Ví dụ về quy phạm pháp luật

Ví dụ về quy phạm pháp luật. Trong hệ thống pháp luật được xây dựng chặt chẽ từ cao đến thấp từ những nội dung của điều khoản trong văn bản pháp luật. Vậy cụ thể quy phạm pháp luật là gì và ví dụ cụ thể như thế nào. Hãy cùng hoatieu.vn tìm hiểu nhé.

1. Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật là những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắc buộc chung phải thực hiện đối với tất cả mọi tổ chức, cá nhân và được thừa nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Trong nội dung của quy phạm pháp luật thường thể hiện tính cho phép và tính ép buộc.

Ví dụ về quy phạm pháp luật
Ví dụ về quy phạm pháp luật

Cấu tạo của một quy phạm pháp luật bao gồm ba thành phần là giả định, quy định và chế tài.

Trong đó:

  • Giả định là bộ phân quy định về địa điểm, thời gian, chủ thể, hoàn cảnh và tính huống xảy ra vụ việc. Nghĩa là nói về trường hợp áp dụng quy phạm pháp luật đó.
  • Quy định là bộ phận quan trọng quy định về những điều mà chủ thể cần thực hiện khi có những điều kiện của giả định đã đặt ra.
  • Chế tài là bộ phận chỉ ra những biện pháp mà cơ quan nhà nước áp dụng với chủ thể có hành vi trái với quy định và giả định đã nêu ra. Đây là hậu quả pháp lý bất lợi của chủ thế thực hiện hành vi đó phải gánh chịu khi không thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên cả ba bộ phận này không nhất thiết có trong một quy phạm pháp luật. Nhưng bất kỳ quy phạm nào được nêu ra thì đều phải có giả định, giả định chính là cấu thành bắt buộc của một quy phạm pháp luật. Trong các văn bản pháp luật như hành chính, lao động, dân sự đều có cấu tạo quy phạm pháp luật là giả định và quy định. Còn trong các văn bản pháp luật như hình sự, xử phạt hành chính thì đều có cấu thành là giả định và chế tài.

=> Như vậy, hiểu đơn giản, quy phạm pháp luật là quy tắc ứng xử chung do nhà nước thừa nhận và đặt ra, đảm bảo mọi người dân thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và đạt được mục đích nhất định.

Các quy phạm pháp luật không chỉ bao gồm những quy định về hành vi ứng xử của công dân, mà còn quy định về quy tắc xử sự của đảng viên, cán bộ, công chức, những người nắm giữ chức vụ trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Do đó, quy phạm pháp luật áp dụng với tất cả mọi người, không phân biệt chức vụ, vị trí công tác, vùng miền...

2. Các loại quy phạm pháp luật

Tùy thuộc vào quy chiếu khác nhau mà chúng ta có cách phân loại quy phạm pháp luật khác nhau.

- Thứ nhất, căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, quy phạm pháp luật có thể phân thành các ngành luật gồm:

+ Quy phạm pháp luật hình sự.

Ví dụ: Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021, Luật Đặc xá 2018, Bộ luật hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật Thi hành án hình sự 2019...

+ Quy phạm pháp luật dân sự.

Ví dụ: Bộ luật dân sự 2015, Nghị định 82/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã,...

+ Quy phạm pháp luật hành chính,…

Ví dụ: Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Hải quan 2014, Luật Thanh tra 2022...

- Thứ hai, căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật có thể chia thành:

+ Quy phạm pháp luật định nghĩa:

Ví dụ: Khoản 2 Điều 3  Luật Thủy sản 2017 quy định: "Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí". => Thông thường các văn bản quy phạm pháp luật sẽ nêu định nghĩa cho một số từ ngữ thường dùng trong văn bản, giúp người đọc dễ hiểu, dễ hình dung khi đọc các quy định.

+ Quy phạm pháp luật điều chỉnh: Các quy phạm này quy định quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia trong các quan hệ xã hội; gồm ba nhóm Quy phạm bắt buộc, quy phạm cấm đoán, quy phạm cho phép;

Ví dụ: Điều 38 khoản 1 Luật Bảo vệ môi trường: Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường. Nhà nước khuyến khích phát triển khu, cụm công nghiệp làng nghề có chung hệ thống kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường.

+ Quy phạm pháp luật bảo vệ: Đây là loại quy phạm xác định các biện pháp cưỡng chế mang tính nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật.

- Thứ ba, căn cứ vào hình thức mệnh lệnh nêu trong quy phạm pháp luật có thể phân chia thành:

+ Quy phạm pháp luật dứt khoát

+ Quy phạm pháp luật không dứt khoát.

+ Quy phạm pháp luật tùy nghi.

+ Quy phạm pháp luật hướng dẫn.

- Thứ 4, căn cứ vào cách thức trình bày quy phạm pháp luật có thể chia thành:

+ Quy phạm pháp luật bắt buộc.

+ Quy phạm pháp luật cấm đoán.

+ Quy phạm pháp luật cho phép.

3. Ví dụ về quy phạm pháp luật

Ví dụ cụ thể về quy phạm pháp luật rất dễ thấy trong thực tế, bởi đó là những điều luật đã được thể hiện trong văn bản luật.

Ví dụ cụ thể của quy phạm pháp luật khá dễ thấy, đó là những điều luật trong văn bản pháp luật.

Ví dụ 1: Trong Bộ luật hình sự quy định:

Điều 161. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân

1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Quy phạm pháp luật này có cấu thành bao gồm giả định và chế tài. Giả định là "Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân"

Chế tài là "thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

Ví dụ 2: Bộ luật dân sự quy định:

Điều 239. Từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Trong quy định này có hai ý chính và được cấu tạo từ giả định và quy định.

Ví dụ 3: Khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định

"Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên."

Trong quy định này có 2 ý chính được cấu tạo từ giả định và quy định, chế tài ẩn.

  • Giả định là trong trường hợp có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
  • Quy định là người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, lái xe lùi sát lề đường bên phải hoặc dừng sát lề đường bên phải để nhường đường cho xe ưu tiên.

Đây là quy định bắt buộc mọi phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện, chế tài xử phạt được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ví dụ 4: Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm".

Trong quy định này có 2 ý chính được cấu tạo từ giả định và chế tài, quy định được ẩn đi.

  • Giả định là trường hợp bên A xúc phạm nghiêm tọng nhân phẩm, danh dự của bên B.
  • Chế tài: pháp luật quy định trường hợp A bị B xúc phạm, A sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Mức phạt tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền, dựa trên mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Ví dụ 5: Khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: " Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc."

Trong quy định này có 2 ý chính được cấu tạo từ giả định và quy định, chế tài ẩn.

- Giả định có 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhơ hơn 70km/h.
  • Trường hợp 2: người điều khiển những phương tiện trên đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc.

- Quy định cũng sẽ dựa trên 2 giả định:

  • Quy định 1 theo trường hợp 1: không được đi vào đường cao tốc.
  • Quy định 2 theo trường hợp 2: được phép đi vào đường cao tốc.

Việc tìm hiểu, phân tích những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống con người rất quan trọng, giúp chúng ta tránh được các hành vi vi phạm pháp luật do không hiểu luật.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Ví dụ về quy phạm pháp luật. Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật liên quan.

Đánh giá bài viết
5 9.058
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi