Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng 2024?

Thông thường, khi tiến hành xây dựng công trình, nhà cửa đều phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Vậy Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép? Hoatieu.vn sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này.

Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng?

1. Làm nhà tạm bằng tôn có phải xin giấy phép không?

Nhà tạm bằng tôn là loại nhà được xây dựng rất đơn giản, gọn nhẹ, các mặt đều được sử dụng bằng các tấm tôn ghép lại, đây là loại nhà rất phổ biến trong các công trình xây dựng bởi tính tiết kiệm chi phí, dễ dàng tháo lắp di chuyển từ công trình này qua công trình khác.

Tại điểm c Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như sau:

Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng

2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:

c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này.

Dẫn chiếu tới Khoản 1 và 2 Điều 131 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, công trình tạm được định nghĩa như sau:

Điều 131. Xây dựng công trình tạm

1. Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:

a) Thi công xây dựng công trình chính;

b) Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.

Như vậy, làm nhà tạm bằng tôn được miễn giấy phép xây dựng nếu nhà tôn đó được xây dựng để thi công xây dựng công trình chính hoặc sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện phê duyệt. Riêng nhà tôn sử dụng cho việc tổ chức sự kiện thì phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và trong thời gian tồn tại của công trình tạm.

2. Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà tiền chế

Nhà tiền chế được hiểu là những nhà được lắp ghép đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng phục vụ cho các công trình trong một thời gian nhất định. Nếu không thuộc một trong các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo Mục 1 nêu trên thì vẫn phải xin giấy phép xây dựng cho nhà tiền chế.

Bước 1: Nội hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà tiền chế tại Ủy ban nhân dân cấp huyện

Bước 2: Uỷ ban nhân dân tiếp nhận và đánh giá sơ bộ hồ sơ, nếu có sai sót về thành phần hồ sơ, cơ quan sẽ thông báo cho người nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Trong thời gian làm việc 07 ngày. Hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà tiền chế phải được trình cơ quan chuyên môn thẩm định và kiểm tra thực địa. Việc thông báo cho Chủ đầu tư, chủ nhà về các giấy tờ cần bổ sung, thay đổi được thực hiện tối đa 05 ngày.

Sau khi bổ sung mà hồ sơ bổ sung vẫn còn thiếu hoặc không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày Phòng quản lý đô thị sẽ ra thông báo về việc không cấp giấy phép xây dựng và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nộp lệ phí và nhận kết quả

3. Lập mái tôn có phải xin giấy phép xây dựng không?

Lập mái tôn không phải là hình thức xây dựng nhà ở toàn phần, chỉ là một bộ phận của nhà ở. Chỉ khi xây dựng cả công trình nhà ở thì mới phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, trả lời cho câu hỏi trên, lập mái tôn không phải xin giấy phép xây dựng. 

4. Làm nhà mái tôn khung thép có phải xin phép không?

Việc làm nhà mái tôn khung thép có phải xin phép hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của công trình.

Theo như phân tích tại Mục 1, nhà mái tôn khung thép nếu là công trình tạm, được xây dựng với mục đích là thi công xây dựng công trình chính hoặc sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện, hoạt động khác trong thời gian quy định thì thuộc trường hợp không phải xin phép, được miễn Giấy phép xây dựng.

Mặt khác, nhà mái tôn khung thép cũng được xem là một công trình xây dựng cơ bản, tuy có kết cấu đơn giản hơn so với các công trình xây dựng bằng vật liệu truyền thống, nhưng nhà mái tôn khung thép vẫn có độ chắc chắn.

Nếu xây nhà mái tôn khung thép với mục đích làm nhà ở thông thường thì khi thực hiện cần tuân thủ các quy định pháp luật xây dựng, trong đó bao gồm cả việc phải xin cấp Giấy phép từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành xây dựng.

5. Nâng mái tôn có phải xin phép không?

Tại điểm d Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định như sau:

2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:

d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

Nếu việc nâng mái tôn thuộc trường hợp sửa chữa, cải tạo nhỏ phía bên ngoài căn nhà, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng... thì không cần phải xin phép.

Nhưng nếu việc nâng mái tôn kéo theo nhiều phần công trình phải sửa đổi, ảnh hưởng đến nhiều phần công trình, yêu cầu cải tạo toàn bộ công trình thì khi tiến hành thực hiện nâng mái cần phải xin Giấy phép xây dựng.

6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình

Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng?

Trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình căn cứ theo Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ như sau:

  • 1. Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP
  • 2. Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật.
  • 3. Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.
  • 4. Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP
  • 5. Đối với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Trường hợp cần xin giấy phép di dời công trình căn cứ theo Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • 1. Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
  • 2. Các tài liệu theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 97 Luật Xây dựng năm 2014.

7. Hồ sơ xin giấy phép xây dựng công trình mới

Các trường hợp xin giấy phép xây dựng cho công trình phổ biến là đối với công trình không theo tuyến, đối với công trình theo tuyến theo Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

7.1 Đối với công trình không theo tuyến

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

-  Quyết định phê duyệt dự án; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, gồm; bản vẽ tổng mặt bằng toàn dự án, mặt bằng định vị công trình trên lô đất; bản vẽ kiến trúc các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình; bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, dự án.

7.2 Đối với công trình theo tuyến

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Quyết định phê duyệt dự án; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, gồm: sơ đồ vị trí tuyến công trình; bản vẽ mặt bằng tổng thể hoặc bản vẽ bình đồ công trình; bản vẽ các mặt cắt dọc và mặt cắt ngang chủ yếu của tuyến công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình; bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, dự án.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Dựng nhà tôn có phải xin giấy phép xây dựng 2024. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, tùy tình huống thực tế có các căn cứ pháp lý khác, nên sẽ có sự sai biệt với nội dung giới thiệu trên.

Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Đất đai mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn:

Đánh giá bài viết
7 1.591
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm