Đề thi thử Văn Sở Nghệ An 2025 có đáp án (Lần 2)

Tải về

Mới đây Sở giáo dục đào tạo Nghệ An đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT 2025 chính thức cho các thí sinh trên toàn tỉnh. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em học sinh nội dung chi tiết đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ văn sở Nghệ An có đáp án chính thức sẽ là tài liệu tham khảo ôn tập bổ ích cho các em học sinh.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Văn Nghệ An lần 2

SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NGHỆ AN

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

(Đề thi có: 02 trang)

KỲ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG KẾT HỢP THI THỬ LỚP 12, NĂM HỌC 2024 - 2025 (Đợt 2)

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CON ĐƯỜNG LÀNG

(Nguyễn Thị Việt Hà)

Cái ngõ xoan nhà bà

Lối rất quanh co, đường vàng rơm rạ

Người đi làm đồng buổi sáng vác cày bừa vội vã Để chiều về thong thả cánh đồng xanh

Cái ngõ xoan Sáng nay rưng rức

Trên luống ngô, khoai, lạc, rau khúc ngả buồn

Chập chờn cánh chuồn

Nặng cơn mưa báo trước

Con đường làng…bà ơi…cháu chưa đi hết

Dẫu chân đã đặt đến nơi vượt qua tổ quốc mình

Người ta vẫn hay chùng chình

Sa vào đám đông, cuộc vui, quên con đường quê bé nhỏ

Quên lối cỏ

Bước chân lúc nhỏ chăn trâu lối giẫm đã mòn

Cháu đã chạm chân mấy lần vòng tròn đất nước

Nhưng cháu vẫn chưa đi hết

Con đường làng

Một ngày… Rắc vàng…

Gò Đống Mối…

Bà ngủ thảnh thơi trên cánh đồng vừa thu hoạch xong vụ lúa

Bà ơi rau khúc đã già

Cháu chợt nhớ ra chưa từng học làm bánh khúc từ bà…

(Khi chúng ta già, tuyển tập thơ Nguyễn Thị Việt Hà, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019, tr.140-142)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Chỉ ra những câu thơ miêu tả dáng hình, trạng thái của “cái ngõ xoan nhà bà”.

Câu 3. Phân tích ý nghĩa của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu: Trên luống ngô, khoai, lạc, rau khúc ngả buồn.

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về hai chữ “chùng chình” được sử dụng trong đoạn thơ:

Người ta vẫn hay chùng chình

Sa vào đám đông, cuộc vui, quên con đường quê bé nhỏ Quên lối cỏ

Bước chân lúc nhỏ chăn trâu lối giẫm đã mòn

Câu 5. Theo anh/chị, ta cần làm gì để tuổi trẻ trôi đi không nuối tiếc? (trình bày khoảng 5-7 dòng)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm của nhân vật trữ tình đối với người bà trong đoạn thơ in đậm phần Đọc hiểu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Qua trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về ý nghĩa của bản sắc văn hóa dân tộc đối với tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

Đáp án mời các bạn xem trong file tải về.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Văn Nghệ An lần 1

Mới đây Sở giáo dục và đạo tạo tỉnh Nghệ An đã chính thức tổ chức kì thi khảo sát chất lượng kết hợp thi thử cho toàn bộ học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh. Đề  thi bao gồm 2 phần với thời  gian làm bài là 120 phút được thiết kế bám sát đề minh họa của  Bộ giáo dục. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NGHỆ AN

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

(Đề thi có: 02 trang)

KỲ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG KẾT HỢP THI THỬ

LỚP 12, NĂM HỌC 2024 - 2025 (Đợt 1)

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

ẤM ÁP NHƯ NƯỚC

Đỗ Bích Thúy

(Lược đoạn đầu: Hiên và Hoài thân nhau như chị em gái. Hoài vừa mới sinh con. Chồng Hoài cũng làm giáo viên, nhưng mỗi lần sang thăm vợ con đều phải vượt dốc, đèo. Hiên hai sáu tuổi, bỏ ngỏ chuyện lập gia đình và lên vùng núi cao heo hút này đã hai năm,... Mỗi lớp học ở đây chỉ có dăm bảy đứa. Có lần lặn lội vào sâu trong bản, gặp từng gia đình để vận động, Hiên uống hai chén rượu ngô, rồi lăn ra ngủ bên cạnh mấy bó ngô khô, cha mẹ mới cho con đi học. Hôm sau đi đón học sinh tới lớp, cô bị ngã, cả người bùn ướt sũng. Thế mà thằng bé chẳng thương cô, nó nhảy xuống giữa đường, rồi biến mất tăm mất tích…)

Một tuần sau đó lớp của Hiên vắng mặt Vàng Chá Sình, tên thằng bé ấy.

Hiên đến nhà, mẹ nó bảo ngày nào nó cũng đeo túi đi học mà. Nhưng nó học ở đâu thì bố mẹ bận lắm, không đi theo được.

Hóa ra nó cũng đi học thật, mỗi tội không học ở lớp của Hiên mà ở lớp của... Khải. Một điểm trường xa gấp đôi, lại còn phải leo dốc chon von, dựng đứng. Nó chỉ thích học thầy Khải bởi vì giờ thể dục thầy không dạy thể dục mà dạy... võ.

Tất nhiên nó làm gì có tên trong danh sách học sinh, nhưng nó cứ nhảy vào ngồi học thì thầy cũng chẳng nỡ đuổi.

Hiên nhờ Hoài trông lớp rồi lò dò leo lên điểm trường của Khải. Y như... lời đồn, thằng bé Vàng Chá Sình với mái tóc đỏ quạch bù xù đang ngồi há mồm ngoài sân nhìn thầy Khải đi mấy đường quyền.

Nhận ra Hiên, thằng Sình lao ra sân ôm chân thầy, khóc toáng lên. Vừa khóc vừa gào:

- Tao không về đâu. Tao thích học ở đây. Tao không về đâu!

Hiên còn chưa thở xong vì leo dốc quá dài, thấy thằng bé gào lên như thế, chả hiểu sao cô cũng bật khóc tu tu. Cô với trò không biết ai khóc to hơn, nhưng nước mắt chắc Hiên nhiều hơn. Cô còn chả biết mình khóc vì cái gì. Vì cú ngã đến giờ vẫn ê ẩm mông, vì bãi nước đái của con ngựa non trong bếp bữa trước, hay vì một cái cục gì đó ứ nghẹn ở cổ mà không cách nào đẩy ra được, chả biết nữa. Nhưng có lẽ, cô ngập trong một cảm giác tủi thân cực độ.

Khải đi vào chỗ phòng ở sát với phòng học, lấy ra cho cô một chiếc khăn mặt ướt. Hiên cầm lấy, vừa đưa lên định lau mặt thì vội vàng quăng ra vì nó sặc mùi thuốc lào. Thằng bé chắc cũng sợ nước mắt của cô quá bèn đến gần và rụt rè:

- Thôi cô giáo đừng khóc nữa. Mai tao đi học là được.

Khải nói đế vào:

- Không được xưng tao. Xưng em, nhé! Nhắc mãi sao không nhớ thế hả?

Thằng bé gật nhưng vẫn vớt vát:

- Nhưng tao, à em vẫn muốn học võ.

Khải mỉm cười:

- Được, cuối tuần cho học võ riêng. Nhưng phải đến lớp tử tế. Cấm trốn.

Thằng bé nắm tay Hiên lôi đi:

- Thôi, bọn mình đi về.

Hẳn là “bọn mình”, suýt nữa thì Hiên phì cười khi mà nước mắt còn chưa khô.

Khải với Hiên quen nhau từ đấy. Hoài nói vợ Khải cũng là giáo viên nhưng cô ấy gặp tai nạn trên đường đến nhà học sinh vận động đi học. Núi lở, vùi kín cả người. Họ vừa cưới nhau được hai tháng. Từ đấy Khải chỉ ở trên điểm trường cao nhất, trường đổi cho về trường chính cũng không về.

Hiên cứ nghĩ mãi về nỗi đau ghim trong trái tim Khải. Hiên lẽ ra chẳng lên cái nơi chon von cơ cực này làm gì nếu như không phải để chạy trốn khổ đau. Lúc đầu là thế, rồi dần dần quen, rồi thương, rồi gắn bó. Đến cả mùi phân trâu, phân bò cũng thấy quen mũi rồi.

Hôm trước Hiên không dừng được đã chạm tay mình vào tay Khải khi anh bảo cô cùng rửa tay chào mừng cái máng nước mới tinh, mà anh vừa dẫn về cho hai chị em. Và mặc dù dòng nước trong veo, dội vào tay lạnh buốt như kim châm, nhưng một điều gì đó thật là ấm áp, thật là gần gũi đã bao phủ lấy cô rồi.

(Tuyển tập truyện ngắn Hoa xuân trong gió xuân, Đỗ Bích Thúy, NXB Hội nhà văn, 2024, tr.77-84)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.

Câu 2: Chỉ ra ba từ láy được sử dụng ở phần in đậm.

Câu 3: Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong các câu: Hiên lẽ ra chẳng lên cái nơi chon von cơ cực này làm gì nếu như không phải để chạy trốn khổ đau. Lúc đầu là thế, rồi dần dần quen, rồi thương, rồi gắn bó.

Câu 4: Nhận xét về tâm trạng của Hiên khi nói đến Khải: Hiên cứ nghĩ mãi về nỗi đau ghim trong trái tim Khải.

Câu 5: Từ thông điệp của đoạn trích, theo anh/chị, tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện tinh thần cống hiến đối với cộng đồng? (trình bày khoảng 5-7 dòng).

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình yêu nghề của nhân vật Hiên trong đoạn trích phần Đọc hiểu.

Câu 2 (4,0 điểm): Nhà văn Philoxêne De Cythêrê từng viết: Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế.

(Dẫn theo Biện Luân, https://baohagiang.vn/van-hoa/, ngày 19/11/2016)

Bằng trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế.

Chú thích: Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang, hiện làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị đã giành nhiều giải thưởng văn học như: giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999; giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014; giải Nhì Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019. Qua những trang văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã gieo vào lòng người đọc nhiều xúc cảm, ý niệm về cái đẹp trong hồn người, tình người, tình quê hương sâu nặng...

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NGHỆ AN

KỲ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG, KẾT HỢP THI THỬ

LỚP 12, NĂM HỌC 2024 – 2025 (ĐỢT 1)

MÔN: NGỮ VĂN

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

(Đáp án – Thang điểm có 03 trang)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

Ngôi kể: ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như Đáp án: 0,5 điểm

- Trả lời không đúng như Đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5

2

Ba từ láy: Chon von, lò dò, bù xù.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như Đáp án: 0,5 điểm

- Trả lời không đầy đủ: 0,25 điểm

- Trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5

3

- Nêu một trong số các biện pháp: liệt kê, điệp, ẩn dụ

- Tác dụng:

+ Làm nổi bật hoàn cảnh và diễn biến tâm trạng, tình cảm của nhân vật.

+ Sự đồng cảm, trân trọng của tác giả dành cho Hiên, cũng như bao giáo viên đang “vượt khó” để gieo con chữ nơi vùng sâu, vùng xa. + Câu văn giàu hình ảnh, gợi cảm xúc, giàu chất thơ….

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như Đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

- Trả lời được ½ số ý, diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm

- Không hiểu vấn đề hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0

4

- Tâm trạng của Hiên: thấu cảm với nỗi đau của Khải khi mất đi vợ con và ngẫm về nỗi đau của chính mình,…

- Qua đó thể hiện sự trân trọng, biết ơn trước hy sinh của Khải; cảm thấy có thêm động lực tinh thần để tiếp tục cống hiến cho nghề nghiệp của mình.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như Đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

- Trả lời được ½ số ý, diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 -0,75 điểm

- Chưa hiểu vấn đề, diễn đạt chưa rõ ràng: 0,25 điểm

- Không hiểu vấn đề hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0

5

- Rút ra thông điệp ý nghĩa của đoạn trích (gợi ý: Sự biết ơn, trân trọng trước tinh thần cống hiến, hy sinh của những người giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa; Cần có những hành động, việc làm ý nghĩa đối với cộng đồng,…)

- Đề xuất những hành động thiết thực, phù hợp của tuổi trẻ có ý nghĩa đối với cộng đồng. (gợi ý: mùa hè tình nguyện, hiến máu nhân đạo, bảo vệ môi trường,…)

Hướng dẫn chấm:

- Nêu được thông điệp và đề xuất hành động thiết thực, ngắn gọn, diễn đạt sáng rõ: 1,0 điểm

- Nêu được thông điệp nhưng chưa đề xuất hành động: 0,5 điểm

- Nêu thông điệp và hành động còn sơ sài, nhiều lỗi diễn đạt: 0,25 điểm

- Không rút ra được bài học, hành động/ không trả lời: 0,0 điểm

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình yêu nghề của nhân vật Hiên trong đoạn trích phần Đọc hiểu.

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một trong các cách: diễn dịch, quy nạp, phối hợp, song song,…

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Tình yêu nghề của nhân vật Hiên

0,25

c. Viết được đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:

- Nhân vật Hiên – cô giáo trẻ, hai mươi sáu tuổi, được miêu tả trong không gian miền núi cao, xa xôi, heo hút, với tình yêu nghề tha thiết.

- Tình yêu nghề của Hiên thể hiện qua tình cảm, suy nghĩ và hành động:

+ Luôn trách nhiệm, tận tâm, hết mình với nghề, với học sinh.

+ Có bản lĩnh, không quản ngại khó khăn, thử thách để cống hiến cho nghề nghiệp.

- Tình yêu nghề của nhân vật được khám phá từ những điểm nhìn khác nhau; ngôn ngữ giàu chất thơ, kết hợp đối thoại, độc thoại; giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế…

Hướng dẫn chấm:

- Đáp ứng được 2/3 các ý như Đáp án, lập luận chặt chẽ, thuyết phục; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ, dẫn chứng: 1,0 điểm

- Đáp ứng 1/3 các ý như Đáp án, lập luận chưa thật chặt chẽ, chưa thuyết phục: 0,5 điểm

- Ý sơ sài, hoặc không rõ ràng, lập luận không chặt chẽ, chưa thuyết phục: 0,25 điểm

1,0

d. Diễn đạt

Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

đ.Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế”.

Bằng trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế.

4,0

a. Bảo đảm bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận

Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế.

0,25

c. Viết được bài văn nghị luận bảo đảm các yêu cầu

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

3,0

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

0,25

* Thân bài:

- Giải thích:

+ Thầy, thầy giáo: là cách nói chỉ tất cả những giáo viên mà mỗi người được học trong cuộc đời của mình.

+ Phương cách: cách thức, phương pháp,...

+ Đàng hoàng: thể hiện sự nghiêm túc, đứng đắn, tử tế, đáng được tôn trọng.

+ Sự tử tế có nghĩa là sự cẩn thận, kĩ lưỡng, thận trọng, chu đáo trong công việc, trong lối sống và trong cách đối xử với mọi người.

à Ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của người thầy, giống như là “người khai sinh thứ hai” sau bố mẹ ta. Nếu bố mẹ cho ta hình hài, thầy cô dạy ta cách làm người đúng nghĩa.

Hướng dẫn chấm:

- Giải thích rõ ràng, phù hợp: 0,5 điểm

- Giải thích chung chung, chưa rõ ràng: tối đa 0,25 điểm

0,5

- Bàn luận:

+ Thầy giáo dạy cho ta phương cách sống đàng hoàng.

(Thầy giáo dạy ta kiến thức, kỹ năng để chúng ta sống đàng hoàng, có văn hóa; giúp chúng ta sống tự tin, có bản lĩnh, có ước mơ; biết tạo ra giá trị và cống hiến cho xã hội, được mọi người tôn trọng, ghi nhận…)

+ Thầy giáo dạy ta biết sống tử tế.

( Thầy giáo dạy ta biết ứng xử, biết sống có trách nhiệm, biết lan tỏa giá trị, tránh xa cái xấu, cái ác…)

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lý lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, độc đáo; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ, dẫn chứng:1,5 điểm

- Lập luận chưa thật chặt chẽ; lý lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng/dẫn chứng không tiêu biểu, độc đáo: 1,0 điểm

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ, dẫn chứng ít phù hợp: tối đa 0,5 điểm

1,5

- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.

+ Người thầy không chỉ giới hạn là những giáo viên trên bục giảng, trong trường học, mà có thể là bất kì ai trong cuộc đời trao cho ta những bài học làm người ý nghĩa.

+ Trong thực tế, có người phủ nhận vai trò của người thầy (do chỉ nhìn vào một số hiện tượng tiêu cực), dẫn tới lối sống vô ơn, khó trở thành người tử tế.

+ Người thầy thời nào cũng cần giữ và phát huy đạo làm thầy, là tấm gương cho học sinh.

Hướng dẫn chấm:

- Biết mở rộng vấn đề, diễn đạt tương đương Đáp án: 0,5 điểm

- Nêu chung chung hoặc còn sơ sài: tối đa 0,25 điểm

0,5

* Kết bài: Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.

0,25

Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Diễn đạt

Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

TỔNG

10,0

Đề thi thử liên trường 2025 môn Văn sở Nghệ An

Sau đây là chi tiết đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Văn liên trường THPT, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Mời các em cùng tham khảo.

SỞ GD & ĐT NGHỆ AN

LIÊN TRƯỜNG THPT

(Đề thi gồm có 02 trang)

KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

[Giới thiệu: Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời kì đổi mới. Truyện của bà thiên về cuộc sống đời thường, có khả năng bao quát và gợi ra nhiều suy ngẫm về nhân sinh, thế sự với nghệ thuật trần thuật đa dạng, sử dụng linh hoạt những điểm nhìn khác nhau…

Truyện ngắn Ga xép kể về cuộc đời ông Lăng. Ông sống trong ngôi nhà có từ đời ông nội, chứng kiến sự mất tích bí ẩn của cha, sự chờ đợi mỏi mòn của mẹ, hành động hi sinh của em trai. 16 tuổi ông đi lính, rồi trở thành một nhà báo, cuối đời lại quay về sống trong ngôi nhà cũ với ám ảnh về linh hồn người cha và kí ức về mẹ. Ông Lăng có hai đứa con gái học giỏi, ngoan ngoãn, nhưng chúng khiến ông vô vọng vì đều lấy chồng ngoại quốc và theo chồng xa xứ. Mải chạy theo tình yêu, chúng đã không cảm nhận được nỗi cô đơn của cha khi phá cái nhà cũ, xây cho ông “một ngôi nhà sặc sỡ kiểu cách kì quặc” và “rải tiền lo cho ông”…]

Ông đã đi quá nhiều. Có lẽ lỗi do ông đi nhiều. Ông đã dựa vào người em ruột, liệt sĩ thời chống Pháp để lý lịch của ông qua được cái cửa khẩu khó nhất, để hành nghề, để đi. Bao nhiêu bâng khuâng ở các phương trời xa lạ. Một lần ở hành lang khách sạn gần vùng Si-bê-ri, một thiếu nữ làm quen với ông. Khi chia tay, nàng ghi cho ông cái địa chỉ bằng tiếng Nga. Quê nàng ở thượng nguồn sông Amua, phần chảy qua nước Nga vĩ đại. Cho đến bây giờ ông vẫn cảm thấy chống chếnh khi nghĩ tới cái làng nào đấy ở bên sông Amua. Làm sao ông có thể đến được con sông ấy. Nó ở đâu, cái làng như hạt bụi trên vùng đất bao la? Sau chiến tranh, ông đi khắp nơi. Tận một hòn đảo xa tít ngoài Thái Bình Dương, ông cũng gặp người Việt. Trong một ngôi làng hẻo lánh gần rừng Amazôn, một người đàn ông đón xe của ông đi qua. Đôi mày lưỡi mác đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, đôi mắt nhỏ xếch như hai sợi chỉ trên gò má cao đỏ bầm… Một người Việt Nam chính hiệu ra đi từ những năm năm mươi. Giọt nước mắt của con người lưu lạc đó nhỏ vào bàn tay ông, khi ông nắm tay anh ta. Anh ta quên cả tiếng Việt rồi. Đằng sau anh ta là một người đàn bà da đỏ có hai gò má như tạc bằng đất sét. Ông thương những con người đơn lẻ phải thích nghi với xứ người. Nhưng một lần tới New York, vô tình ông rẽ ngoặt sang phía khác khi thấy mấy người Việt đi tới. Ông lúng túng không muốn đối thoại. Cái quả bom của chiến tranh nhiều phía đã nổ tung đất nước ông. Những con người tung tóe khắp hành tinh, mang theo những hận thù, để lại nhiều nghi kỵ.

Bất hạnh thay một xứ sở trong đó người ta chẳng được ở yên một chỗ. Sinh con đẻ cái trong một mái nhà, già đi và chết trong mái nhà ấy, với những đồ vật “hai mươi năm vẫn chạy tốt”.

Ông nói với mấy đứa con cái ý nghĩ về mái nhà, về vùng đất. Hai đứa đều cười. Thượng đế sinh ra con người trên mặt đất. Cũng cây cỏ ấy cũng mặt trời ấy. Ai muốn sống ở đâu thì sống. Tổ quốc là mặt trái đất này. Cha già rồi, cha nghĩ những điều cạn hẹp. Chúng con như cái áo phông cái quần bò. Ở đâu có người ở đó sống tốt. Lúc này cả trái đất đều mặc áo phông quần bò. Biên giới sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đâu cha.

Ông lặng thinh. Chúng nó có lí của chúng nó. Nhưng chúng nó đặt ông vào trào lưu áo phông quần bò của chúng, chúng thực tàn nhẫn. Chúng đang giết ông khi chúng phá cái nhà cũ của ông, chúng xách va-li ra đi khi cái chết đang vỗ cánh trên đầu ông.

Ông ngủ lơ mơ trong cái giường đệm với những chồng gối cao xa lạ trong ngôi nhà mới. Một cái bóng sượt qua mặt ông, có thực, không phải cảm giác. Và một tiếng rên đau đớn, ông nghe rõ.

Ông ngồi bật dậy bất giác kêu lên: Cha ơi! Nhưng tất cả lại tĩnh lặng.

*

Dạo hai đứa con mới đi theo tình yêu, ông ở lại ngôi nhà một tầng cũ đến nỗi khi mưa lâu, mái ngói bốc lên mùi rêu ẩm ướt. Ông đi chơi với mấy người bạn già, ông về cái nhà rêu mốc thấy an tâm, ngồi uống nước trà, đọc những cuốn sách đã cũ. Ông chờ đợi những đứa con trở về. Những con người đã chết, chủ nhân đích thực của ngôi nhà cũng thấy yên ổn khi ẩn nấp sau cửa bức bàn, sau cái tủ gỗ có từ đầu thế kỉ. Ông ở trong ngôi nhà, đêm đêm cảm thấy có nhiều đôi mắt âu yếm dõi theo. Ông sống với những linh hồn, và chờ đợi…

Cái thời ông mặc chiếc quần sooc nhỏ xíu, cởi trần cùng thằng em trèo lên cây sấu trước cửa rung cành cho sấu chín rụng lộp bộp trên mái ngói, là thời người ta thấy có lí khi sinh ra đời. Cái thời thanh bình ấy chỉ là khoảnh khắc. Ông không hề thấy đời mình thanh bình. Lúc nào cũng có cái gì đó đập vào tai: tiếng còi hụ báo máy bay, tiếng bom xé màng tai, tiếng kêu gọi tản cư, kêu gọi lên đường, kêu gọi tẩy chay ai đó, tuyên dương ai đó, tiếng loa báo những chuyến tàu chạy ở nhà ga, tiếng mẹ ông giục: nhanh nhanh lên các con! Đời của một người Việt đầy ắp những âm thanh hối hả. Cuộc sống như chuyến tàu chợ, hành lí nhặt nhạnh tạm bợ, mặt mũi bơ phờ. Chuyến tàu đôi khi dừng ở ga xép cho người ta xuống xả hơi tí chút. Trong cái ga xép ấy là một thoáng bình yên như không có thực. Người ta làm một mái nhà, trồng một vụ rau, cưới vợ cho con, có một đứa cháu, có một chút kỉ niệm… Rồi lại bỏ tất cả, lên một con tàu chạy không có chỗ dừng cố định. Nhưng lạ thay, ông thường xuyên quên hẳn tiếng rin rít của bánh xe nghiến trên đường sắt số mệnh. Sự bình yên ít ỏi ở những ga xép sống mãnh liệt hơn sự hãi hùng.

(Trích Ga xép, Lê Minh Khuê, Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay, Đoàn Ánh Dương tuyển chọn và giới thiệu, NXB Phụ nữ, 2013, tr.139-153)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Dựa vào đoạn trích, cho biết tên những “phương trời xa lạ” khiến nhân vật ông Lăng “bâng khuâng”.

Câu 2. Chỉ ra một dấu hiệu của truyện ngắn hiện đại được thể hiện trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn Chúng con như cái áo phông cái quần bò.

Câu 4. Lí giải những suy nghĩ của ông Lăng khi nghe quan điểm của các con về ngôi nhà và Tổ quốc trong đoạn: Ông lặng thinh. Chúng nó có lí của chúng nó. Nhưng chúng nó đặt ông vào trào lưu áo phông quần bò của chúng, chúng thực tàn nhẫn. Chúng đang giết ông khi chúng phá cái nhà cũ của ông, chúng xách va-li ra đi khi cái chết đang vỗ cánh trên đầu ông.

Câu 5. Nếu là con gái ông Lăng, anh/chị sẽ nói gì với cha khi muốn phá dỡ ngôi nhà cũ (trình bày trong khoảng 5 - 7 dòng).

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

Câu 2 (4,0 điểm)

Nhiều người cho rằng: Theo đuổi hạnh phúc sẽ không làm bạn hạnh phúc.

Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân của người trẻ.

--- HẾT ---

SỞ GD & ĐT NGHỆ AN

LIÊN TRƯỜNG THPT

KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025

ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHẤM

Bài thi: NGỮ VĂN

(Gồm có 03 trang)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4.0

1

Những “phương trời xa lạ” khiến nhân vật ông Lăng “bâng khuâng”:

- Khách sạn gần Si-bê-ri/một cái làng bên sông Amua ở nước Nga

- Hòn đảo ngoài Thái Bình Dương/một ngôi làng hẻo lánh gần rừng Amazôn

- New York

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời 2-3 đáp án: 0,5 điểm

- Trả lời 1 đáp án: 0,25 điểm

- Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0.5

2

Chỉ ra một dấu hiệu của truyện ngắn hiện đại được thể hiện trong đoạn trích.

Sau đây là một số gợi ý:

- Đề tài: cuộc sống đời thường

- Truyện kể theo kết cấu phi tuyến tính

- Kết hợp ngôi kể thứ 3 và điểm nhìn linh hoạt

- Sử dụng lời nửa trực tiếp

- Ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày

….

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời được 1 đặc điểm: 0,5 điểm

- Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0.5

3

Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn Chúng con như cái áo phông cái quần bò.

- So sánh: chúng con - áo phông, quần bò

- Tác dụng: cụ thể hóa lối sống linh hoạt, coi trọng sự tiện dụng của giới trẻ thời hiện đại; làm cho câu văn giàu hình ảnh, sống động.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

- Trả lời được ½ số ý hoặc có cách diễn đạt chưa đầy đủ: 0,5 điểm

- Không hiểu vấn đề hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1.0

4

Lí giải những suy nghĩ của ông Lăng khi nghe quan điểm của các con về ngôi nhà và Tổ quốc trong đoạn:

- Suy nghĩ của ông Lăng: vừa đồng tình vừa không đồng tình với các con.

- Lí giải: Vì ông đã già, ông muốn sống trong ngôi nhà cũ – nơi lưu giữ kỉ niệm về những người thân nhưng các con ông lại là những người trẻ, hiện đại, có suy nghĩ đơn giản, …

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

- Trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

- Hiểu vấn đề nhưng diễn đạt chưa rõ ràng: 0,25 điểm

- Không hiểu vấn đề hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1.0

5

Nếu là con gái ông Lăng, anh/chị sẽ nói gì với cha khi muốn phá dỡ ngôi nhà cũ (trình bày trong khoảng 5- 7 dòng).

Hs có thể trình bày các phương án khác nhau theo quan điểm cá nhân miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục. Sau đây là minh họa 1 khả năng:

+ ngôi nhà đã quá cũ kĩ, có thể sập bất cứ lúc nào…

+ làm nhà mới không chỉ là nguyện vọng của các con đối với bố mà còn là sự báo hiếu với gia đình...

Hướng dẫn chấm:

- Lựa chọn được phương án phù hợp và lí giải thuyết phục: 0,75 – 1,0 điểm

- Lựa chọn được phương án tương đối phù hợp: 0,5 điểm

- Nêu phương án không phù hợp: 0,25 điểm

- Không trả lời: 0,0 điểm

1.0

II

LÀM VĂN

6.0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu

2.0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp…

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Phân tích điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích Ga xép

0.25

c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và bằng chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:

- Xác định điểm nhìn trong đoạn trích: nhìn từ nhân vật ông Lăng, chủ yếu là điểm nhìn bên trong. Điều đó được biểu hiện qua cách diễn đạt ông vẫn cảm thấy, ông thương, ông lúng túng, ông lặng thinh…

- Phân tích điểm nhìn:

+ Giúp khắc họa nhân vật ông Lăng, đặc biệt là chiều sâu nội tâm của nhân vật: những suy nghĩ thầm kín, những trăn trở day dứt, những mong muốn…

+ Cho thấy ông Lăng là một con người từng trải, đơn độc, đầy hoài niệm, có tâm hồn sâu sắc…

- Đánh giá: việc sử dụng điểm nhìn bên trong tạo giọng điệu trần thuật trầm tư, sâu lắng, giàu tính triết lí; góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm…

Hướng dẫn chấm:

- Tạo lập ý phù hợp, lựa chọn được thao tác lập luận hợp lí, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và bằng chứng: tối đa 1,0 điểm

-Tạo lập ý chưa thật phù hợp, lí lẽ và bằng chứng kết hợp chưa thật chặt chẽ: tối đa 0,5 điểm

- Không tạo lập được ý; chưa kết hợp được lí lẽ và bằng chứng: tối đa 0,25 điểm

1.0

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu đoạn văn mắc quá nhiều lỗi diễn đạt

0.25

đ. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu đoạn văn không đáp ứng các yêu cầu

0.25

2

Nhiều người cho rằng: Theo đuổi hạnh phúc sẽ không làm bạn hạnh phúc.

Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân của người trẻ.

4,0

a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận

Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân của người trẻ

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và bằng chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết

* Thân bài:

- Giải thích:

+ Hạnh phúc cá nhân: là tâm lí vui vẻ, thỏa mãn khi bản thân được toại nguyện…

+ Những trở ngại…: là những khó khăn mà người trẻ gặp phải khi theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

- Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Hạnh phúc cá nhân là đích đến của con người, đặc biệt là người trẻ trong thời đại ngày nay.

+ Có nhiều trở ngại đối với người trẻ trong quá trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân: người trẻ vốn giàu ước mơ, khao khát nhưng bản thân còn non dại, thiếu trải nghiệm; dễ thay đổi hoặc bị chi phối bởi gia đình, các trào lưu xã hội…

+ Cuộc sống phức tạp và không ngừng biến đổi khiến con người cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi hoặc từ bỏ việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác: Những khó khăn, trở ngại có thể là môi trường thử thách giúp người trẻ rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm,… đủ điều kiện để kiên trì theo đuổi hạnh phúc…

- Bài học nhận thức và hành động:

Cần xác định mục tiêu hạnh phúc một cách đúng đắn, phù hợp; chuẩn bị những điều kiện cần thiết về phẩm chất và năng lực để có thể vượt qua những trở ngại trên hành trình theo đuổi hạnh phúc.

* Kết bài: khẳng định giá trị, ý nghĩa của vấn đề nghị luận

Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Hướng dẫn chấm:

- Lựa chọn được hệ thống ý và thao tác lập luận phù hợp; lập luận chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, độc đáo: tối đa 2,0 điểm

- Lựa chọn hệ thống ý chưa phù hợp; lập luận chưa thật chặt chẽ; lý lẽ xác đáng nhưng không có bằng chứng/bằng chứng không tiêu biểu, độc đáo: tối đa 1,0 điểm

- Lựa chọn hệ thống ý không hợp lí, lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ, dẫn chứng ít phù hợp: tối đa 0,5 điểm

2,0

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi diễn đạt

0,25

đ. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài không đáp ứng các yêu cầu

0,5

TỔNG

10.0

Đáp án đề thi thử Ngữ văn sở Nghệ An 2024 chính thức

Đáp án đề thi thử Ngữ văn sở Nghệ An 2024 chính thức

Đáp án đề thi thử Ngữ văn sở Nghệ An 2024 chính thức

Đáp án đề thi thử Ngữ văn sở Nghệ An 2024 chính thức

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 6.817
Đề thi thử Văn Sở Nghệ An 2025 có đáp án (Lần 2)
Chọn file tải về :
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm