Bảng lương tối thiểu vùng theo địa phương mới nhất

Bảng lương tối thiểu vùng theo địa phương 2023 được thực hiện theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2022 vì thế mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp được căn cứ theo đúng quy định mới và có sự thay đổi. Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu mức lương tối thiểu vùng 2023 63 tỉnh thành nhé.

1. Mức Lương Tối Thiểu Vùng Năm 2023

Sau đây là mức lương tối thiểu vùng năm 2023:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Có thể thấy mức lương tối thiểu vùng mới nhất có sự tăng đáng kể như sau:

  • Vùng I tăng 260.000 đồng;
  • Vùng II tăng 240.000 đồng;
  • Vùng III tăng 210.000 đồng;
  • Vùng IV tăng 180.000 đồng;

Ngoài theo quy định mới thì mức lương tối thiểu vùng cũng đã được áp dụng quy định tối thiểu giờ theo từng vùng. Đây là một điểm mới trong quy định mức lương tối thiểu của người lao động. Điều này đã giúp bảo vệ những người lao động làm việc không theo tháng mà làm việc theo giờ đặc biệt là những học sinh, sinh viên khi người sử dụng lao động trả lương quá thấp. Bởi tình hình học sinh, sinh viên làm việc part time tại các thành phố lớn ngày càng nhiều, người sử dụng lao động cũng tận dụng nguồn lực này để làm việc cho họ, nhưng mức lương hiện tại ở một số doanh nghiệp, cửa hàng chưa xứng đáng với người lao động.

Mức Lương Tối Thiểu Vùng Năm 2023

Trong đó:

Vùng I: bao gồm thành phố, quận, huyện, thị xã trực thuộc trung tâm có nền kinh tế phát triển như: Gia Lâm; Đông Anh; Sóc Sơn; Thanh Trì; Thường Tín; Hoài Đức; Thạch Thất; Quốc Oai; Thanh Oai; Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây; thành phố Thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương…

Vùng II: bao gồm các huyện, tỉnh, thành phố ngoại thành có nền kinh tế tương đối phát triển như: huyện Ba Vì, Tp. Hải Dương, Tp Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, Vĩnh Yên; Phúc Yên; các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và huyện Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; các thành phố Long Xuyên, Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang; Tp.Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh; TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; Tp Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình….

Vùng III: bao gồm các quận, huyện, thị xã, có nền kinh tế ở mức khá tuy nhiên thấp hơn ở vùng II như: các huyện Cẩm Giàng; Nam Sách; Kim Thành; Kinh Môn; Gia Lộc; Bình Giang; Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương; thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; thị xã Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu; thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng; các huyện Năm Căn, Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau; các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc;

Vùng IV: bao gồm là các huyện, thị xã có nền kinh tế chưa phát triển, khó khăn, đặc biệt khó khăn (là các vùng, địa bàn còn lại).

Để biết cụ thể thêm các địa bàn thuộc các vùng, mời bạn đọc tham khảo phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/ND-CP.

2. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.

Quy định áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại điều 4 Nghị định 38/2022/ND-CP như sau:

Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp Bảng lương tối thiểu vùng theo địa phương mới nhất. Người lao động nên nắm rõ các quy định về lương tối thiểu vùng để đảm bảo các quyền lợi của bản thân, tránh trường hợp doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng được quy định. Nếu doanh nghiệp trả mức lương thấp hơn thì người lao động có thể khiếu nại. Để biết được chính xác mức lương tối thiểu vùng của mình, người lao động cần xác định nơi mình làm việc thuộc khu vực vùng nào và mình thuộc trình độ nào (đơn giản hay có đào tạo nghề).

Mời các bạn đọc các bài viết liên quan tại mục Lao động - tiền lương, mảng Hỏi đáp pháp luật.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 1.819
0 Bình luận
Sắp xếp theo