giả. Không chỉ ý thức được trách nhiệm của mình, Phan Bội Châu còn bộc lộ thái độ kiên quyết của mình trước thời cuộc:

“Non sông đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài”

Bằng tình yêu nước cháy bỏng và đôi mắt tinh tế của mình, Phan Bội Châu đã nhận thức rõ hơn về tình hình đất nước lúc bấy giờ. Lẽ vinh – nhục được đặt ra như một nỗi đau đáu của người nam nhi trước tình cảnh nước mất, nhà tan. Cũng như những nhà cách mạng khác, ông cũng trăn trở về con đường tương lai của dân tộc, phải làm sao để cứu được đất nước. Ông đã tỉnh táo nhận ra thực tế: đất nước mất đi chủ quyền, “hiền thánh” cũng không thể làm gì được. Ở câu này, bản dịch thơ chưa sát lắm so với nguyên tác.

Bản nguyên tác đã nói lên thái độ dứt khoát, mạnh mẽ của Phan Bội Châu: “Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!”. Không phải ông hoàn toàn mất niềm tin ở học vấn Nho giáo nhưng ông đã sáng suốt nhìn nhận được những hạn chế của nó. Đó một phần là nhờ vào sự ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản được truyền vào nước ta. Đứng trước tình hình đó, Phan Bội Châu đã dấy lên những khát vọng cuồng nhiệt, quyết liệt:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

Hai câu thơ cuối đã vẽ ra tư thế hiên ngang, hào hùng và không kém phần lãng mạn của người ra đi tìm đường cứu nước. Những hình ảnh thơ lớn lao, kì vĩ liên tục xuất hiện: “bể Đông”, “cánh gió”, “muôn trùng sóng bạc”,… đã góp phần tô đẹp tư thế và khát vọng của con người buổi lên đường. Tuy nhiên, ở bản dịch thơ vẫn chưa làm nổi bật được hết vẻ đẹp của bức tranh này.

“Tiễn ra khơi” chỉ là một cuộc đưa tiễn bình thường như bao cuộc đưa tiễn khác, “Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên” mới thể hiện đầy đủ và trọn vẹn một bức tranh hoành tráng với hình tượng trung tâm là con người, xung quanh là vũ trụ rộng lớn cùng chắp cánh cho ước mơ của con người. Trên thực tế, đây là cuộc ra đi khá lặng lẽ, bí mật, nhưng qua bài thơ, tác giả đã thể hiện một tư thế hết sức hiên ngang, tự tin vào tiền đồ của đất nước. Đó được xem là một hình ảnh đẹp trong văn học, một hình ảnh vừa giàu chất sử thi lại vừa hòa quyện với cảm hứng lãng mạn.

Bài thơ được đánh giá là một trong những thi phẩm có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Không chỉ với tư tưởng và quan niệm mới mẻ mà còn những nét nghệ thuật đặc sắc. Thi phẩm được viết với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật phù hợp với việc “nói chí” của Phan Bội Châu. Hình ảnh thơ kỳ vĩ, lớn lao góp phần lột tả trọn vẹn những khát vọng hành động và ý thức trách nhiệm của tác giả. Giọng thơ linh hoạt, sôi nổi và mạnh mẽ.

Như vậy, cả bài thơ đã xây dựng được hình tượng người chí sĩ cách mạng với vẻ đẹp hào hùng lãng mạn. Bằng nhiệt huyết và tình yêu nước sâu nặng của mình, Phan Bội Châu đã không chỉ trở thành một nhà cách mạng mà còn trở thành một văn sĩ lớn của dân tộc, đáng được người đời sau tôn kính.

8. Phân tích bài Lưu biệt khi xuất dương ngắn gọn

Phan Bội Châu được nhắc đến là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý thức dùng văn chương để vận động, tuyên truyền cách mạng. Ông cũng chính là người khơi dòng cho loại văn chương trữ tình chính trị. Trong đó, bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" là một tác phẩm tiêu biểu.

Đây là bài thơ được viết trong bữa cơm ngày Tết mà Phan Bội Châu đã tổ chức ở nhà mình để chia tay với các bạn bè, đồng chí trước lúc lên đường sang Nhật Bản năm 1905. "Lưu biệt khi xuất dương" đã thể hiện ý tưởng lớn lao, mới mẻ đầy trách nhiệm của tác giả, thể hiện niềm hăm hở, quyết tâm cao độ trong buổi đầu vượt biển đi ra nước ngoài để "mưu sự phục quốc".

Chí làm trai đã được nhắc đến trong văn học từ thời xa xưa nhưng đặc biệt được đề cao ở thời kì chế độ phong kiến, thời kì đạo Nho phát triển mạnh mẽ. Nam nhi phải có công danh, sự nghiệp thì mới đáng làm trai. Chẳng vậy mà trong bài thơ "Tỏ lòng", Phạm Ngũ Lão đã viết:

"Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"

Hay Nguyễn Công Trứ cũng từng viết:

"Chí làm trai nam, bắc, tây, đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".

Muốn trở thành bậc nam nhi được mọi người công nhận thì phải biết phấn đấu, lập được công trạng, có được danh vọng, có sức vóc "vẫy vùng" khắp bốn bể để chứng minh tài năng, bản lĩnh của bản thân. Kế thừa tư tưởng ấy của Nho giáo, Phan Bội Châu đã đưa ra một quan điểm về chí làm trai như một tuyên ngôn đầy khí thế:

"Sinh vi nam tử yếu hi kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di".

Trước hết, ông cho rằng, làm trai phải "lạ", có nghĩa là phải sống khác mọi người, không được giống với bất kì ai để tạo nên điểm riêng biệt. "Lạ" cũng có nghĩa là điều phi thường, hiển hách, xoay chuyển cả trời đất. Đó là lối sống chủ động, không chùn bước, nản chí để mặc cho hoàn cảnh chi phối mà phải có bản lĩnh để chi phối hoàn cảnh. Nhân vật trữ tình dám đối mặt với càn khôn, đất trời, vũ trụ để tự khẳng định bản thân, phấn đấu đạt được giấc mộng công danh. Phan Bội Châu ôm ấp khát vọng xoay chuyển được càn khôn chứ không để "càn khôn tự chuyển dời". Ông không đầu hàng, khuất phục trước số phận, hoàn cảnh mà dùng chính khả năng của mình để thay đổi hoàn cảnh. Có thể nói, chí làm trai của ông là chí làm trai của một đấng nam nhi hiên ngang trong vũ trụ, dám ngão nghệ và thách thức với trời đất.

Con người mang tầm vóc lớn lao, tầm vóc vũ trụ ấy luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc:

"Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy"

Trong cuộc đời trăm năm hữu hạn, Phan Bội Châu muốn cống hiến sức mình cho đất nước, làm nên những công trạng phi thường, lớn lao để xứng đáng làm một nam nhi lưu danh vào thiên cổ ngàn năm. Tác giả đã tự khẳng định bản thân mình, đây là cái tôi mang đầy trách nhiệm, chủ động tích cực chứ không phải cái tôi vị kỉ, chỉ biết lo nghĩ cho lợi ích của cá nhân. Ở hai câu thực có sự đối nhau hài hòa giữa sự vô hạn của thời gian và sự hữu hạn của đời người, Phan Bội Châu dùng cái phủ định để làm nền, làm nổi bật lên điều ông khẳng định. Ông muốn làm những điều phi thường, lưu lại tên tuổi của mình trong sử sách để không hổ thẹn với chí làm trai mà mình đã lấy làm lí tưởng sống. Cống hiến cho đời vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của bậc trượng phu. Trong một trăm năm hữu hạn ấy, người nam nhi phải thực hiện được chí làm trai và cũng trong ngàn năm sau đó phải để lại được tiếng thơm cho đời. Hai câu thơ như lời thúc giục khơi dậy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của con người, đặc biệt là những thanh niên trai tráng phải góp hết sức mình vào công cuộc cứu nước, tìm ra hướng đi mới cho dân tộc.

Gắn với hoàn cảnh thực tại của đất nước, Phan Bội Châu đã nêu lên trách nhiệm mà người nam nhi cần có đối với vận mệnh dân tộc:

"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si"

Đất nước bị xâm lược, non sông cũng không còn nữa thì ta có sống cũng chỉ chuốc lấy sự nhục nhã, ê chề. Sách vở, người có học thức cũng trở thành vô nghĩa khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được ông đặt lên hàng đầu bởi ông ý thức được thời cuộc. Sách vở cũng không có ý nghĩa gì khi nước mất nhà tan. Việc làm quan trọng và thiết thực nhất lúc bấy giờ là tìm được con đường, hướng đi cho đất nước để thoát khỏi sự xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp. Phan Bội Châu là một người yêu nước và ông cũng mong rằng phong trào Đông du do mình lãnh đạo sẽ gặt hái được nhiều thành quả giúp ích cho nước nhà. Bên cạnh đó, hai câu luận cũng có ý nghĩa thức tỉnh những con người có tấm lòng yêu nước. Đây cũng là lúc để họ xoay chuyển càn khôn, xoay chuyển cục diện, tình hình của dân tộc.

9. Phân tích Xuất dương lưu biệt

Phan Bội Châu (1867-1940), ôi cái tên đẹp một thời. “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại” (Tôn Quang Phiệt). Phan Bội Châu là linh hồn của các phong trào vận động giải phóng Tổ quốc khoảng 25 năm đầu thế kỉ XX. Tên tuổi ông gắn liền với các tổ chức yêu nước như Hội Duy Tân, phong trào Đông du, Việt Nam Quang Phục Hội. Tên tuổi Phan Bội Châu gắn liền với hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn sách, một số bài văn tế và vài ba vở tuồng chứa chan tình yêu nước. "Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng" (Tố Hữu).

Năm 1900, Phan Bội Châu đậu giải nguyên khoa thi Hương trường Nghệ Năm 1904 ông sáng lập ra Hội Duy Tân, một tổ chức yêu nước. Năm 1905 ông dấy lên phong trào Đông du. Theo chủ trương của Duy Tân hội do chính ông sáng lập, ông bắt đầu sang Nhật để tìm đường cứu nước. Bài thơ “Xuất dương lưu biệt” ông làm tặng các đồng chí trong buổi đầu lên đường. Có thể nói bài thơ này như một mốc son chói lọi trong sư nghiệp giải phóng dân tộc của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.

“Xuất dương lưu biệt” được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, là khúc ca biểu lộ tư thế, quyết tâm hăm hở, và những ý nghĩ cao cả mới mẻ của chí sĩ Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất dương cứu nước.

Hai câu để là một tuyên ngôn về chí hướng, về lẽ sống cao cả:

“Sinh vi nam tử yếu hi kì
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

Tự hào mình là đấng nam nhi thì phải sống cho ra sống, mong muốn làm nên “điều lạ” (yêu hi kì). Suy rộng ra, là không thể sống tầm thường. Không thể sống một cách thụ động cho trời đất (càn khôn) “tự chuyển dời” một cách vô vị, nhạt nhẽo. Câu thơ thể hiện một tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi, tự tin ở mức độ, tài năng của mình muốn làm nên sự nghiệp to lớn, xoay chuyển trời đất, như ông đã nói rõ trong một bài thơ khác:

“Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù”.

Gắn câu thơ với sự nghiệp cách mạnh vô cùng sôi nổi của Phan Bội Châu, ta mới cảm nhận được cái khẩu khí anh hùng của nhà chí sĩ vĩ đại. Đấng nam nhi muốn làm nên “điều lạ” ở trên đời, từng nung nấu và tâm niệm theo một vần thơ cổ:

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương”

(“Tùy viên thi thoại" - Viên Mai)

Đấng nam nhi muốn làm nên “điều lạ” ở trên đời ấy có một “bầu máu nóng" sôi sục: “Tôi được trời phú cho bầu máu nóng cũng không đến nỗi ít, lúc còn bé đọc sách của cha tôi, mỗi khi đèn những chỗ nói người xưa chịu thuế để thành đạo nhân, nước mắt lại đầm đìa nhỏ xuống ướt đẫm cả giấy...” (Ngục trung thư).

Phần thực, ý thơ được mở rộng, tác giả tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và trong lịch sử:

“Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

“Ngã” là ta: “tu hữu ngã” nghĩa là phải có ta trong cuộc đời “một trăm năm ” (bách niên trung). Câu thơ khẳng định, biểu lộ niềm tự hào lớn lao của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan. “Thiên tải hậu” nghìn năm sau, là lịch sử của đất nước và dân tộc há lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Hai câu 3, 4 đối nhau, lấy cái phủ định để làm nổi bật điều khẳng định. Đó là một ý thơ sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Ý tưởng đẹp đẽ này là sự kế thừa những tư tưởng vĩ đại của các vĩ nhân trong lịch sử:

"... Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.

("Hịch tướng sĩ' - Trần Quốc Tuấn)

"... Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

(Văn Thiên Tường)

Lấy cái hữu hạn “bách niên” của một đời người đối với cái vô hạn “thiên tải" của lịch sử dân tộc. Phan Bội Châu đã tạo nên một giọng thơ đĩnh đạc, hào hùng, biểu lộ một quyết tâm và khát vọng trong buổi lên đường. Vì thế, trên bước đường cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua muôn vàn thử thách và nguy hiểm, ông vẫn bất khuất, lạc quan.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
64 147.891
0 Bình luận
Sắp xếp theo