Giấy ủy quyền có cần công chứng không 2024?

Giấy ủy quyền có cần công chứng không 2024? Giấy ủy quyền là văn bản được sử dụng phổ biến, đặc biệt là trong các thủ tục hành chính. Vậy quy định của pháp luật về tính pháp lý của giấy ủy quyền ra sao. Hoatieu.vn xin đề cập đến những thông tin cần biết về giấy ủy quyền, mời bạn đọc tham khảo nhé.

1. Giấy ủy quyền là gì?

Hiện nay không có quy định rõ ràng nào về Giấy ủy quyền nhưng có thể hiểu Giấy ủy quyền là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền.

Bên cạnh đó tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thông thường, hợp đồng ủy quyền được công chứng khi quy định của pháp luật phải công chứng để xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng.

=> Như vậy, quy định pháp luật hiện hành chỉ đề cập tới Hợp đồng ủy quyền, không có quy định rõ ràng về Giấy ủy quyền.

Có bắt buộc công chứng giấy ủy quyền không?

2. Giấy ủy quyền có cần công chứng không?

=> Theo quy định pháp luật hiện hành thì Giấy ủy quyền không cần phải công chứng.

Hiện không có quy định rõ ràng nào về việc bắt buộc phải công chứng giấy ủy quyền mà chỉ có quy định liên quan tới công chứng ủy quyền nói chung.

Bởi giấy ủy quyền là loại giấy dùng trong các trường hợp ủy quyền đơn giản, khi này chỉ cần có chữ ký của bên ủy quyền và bên được ủy quyền thì giấy ủy quyền đã có tính xác thực và được lưu hành trong các thủ tục hành chính.

3. Giấy ủy quyền nào không cần công chứng?

Căn cứ vào phân tích tại mục 1 và mục 2, giấy ủy quyền không cần công chứng mà công chứng hợp đồng ủy quyền. Bạn đọc cần phân biệt sự khác nhau giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền.

Giấy ủy quyền là văn bản đơn phương bên ủy quyền lập, nội dung trong giấy ủy quyền ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định cho một người khác thay mặt và đại diện mình thực hiện một hoặc một số công việc theo nội dung đã đề cập trong phạm vi ủy quyền. Giấy ủy quyền không bắt buộc phải có mặt đầy đủ các bên ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong hợp đồng ủy quyền phải có sự tham gia đầy đủ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền.

4. Công chứng Giấy ủy quyền cần những gì?

Công chứng Giấy ủy quyền cũng giống như công chứng bất cứ loại giấy tờ nào khác, thủ tục công chứng giấy tờ thông thường được quy định từ Điều 40 đến Điều 52 Mục 1 Chương V Luật Công chứng năm 2014. Khi công chứng giấy ủy quyền sẽ cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng: Trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế: Những giấy tờ này được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Bản sao giấy tờ khác: Những giấy tờ có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Bên cạnh đó, bản sao các giấy tờ kể trên phải là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

=> Trên đây là những giấy tờ cần chuẩn bị khi đi công chứng, lưu ý cần phải có đầy đủ các giấy tờ kể trên mới có thể công chứng nên khi đi cần chuẩn bị kĩ để tránh tình trạng không được công chứng phải ra về.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Giấy ủy quyền có cần công chứng không 2024? Bài viết chỉ mang tính tham khảo, tùy tình huống thực tế có các căn cứ pháp lý khác, nên sẽ có sự sai biệt với nội dung giới thiệu trên.

Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Dân sự mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 376
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm