Đề thi thử THPT 2025 môn Văn Triệu Sơn 2 Thanh Hóa

Tải về

Bạn đang ôn luyện cho kỳ thi THPT Quốc gia 2025 và cần nguồn tài liệu chất lượng? Đề thi thử THPT 2025 môn Ngữ văn trường THPT Triệu Sơn 2 (Thanh Hóa) là tài liệu tham khảo hữu ích, bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Bài viết cung cấp đề thi đầy đủ, có đáp án chi tiết và hướng dẫn giải, giúp học sinh lớp 12 luyện tập, đánh giá năng lực và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Đề thi thử THPT quốc gia 2025 môn Văn Triệu Sơn 2 - Thanh Hóa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 2


(ĐỀ CHÍNH THỨC)

ĐỀ THI KHẢO SÁT THEO ĐỊNH HƯỚNG THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025 – LẦN 1

NĂM HỌC 2024 – 2025

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian làm bài: 120 phút

Ngày thi: 12/01/2025

(Đề gồm 02 trang)

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

THÊM MỘT LẦN TỔ QUỐC ĐƯỢC SINH RA

(Tưởng nhớ các chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở đảo đá Gạc Ma năm 1988)

Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Các anh lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hoá biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

Anh đã hoá cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa?

Có nơi nào như đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra
[…]
Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
21/6/2011
(Nguyễn Việt Chiến, nguồn: thivien.net)

* Chú thích:

Nguyễn Việt Chiến là một nhà báo, nhà thơ đều hai tay và nổi tiếng ở cả hai mảng thơ và báo. Thơ ông đầy những câu hỏi lớn lao về Tổ quốc và Nhân dân. Có cảm giác trong ông, máu luôn sôi lên và tim cũng luôn rung những nhịp ngân về những điều lớn lao thiêng liêng. Ông rất thành công ở mạch thơ mang cảm hứng sử thi mà “Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra” là một ví dụ.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh viết về những người chiến sĩ hải quân ở đảo đá Gạc Ma được thể hiện trong văn bản.

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “…một lần Tổ quốc được sinh ra” trong văn bản.

Câu 4. Nêu suy nghĩ của anh/chị về 2 câu sau:

Có nơi nào như đất nước chúng ta

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ

Câu 5. Từ nội dung của văn bản Đọc hiểu, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ biển đảo quê hương giai đoạn hiện nay (khoảng 5- 7 dòng).

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ sau trong văn bản Đọc hiểu:

Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Các anh lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm

Câu 2. (4,0 điểm)

"Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp” (Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)

Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) về chủ đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

…………HẾT………

(Thí sinh thực hiện nghiêm túc Quy chế thi. CBCT không giải thích gì thêm)

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2025 môn Văn Triệu Sơn 2 - Thanh Hóa

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

- Thể thơ: Tám chữ

- Mỗi câu thơ đều có tám chữ.

Hướng dẫn chấm: Trả lời đúng như đáp án 0,5 điểm. Chỉ trả lời được 1 ý, cho 0,25 điểm.

0,5

2

Những từ ngữ, hình ảnh viết về những người chiến sĩ hải quân ở đảo đá Gạc Ma trong bài thơ: Đứng như tượng đài quyết tử, lấy ngực mình làm lá chắn, lấy thân mình làm cột mốc để chặn quân thù, hoá cánh chim muôn dặm sóng.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời được 3 - 4 hình ảnh đúng: 0,5 điểm

- Trả lời được 1 – 2 hình ảnh đúng: 0,25 điểm

0,5

3

- Tác dụng của phép điệp cấu trúc: “…một lần Tổ quốc được sinh ra”:

+ Tạo nhịp điệu, tăng tính liên kết giữa các câu thơ, đoạn thơ.

+ Nhấn mạnh sự hi sinh cao cả của những người lính Gạc Ma. Sự hi sinh của họ đem lại độc lập, tự do của Tổ quốc, làm cho Tổ quốc được sinh ra thêm một một lần nữa: các anh như tượng đài quyết tử, máu các anh thấm vào lòng biển, anh lấy thân mình làm cột mốc, khi giặc đến vạn người con quyết tử…Nhờ sự hi sinh đó, cuộc sống bình yên đã trở lại trên hòn đảo đau thương này.

+ Nhấn mạnh sự khâm phục, tự hào, lòng biết ơn của tác giả đối với sự hi sinh của những người lính Gạc Ma.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như Đáp án: 1,0 điểm

- Trả lời được ý (1) của tác dụng: 0,25 điểm

- Trả lời được ý (2) của tác dụng: 0,5 điểm.

- Trả lời được ý (3) của tác dụng: 0,25 điểm

1,0

4

- Nội dung của câu thơ: Đất nước chúng ta được hình thành nên từ máu của bao thế hệ, của ngàn năm dựng nước và giữ nước.

- Những dòng thơ gợi suy nghĩ:

+ Để có được cuộc sống hoà bình, hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của những thế hệ cha anh đi trước, bằng lịch sử hàng ngàn năm chiến đấu.

+ Chúng ta cần trân trọng và ghi nhớ công ơn của những người anh hùng, đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

+ Bản thân chúng ta cần có ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, để xứng đáng với sự hi sinh của các thế hệ cha anh.

Hướng dẫn chấm:

- Nêu được nội dung của câu thơ: 0,25 điểm.

- Mỗi ý đúng của phần gợi suy nghĩ: 0,25 điểm.

(Lưu ý: chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau, miễn là phù hợp với nội dung của các dòng thơ)

1,0

5

Để góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo, chúng ta cần:

- Tìm hiểu lịch sử, pháp luật để có nhận thức đúng đắn về vấn đề chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

- Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt về biển đảo.

- Thực hành tuyên truyền vấn đề giữ gìn chủ quyền biển đảo đến mọi người.

- Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

- Tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo, ví dụ như: “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”…

Hướng dẫn chấm:

- Mỗi ý trả lời đúng: 0,25 điểm.

(Lưu ý: chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau, miễn là phù hợp với nội dung góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo)

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận phân tích nội dung đặc sắc về nghệ thuật của hai khổ thơ đầu bài thơ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra của Nguyễn Việt Chiến.

2,0

a/ Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của hai khổ thơ đầu bài thơ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra của Nguyễn Việt chiến.

0,25

c. Viết được đoạn văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo các nội dung sau:

- Phân tích nội dung

+ Hai khổ thơ đầu khắc họa hình ảnh bi tráng của các chiến sĩ đã ngã xuống tại đảo Gạc Ma năm 1988. Tác giả sử dụng hình ảnh "tượng đài" để tôn vinh lòng dũng cảm và sự kiên cường, bất khuất của họ. Họ đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá bảo vệ biển đảo quê hương.

+ Câu thơ “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” được lặp lại nhằm khẳng định sự sống còn của Tổ quốc là kết quả của sự hy sinh liên tục từ các thế hệ. Sự hy sinh của những chiến sĩ Gạc Ma đã tạo nên một lần tái sinh mới cho Tổ quốc, khiến "dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt" luôn thao thức với chủ quyền biển đảo, đặc biệt là với vùng Trường Sa.

+Nội dung hai khổ thơ truyền tải thông điệp về trách nhiệm của mỗi người dân đối với chủ quyền biển đảo.

- Phân tích nghệ thuật

+ Phép điệp cấu trúc “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” xuất hiện như một tiếng vang xuyên suốt bài thơ tạo âm hưởng, nhịp điệu giúp nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của Tổ quốc và khẳng định sự bất tử của những người lính trên đảo Gạc Ma. Điệp từ "Tổ quốc" liên tục xuất hiện cũng giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ.

+ Hình ảnh thơ mang màu sắc bi tráng: Các hình ảnh “ngực mình làm lá chắn”, “đứng như tượng đài”, hay “dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt” khẳng định sự gắn bó mật thiết của người lính với Tổ quốc và sự hi sinh của họ trở nên oai hùng, thiêng liêng đã tạo nên sự trường tồn của Tổ quốc.

1,0

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn .

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) về chủ đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

4,0

a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận

Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

0,5

c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:

Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng: trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân.

* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:

- Giải thích: Sự trong sáng của Tiếng Việt là khi các từ ngữ được dùng đúng với ý nghĩa của nó, câu cú được sắp xếp mạch lạc, và không có sự pha tạp hoặc làm méo mó ngữ nghĩa, đồng thời mỗi từ, mỗi câu phát ra mang đậm nét văn hóa, truyền tải được cảm xúc tinh tế và sâu sắc của người Việt.

=> Giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của tiếng việt là sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực, trong sáng, tránh các từ ngữ lai căng là việc làm vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Và thể hệ trẻ chính là lực lượng nòng cốt cho sứ mệnh này.

- Bàn luận về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của Tiếng Việt:

+ Người trẻ cần ý thức về giá trị của tiếng Việt: tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là văn hóa, là bản sắc của dân tộc.

+ Thế hệ trẻ cần sử dụng Tiếng Việt một cách chuẩn mực, trong sáng, tránh lai tạp. Điều này cần được thực hiện nghiêm túc ngay trong những giao tiếp hàng ngày.

+ Thế hệ trẻ nên có ý thức lan tỏa vẻ đẹp của Tiếng Việt trong mọi môi trường, đặc biệt là môi trường số. Mạng xã hội đang trở thành nơi giao lưu, học hỏi lớn nhất của giới trẻ. Mỗi bình luận, mỗi dòng trạng thái hay tin nhắn đều là cơ hội để thế hệ trẻ lan tỏa sự tinh tế, ý nhị của Tiếng Việt.

+ Thế hệ trẻ phải biết giữ gìn và phát huy Tiếng Việt như một di sản văn hóa quý báu, tiếp nối và làm mới. Thế hệ trẻ có thể thổi một làn gió mới vào Tiếng Việt, để ngôn ngữ ấy không chỉ là một di sản mà còn là một dòng chảy mãnh liệt, hòa nhịp cùng bước tiến của thời đại mà vẫn giữ được nét đẹp riêng, không bị hòa tan trong những giá trị vô định.

- Dẫn chứng:

+ Những cây bút trẻ đang tham gia sáng tác thơ văn có những sáng tác được công chúng đón nhận.

+ Giữ gìn, sáng tạo Tiếng Việt qua âm nhạc trong những bài hát của các nhạc sĩ trẻ tài năng.

+ Những video trên mạng xã hội gậy bão về việc thống kê nghĩa của các từ Tiếng Việt một cách sáng tạo, khoa học và thú vị của các bạn trẻ…

- Bàn luận mở rộng vấn đề:

+ Giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của Tiếng Việt không có nghĩa là từ chối ngôn ngữ của các dân tộc khác, mà là biết chọn lọc và hòa quyện những tinh hoa phù hợp để làm phong phú thêm tiếng nói của dân tộc mình.

+ Cần phê phán những hành vi ngôn ngữ làm xấu đi vẻ đẹp của Tiếng Việt: những câu nói thiếu chuẩn mực, pha tạp ngôn từ lai căng, hoặc thậm chí dùng tiếng mẹ đẻ để nói tục, chửi bậy.

* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là giữ gìn độc lập, giữ gìn và phát huy văn hóa, bản sắc của dân tộc.

2,5

d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

Tổng điểm

10,0

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Đề thi Lớp 12 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 38
Đề thi thử THPT 2025 môn Văn Triệu Sơn 2 Thanh Hóa
Chọn file tải về :
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng