Top 4 bài nghị luận Đây thôn Vĩ Dạ siêu hay

Tải về

Tổng hợp các bài nghị luận văn học về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về một tâm hồn thơ tràn ngập sự lãng mạn lẫn dạt dào yêu thương. 

1. Dàn ý nghị luận Đây thôn Vĩ Dạ

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ, tác giả, vài nét nội dung chính của tác phẩm: diễn tả sự thơ mộng của thôn Vĩ Dạ và tâm trạng khao khát được sống, được giao hòa với đất trời của thi nhân để có thể được hóa giải mọi đau thương.

2. Thân bài

a, Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác

– Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút nổi bật nhất của phong trào Thơ Mới với giọng thơ Điên cá tính, không thể trộn lẫn vào ai.

– Bài thơ được rút từ tập “Thơ điên”, sáng tác khoảng năm 1938

– Hoàn cảnh sáng tác: khi Hàn Mặc Tử nhận được tấm bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc – người ông từng thầm thương trộm nhớ – thì bao cảm xúc về kỉ niệm đẹp ở thôn Vĩ hiện về, tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ này.

b, Phân tích

* Khổ 1 : Cảnh vườn và con người thôn Vĩ

– Câu mở đầu: lời mời mọc mà như trách cứ thân thiết.

– Cảnh vật: hiện lên tinh khiết, tràn trề nhựa sống:

+ Nắng: tinh khôi buổi sớm

+ Vườn: xanh tươi như ngọc

– Con người: khỏe khoắn “mặt chữ điền” -> con người của làng quê -> được tạo bằng bút pháp chấm phá

– Nghệ thuật cách điệu hóa

=> Thôn Vĩ hiện về trong tâm tưởng với vẻ đẹp thơ mộng mà đằm thắm nhưng thoảng nét mập mờ, dường như nó đã thuộc về hư vô xa lắm.

* Khổ 2 : Đêm trăng thôn Vĩ

– Miêu tả sự chia lìa của cảnh vật: gió – theo – lối gió, mây – đường – mây

– Dòng nước, hoa bắp lay: cảnh đẹp nhưng giăng mắc một nỗi buồn vô hình

– Không gian trăng: thuyền trăng, bến trăng, sông trăng,… -> gợi nét huyền bí của vũ trụ

– Câu hỏi: thuyền ai? Có chở … kịp? -> nghi vấn về sự đợi chờ trong lỡ làng, khắc khoải của nhân vật trữ tình.

=> Đêm trăng trên sông vẫn đẹp vẻ đẹp của muôn đời nhưng lại man mác buồn bởi tâm cảnh của người thi sĩ.

* Khổ 3: Mộng ảo bao trùm lên cả cảnh và người

– Vạn vật dù là thiên nhiên hay con người dường như đều bị chìm vào cõi mộng với hàng loạt các từ hư vô: mơ, nhìn không ra, mờ nhân ảnh,… -> trạng thái cô đơn, vô định của lòng thơ.

– Câu hỏi tu từ: Ai biết tình ai có đậm đà?:

+ Ai thứ nhất: chủ thể – tác giả

+ Ai thứ hai: nghĩa hẹp: khách đường xa. Nghĩa rộng: người tình/ thôn Vĩ

=> Hàn Mặc Tử yêu cuộc đời một cách tha thiết nhưng lại bị nỗi đau bệnh tật dày vò khiến tâm trí luôn trong trạng thái hư vô giữa cõi thần và cõi tục. Đến lúc kiệt sức vẫn mong có thể giao cảm với đời.

3. Kết bài

Khẳng định vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của bài:

– Nội dung: cảnh thiên nhiên thôn Vĩ và cảnh lòng người.

– Nghệ thuật: nhiều câu hỏi tu từ; hình ảnh độc đáo, ám ảnh được vẽ bởi bút pháp tả thực kết hợp với tượng trưng.

2. Nghị luận Đây Thôn Vĩ Dạ hay nhất

1. Mở bài

Tôi đang ở giữa một vườn hoa nồng nặc sắc hương của phong trào Thơ Mới. Này đây bông hoa Xuân Diệu rực rỡ như khoe trọn vẹn mình với đời tươi, này đây bông hoa Huy Cận đẹp một vẻ đẹp hoài cổ, đáng trọng,….nhưng tôi đặc biệt chú ý tới bông hoa của Hàn Mặc Tử lặng lẽ nơi góc vườn. giăng mắc một nỗi sầu huyền ảo, lạ lẫm. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có thể được xem là một nốt nhạc chủ âm trong bản nhạc thơ muôn điệu của người thi sĩ họ Hàn này. Mới sinh ra, nó gần như đã được mặc định là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử nói riêng và phong trào Thơ Mới nói chung.

2. Thân bài

Hoài Thanh đã chẳng nhận xét giọng thơ Hàn Mặc Tử trong mối tương quan với các thi sĩ khác rằng: ““Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu.” Thật vậy, Hàn Mặc Tử từ lâu đã nổi tiếng với giọng thơ Điên không trộn lẫn vào ai của mình. “Đây Thôn Vĩ Dạ” cũng được rút từ tập “Thơ Điên”, sáng tác vào khoảng năm 1938. Nhắc tới hoàn cảnh cảm hứng của bài thơ, ta không thể không nhắc tới bức ảnh phong cảnh Huế cùng lời thăm hỏi mà nàng Hoàng Thị Kim Cúc đã gửi tới thi nhân khi biết ông mắc bệnh hiểm nghèo. Chất men này đã xúc tác lên những kỉ niệm về Huế mộng Huế mơ trong hồi ức nhà văn, đưa đẩy ngòi bút viết ra những dòng thơ ám ảnh.

Bước vào khổ thơ đầu tiên là ta đã bước vào cảnh vườn và con người thôn Vĩ. Và cũng ngay đầu thế giới thơ của mình, Hàn Mặc Tử đã mở ra một câu hỏi tu từ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” đan xen thật nhiều sắc thái tình cảm: vừa như lời mời mọc, hỏi han, vừa như lời trách móc, hờn giận. Thoạt nghe tưởng như trách khách thập phương không ghé thôn Vĩ chơi nhưng đây thực chất là lời tự trách bản thân của Hàn Mặc Tử khi bản thân đang rơi vào nỗi tuyệt vọng. Khao khát được về thăm thôn Vĩ của ông đầy mãnh liệt đấy nhưng cũng đau xót khi mặc cảm về cảnh ngộ của mình… Bức tranh cảnh vật dần trải ra trước mắt: nắng hàng cau, vườn nhà ao, lá trúc, mặt chữ điền,… tất cả đều mang vẻ đẹp tinh khôi, căng tràn nhựa sống. Tuy chỉ được phác bằng vài nét nhẹ nhàng nhưng cảnh nào cảnh ấy hiện ra thật ấn tượng. Tả buổi sớm mai cũng chỉ để tô đậm sắc xanh của cây lá: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.” Cũng nhờ cái ánh nắng mới lên chiếu xuống mà vườn cây thêm xanh mướt. Và vạn vật thêm sinh động bởi có sự xuất hiện của con người: “Lá trúc chen ngang mặt chữ điền” Thiên nhiên và con người hòa vào nhau, tạo nên cái thần, cái hồn Vĩ Dạ. Nhưng tuyệt đối không nên hiểu ấy là hình ảnh thực của thôn Vĩ, thi nhân không phải nhiếp ảnh gia, không “chụp” điều mình thấy lên trang thơ của mình mà cảnh ấy chắc hẳn phải được khúc xạ qua cảm xúc của nhà thơ. Nó là cảnh sắc của cá tính sáng tạo nhà thơ. Cũng bởi vậy nên thôn Vĩ dù đang trong lúc nắng chiếu lấp lánh mà vẫn thoáng nét mập mờ, hư vô. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du) và tâm cảnh này sẽ được thể hiện rõ hơn ở khổ hai.

Đêm trăng thôn Vĩ hiện lên như một dấu nhấn cảm xúc:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Gió đóng khung trong gió, mây gói lại trong mây. Như đã nói, bởi con người đang hết mực cô đơn và buồn tủi nên nhìn đâu cũng chỉ thấy sự chia lìa của cảnh vật: Là tình gió tình mây “đứt gánh giữa đường” hay tình người đơn phương cũng chìm trong mặc cảm chia xa mãi? Cái buồn trong ánh mắt của thi nhân bao trùm từ bầu trời đến mặt đất, từ dòng nước đến cả hoa bắp bên sông. Mong ngóng có thể làm vơi bớt nỗi sầu đôi ngả, Hàn Mặc Tử mong ngóng người bạn cố nhân nào đó có “có…kịp?”. Kết thúc khổ thơ là lời cầu khẩn tha thiết “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Thi nhân họ Hàn rất yêu trăng, tần số trăng xuất hiện trong thơ ông không hề ít:

“Ánh trăng mỏng quá không che nổi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ”

(Huyền ảo)

Vậy nên ông mới đặt tất cả hi vọng của mình vào trăng, vào con thuyền chở trăng như vậy. Đừng hiểu nhầm rằng Hàn Mặc Tử đang ca ngợi cái vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Hương. Không hẳn, thi sĩ đang mộng tưởng đấy, tâm trạng khởi phát ra ngoài tứ thơ, cảnh chỉ là cái nền cho tâm trạng. Trăng ở đây vừa là biểu tượng của tạo hóa nhưng sâu sắc hơn, nó còn là nhịp cầu nối duy nhất, nơi bấu víu duy nhất của ông để giao cảm với đời, để rời khỏi sự đau đớn của căn bệnh phong trong chốc lát mà hướng về cuộc sống ngoài căn cửa sổ phòng bệnh.

Hàn Mặc Tử như lặng đi với cảnh mộng và người cũng trong mộng:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo em trắng quá nhìn không ra.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Dù là thiên nhiên hay con người thì đều bị chìm vào trong cõi mộng: mơ, nhìn không ra,mờ nhân ảnh,…. Hay chính hồn trí của nhà thơ cũng đang vô định trong hư ảo? “Khách” ở đây là giai nhân nào? Là cô gái thôn Vĩ? Bóng dáng mờ ảo thật khó xác định. Mờ ảo về không gian (“khách đường xa”), mờ ảo cả bởi sắc trắng (“áo em trắng quá nhìn không ra”). Màu trắng ở đây mạnh mẽ quá, choáng hết thị giác của nhà thơ, lại còn chìm trong sương mù nên càng khó phân định. Nhưng đây không chỉ là sương khói của thôn Vĩ, của xứ Huế, của dòng sông Hương, mà còn là sương khói của thời gian, của hoài niệm, ẩn ức trong lòng nhà thơ. Câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Ai” thứ nhất có thể hiểu là bản thân tác giả. “Ai” thứ hại hiểu theo nghĩa hẹp là “khách đường xa”, còn hiểu rộng ra thì chính là người tình hoặc thôn Vĩ trong mộng ảo. Hàn Mặc Tử “không dám tin” tình giai nhân, tình người thôn Vĩ đậm đà, bởi sợ đau, sợ tin rồi lại không dứt ra được cuộc sống ngoài kia khi mà ngay đến bản thân mình cũng không biết mình có cơ hội quay trở lại thế giới ấy nữa không. Hàn Mặc Tử tha thiết yêu đời nhưng lại bị căn bệnh phong dày vò cho đến lúc mất, tâm trí luôn trong trạng thái vô thức giữa cõi thần và cõi tục, tạo nên những vần thơ theo trường phái điên loạn. Đến hơi thở cuối cùng vẫn muốn chạm vào sự sống đích thực một lần nữa.

Bài thơ về phong cảnh đã dần biến thành một bài thơ tình hư thực, một nơi nhà thơ trút bỏ những ẩn ức của bản thân. Toàn bài thơ được nối kết mạch ngầm bơi ba câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, “Có chở trăng về kịp tối nay?”, “Ai biết tình ai có đậm đà?” Hỏi đấy nhưng không hề mong lời đáp mà là lười tự chất vấn bản thân. Giao điểm chung của ba câu hỏi này đều nằm ở sự giao cảm với đời nhuốm màu bi thương. Hàn Mặc Tử là vậy, càng khát khao bao nhiêu lại càng sầu thảm bấy nhiêu, có lẽ bởi đời văn ông tuy ngắn mà đã chịu quá nhiều nỗi dày vò thể xác lẫn tinh thần rồi.

3. Kết bài

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” tuy không dài nhưng mang những giá trị cả về tư tưởng lẫn hình thức thật sâu sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp tả thực và tượng trưng. Cảnh thôn Vĩ, người thôn Vĩ cũng chỉ là cớ cho Hàn bộc bạch lòng mình. Trang thơ của Hàn Mặc Tử đã khép lại nhưng lại mở ra những ý niệm mới trong lòng độc giả bằng bút lực của “Thơ điên”, cảm thế nào là tùy vào sự đồng cảm của mỗi người. Hàn đã sống một đời đau khổ rồi nên đọc thơ Hàn, phải đặt vào cái tâm lí chua cay ấy mới có thể hiểu hết được:

“Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên trang giấy mong manh”.

3. Nghị luận văn học Đây thôn Vĩ Dạ hai khổ đầu

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ mới xuất sắc của Việt Nam thế kỉ XX. Thơ ông chất chứa một tâm hồn tràn ngập sự lãng mạn lẫn dạt dào yêu thương. Qua bài nghị luận văn học đây thôn vĩ dạ hai khổ thơ đầu, ta sẽ thấy được cái tình mặn nồng mà trong sáng đã hòa quyện với thiên nhiên xứ Huế tươi đẹp và nỗi xót xa ý nhị, kín đáo của một trái tim đa cảm đến nhạy cảm.

1, nghị luận văn học đây thôn vĩ dạ khổ thơ đầu tiên: bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ

Mở bài là một lời trách móc nhẹ nhàng của nhân vật trữ tình: Sao anh không về chơi thôn Vĩ.

Chỉ một câu hỏi thôi! Một câu hỏi của cô gái thôn Vĩ nhưng chan chứa bao yêu thương mong đợi. Câu thơ vừa có ý trách móc vừa có ý tiếc nuối của cô gái đối với người yêu vì đã bỏ qua được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mặn mà, ấm áp tình quê của thôn Vĩ – vùng nông thôn ngoại ô xinh xắn thơ mộng, một phương diện của cảnh Huế.

Luận điểm chính xuyên suốt bài nghị luận văn học đây thôn vĩ dạ khổ 1 là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ Dạ hiện lên dịu dàng và nên thơ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Nét đặc sắc của thôn Vĩ – quê hương người con gái gợi mở ở câu đầu liên đây đã được tả rõ nét. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác rộng mở trước mắt người đọc. Hình ảnh nắng tưới lên trên ngọn cau tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Nắng mới là nắng sớm bắt đầu của một ngày, những hàng cau cao vút vươn mình đón lấy những lia nắng sớm kia, và tất cả tràn ngập ánh nắng và buổi bình minh. Cái nắng hàng cau nắng mới lên sao lại gợi một nỗi niềm làng quê hương đến thế.

2, nghị luận văn học đây thôn vĩ dạ khổ thơ thứ hai: dự cảm mơ hồ của nhân vật trữ tình

Thôn Vĩ Dạ nằm ở sát bờ sông Hương xứ Huế. Vì thế mà từ cách tả cảnh làng quê ở khổ thơ đầu hé mở tình yêu, tác giả chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong sầu muộn hư ảo như một giấc mộng:

”Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Bước sang khổ thơ thứ hai, luận điểm bài đây thôn vĩ dạ tuy vẫn là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ nhưng đã nhuốm màu buồn thương. Gió và mây để gợi buồn vì nó trôi nổi, lang thang thì nay lại càng buồn hơn gió đi theo đường gió, mây đi theo đường mây, gió và mây xa nhau; không thể là bạn đồng hành, không thể gặp gỡ và sự xa cách của nhà thơ đối với người yêu có thể là vĩnh viễn. Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ trong xa cách nhớ thương, và đây cũng là mặc cảm của những con người xưa trong cuộc sống. Nỗi buồn về sự chia li, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất buồn và mang một nỗi niềm xao xác. Chúng ta không còn thấy giọng tươi mát đầy sức sống ở đoạn trước nữa, chúng ta gặp lại Hàn Mặc Tử – một tâm hồn đau buồn, u uất:

“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Với một tâm hồn mãnh liệt như Hàn Mặc Tử thì dòng sông trôi lững lờ của xứ Huế chỉ là dòng sông buồn thiu gợi cảm giác buồn lặng, quạnh quẽ. Trong bài nghị luận văn học đây thôn vĩ dạ ngay cả hình ảnh hoa bắp cũng lay nhè nhẹ trong một nỗi buồn xa vắng. Sự thay đổi tâm trạng chính là thái độ của những người sông trong vòng đời tối tăm, bế tắc. Mặt nước sông Hương êm quá gợi đến những bế bờ xa vắng, những mảnh bèo trôi dạt lênh đênh của số kiếp người. Ý thơ thật buồn, được nối tiếp trong hai câu sau nhưng với cách diễn đạt, thật tuyệt diệu, thực đấy mà mộng đấy:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Dường như trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng đã trở thành người bạn tâm giao duy nhất để ông gửi gắm những rung động của chính bản thân mình kết bài của đây thôn vĩ dạ khổ thứ hai bằng một câu hỏi tu từ là một đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Cùng với đại từ phiếm chỉ “ai”, ta có thể thấy được nỗi hoang mang, bất an cùng dự cảm của hân vật trữ tình.

4. Nghị luận văn học Đây thôn vĩ dạ:

Hàn Mạc Tử là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới của Việt Nam. Ông làm thơ từ năm 14, 15 tuổi, bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật, sau chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng thơ mới lãng mạn. Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn Mặc Tử, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Tác phẩm chính: Gái quê (1936), Thơ Điên (1.938), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm cháu duyên, Duyên kì ngộ (kịch thơ, 1939), Quần tiên hội (kịch thơ), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi, 1940). Bài thơ Đây thôn vĩ dạ là một tác phẩm nổi tiếng của ông.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh nên thơ của thôn Vĩ được tái hiện lên qua con mắt tinh tường của tác giả. Đó là cảnh thôn Vĩ Dạ trong một buổi sáng “nắng mới lên”, ngày mới bắt đầu. Hai nét vẽ thật tài hoa: một nét trên cao, nắng ban mai rực rỡ, nhảy múa lung linh trên những hàng cau; một nét dưới thấp, màu xanh mướt, như ngọc của vườn câv sum sê hoa trái.

Bút pháp tả cảnh của thi nhân ở đây thật tinh tế: có “nắng mới lên” thì sương mới tan và vườn cây mới “mướt” (loang loáng nước), và có “mướt” thì mới “xanh như ngọc” được (một màu xanh trong suốt). Tất cả gợi lên một cảnh vườn quê đẹp và đầy sức sống – cảnh vườn quê gần gũi, thân qưen của bao vườn quê nhưng lại có nét thơ mộng trữ tình riêng của Vĩ Dạ. Phải yêu thôn Vĩ lắm, thì trong hồi tưởng của mình, cảnh vườn quê thôn Vĩ mới sống dậy lung linh, rạo rực trong câu thơ như thế. Với hai câu thơ này, hàng cau quê hương và màu xanh làng quê đất Việt có thêm một giá trị mới trong ngòi bút thơ đầy phát hiện của Hàn Mặc Tử.

Cảnh đẹp nhưng lòng nhà thơ lại nuối tiếc, xót đau vì cảnh ấy đâu còn là của mình nữa?! Câu hỏi mở đầu bài thơ đã cho ta thấy điều đó: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Đây là lời tự vấn lòng mình của Hàn Mặc Tử. Biết không về được với cảnh cũ người xưa một thời yêu dấu mà vẫn cứ phải hỏi thì nỗi đau đó phải day dứt, nhức nhối lắm. Và một chữ “ai” vừa như phiếm chỉ lại như xác định, nhói lên một nỗi đau khiến cho vết thương lòng chảy máu: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Đâu còn là vườn của mình nữa, đã là vườn của ai rồi, làm sao mà về lại nữa? Và cũng không thể về được trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo, khi Thần Chết đang từng ngày chờ ông. Ở đây có sự đối lập giữa Đẹp và Đau: Cảnh càng Đẹp thì lòng càng Đau. và lòng thi nhân càng Đau thì cảnh thôn Vĩ hiện lên càng Đẹp qua nỗi nuối tiếc, xót xa của Hàn Mạc Tử.

Bốn câu thơ gợi lên bốn hình ảnh gió, mây, sông, trăng vốn là những thi liệu quen thuộc, đặc biệt trong Thơ mới lúc bấy giờ. Chỉ có điều, ở đây thi sĩ không tả một phong cảnh có gió, mây, sông, trăng mà dùng hình ảnh đó để nói lên tâm trạng của con người. Nếu để ý, sẽ thấy sự liên hệ nội tại của bốn câu thơ là sự liên hệ của lôgíc tâm trạng chứ không phải sự liên hệ của lôgíc miêu tả. Và ở đây chính là tâm trạng xót đau, tuyệt vọng của nhà thơ trong một mối tình xa xăm, vô vọng: Gió theo lối gió, mây đường mây.

Gió, mây đã đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên: câu thơ bộc lộ rõ cái ý đoạn tuyệt, vĩnh quyết “anh đi đường anh, tôi đường tôi”! Vì thế mà “dòng nước buồn thiu” - nỗi buồn cô đơn của tác giả. Hi vọng vẫn còn nhưng hoài nghi đã lấn át cả hi vọng. Câu hỏi từ từ vang lên một chữ kịp đầy khắc khoải, lo âu. Mới biết trong nỗi đau, trong sự bất lực của mối tình vô vọng, vẫn là một tấm lòng tha thiết của nhà thơ với cuộc sống và con người.

Nhờ thiên nhiên không được, cuối cùng, chỉ còn một con đường là tìm về với con người, may chăng, có cứu rỗi cho mình được không? Nhưng người yêu giờ đây chỉ còn trong mơ, lại là “mơ khách đường xa, khách đường xa” (láy lại hai lần để nhấn mạnh cái ý “xa lắm”) và dường như đã “tuột khỏi tay nhà thơ” đến mức Áo em trắng quá nhìn không ra! Trong tâm trạng tuyệt vọng đó, nhà thơ hoài nghi tất cả: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Có phải “sương khói cuộc đời” đã làm mờ ảnh hình của con người? Và thi nhân đã trút một tiếng thở dài cho mối tình xa xăm, vô vọng của mình: Ai biết tình ai có đậm đà Chút hoài nghi trong câu thơ là có thực, là đúng với tâm trạng Hàn Mặc Tử lúc bấy giờ nhưng chính cái hoài nghi này lại biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời của nhà thơ. Bởi đây không phải là một câu nghi vấn khẳng định mà chỉ là một nỗi niềm băn khoăn, day dứt trong lòng nhà thơ (hai đại từ nhân xưng “ai” phiếm chỉ trong câư thơ đã nói lên ý đó). Trong băn khoăn, day dứt vẫn còn niềm hi vọng. Và đó chính là niềm thiết tha với cuộc đời của Hàn Mặc Tử ngay cả khi ông gặp nhiều đau thương, bi kịch nhất như lúc viết nên những câu thơ xót đau trong bài thơ này.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
14 48.525
2 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • Pham Hien
    Pham Hien

    hayyyyyyyyyy😮

    Thích Phản hồi 15/12/22
    • Pham Hien
      Pham Hien

      gg

      Thích Phản hồi 15/12/22
      Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm