Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương được quy định thế nào? Chính quyền địa phương là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của bộ máy hành chính nhà nước. Đây là cơ quan gần gũi, quen thuộc với nhân dân nhất.

1. Khái niệm chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương là một thuật ngữ được sử dụng nhiều, rộng rãi và phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản pháp luật định nghĩa khái niệm chính quyền địa phương.

Trong từ điển tiếng Việt chính quyền được hiểu là bộ máy điều hành, quản lý công việc của nhà nước ở các cấp. Có thể hiểu chính quyền địa phương là hệ thống các cơ quan nhà nước được tổ chức ở địa phương, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương.

Chúng ta có thể thấy trong bộ máy nhà nước ta có hệ thống trung ương và hệ thống tại địa phương. Hệ thống trung ương là những cơ quan nhà nước cấp cao và điều hành trong phạm vi cả nước như Quốc hội, Chính phủ. Còn hệ thống địa phương là những cơ quan trực thuộc tại từng địa phương, khu vực trên cả nước như Uỷ ban nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh.

Như vậy chính quyền địa phương hiểu đơn giản là những cơ quan hành chính nhà nước tại từng địa phương, cụ thể là tại từng tỉnh, huyện và xã cụ thể.

2. Cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương

Cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương

Mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương được thực hiện thế nào?

Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

Trong đó:

  • Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

  • Uỷ ban nhân dân

Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Như vậy Hội đồng nhân dân chính là cơ quan đại diện nhân dân giám sát và kiểm soát mọi hoạt động của Uỷ ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cũng là cơ quan bầu cử ra Uỷ ban nhân dân.

3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp. Mỗi cấp lại có những quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau và trực thuộc trong khu vực địa chính của mình. Các nhiệm vụ cấp thấp không thể giải quyết thì sẽ do cấp trên thực hiện.

3.1 Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh

  • Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh.
  • Quyết định những vấn đề của tỉnh trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương ủy quyền.
  • Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn.
  • Chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh.
  • Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương, các địa phương thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
  • Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

3.2 Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện

  • Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn huyện.
  • Quyết định những vấn đề của huyện trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
  • Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã.
  • Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở huyện.
  • Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

3.3 Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã

  • Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã.
  • Quyết định những vấn đề của xã trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
  • Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã.
  • Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã.

4. Chức năng nhiệm vụ của UBND cấp xã

Chức năng nhiệm vụ của UBND cấp xã được quy định tại điều 35 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể:

  • Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung:

- Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã.

- Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.

- Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền

  • Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.
  • Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp cho bạn đọc Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết có liên quan tại mục Hành chính, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
14 36.584
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm