Từ Đảng viên có phải viết hoa không?

Từ Đảng viên có phải viết hoa không 2024? Viết hoa là một quy tắc cơ bản cần nắm vững trong các văn bản hành chính nhà nước, viết văn và cả các văn bản ngoài đời sống. Vì thế nắm vững những quy tắc viết hoa là điều quan trọng. Nhiều bạn đọc thắc mắc từ Đảng viên có viết hoa hay không? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.

Từ Đảng viên có phải viết hoa không?
Từ Đảng viên có phải viết hoa không?

1. Từ Đảng viên có phải viết hoa không?

Căn cứ vào Mục 8.2 Khoản 8 Điều 3 Quy định số 4148-QĐ/VPTW ngày 27/9/2019 quy định như sau:

8.2. Danh từ chung:

- Trong một số văn bản đối ngoại, hoặc khi không muốn nhắc lại tên của một người cụ thể trong văn bản (người, ngài, ông, bà...), khi nhắc lại thì viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung đó.

Ví dụ: ……… đã nhận được thư của Anh ( Ông ,…… ) đề ngày ……

- Trường hợp danh từ chung đã được riêng hóa thì viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng.

Ví dụ:

+ Bác Hồ, Người là tình yêu bao la (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh).

+ Đảng ta (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam).

Có thể thấy từ Đảng là từ nói chung của Đảng Cộng sản Việt Nam nên viết hoa chữ cái đầu là "Đ".

⇒ Vì thế theo đúng quy tắc thì Đảng viên phải viết hoa chữ "Đảng" là chính xác.

2. Quy định viết hoa trong văn bản của Đảng

Quy định viết hoa trong các văn bản của Đảng được Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Quy định số 4148-QĐ/VPTW ngày 27/9/2019 như sau:

Quy tắc

Nội dung quy tắc viết hoa trong văn bản của Đảng

Viết hoa vì phép đặt câu

Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết trong các trường hợp sau: Đầu dòng văn bản; đầu câu sau dấu chấm (.) khi bắt đầu một câu mới; đầu câu sau dấu chấm hỏi (?); đầu câu sau dấu chấm than (!); đầu câu trong ngoặc kép (khi trích dẫn nguyên văn câu của tác giả, tác phẩm, nghị quyết, chỉ thị...); sau dấu hai chấm (:) của các đề mục/vấn đề (có thể xuống dòng hoặc không xuống dòng).

Viết hoa tên người

2.1. Tên người thông thường (bao gồm cả họ tên thật, tên tự, tên hiệu, chữ đệm, bí danh v.v...): Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng dấu gạch nối.

Ví dụ: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Du, Tôn Thất Thuyết,..

2.2. Tên người được kết hợp bởi một danh từ chung với một danh từ riêng chỉ tên gọi: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

Ví dụ: Bác Hồ, Vua Hùng, Đề Thám, Tú Xương,…

Viết hoa tên địa danh

3.1. Tên đơn vị hành chính

3.1.1. Tên riêng đơn vị hành chính: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng của đơn vị hành chính đó.

Ví dụ: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang,…

3.1.2. Tên đơn vị hành chính được kết hợp giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, quận, xã, phường) với tên riêng: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên riêng của các cơ quan, địa phương đó (theo các văn bản của Nhà nước đã ban hành), không dùng dấu gạch nối; không viết hoa danh từ chung đi liền với tên riêng của địa danh.

Ví dụ: thành phố Thái Bình, tỉnh Ninh Thuận, xã Hàm Thuận Nam, huyện Thường Tín,…

3.1.3. Trường hợp tên đơn vị hành chính được kết hợp giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, quận, xã, phường) với tên riêng là chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên đơn vị hành chính đó.

Ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1, Thành phố Điện Biên Phủ...

3.2. Tên địa danh khác

3.2.1. Tên địa danh được kết hợp bởi danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, chợ, cầu, v.v...) với danh từ riêng: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành danh từ riêng, không viết hoa danh từ chung.

Ví dụ: chợ Đồng Xuân, sông Hậu Giang, sông Hồng,…

3.2.2. Tên địa danh được kết hợp bởi danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, biển, hồ, v.v…) với danh từ riêng có 1 âm tiết: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên địa danh đó.

Ví dụ: Cửa Lò, Bến Nghé, Sông Hồng, Buôn Hồ, Buôn Đôn, Bản Keo, Hồ Tây, Hồ Gươm...

3.2.3. Tên địa danh mang tính đặc trưng, tính lịch sử và cá biệt: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ tính đặc trưng, cá biệt đó.

Ví dụ: Thủ đô Hà Nội, Kinh thành Thăng Long, Kinh đô Huế,...

3.2.4. Tên địa danh liên kết: Viết hoa tất cả những chữ cái đầu của âm tiết được ghép chỉ địa danh và sử dụng dấu gạch ngang giữa các địa danh đó.

Ví dụ: Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái...

3.2.5. Tên phố, tên đường phố: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên phố, đường phố đó, không viết hoa danh từ chung.

Ví dụ: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Thanh Niên, đường Giảng Võ, phố Nguyên Hồng, cao tốc Long Thành...

3.2.6. Tên địa danh được kết hợp bởi từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng hoặc từ dùng để chỉ tên địa danh một vùng, một miền, một khu vực nhất định: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng đó, không viết hoa danh từ chung.

Ví dụ: Trường Sơn Đông, Tây Bắc, Nam Trung Bộ,….

Lưu ý: Các từ chỉ phương hướng mà không gắn với địa danh cụ thể: Viết thường tất cả các âm tiết.

Ví dụ: gió mùa đông bắc; Hà Nội phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh...

3.3. Tên các biển, các thiên thể: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên các biển, các thiên thể đó.

Ví dụ: Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Biển Đen, Biển Đông, Sao Hỏa, Sao Thiên Vương...

Viết hoa tên riêng các cơ quan, tổ chức

4.1. Tên các cơ quan của Đảng

4.1.1. Tên các cơ quan lãnh đạo của Đảng: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ trong tổ hợp từ dùng làm tên của các cơ quan đó.

Ví dụ:

Ở Trung ương:

Ban Chấp hành Trung ương

Bộ Chính trị

Ban Bí thư

Ở địa phương:

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ

Tỉnh ủy Điện Biên

4.1.2. Tên các cơ quan của Đảng: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan và âm tiết chỉ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, lĩnh vực hoạt động của cơ quan đó.

Ví dụ:

Ở Trung ương:

Văn phòng Trung ương Đảng

Hội đồng Lý luận Trung ương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Ở địa phương:

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội

Văn phòng Quận ủy Cầu Giấy

Văn phòng Đảng ủy phường Mai Dịch

4.13. Tên các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ tên riêng của cơ quan đó.

Ví dụ:

Ở Trung ương:

Đảng đoàn Quốc hội

Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Ở địa phương:

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn

4.2. Tên các cơ quan của Nhà nước

4.2.1. Tên các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ tên riêng của các cơ quan đó.

Ví dụ:

Ở Trung ương:

Quốc hội

Chính phủ

Ở địa phương:

Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình

Ủy ban nhân dân phường Giảng Võ

Lưu ý: Các cụm từ “Ủy ban nhân dân”, “Hội đồng nhân dân”: Theo Hiến pháp năm 2013, trong trường hợp không đi liền với tên đơn vị hành chính cụ thể thì vẫn viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất.

Ví dụ: “... tổ chức chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân...”.

4.2.2. Tên các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của cơ quan đó (theo đúng với Nghị quyết hiện hành được Quốc hội thông qua về việc thành lập các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).

Ví dụ:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Công Thương

4.2.3. Tên một số cơ quan, đơn vị khác

- Tên các khu, quân khu: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất; đối với khu, quân khu gắn với số đếm thì thống nhất dùng số Ả-rập. Ví dụ: Khu Tả Ngạn, Khu 1, Khu 2, Khu 3...; Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3...

- Tên các cục, tổng cục: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ chức năng, nhiệm vụ, thống nhất dùng số La Mã. Ví dụ: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Tổng cục II...

- Tên các đơn vị cấp vụ, cục, cấp phòng, ban: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và âm tiết chỉ chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của đơn vị đó. Ví dụ: Vụ Tổ chức - Cán bộ, Cục Lưu trữ, Vụ Địa phương I, Phòng Quản trị, Phòng Hành chính, Ban Quản lý Trụ sở Trung ương, Phòng Tổng hợp, Phòng Lưu trữ, Phòng Tổ chức...

4.3. Tên các tổ chức

4.3.1. Tên các tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, các hội: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình tổ chức và âm tiết chỉ tính chất, chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của tổ chức đó.

Ví dụ:

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Hội Nông dân Việt Nam

Hội Người mù Việt Nam

4.3.2. Tên các cơ quan, tổ chức quốc tế đã dịch nghĩa sang tiếng Việt: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và các âm tiết chỉ chức năng tạo thành tên riêng của các cơ quan, tổ chức đó.

Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),

4.3.3. Tên các trường học: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình trường, âm tiết chỉ cấp, chuyên ngành đào tạo và âm tiết chỉ tên riêng.

Ví dụ:

Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An

Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu

Viết hoa tên chức danh, chức vụ, học hàm, học vị

5.1. Tên chức danh, chức vụ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cơ quan, tổ chức, công ty, trường học, đơn vị: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết trong tổ hợp từ chỉ tên của chức danh, chức vụ đó.

Ví dụ:

Ở Trung ương:

Tổng Bí thư

Ủy viên Bộ Chính trị

Thường trực Ban Bí thư

Bí thư Trung ương Đảng

Ủy viên Trung ương Đảng

Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Quốc hội

Chủ tịch nước (Phó Chủ tịch nước)

Ở địa phương:

Bí thư (Phó Bí thư) Tỉnh ủy Hòa Bình

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang

Các ban, bộ, ngành:

Bộ trưởng (Thứ trưởng) Bộ Thông tin và Truyền thông

Chánh Văn phòng (Phó Chánh Văn phòng) Trung ương Đảng

Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Các công ty, trường học, tổ chức, đơn vị:

Tổng Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) Tổng Công ty Than Việt Nam

Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Giám đốc (Phó Giám đốc) Đại học Quốc gia Hà Nội

Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái

Vụ trưởng (Phó Vụ trưởng) Vụ Văn thư

Cục trưởng (Phó Cục trưởng) Cục Lưu trữ

Trưởng Phòng (Phó Trưởng Phòng) Văn thư

Lưu ý: Trường hợp không có tên đơn vị đi liền với tên chức danh thì viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ chức vụ.

Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn A, Trưởng ban; đồng chí Trần Văn B, Phó Trưởng phòng...

5.2. Tên chức danh, chức vụ trong lực lượng vũ trang nếu đi liền với tên người cụ thể: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ tên riêng, cấp bậc, chức vụ và đơn vị.

Ví dụ:

Thiếu tướng, Trung tướng, Thượng tướng, Đại tướng

Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Tổng cục Chính trị

Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

5.3. Tên học hàm, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình học hàm, học vị và âm tiết chỉ chuyên ngành tạo thành tên học hàm, học vị đó.

Ví dụ:

Kỹ sư Dầu khí

Bác sĩ Nha khoa

Cử nhân Kinh tế

Trong trường hợp cần viết tắt thì viết hoa tất cả các chữ cái đầu của học hàm, học vị. Ví dụ: GS, TS, PGS.TS, Ths...

Viết hoa tên văn bản

6.1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên thể loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ:

Bộ luật Dân sự

Bộ luật Hình sự

Luật Doanh nghiệp

Pháp lệnh Ngoại hối

Lưu ý:

- Khi không muốn viết lại đầy đủ tên riêng của một bộ luật, luật, văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn kiện Đảng cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên thể loại văn bản đó.

Ví dụ:

……… Điểm a, Khoản 2, Điều 12 Bộ luật này.

Các đồng chí có tên tại Điều 1 có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

- Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm, mục của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của từ “điều”, “khoản”, “điểm”, “mục”.

Ví dụ:

Căn cứ Điều 10 Bộ luật Dân sự

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Giao thông đường bộ

Căn cứ Điểm b, Khoản 4, Điều 3 Quyết định số... của Văn phòng Trung ương Đảng...

6.2. Tên văn bản, văn kiện, sách: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên thể loại văn bản, văn kiện và chữ cái đầu của tên sách đó.

Ví dụ: Thông báo giao ban thông tin, Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Văn kiện Đảng toàn tập tập 12, Người mẹ cầm súng...

Lưu ý: Nếu tên người, tên địa lý, tên triều đại... được dùng làm tên tác phẩm thì viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết chỉ tên người, tên địa lý, tên các triều đại đó và phải để trong ngoặc kép.

Ví dụ: “Thạch Sanh”, “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Nghệ An ký”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Hậu Hán thư”, “Tam Quốc chí”...

6.3. Tên ấn phẩm báo chí: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên gọi của các ấn phẩm báo chí và không viết hoa từ, cụm từ chỉ thể loại ấn phẩm “báo”, “tạp chí”, “tập san”, “bản tin”...

Ví dụ: báo Thanh niên, báo Hà Nội mới, báo Phụ nữ, báo Lao động, tập san Phật học, bản tin Thông tấn xã, tạp chí Thời trang trẻ...

Lưu ý:

- Trong trường hợp sử dụng tên các ấn phẩm báo chí để chỉ cơ quan quản lý nhà nước thì viết hoa chữ cái đầu của từ “báo”.

Ví dụ: Trụ sở cơ quan thường trú của Báo Lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh...

- Đối với tên các tờ báo chưa thống nhất cách viết hoa thì viết đúng theo tên in trên báo phát hành hoặc website chính thức của báo.

Ví dụ: báo Nhân Dân,...

6.4. Tên tuyên bố chung, hiệp ước, hiệp định: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên của tuyên bố chung, hiệp ước, hiệp định đó; các từ, cụm từ thuộc danh từ riêng thì viết hoa như tên riêng địa danh.

Ví dụ: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tuyên bố chung Việt Nam - Lào...

Viết hoa tên danh hiệu, huân, huy chương của Nhà nước

7.1. Tên danh hiệu của Nhà nước: Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên loại danh hiệu và chữ cái đầu của âm tiết chỉ tên danh hiệu đó.

Ví dụ:

Anh hùng Lao động

Nhà giáo Ưu tú

Nhà giáo Nhân dân

Nghệ sĩ Ưu tú

Thầy thuốc ưu tú

7.2. Tên huân, huy chương của Nhà nước: Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên loại huân, huy chương và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên huân, huy chương đó.

Ví dụ:

Huân chương Lao động hạng (Nhất, Nhì, Ba...)

Huân chương Kháng chiến hạng (Nhất, Nhì, Ba...)

Huân chương Hữu nghị Huân chương Hồ Chí Minh Huân chương Vàng quốc gia (Lào)

Huân chương Mặt trời mọc (Nhật Bản)

Viết hoa một số trường hợp khác

8.1. Tên các dân tộc thiểu số: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên dân tộc thiểu số đó.

Ví dụ: Tày, Nùng, Thái, Mường...

8.2. Danh từ chung:

- Trong một số văn bản đối ngoại, hoặc khi không muốn nhắc lại tên của một người cụ thể trong văn bản (người, ngài, ông, bà...), khi nhắc lại thì viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung đó.

Ví dụ:

……… đã nhận được thư của Anh (Ông, Bà……) đề ngày ……

Nhân dịp Ngài được bầu (bầu lại) làm Tổng Bí thư của Đảng...

- Trường hợp danh từ chung đã được riêng hoá thì viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng.

Ví dụ:

+ Bác Hồ, Người là tình yêu bao la (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh).

+ Đảng ta (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam).

8.3. Tên các năm âm lịch, các ngày tiết, ngày tết, các ngày trong tuần và tháng trong năm:

- Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của cả hai âm tiết tạo thành tên của năm âm lịch.

Ví dụ: Tân Hợi, Kỷ Tỵ, Mậu Thân...

- Tên các ngày tiết, ngày tết trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của ngày tiết, ngày tết đó.

Ví dụ: tiết Lập xuân, tiết Đại hàn, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán...

Lưu ý: Viết hoa từ “Tết” trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể được nói đến trong văn bản (Ví dụ: “Tết” thay cho “tết Nguyên đán”).

- Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số.

Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư; tháng Năm, tháng Tám...

8.4. Tên các ngày kỷ niệm, ngày lễ: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo nên tên ngày kỷ niệm, ngày lễ đó.

Ví dụ: ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương...

8.5. Tên gọi các triều đại, thời kỳ lịch sử, sự kiện lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên của triều đại, thời kỳ lịch sử, sự kiện lịch sử đó. Ví dụ: ... thời kỳ Phục hưng, Chiến tranh thế giới I (hoặc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất), Chiến tranh lạnh, Nhà Nguyễn, Triều Lý, Triều Trần...

8.6. Tên các tôn giáo, giáo phái, tên các đảng trên thế giới:

- Viết hoa tên các tôn giáo, giáo phái: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên các tôn giáo, giáo phái đó.

Ví dụ: đạo Tin Lành, đạo Cơ Đốc, đạo Thiên Chúa, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Mật Tông, Thiền Tông, Nho giáo, Phật giáo, Hồi giáo,...

- Viết hoa tên các đảng trên thế giới: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết “đảng” và âm tiết đầu chỉ tên riêng của đảng đó.

Ví dụ: Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Nhân dân cách mạng Lào...

8.7. Tên các hội nghị, hội thảo, diễn đàn: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất chỉ tên hội nghị, hội thảo, diễn đàn đó.

Ví dụ: Hội nghị thượng đỉnh Bác Ngao, Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam...

8.8. Tên các thế kỷ: Viết hoa chữ cái đầu của từ “Thế”; thống nhất dùng số La Mã.

Ví dụ: Thế kỷ XIX, XX, XXI...

8.9. Thống nhất cách viết số trong văn bản:

* Viết bằng số La Mã: Dùng số La Mã đối với thứ tự các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, đại hội các tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội, nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Ví dụ:

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Nghị quyết Đại hội XI Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

* Viết bằng chữ:

Đối với các hội nghị Trung ương, khi sử dụng cụm từ “lần thứ”, nếu dưới 11 thì viết bằng chữ.

Ví dụ:

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa...

* Viết bằng số Ả-rập:

- Từ Hội nghị Trung ương 11 trở lên, khi sử dụng cụm từ “lần thứ” thì viết bằng số Ả-rập.

Ví dụ:

Hội nghị làn thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

- Trong trường hợp không sử dụng cụm từ “lần thứ” thì viết bằng số Ả-rập.

Ví dụ:

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 khóa XI

Như vậy có thể thấy trong quy định viết hoa của các văn bản trong Đảng quy định chi tiết và cụ thể hơn quy định viết hoa trong văn bản hành chính nhà nước. Tuy nhiên hai quy định về giống nhau về các quy tắc viết hoa.

3. Khi nào thì từ Đảng viên nên viết hoa?

Căn cứ vào Quy định số 4148-QĐ/VPTW thì có thể thấy Đảng viên là ý chỉ những người làm việc trong cơ quan của Đảng nên Đảng viên bắt buộc viết hoa chữ cái "Đ" đầu tiên.

⇒ Vì vậy nên từ "Đảng viên" phải viết hoa ở bất cứ văn bản nào.

4. Chữ Đảng có viết hoa không?

Khác với cụm từ "Đảng viên" thì chữ Đảng viết hoa hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngữ cảnh hoặc cách sử dụng trong câu. Dưới đây là một số trường hợp thường gặp:

- Viết hoa chữ "Đảng" trong trường hợp:

+ Khi dùng chữ "Đảng" để chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam một cách riêng biệt và thể hiện sự tôn trọng (Ví dụ: Đảng ta luôn quan tâm đến đời sống nhân dân)

+ Khi chữ "Đảng" là một phần của một cụm từ dài hơn, có chỉ 1 bộ phận của trong bộ máy chính trị của nhà nước (Ví dụ: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh)

+ Theo quy định của từng loại văn bản, tùy vào văn bản có yêu cầu tính chất kỹ thuật cao (Ví dụ như văn bản do Đảng ban hành, văn bản pháp luật,...)

- Viết thường chữ "Đảng" trong trường hợp:

+ Chữ "Đảng" được sử dụng với nghĩa chung chung, không chỉ riêng Đảng Cộng sản Việt Nam hay bất kì tổ chức, cơ quan cụ thể  (Ví dụ: Các đảng phái chính trị tại...)

⇒ Như vậy, có thể thấy việc viết hoa hay viết thường chữ "Đảng" phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, do mục đích và ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt. Để đảm bảo tính chính xác và thống nhất, bạn nên tham khảo các quy định hiện hành và ngữ cảnh cụ thể.

5. Lưu ý khi viết hoa trong văn bản hành chính

Viết hoa trong các văn bản hành chính phải tuân thủ Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Vì thế viết hoa trong các văn bản hành chính cần lưu ý những điều như sau:

- Thứ nhất: Cần thực hiện kiểm tra các yêu cầu quy tắc viết hoa trong quy định của nhà nước.

- Thứ hai: Cần đọc kỹ càng các lưu ý cụ thể trong quy định, vì những lưu ý này sẽ quy định rõ cách viết thường khi nào.

Ví dụ: Như quy định "Lưu ý: Các từ chỉ phương hướng mà không gắn với địa danh cụ thể: Viết thường tất cả các âm tiết." Cụ thể các từ chỉ hướng viết thường như gió mùa đông bắc, phía tây thành phố Hà Nội khác với từ phải viết hoa như Tây Nam Bộ.

- Thứ ba: Với các văn bản hành chính trong nhà nước cần tuân thủ bố cục nhà nước quy định còn những văn bản hành chính ngoài nhà nước thì sẽ tuân thủ theo bố cục mà đơn vị, tổ chức yêu cầu.

Việc viết hoa tưởng chừng đơn giản nhưng trong một số trường hợp người đọc băn khoăn không biết từ đó nên viết hoa hay không. Do vậy, trong những trường hợp đó cần kiểm tra quy tắc viết hoa đúng chuẩn và tham khảo các trang web uy tín để kiểm tra kỹ càng hơn.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Từ Đảng viên có phải viết hoa không 2024? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Hành chính liên quan.

Đánh giá bài viết
9 7.669
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm