Đất nông nghiệp và phi nông nghiệp là gì 2024?

Các loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp là gì?, có chuyển nhượng được không? Kinh nghiệm mua bán đất ruộng, giá đất nông nghiệp 2024 được HoaTieu tìm hiểu gửi các bạn tham khảo.

Hiện nay, các quy định liên quan tới đất đai được nêu rõ tại Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/01/2024 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 thay thế cho luật cũ. Theo Công điện 53/CĐ-TTg năm 2024, Luật Đất đai mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024. Những quy định liên quan tới các loại đất, gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi, mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có những đặc điểm pháp lý nào? Chính sách về thuế, xây dựng nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp ra sao?HoaTieu.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất về 2 loại đất này.

1. Đất nông nghiệp là gì?

Đất ruộng, đất trồng canh tác nông nghiệp trồng cây lâu năm, hàng năm… đều là những từ ngữ nói về các loại đất nông nghiệp mà người dân vẫn thường sử dụng. Tuy nhiên, hiểu đất nông nghiệp là gì theo quy định của pháp luật.

Đất nông nghiệp có thể hiểu là tổng thể các loại đất được xác định sử dụng làm tư liệu sản xuất, phục vụ cho hoạt động phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp từ trồng trọt tới chăn nuôi, nghiên cứu, thí nghiệm, bảo vệ môi trường sinh thái hay cung ứng các sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Đất nông nghiệp là gì? Đất phi nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp là gì? Đất phi nông nghiệp là gì?

Đất nông nghiệp hay còn gọi là đất canh tác hoặc đất trồng trọt nhìn chung có thể hiểu là đất phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

2. Các loại đất nông nghiệp theo quy định 2024

2.1. Các loại đất nông nghiệp cơ bản

Theo quy định của pháp luật thì nhóm đất nông nghiệp 2024 bao gồm những loại nào? Theo Khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2024) xác định các loại đất nông nghiệp gồm có các nhóm cơ bản sau:

  • Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
  • Đất trồng cây lâu năm;
  • Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
  • Đất nuôi trồng thủy sản;
  • Đất chăn nuôi tập trung;
  • Đất làm muối;
  • Đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ.

2.2. Các loại đất nông nghiệp khác

Trong 7 nhóm đất nông nghiệp trên thì có một nhóm đất là nhóm đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ. Vậy nhóm đất nông nghiệp khác là gì? Thực ra nhóm đất nông nghiệp khác là đất không thuộc các nhóm trên và thường gồm các loại đất:

  • Đất sử dụng để xây nhà kính và các loại nhà khác phục vụ cho mục đích trồng trọt kể các các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất.
  • Đất sử dụng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật nuôi được pháp luật cho phép.
  • Đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu, thí nghiệm.
  • Đất ươm tạo cây và con giống, trồng hoa, cây cảnh.

2.3. Phân tích Phân loại các loại đất nông nghiệp

Việc phân các loại đất nông nghiệp dựa trên mục đích sản xuất giúp dễ quản lý, phân bổ hạn mức sử dụng, thời gian sử dụng đất và quy chế về thuế, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của của cơ quan chức năng.

Người sử dụng đất hợp pháp sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc được thuê và trên giấy tờ chứng nhận này sẽ có phân rõ loại đất nông nghiệp, có ký hiệu đất nông nghiệp theo từng loại riêng.

Qua đó, người quản lý thuộc cơ quan nhà nước dễ dàng áp dụng các chính sách và người sử dụng đất tìm hiểu đơn giản hơn về chính sách đất nông nghiệp đó gồm những gì nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi của mình.

Khi tìm hiểu sẽ thấy những câu hỏi như: Đất nông nghiệp 01, 03, 05, 10, 64 … là gì? Thực tế pháp luật không có các quy định về đất nông nghiệp quỹ 1 hoặc vị trí 1, quỹ 2, hay đất 5, 10% mà đó là cách gọi thông dụng của người dân về loại đất.

Đối với pháp luật thì đất được chia thành nhiều nhóm khác nhau bao gồm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp… Thực chất loại đất nông nghiệp quỹ 1, 2 là gì có thể được hiểu là loại đất nông nghiệp dự trữ thuộc đất công ích. Tức là theo diện tích đất nông nghiệp của địa phương mà địa phương sẽ dành 3, 5, 10% đất phục vụ công ích, giao, cho hộ dân thuê hoặc cho các đoàn thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Nên để nắm rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với loại đất đang sử dụng, bạn sẽ cần xem loại đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đó là loại đất nào, đất giao sử dụng lâu dài, có thời hạn không thu tiền sử dụng đất hay có thu tiền, hoặc đất cho thuê…

3. Đất phi nông nghiệp là gì? Các loại đất phi nông nghiệp 2024

3.1. Phân loại đất phi nông nghiệp

Đất phi nông nghiệp là loại đất không được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2024) thì đất phi nông nghiệp được chia thành các nhóm với mục đích sử dụng đất khác nhau như sau:

  • Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
  • Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
  • Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
  • Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
  • Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
  • Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng , chiếu sáng công cộng ; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
  • Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
  • Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
  • Đất có mặt nước chuyên dùng;
  • Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ;

Trong đó, nhóm đất phi nông nghiệp khác là gì? Đất phi nông nghiệp khác là các loại đất

  • Đất là nhà nghỉ, lán trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất.
  • Đất xây dựng khi và nhà để chứa nông sản, thuộc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
  • Đất xây dựng công trình khách của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

3.2. Ký hiệu đất phi nông nghiệp

Tại Tiểu mục 2 Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định về ký hiệu các loại đất, trong đó:

  • Ký hiệu đất phi nông nghiệp là PNN.
  • Ký hiệu đất phi nông nghiệp khác là PNK.

4. Câu hỏi về Đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp?

4.1. Đất nông nghiệp có phải nộp thuế?

Khi tìm hiểu về đất nông nghiệp sẽ có một câu hỏi là Đất nông nghiệp có phải nộp thuế? Thực chất thuế này là thuế gián thu đánh vào việc sử dụng các loại đất nông nghiệp. Người có nghĩa vụ nộp thuế là tổ chức, cá nhân sử dụng đất mà không cần biết có sử dụng đất đó trên thực tế hay không.

Thuế đất nông nghiệp sẽ được tính bằng: diện tích đất, hạng đất và định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.

Theo Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993, Điều 2 Nghị định 74-CP thì các loại đất nông nghiệp chịu thuế là:

  • Đất trồng trọt là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ.
  • Đất trồng cây hàng năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng (từ khi trồng đến khi thu hoạch) không quá 365 ngày như lúa, ngô, rau, lạc... hoặc cây trồng một lần cho thu hoạch một vài năm nhưng không trải qua thời kỳ xây dựng cơ bản như mía, chuối, cói, gai, sả, dứa (thơm)..
  • Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có chu kỳ sinh trưởng trên 365 ngày, trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch như cao su, chè, cà phê, cam, quýt, nhãn, cọ, dừa...
  • Đất trồng cỏ là đất đã có chủ sử dụng vào việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
  • Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là đất đã có chủ sử dụng chuyên nuôi trồng thuỷ sản hoặc vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng trọt, nhưng về cơ bản không sử dụng vào các mục đích khác.
  • Đất trồng là đất đã được trồng rừng và đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và khai thác, không bao gồm đất đồi núi trọc.

Trong trường hợp không sử dụng đất thuộc diện chịu thuế theo quy định tại điều này chủ sử dụng đất vẫn phải nộp thuế theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

4.2. Thuế đất phi nông nghiệp là gì?

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, loại thuế này có thể hiểu đơn giản là khoản tiền mà các cá nhân, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình sử dụng đất phi nông nghiệp phải đóng vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.

4.3. Chuyển nhượng mua bán đất nông nghiệp 2024 thế nào?

Mua bán đất nông nghiệp hiện nay rất phổ biến và nhiều người vẫn thắc mắc về quy chế chuyển nhượng, mua bán đất nông nghiệp như thế nào, có được cấp sổ đỏ không?

Các quy định của pháp luật, đất nông nghiệp Việt Nam trong hoạt động mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp như thế nào? HoaTieu.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này để có tính toán rõ ràng, kỹ lưỡng xem Có nên mua đất nông nghiệp không, đặc biệt là các loại đất nông nghiệp xen kẽ, nằm cài kẹt trong khu dân cư…

Trước hết, có thể nhận thấy có loại đất nông nghiệp có thể mua bán được và có loại đất nếu mua bán là bất hợp pháp. Có thể mua bán đất ruộng nếu đất nông nghiệp đó đảm bảo các điều kiện sau:

Điều kiện về loại đất nông nghiệp được chuyển nhượng

Tại Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
  • Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án.
  • Trong thời hạn sử dụng đất.
  • Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Như vậy đất nông nghiệp hết hạn sử dụng sẽ không thuộc nhóm đối tượng được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Để xác định thời hạn đất nông nghiệp hết hạn hay thời hạn 50 năm, 20 năm… sẽ xem trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp mà cá nhân, hộ gia đình được cấp.

4.4. Các khoản tiền phải nộp khi chuyển quyền sử dụng đất

Ngoài việc hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để làm sổ riêng cho đất nông nghiệp chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng sẽ phải thực hiện các khoản tiền về chuyển quyền sử dụng đất bao gồm:

4.4.1. Thuế TNCN khi chuyển quyền sử dụng đất

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá đất chuyển nhượng x Thuế suất 2%

4.4.2. Lệ phí trước bạ: Cách tính lệ phí trước bạ phải nộp như sau: Số tiền lệ phí trước bạ phải nộp (đồng) = Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ (đồng) x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%). Trong đó, mức thu lệ phí trước bạ của nhà đất là 0,5%.

4.4.3. Lệ phí địa chính: là Khoản thu vào tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền giải quyết các công việc về địa chính.

Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc: Trong đó mức thu tối đa áp dụng cho cá nhân, hộ gia định thuộc các thành phố trực thuộc trung ương, phương nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh là:

* Phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhà và tài sản gắn liền với đất tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại,, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.

Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.

* Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai: Không quá 28.000 đồng/1 lần.

* Trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính: Không quá 15.000 đồng/1 lần.

Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực khác: Tối đa không quá 50% mức thu được áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.

4.4.4. Phí công chứng hợp đồng

  • Mức thu lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản được tính theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng.
  • Mức thu lệ phí chứng thực đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính tính dựa trên giá trị tài sản hoặc hợp đồng.

4.5. Kinh nghiệm mua đất nông nghiệp 2024

Để mua đất nông nghiệp được an toàn, có thể chuyển nhượng và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp thì người mua đất cần lưu ý:

  • So sánh giá đất nông nghiệp các khu vực xung quanh.
  • Kiểm tra xem loại đất nông nghiệp đó có thuộc đất được nhận chuyển giao
  • Kiểm tra điều kiện của người chuyển nhượng đất nông nghiệp: đúng chủ thể sử dụng, được phép chuyển nhượng.
  • Xem xét bản thân có thuộc nhóm đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hay không
  • Hạn mức được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của mình là bao nhiêu
  • Tìm hiểu và đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục chuyển nhượng từ hợp đồng mua bán, công chứng, làm thủ tục hồ sơ chuyển nhượng với cơ quan địa chính đăng ký đất đai, tài sản, làm sổ đỏ.
  • Công chứng hợp đồng mua bán
  • Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí chuyển nhượng đầy đủ.

4.6. Đất nông nghiệp có được xây nhà tạm không?

Theo Điều 11 Luật Đất đai 2024 thì nghiêm cấm không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Điều này có nghĩa là việc sử dụng đất nông nghiệp là để sản xuất, trồng trọt chăn nuôi và chỉ được xây dựng các công trình phục vụ cho việc trồng trọt trên đất nông nghiệp nếu không sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị cưỡng chế tháo dỡ, thu hồi và nộp phát.

Vậy, đất nông nghiệp có được xây nhà không, xây nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp có được xem là hợp pháp? Quy chế về việc xây dựng trên đất nông nghiệp chỉ xây dựng các công trình gồm:

  • Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất
  • Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.

Như vậy, nếu như đất nông nghiệp xây nhà cấp 4 thì sẽ chỉ là nhà phục vụ cho lán trại chăn nuôi, đề đồ cho gia súc, gia cầm hoạch sản xuất nông nghiệp chứ không phải là nhà ở.

Chi tiết các bạn tham khảo tại: Xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp có được phép không?

4.7. Đất phi nông nghiệp có được xây nhà không?

Tại tiết 2.1 Tiểu mục 2 Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT có quy định về đất ở như sau:

Đất ở là đất để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ cho đời sống và vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được công nhận là đất ở. Trường hợp thửa đất có vườn ao gắn liền với nhà ở mà chưa được công nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất ở được xác định tạm thời bằng hạn mức giao đất ở mới theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

Trường hợp đất ở có kết hợp sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (kể cả nhà chung cư có mục đích hỗn hợp) thì ngoài việc thống kê theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 cũng quy định đất ở là đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

Tóm lại, đất phi nông nghiệp có được xây nhà ở nhưng trong trường hợp đất ở có kết hợp sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì ngoài việc thống kê theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Ngược lại nếu đất phi nông nghiệp được sử dụng cho mục đích khác mà không phải là đất ở thì người sở hữu đất không được xây nhà trên loại đất này.

4.8. Đất phi nông nghiệp có được cấp sổ đỏ không?

Đất phi nông nghiệp có được cấp sổ đỏ không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Thực chất khái niệm sổ đỏ không có quy định trong luật mà nó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Nó là căn cứ chứng minh quyền sở hữu quyền sử dụng đất hợp pháp.

Đất phi nông nghiệp là gì? Đất phi nông nghiệp có được cấp sổ đỏ không?
Đất phi nông nghiệp là gì? Đất phi nông nghiệp có được cấp sổ đỏ không?

Mỗi loại đất phi nông nghiệp sẽ có giấy chứng nhận quyền sở hữu riêng nhưng với khái niệm sổ đỏ đất phi nông nghiệp có lẽ nhiều người hiểu đó là chứng nhận về quyền sử dụng đất ở, có thể xây nhà và thực hiện các hoạt động khác.

Đất phi nông nghiệp thực chất là nhóm đất trong đó bao gồm nhóm đất ở và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Do đó người muốn xây nhà sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất phi nông nghiệp là đất ở.

4.9. Đất phi nông nghiệp có phải là đất thổ cư không?

Hiện nay, pháp luật không có bất cứ quy định cụ thể nào liên quan tới đất thổ cư. Cách gọi nhóm đất thổ cư chỉ là cách gọi của người dân, tuy nhiên có thể hiểu đất thổ cư là chỉ nhóm đất dùng để ở, gồm các loại đất ở nông thôn và đất ở thành thị.

Cũng tại điểm a Khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực chính thức kể từ 1/8/2024) quy định về nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó có loại đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị. Như vậy cũng có thể hiểu rằng đất phi nông nghiệp chính là đất thổ cư.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan về quy chế pháp lý đối với đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hy vọng sẽ giúp người sở hữu đất nắm rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mời các bạn tham khảo các bài viết mục Hỏi đáp pháp luật, thuộc Đất đai - Nhà ở của Hoa Tiêu như: 

Đánh giá bài viết
1 516
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm