Tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị hành chính nào?

Tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị hành chính nào? Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam, có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Cùng HoaTieu.vn tìm hiểu về Quảng Ninh - vùng đất được mệnh danh là "Việt Nam thu nhỏ" tại bài viết này nhé!

1. Tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị hành chính nào?

Vào năm 1963, khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ở tên của mỗi địa phương một chữ cuối, ghép lại thành Quảng Ninh. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui.

Quảng Ninh với hàm ý là vùng đất rộng lớn và yên vui đã hình thành như vậy trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị hành chính là tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng.

2. Quảng Ninh còn được gọi là gì?

2.1. Lịch sử hình thành tên gọi của tỉnh Quảng Ninh

Từ những thời kỳ trước cho đến nay, tên gọi của tỉnh Quảng Ninh đã trải qua rất nhiều dấu mốc phát triển. Thời phong kiến, tỉnh Quảng Ninh từng trải qua nhiều lần đổi tên:

  • Thời kỳ đầu tự chủ là Lục Châu.
  • Thời nhà Lý là phủ Hải Đông.
  • Thời nhà Trần là lộ Hải Đông, lộ An Bang.
  • Thời nhà Lê là lộ An Bang, lộ An Quảng.
  • Thời nhà Nguyễn là tỉnh Quảng Yên.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam giành độc lập, bước sang giai đoạn dân chủ hiện đại. Chính quyền nhân dân được thiết lập trên toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Yên.

Ngày 24 tháng 4 năm 1955, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã bước xuống khoang của chiếc tàu há mồm rời bến Bài Cháy. Tiếp theo đó, Đại đội 915 của khu đội Hồng Quảng đã tiến vào tiếp quản thắng lợi đảo Bạch Long Vĩ. Mảnh đất cuối cùng của khu Hồng Quảng đã được hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh đã kết thúc thắng lợi.

Ngày 25 tháng 4 năm 1955, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng mít tinh trọng thể mừng giải phóng.

Để triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, từ năm 1961 đến năm 1965, Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã trải qua hai kỳ đại hội. Đó là Đại hội đại biểu lần thứ V (kỳ II) từ ngày 16-1 đến ngày 2-2-1961 và lần thứ VI từ ngày 10-6 đến ngày 16-6-1963 của Đảng bộ Hải Ninh; Đại hội đại biểu lần thứ I (kỳ 10) từ ngày 31-1 đến ngày 9-2-1961 và Đại hội Đại biểu lần thứ II từ ngày 11-9 đến ngày 16-9-1963 của Đảng bộ Hồng Quảng.

Ngày 30 tháng 10 năm 1963 với nền tảng là khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập tỉnh Quảng Ninh, theo cách đặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tỉnh là ghép tên của hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh cũ.

2.2. Quảng Ninh - "Việt Nam thu nhỏ"

Quảng Ninh, được mệnh danh là "Việt Nam thu nhỏ", là một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với đa dạng địa hình bao gồm núi non, hải đảo, đồng bằng, trung du và biên giới. Tỉnh này đồng thời cũng sở hữu 632 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, với nhiều khung cảnh đặc sắc, kỳ vĩ hiếm có bậc nhất Việt Nam. Trong số đó, Di sản thế giới UNESCO Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long nổi tiếng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, du lịch Quảng Ninh còn đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch đơn điệu và đầu tư các tuyến điểm du lịch còn hạn chế. Tuy vậy, trong một thập kỷ qua, Quảng Ninh đã trải qua một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, khi tỉnh này hướng đến kinh tế xanh bền vững.

Quảng Ninh - "Việt Nam thu nhỏ"
Quảng Ninh - "Việt Nam thu nhỏ"

Nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ và các cơ quan chức năng, Quảng Ninh đã tiến hành nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng các khu du lịch cao cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tạo ra những bước đột phá đáng kể trong việc phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.

Tỉnh này đã chú trọng vào việc khai thác và phát triển du lịch bền vững, đồng thời bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quảng Ninh đã triển khai các dự án bảo tồn môi trường như xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm, và tạo ra các khu vực bảo tồn thiên nhiên. Điều này đã góp phần làm tăng giá trị cảnh quan và thu hút du khách quốc tế quan tâm đến môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Kết quả là, du lịch Quảng Ninh ngày càng thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Các điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Cửa Vạn, Đảo Tuần Châu và Đảo Cô Tô đã được nâng cấp và phát triển thành các khu du lịch cao cấp với cơ sở hạ tầng và dịch vụ chất lượng.

Sự đột phá và chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh đã làm cho du khách thực sự choáng ngợp. Từ một tỉnh du lịch nghèo nàn và đơn điệu, Quảng Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn với khả năng mang lại trải nghiệm tuyệt vời và khám phá những cảnh quan đẹp độc đáo.

3. Tỉnh Quảng Ninh được thành lập vào năm bao nhiêu?

Vào ngày 30 tháng 10 năm 1963, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tỉnh được ghép từ hai tỉnh cũ là Quảng Yên và Hải Ninh. Thị xã Móng Cái đã được chuyển thành huyện Móng Cái. Diện tích tỉnh Quảng Ninh là 8.239,243 km².

Sau quá trình hợp nhất, tỉnh Quảng Ninh gồm 14 đơn vị hành chính, bao gồm 3 thị xã là thị xã Hồng Gai (tỉnh lị), thị xã Cẩm Phả, và thị xã Uông Bí, cùng với 11 huyện là Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đình Lập, Đông Triều, Hà Cối, Hoành Bồ, Móng Cái, Tiên Yên, và Yên Hưng.

Từ ngày 1-1-1964, tỉnh Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động, tạo thành một thể liên hoàn về chính trị, kinh tế và quân sự. Tỉnh Quảng Ninh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn trong Tổ quốc, đóng góp quan trọng cho giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh trong việc bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Như vậy, tỉnh Quảng Ninh được thành lập vào 30/10/1963 và chính thức đi vào hoạt động vào 01/01/1964.

4. Lịch sử thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh kể từ khi thành lập cho đến nay Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua bao nhiêu kỳ?

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 14 kỳ Đại hội và đang diễn ra kỳ Đại hội lần thứ 15, giai đoạn 2020-2025. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu, bài học kinh nghiệm trong giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 14 kỳ Đại hội cụ thể như sau:

1. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (1969-1971)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (1969-1971) diễn ra từ ngày 2-6/10/1969 tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 274 đại biểu chính thức. Mục tiêu của Đại hội là xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh có trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước, với công nghiệp trung ương mạnh mẽ và hiện đại, kinh tế địa phương phát triển toàn diện, và phát triển văn hóa, khoa học và kỹ thuật.

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa I gồm 34 đồng chí, trong đó có 32 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, và các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I

2. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ II (1971-1974)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ II (1971-1974) diễn ra từ ngày 26-31/12/1971 tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 271 đại biểu chính thức. Nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm 1972-1973 được đề ra và kêu gọi sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp đánh thắng đế quốc Mỹ và hoàn thành kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa...

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa II gồm 35 đồng chí (33 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết); BTV Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

3. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ III (1974-1976)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ III diễn ra từ ngày 11-15/1/1974 tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 286 đại biểu. Mục tiêu chính của Đại hội là khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế và văn hóa.

Sau Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh khóa III được bầu gồm 40 đồng chí (32 ủy viên chính thức, 8 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy, và các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

4. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV (1976)

Diễn ra từ ngày 27-30/4/1976, tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 287 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra nhiệm vụ trong 2 năm 1976-1977: Xây dựng kinh tế kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, bước đầu tạo cơ sở quốc phòng vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Xây dựng Đảng bộ có tư tưởng cách mạng triệt để trong sạch về chính trị, vững mạnh về tổ chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng...

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa IV gồm 39 đồng chí (33 ủy viên chính thức, 6 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

5. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V (1976-1980)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V vòng I (1976-1977)

Diễn ra từ ngày 14-22/11/1976, tại TX Hòn Gai. Đại hội đã nghe giới thiệu, thảo luận tham gia ý kiến vào bản Đề cương báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng và bản Dự thảo Điều lệ (sửa đổi) của Đảng trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV sắp tới... Đại hội bầu 25 đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V vòng II (1977-1980)

Diễn ra ngày 20/4/1977, tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 500 đại biểu. Đây là Đại hội mở đầu giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giàu mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1976-1980): Tạo ra một bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp cả về lương thực và thực phẩm; đồng thời phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp với tốc độ nhanh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa V gồm 39 đồng chí (37 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết). Sau Đại hội, BCH họp phiên đầu tiên cử ra BTV Tỉnh ủy, Bí thư, các Phó Bí thư. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

6. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI (1980-1982)

Diễn ra từ ngày 12-15/5/1980, tại hội trường Giao Tế - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 301 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 2 năm 1980-1981: Ra sức đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm và ổn định đời sống; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho những năm sau...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa VI gồm 43 đồng chí (41 ủy viên chính thức; 2 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phạm Hoành, Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

7. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII (1982-1986)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII vòng I (1982-1983)

Diễn ra từ ngày 8-15/1/1982, tại Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 352 đại biểu. Đại hội tập trung nghiên cứu các văn kiện dự thảo của Trung ương chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng... Đại hội bầu 22 đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII vòng II (1983-1986)

Diễn ra từ ngày 12-16/11/1983, tại Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 346 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ 3 năm 1983-1985: Phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, nghề rừng, nghề cá, hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng trên cơ sở khai thác tốt nhất tiềm năng về tài nguyên và lao động...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa VII gồm 45 đồng chí (43 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Đại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phạm Hoành, Nguyễn Văn Vấn được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

8. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (1986-1991)

Diễn ra từ ngày 15-20/10/1986, tại Nhà Văn hóa hữu nghị Việt - Nhật và Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 450 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra phương hướng chung của kế hoạch 1986-1990: Đẩy mạnh sản xuất than, ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh; phát triển nông nghiệp toàn diện; đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng. Tiếp tục xây dựng một số cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và hàng tiêu dùng...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa VIII gồm 57 đồng chí (45 ủy viên chính thức, 12 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Đại tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Bình Giang, Đỗ Quang Trung được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

9. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX (1991-1996)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX vòng I (1991)

Diễn ra từ ngày 22-25/4/1991, tại Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 400 đại biểu. Đại hội tập trung thảo luận và thống nhất các dự thảo văn kiện của Trung ương như: Vấn đề CNXH, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng... Đại hội bầu 25 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX vòng II (1991-1996)

Diễn ra từ ngày 22-26/10/1991, tại Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, TX Hòn Gai. Dự Đại hội có 399 đại biểu. Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng và thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2000 và liên doanh, liên kết; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ nhập vật tư, thiết bị cần thiết cho sản xuất và đời sống...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa IX gồm 45 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Bình Giang được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Trần Ngọc Thụ, Đỗ Quang Trung được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

10. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ X (1996 - 2001)

Diễn ra từ ngày 7-10/5/1996, tại Nhà khách UBND tỉnh. Dự Đại hội có 350 đại biểu. Đại hội đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2000: Tăng trưởng kinh tế GDP hằng năm 12-13%; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng hằng năm 13-14%; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng hằng năm 18-20%; đưa tỷ trọng công nghiệp và du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 85-90%; phấn đấu thu nhập sản phẩm xã hội GDP bình quân tính theo đầu người tăng gấp 2 lần (550 - 600 USD)...

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ X
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ X

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa X gồm 47 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Bình Giang tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Trần Ngọc Thụ, Hà Văn Hiền được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

11. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI (2001- 2005)

Diễn ra từ ngày 10-12/1/2001, tại Nhà khách UBND tỉnh. Dự Đại hội có 350 đại biểu. Đại hội đề ra nhiệm vụ cụ thể và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2005: Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm 12-13%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,3-5,5%; các ngành dịch vụ tăng 15%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15-20%; GDP bình quân tính theo đầu người năm 2005 tăng gấp 2 lần năm 2000...

Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI gồm 46 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu BTV Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hà Văn Hiền được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Quynh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

12. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII (2005 - 2010)

Diễn ra từ ngày 1-4/11/2005, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh. Dự Đại hội có 299 đại biểu chính thức. Đại hội đã quyết định những chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 13-14%/năm, trong đó công nghiệp tăng 19-20%/năm; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,3-5,5%/năm; các ngành dịch vụ tăng 15-16%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%/năm; năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 1.230-1.450 USD; cơ cấu kinh tế công nghiệp và xây dựng 54%; nông, lâm, ngư nghiệp 4%; các ngành dịch vụ 42%...

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XII gồm 49 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất BCH bầu 13 đồng chí tham gia BTV Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Vũ Nguyên Nhiệm được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

13. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII (2010-2015)

Diễn ra từ ngày 28-30/9/2010, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh. Dự Đại hội có 350 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH tỉnh khoá XIII gồm 55 đồng chí. Đại hội đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP bình quân (giá so sánh) trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp và xây dựng 53%, nông - lâm - ngư nghiệp 4%, dịch vụ 43%. GDP đầu người đạt 3.000-3.050 USD; giải quyết việc làm mới hằng năm là 2,6 vạn lao động... Tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu 15 đồng chí tham gia BTV Tỉnh uỷ. Đồng chí Vũ Đức Đam tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Tháng 8/2011, đồng chí Phạm Minh Chính được Trung ương điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Vũ Đức Đam chuyển công tác về Trung ương. Tháng 4/2015, Bộ Chính trị quyết định đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 thay đồng chí Phạm Minh Chính điều động về Trung ương.

14. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV (2015-2020)

Diễn ra từ ngày 12-14/10/2015, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh. Dự Đại hội có 349 đại biểu. Đại hội thông qua các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11-12%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.000-8.000 USD; cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ 48-49%; công nghiệp - xây dựng 47-48%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 3-5%; thu nội địa tăng tối thiểu 10%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3-5%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bình quân tăng trên 10%/năm; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 15-16%/năm...

Đại hội đã bầu 56 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Tại hội nghị lần thứ 42, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, ngày 6/9/2019, đồng chí Nguyễn Xuân Ký được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 (thay đồng chí Nguyễn Văn Đọc nghỉ hưu theo chế độ).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 15 (2020-2025)

Vào ngày 26/09/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV chính thức khai mạc với chủ đề “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (2020-2025)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (2020-2025)

5. Quảng Ninh có bao nhiêu đơn vị hành chính?

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính:

- 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí);

- 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều);

- 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Quảng Ninh có bao nhiêu đơn vị hành chính?
Quảng Ninh có bao nhiêu đơn vị hành chính?

Vào tháng 02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thông qua Quyết định số 80/QĐ-TTg để phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch này, dự kiến vào năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 13 đơn vị hành chính và 13 đô thị. Trong số đó, 12 đô thị sẽ được phân loại giữ nguyên như hiện tại. Tuy nhiên, huyện Vân Đồn sẽ được nâng cấp từ đô thị loại IV lên loại III.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ giữ nguyên 12 đơn vị hành chính và 13 đô thị. Tuy nhiên, Quảng Ninh sẽ trở thành một thành phố trực thuộc trung ương dựa trên việc hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn, và thị xã Tiên Yên sẽ được tái lập.

Do đó, trong giai đoạn đến năm 2023, thành phố Móng Cái sẽ được hợp nhất với huyện Hải Hà để thành lập một thành phố mới. Ngoài ra, 3 huyện sẽ được nâng cấp thành thành phố là Đông Triều, Quảng Yên, và Vân Đồn.

Ngoài ra, quy hoạch cũng nhấn mạnh sự cân đối và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình liên kết và phát triển khu vực. Quy hoạch tập trung vào tăng cường tốc độ và nâng cao chất lượng quá trình đô thị hóa, đồng thời cải thiện kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về mặt kinh tế, xã hội, hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, và chất lượng sống của cư dân.

Mời bạn đọc tham khảo thêm những bài viết khác trong mục Là gì? ở mục Hỏi đáp Pháp luật của HoaTieu.vn

Đánh giá bài viết
1 558
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm