Thủ tục công bố thực phẩm chức năng 2024

Thủ tục công bố thực phẩm chức năng 2024? Ngoài thị trường rao bán rất đa dạng các loại sản phẩm mang tên thực phẩm chức năng với nhiều công dụng khác nhau, một phần trong số đó là những mặt hàng kém chất lượng, không được kiểm định, được tuồn ra thị trường nhằm thu lợi nhuận kiếm lời. Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau của Hoatieu.vn về công bố thực phẩm chức năng được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào nhé.

1. Căn cứ pháp lý

- Luật an toàn thực phẩm 2010

- Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm 2010

2. Phân loại sản phẩm thực phẩm chức năng

Chúng ta chắc hẳn ai ai cũng đã nghe về sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng rất đa dạng về nhãn hiệu, mẫu mã, công dụng và được bày bán tại bệnh viện, hiệu thuốc, cửa hàng mỹ phẩm,.... Vậy thực phẩm chức năng là gì?

Căn cứ vào Khoản 23 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về khái niệm thực phẩm chức năng như sau:

- Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học

Đồng thời, tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm 2010, quy định như sau:

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:

a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;

b) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;

c) Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

Như vậy, từ những khái niệm được pháp luật cụ thể hóa như trên, có thể hiểu thực phẩm chức năng là những sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng vào trong cơ thể bên cạnh các loại thực phẩm con người sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, thực phẩm chức năng còn có chức năng hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh.

3. Thủ tục Đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Theo quy định của pháp luật, tất cả những sản phẩm là thực phẩm chức năng sau khi sản xuất cần làm thủ tục công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật, khi chưa làm thủ tục công bố mà lưu hành sản phẩm ra thị trường nhằm thu lợi nhuận kiếm lời thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm 2010 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm là thực phẩm chức năng gồm:

- Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).

- Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Khi sử dụng bằng chứng khoa học về công dụng thành phần của sản phẩm để làm công dụng cho sản phẩm thì liều sử dụng hàng ngày của sản phẩm tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong tài liệu.

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

4. Trình tự đăng ký bản công bố sản phẩm

Sau khi cá nhân, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ được đề cập tại mục 3, Hoatieu.vn xin giới thiệu trình tự đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định mới nhất giúp bạn đọc hiểu rõ về thủ tục này nhé.

Bước 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Cục an toàn thực phẩm

Bước 2: Trong thời hạn 21 ngày làm việc đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục an toàn thực phẩm có trách nhiệm thẩm định hồ sơ theo quy định. Thời gian thẩm định hồ sơ tính từ thời điểm hồ sơ được nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo dấu đến của cơ quan tiếp nhận (trong trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp)

Bước 3: Trong trường hợp không đồng ý với hồ sơ công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Cục An toàn thực phẩm phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần.

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, Cục an toàn thực phẩm thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.

- Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.

- Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm.

- Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.\

- Thời hạn: 21 ngày

- Phí: 1.500.000 Đồng (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe)

Như vậy, thủ tục công bố sản phẩm thực phẩm chức năng sẽ được hoàn tất sau 21 này nếu hồ sơ đủ điều kiện hợp lệ và cá nhân, doanh nghiệp phải nộp phí công bố là 1.500.000 đồng. Sau khi sản phẩm được công bố trên website cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trên cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, thì sản phẩm được công bố đã đủ điều kiện lưu hành ngoài thị trường.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Thủ tục công bố thực phẩm chức năng 2024. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, tùy tình huống thực tế có các căn cứ pháp lý khác, nên sẽ có sự sai biệt với nội dung giới thiệu trên.

Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Dân sự mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 82
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm