Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) là một trong những bài thơ hay bậc nhất vào thời nhà Đường của tiên thi Lý Bạch. Bài thơ thể hiện nỗi lòng thương nhớ quê hương da diết của tác giả. Vậy Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh thể thơ gì? Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh nội dung, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh tác giả cùng với một số mẫu viết đoạn văn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh...mời các bạn cùng tham khảo.

1. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh tác giả - tác phẩm

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

1. Tác giả

- Lý Bạch (701 - 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào thời nhà Đường. Tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ.

- Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa, ông được người đời gọi là “thi tiên” (tiên thơ).

- Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

- Một số tác phẩm tiêu biểu:Cổ phong, Quan san nguyệt, Trường can hành, Khuê tình..

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

- Chủ đề của bài thơ: “Vọng nguyệt hoài hương” (Trông trăng nhớ quê), cách thể hiện rất giản dị mà độc đáo.

- Thuở nhỏ, ông thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông phải xa quê nên mỗi lần nhìn thấy ánh trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê hương.

- Lý Bạch sáng tác bài thơ trên khi ông đang ở rất xa quê hương của mình.

b, Bố cục Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh: Gồm 2 phần:

- Phần 1. 2 câu đầu: Hình ảnh ánh trăng trong đêm thanh tĩnh.

- Phần 2. 2 câu cuối. Nỗi nhớ quê hương của tác giả.

c, Phương thức biểu đạt

- Biểu cảm

d, Thể thơ

- Ngũ ngôn cổ thể (4 câu, mỗi câu 5 chữ).

d, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh nội dung

- Bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh.

e, Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ ngũ ngôn cổ thể

- Hình ảnh thơ sáng tạo, giàu sức gợi cảm.

2. Đoạn văn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Trăng đã in đậm trong hồn thơ Lí Bạch. Thi tiên đã có ngót trăm bài thơ trăng với cảm hứng lãng mạn dạt dào. Trong đó, bài thơ “Tĩnh dạ tứ” là một tuyệt tác để làm giàu, làm đẹp thêm cho đề tài “vọng nguyệt hoài hương”:

“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Câu thơ đầu nhắc trăng, trăng đã đánh thức người trong đêm thanh tĩnh. Nhân vật trữ tình rất có thể là chưa ngủ, hoặc ngủ rồi mà tỉnh dậy, không ngủ lại được nữa. Trong trạng thái mơ màng ấy, sự nghi ngờ là phù hợp. Nằm trên giường mà thao thức không ngủ được, ánh trăng sáng trắng, huyền ảo, ngỡ như mặt đất phủ sương trời nên thức giấc. Một nét vẽ gợi lên sự lành lạnh, cô đơn. Đó là tâm trạng khắc khoải, trăn trở, thao thức của kẻ tha hương. Đến hai câu cuối thì nỗi nhớ quê trào dâng, cử chỉ cũng thêm bối rối. Cảnh vật và tâm trạng đan xen, hòa quyện. Tác giả sử dụng phép đối rất đắc địa ở hai câu thơ này. Sự sóng đôi này chính là cấu tứ của bài thơ: cảnh - tình (trăng - quê hương). Cảnh gợi tình, trăng gợi nhớ quê, con người chìm đắm trong nỗi nhớ, trăng thấm đẫm vào tâm hồn. Tóm lại, với những từ ngữ giản dị mà tinh luyện, bài thơ thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh. Một hồn thơ thanh cao, cô đơn mà nồng hậu, thắm thiết.

3. Cảm nhận bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Lí Bạch là một nhà thơ nổi tiếng đời đường của Trung Quốc. Những tác phẩm của ông cho đến nay và mai sau vẫn sống mãi trong lòng người đọc. Và một trong những tác phẩm để đời là bài Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh)

Thơ xưa thường hay nói đến thiên nhiên, thiên nhiên như một người bạn để thi nhận có thể chia sẻ tâm sự của mình hoặc cũng có bài thơ viết lên chỉ để ca ngợi thiên nhiên. Thơ Lí Bạch cũng nhắc đến thiên nhiên, đặc biệt là trăng, trăng tràn ngập trong thơ Lí Bạch. Có những bài, trăng như người bạn cùng vui chơi với Lí Bạch còn có những bài ánh trăng như là cái cớ để ông bày tỏ tâm sự, nỗi lòng của mình và bài thơ Tĩnh dạ tứ là một bài như thế điều đó được thể hiện ngay ở nhan đề bài thơ. Bài thơ có tựa đề là Tĩnh dạ tứ tức là những suy nghĩ trong một đêm rất đẹp, trên trời ánh trăng toả sáng khắp nơi, một thứ ánh sáng lung linh huyền ảo và chính trong khung cảnh thiên nhiên ấy trong lòng Lí Bạch bỗng trào dâng lên nỗi nhớ quê hương. Toàn bộ bài thơ là cảm xúc chân thành thiết tha của tác giả. Ở hai câu thơ đầu:

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phơi sương

Đọc hai câu thơ này, cảm giác đầu tiên đến với ta đó là sự yên tĩnh, vắng lặng và thời gian lúc này như đã khuya lắm rồi, tất cả như đang chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ có ánh trăng âm thầm thực hiện nhiệm vụ của mình. Ánh trăng tràn vào nhà, soi rọi khắp nơi. Ánh trăng bằng bạc ấy khiến ông ngỡ như là sương đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc một cảm giác cô đơn và trống vắng. Phải chăng trong lòng thi nhân đang chất chứa một nỗi niềm tâm sự, bởi vậy nên ánh trăng đẹp như vậy mà ông cứ ngỡ như mặt đất phủ sương. Đồng thời với sự “nhầm lẫn” ấy ta còn thấy tâm trạng ngỡ ngàng, bất ngờ của thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên. Câu thơ thứ ba:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Câu thơ này vẫn nói đến trăng, nói đến thiên nhiên nhưng từ “ngẩng” dường như ko gợi cho ta cảm giác nhẹ nhàng thanh thản của người ngắm trăng mà đó là cái nhìn chất chứa tâm sự. Trong ba câu thơ đầu, ta thấy tác giả nhắc nhiều đến thiên nhiên, đến trăng. Khung cảnh thiên nhiên ấy dẫu buồn nhưng vẫn gợi cho ta cảm giác đẹp, một vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Nếu như ở ba câu thơ đầu thi nhân nhắc nhiều đến trăng, điều đó khiến cho ko ít người ngỡ rằng bài thơ chủ yếu nói về trăng nhưng đến câu thơ cuối tất cả bộc lộ ra rất rõ:

Cúi đầu nhớ cố hương

Chúng ta thấy câu thơ thứ 3 và câu thứ 4 đối nhau ở 2 tư thế “cúi” và “ngẩng”. Cái tình trong bài thơ đã bộc lộ rõ hơn. Rõ ràng đây là một bài thơ tả cảnh ngụ tình. Tâm trạng của nhà thơ đã thực sự bộc lộ đó là nỗi nhớ cồn cào quê hương. Như ta đã biết, thuở nhỏ Lí bạch thường lên núi Nga Mi múa kiếm và ngắm trăng, khi lớn lên trở thành nhà thơ ông lại thường xa quê nay đây mai đó. Thế nhưng dù cho năm tháng trôi qua thì tình cảm của ông đối với quê hương vẫn sâu đậm và tha thiết, chỉ cần nhìn ánh trăng thôi cũng đủ để gợi cho ông những cảm xúc dạt dào, tha thiết về chốn cũ. Và ánh trăng “đêm nay” đã khiến cho tâm hồn ông trĩu nặng nỗi nhớ quê, nhớ về nơi ông sinh ra, ở đó có những người thân của ông, nơi đó có biết bao kỉ niệm về những ngày thơ ấu, những năm tháng thăng trầm của một đời người.

Như vậy, có thể thấy toàn bộ bài thơ cảnh và tình luôn song hành và gắn bó với nhau. Đối với Lí Bạch thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành vừa có thể cùng ông vui chơi nhưng cũng có khi lại là nơi để ông trút nỗi tâm sự của mình. Tâm hồn ông luôn tha thiết với thiên nhiên và chính tấm lòng ấy đã gợi cho Lí Bạch những cái nhing khá độc đáo về thiên nhiên, từ thiên nhiên nhà thơ lại nhớ về quê hương thân yêu.

Có thể nói, những bài thơ của Lý Bạch đều thể hiện một tình yêu quê hương, đất nước chân thành, thiết tha. Trong đó bài thơ Tĩnh dạ tứ có thể được coi là một bài thơ viết về tình yêu quê hương hay nhất, bởi tác giả rất tinh tế lấy ngoại cảnh, thiên nhiên để biểu hiện nỗi nhớ quê của mình. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, nhớ quê là tâm trạng chung của tất cả những người phải sống xa quê.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 252
0 Bình luận
Sắp xếp theo