Biểu hiện vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số là gì?

Đâu là biểu hiện vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số? Mức phạt khi có hành vi vi phạm sử dụng công nghệ kỹ thuật số quy định như thế nào? sẽ được Hoatieu.vn giải đáp trong bài viết sau.

Trong thời đại ngày nay, việc sử dụng mạng Internet, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... đã trở nên rất phổ biến, chắc chắn mỗi chúng ta đều sở hữu 1 hoặc một vài tài khoản mạng xã hội khác nhau. Môi trường giao tiếp trên mạng xã hội và Internet rất rộng và tự do, tuy nhiên, việc sử dụng mạng kết nối vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật được quy định rõ trong Luật an ninh mạng, Luật an toàn thông tin, Bộ Luật dân sự... Tuy nhiên, trong môi trường kết nối rộng mở của Internet, không phải lúc nào người dùng cũng nhận thức rõ được đâu là những hành vi vi phạm, bởi có rất nhiều hành động "mờ" khiến chúng ta không dễ nhìn ra sai phạm.

Biểu hiện vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số là gì?

Dưới đây, Hoatieu.vn xin giới thiệu đến bạn đọc một số biểu hiện được coi là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, giúp các bạn có ý thức sử dụng không gian mạng trách nhiệm hơn, tránh tình trạng vi phạm pháp pháp và rơi vào các tình huồng không nên làm, đôi khi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực ngoài xã hội, đặc biệt khi bạn là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức hoặc đảng viên, có thể vi phạm điều lệ của các tổ chức, cơ quan mà bạn đang học tập, làm việc.

1. Những biểu hiện vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số

Trong sử dụng công nghệ kĩ thuật số, những biểu hiện nào vi phạm đạo đức và pháp luật?

Thực tế khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số, có rất nhiều biểu hiện vi phạm đạo đức, văn hóa và pháp luật mà chúng ta vô tình không biết hoặc vì mục đích xấu mà cố ý vi phạm. Bao gồm một số hành vi như sau:

- Lạm dụng thông tin cá nhân của người khác: việc thu thập, đăng tải, chia sẻ công khai thông tin cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm quyền riêng tư, đôi khi gây hậu quả khó lường. Đây không chỉ là hành động thiếu văn hóa, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ:

+ Bố mẹ đăng tải hình ảnh con mình trên mạng xã hội, đôi khi lộ cả tên thật, tên gọi ở nhà của bé, ngày sinh, địa chỉ trường lớp bé đang học... mà không nhận thức rõ sự nguy hiểm của hành vi này. Những kẻ xấu có thể lợi dụng hình ảnh bố mẹ bé đăng tải sử dụng vào mục đích xấu độc; hoặc dựa vào thông tin chúng thu thập được từ mạng xã hội của bố mẹ bé để gây bất lợi cho bé.

+ Một số người vì tranh cãi trên mạng mà vào trang cá nhân của đối phương, tìm hiểu thông tin, đăng tải hình ảnh đối phương lên những website đen xấu độc hòng bôi nhọ nhân phẩm của người đó => Đây là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ để lộ lọt thông tin cá nhân của người khác mà còn phạm lỗi bôi nhọ nhân phẩm của cá nhân khác. Đây cũng là hành vi rất thiếu văn hóa đáng lên án.

- Phát tán thông tin giả mạo, sai lệch: Một số người lợi dụng công nghệ để phát tán thông tin giả, gây hoang mang dư luận hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Việc phát tán tin giả, sai lệch không chỉ vi phạm đạo đức, là hành vi vô văn hóa mà còn vi phạm pháp luật, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người tung tin.

Ví dụ:

+ Trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua, có một số người vì câu view, câu like đã đăng thông tin giả mạo về tình hình dịch bệnh với những cách giật title rất kêu, khiến người đọc hoang mang, dư luận lo lắng.

+ Thế lực thù địch, đặc biệt là những kẻ "xét lại lịch sử" đăng tải thông tin, video phát tán thông tin sai lệch về cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, nói rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến, không phải là cuộc chiến tranh chính nghĩa đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến.

- Phát tán nội dung vô văn hóa: Một số kẻ xấu lợi dụng công nghệ số truyền tải nội dung xấu độc, vô văn hóa gồm hình ảnh, video, bài viết, lời nói... lên mạng xã hội. Đây là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm băng hoại giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ví dụ: 

+ Một số kẻ vì mục đích xấu lấy hình ảnh của một cá nhân nào đó, dùng công nghệ deepfake lồng ghép mặt của cá nhân đó vào những video xấu độc, nhạy cảm.

+ Nhằm tăng tính tương tác, nhiều người đã đăng tải video, bài viết giật title gây sốc, chưa kiểm chứng đúng sai lên mạng xã hội, không quan tâm rằng những thông tin mình chia sẻ gây ra hậu quả gì.

+ Thành lập các nhóm để chia sẻ thông tin nhạy cảm.

- Hành vi dùng công nghệ kỹ thuật số cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư...

Ví dụ:

+ Doanh nghiệp A và doanh nghiệp B cùng ngành nghề. Để chiếm lợi nhiều hơn, doanh nghiệp A đã lén cài người vào doanh nghiệp B làm gián điệp, ghi âm nghe lén, trộm thông tin khách hàng của bên B. => Đây không chỉ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà còn là hành vi vi phạm Luật thương mại.

+ Một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, bất mãn chế độ, lợi dụng cương vị, chức vụ đang nắm giữ để xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.

- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

Ví dụ: Thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội hướng dẫn nhau trốn nợ tín dụng, nợ ngân hàng.

2. Hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng trong Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật chỉ ra rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Cụ thể:

- Hành vi sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc;

- Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;

- Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

- Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;

- Đăng tải thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

- Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

- Hành vi cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;

- Các hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép;

- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe công đồng.

3. Những hành vi nào nên làm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số?

Những hành vi nên làm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số có thể kể đến như:

- Chuyển sang chế độ im lặng hoặc tắt điện thoại khi đang ở trong lớp học buổi học,...

- Trong lớp học trực tuyến, một số học sinh tạo nhóm Zalo để trao đổi theo yêu cầu của giáo viên.

- Luôn xác minh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi chia sẻ.

- Phân biệt thông tin thật giả, cảnh giác với tin giả, tin đồn và các thông tin sai lệch.

-  Không chia sẻ thông tin cá nhân quá mức trên mạng xã hội.

- Giao tiếp lịch sự, tránh gây gổ, tranh cãi, tôn trọng người khác trên không gian mạng.

- Không xâm phạm quyền riêng tư của người khác, không sao chép, chia sẻ thông tin trái phép.

- Sử dụng các công cụ lọc để tìm kiếm thông tin lành mạnh, phù hợp với nhu cầu.

- Luôn cập nhật phần mềm, ứng dụng để đảm bảo an toàn, sử dụng phần mềm diệt virus để tăng tính bảo mật cho máy tính cá nhân.

- Thường xuyên sao lưu các dữ liệu quan trọng để tránh mất mát.

- Tìm kiếm các khóa học, bài giảng trực tuyến để nâng cao kiến thức.

- Chia sẻ những thông tin hữu ích, những câu chuyện tích cực, trao đổi và kết nối với cộng đồng.

- Hạn chế thời gian sử dụng, không dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử.

- Ưu tiên lựa chọn tương tác trực tiếp, giao tiếp trực tiếp với người thân và bạn bè.

- Báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong thời đại hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Việc tuân thủ những hành vi trên sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, sử dụng công nghệ một cách có hiệu quả và an toàn. Đồng thời bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những tác động tiêu cực mà công nghệ mang lại.

4. Mức phạt khi có hành vi vi phạm sử dụng công nghệ kỹ thuật số

Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, người có hành vi vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành chính:

Căn cứ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định như sau:

Điều 84. Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Trường hợp vi phạm quy định về sử dụng mạng, sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm chiếm đoạt tài sản:

Điều 81. Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

b) Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

c) Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Xử phạt hành chính đối với hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP như sau:

- Trang tin điện tử đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân: Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

- Cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự

Căn cứ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vu khống”, bị xử phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Đối với hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” và bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Đối với hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và bị xử phạt tù từ 05 đến 12 năm.

Trên đây Hoatieu đã giới thiệu đến bạn đọc Một số biểu hiện vi phạm khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số và mức phạt khi vi phạm năm 2024. Mời bạn đọc đón xem các bài viết hữu ích khách tại mục Hỏi đáp pháp luật nhé.

Đánh giá bài viết
41 13.123
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm