Nhiệm vụ và quyền hạn giáo viên Tổng phụ trách Đội 2025

Giáo viên Tổng phụ trách Đội đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học. Họ không chỉ là người hướng dẫn, dìu dắt các em đội viên mà còn là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong bài viết này, Hoatieu.vn sẽ đi sâu vào phân tích nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội, từ đó làm rõ hơn vai trò không thể thiếu của họ trong việc giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ.

1. Tổng phụ trách đội là gì?

Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là một cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường, chịu trách nhiệm trước nhà trường, đoàn thanh niên cấp trên về công tác quản lý, giáo dục thiếu nhi, thanh thiếu niên, học sinh trong trường.

Tổng phụ trách thường tổ chức những hoạt động của đội viên theo yêu cầu của Bộ giáo dục và đào tạo, tham gia các hội nghị liên tịch và các hội nghị xét duyệt có liên quan đến học sinh, đội viên trong nhà trường.

Trước đây, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội đôi khi là các giáo viên bộ môn kiêm nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội cũng phải được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội và bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội. Thầy (cô) là công tác Đội không chỉ có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường, mà còn cần năng động, nhạy bén, sáng tạo, nhiệt tình trong tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội

Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội được quy định tại Điều 3 Thông tư 27/2017/TT/BGDĐT như sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên ở mỗi cấp học theo quy định tại Điều lệ trường học hiện hành.

2. Tham mưu cho hiệu trưởng các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong phạm vi nhà trường.

3. Lập kế hoạch, tổ chức, quản lý các chương trình hoạt động cho đội viên, học sinh trong nhà trường theo kế hoạch của ngành Giáo dục, chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Hội đồng Đội các cấp.

4. Xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đội trong nhà trường theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; bồi dưỡng đội ngũ phụ trách chi đội, ban chỉ huy Đội các cấp.

5. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, hoạt động giáo dục trong nhà trường.

6. Học tập, rèn luyện và tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, công tác Đội và phong trào thiếu nhi do ngành Giáo dục, Hội đồng Đội các cấp tổ chức để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

7. Được bảo đảm các điều kiện để thực hiện các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

3. Giáo viên Tổng phụ trách Đội làm những công việc gì?

Công việc của giáo viên Tổng phụ trách Đội rất đa dạng và đòi hỏi nhiều kỹ năng, tâm huyết. Dưới đây là một số công việc chính của giáo viên Tổng phụ trách Đội :

1. Xây dựng và phát triển tổ chức Đội: Tuyển chọn và bồi dưỡng đội viên, xây dựng hệ thống tổ chức Đội, tham mưu cho Ban Giám hiệu,...

2. Tổ chức và điều phối các hoạt động Đội: Lập kế hoạch hoạt động của Đội dựa trên chương trình của Đoàn, Đội cấp trên và tình hình thực tế của trường. Điều phối và hướng dẫn các Chi đội, Liên đội thực hiện kế hoạch hoạt động, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả.

3. Giáo dục và rèn luyện đội viên: Giáo dục đội viên về lý tưởng cách mạng, truyền thống của Đoàn, Đội, về đạo đức, lối sống. Rèn luyện cho đội viên các kỹ năng cần thiết (kỹ năng tự học, làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sinh tồn...).

4. Quản lý hành chính và tài chính: Quản lý hồ sơ, sổ sách của Đội theo quy định, quản lý tài chính của Đội,...

5. Phối hợp với các lực lượng: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh và với các tổ chức khác để triển khai hoạt động của Đoàn.

6. Tham gia các hoạt động khác: Tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực hay tham gia các hoạt động do ngành Giáo dục, Đoàn, Đội tổ chức.

Ngoài ra, giáo viên Tổng phụ trách Đội còn có thể tham gia vào các hoạt động khác của trường như: giảng dạy, chủ nhiệm lớp học,...

4. Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội

Tại Điều 2 Thông tư 27/2017/TT/BGDĐT quy định tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội như sau:

1. Giáo viên được chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ (tiêu chuẩn đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập; tiêu chuẩn đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập).

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội.

c) Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

2. Ưu tiên chọn giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

5. Thẩm quyền cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội

Theo Điều 4 Thông tư 27/2017/TT/BGDĐT quy định thẩm quyền cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội như sau:

1. Hiệu trưởng thống nhất với Hội đồng trường về việc chọn giáo viên làm Tổng phụ trách Đội.

2. Hiệu trưởng ra quyết định cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội của nhà trường sau khi có ý kiến thống nhất của phòng giáo dục và đào tạo hoặc sở giáo dục và đào tạo (đơn vị quản lý trực tiếp nhà trường) và Hội đồng Đội cùng cấp.

Như vậy, Hiệu trưởng có thẩm quyền cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội sau khi đã có ý kiến thống nhất với Hội đồng nhà trường và báo cáo lên đơn vị quản lý trực tiếp của nhà trường là Phòng Giáo dục hoặc Sở Giáo dục - Đào tạo. Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội thông thường sẽ là giáo viên nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc), giáo dục công dân... và được bồi dưỡng chuyên môn về công tác đoàn, đội.

6. Thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội

Căn cứ Điều 5 Thông tư 27/2017/TT/BGDĐT quy định thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội như sau:

1. Thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 05 năm. Hết thời hạn trên, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo.

2. Trường hợp giáo viên hết thời hạn được cử nhưng còn đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng tiếp tục làm Tổng phụ trách Đội thì hiệu trưởng thống nhất với Hội đồng trường để xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

3. Trường hợp giáo viên chưa hết thời hạn được cử mà thôi không làm Tổng phụ trách Đội thì hiệu trưởng ra quyết định thôi cử đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, đồng thời cùng Hội đồng trường xem xét, chọn và cử giáo viên khác thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Theo đó, thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 5 năm. Tuy nhiên trên thực tế tại các trường học hiện nay, đa số giáo viên làm ở vị trí Tổng phụ trách Đội qua 2-3 nhiệm kỳ hoặc hơn. Cứ hết 5 năm theo luật định, giáo viên vẫn còn đủ tiêu chuẩn, hiệu trưởng sẽ thống nhất với Hội đồng nhà trường xem xét, cử giáo viên đó tiếp tục giữ cương vị Tổng phụ trách Đội.

7. Chính sách, chế độ Tổng phụ trách Đội mới nhất 2025

Giáo viên được cử làm tổng phụ trách đội trong trường phổ thông (bao gồm cả tổng phụ trách chuyên trách và bán chuyên trách) được hưởng các chế độ căn cứ vào Thông tư liên tịch 23 - TTLN năm 1996.

1. Hưởng phụ cấp trách nhiệm theo hệ số với các mức sau:

- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng I hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,30 lương tối thiểu.

- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng II hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,20 lương tối thiểu.

- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng III hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,10 lương tối thiểu.

Từ ngày 1/7/2024, theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở tối thiểu đã tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Vậy mức phụ cấp trách nhiệm của giáo viên Tổng phụ trách Đội là:

Hệ số 0,3702.000 đồng/tháng
Hệ số 0,2468.000 đồng/tháng
Hệ số 0,1234.000 đồng/tháng

2. Xếp lương giáo viên và hưởng các khoản phụ cấp, các chế độ khác như giáo viên (nghỉ phép, nghỉ hè, đi học tập bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trang cấp văn phòng phẩm...)

3. Hưởng chế độ khen thưởng như giáo viên và các danh hiệu đã thống nhất giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT.

Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp ngang với giáo viên giỏi cùng cấp được xét tặng huy chương Nhà giáo, huy chương Vì thế hệ trẻ và các huy chương khác của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

4. Chính sách khác tùy thuộc vào từng địa phương.

Tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể xem xét giải quyết thêm một số chế độ chính sách khác tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tổng phụ trách hoạt động tốt như hàng năm tổ chức cho đội ngũ tổng phụ trách đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tiên tiến, tạo điều kiện vật chất để hoạt động...

8. Định mức giờ dạy của giáo viên Tổng phụ trách Đội

Định mức giờ dạy của giáo viên khi làm Tổng phụ trách Đội được quy định như sau:

1. Đối với giáo viên dạy ở vùng cao, đảo, vùng sâu, vùng xa: 

  • Với trường có 19 lớp trở lên thì tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy.
  • Với trường có từ 10-19 lớp thì tổng phụ trách bán chuyên trách giảng dạy 3 tiết một tuần ở những lớp trung học cơ sở và 3 buổi một tuần với lớp tiểu học.

2. Đối với giáo viên dạy ở địa bàn khác:

  • Với trường trên 28 lớp thì tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy.
  • Với trường từ 18-27 lớp thì tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 8 tiết/ tuần với lớp trung học cơ sở hoặc 2 buổi/ tuần với lớp tiểu học.
  • Với trường có dưới 18 lớp thì tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 10 tiết/ tuần với lớp trung học cơ sở hoặc 3 buổi/ tuần với lớp tiểu học

Như vậy tuỳ thuộc vào vị trí tổng phục trách là chuyên trách hay bán chuyên trách thì sẽ phải dạy những tiết, buổi theo quy định trên.

Tuy vậy, thực tế hiện nay, số trường có từ 28 lớp trở lên không nhiều, thường tập trung ở khu vực thành phố lớn, những trường khu vực ngoại thành, nông thôn chỉ dao động trên dưới 20 lớp học. Do đó, giáo viên Tổng phụ trách Đội thường phải dạy từ 1/3 đến 1/2 định mức theo quy định là khá phổ biến.

Theo quy định hiện nay thì giáo viên được nghỉ hè 2 tháng nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn phải duy trì sinh hoạt hè cho học sinh hàng tuần nên gần như không được nghỉ hè.

9. Giáo viên có được từ chối nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội ở nhiệm kỳ tiếp theo không?

Căn cứ Điều 5 Thông tư 27/2017/TT/BGDĐT quy định về thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội đã nêu ở Mục 6 bài viết này. Theo đó:

Nhiệm kỳ Tổng phụ trách Đội là 05 năm, hết thời hạn trên, nhà trường phải có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo, trừ trường hợp giáo viên có nguyện vọng tiếp tục làm Tổng phụ trách Đội.

Trong trường hợp giáo viên đã làm đủ thời hạn 5 năm nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội và không có nguyện vọng tiếp tục làm ở vị trí này, Hiệu trưởng cần phải phân công giáo viên khác có đúng chuyên ngành đào tạo đảm nhiệm chức trách Tổng phụ trách Đội.

Như vậy, giáo viên có quyền từ chối nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội ở nhiệm kỳ tiếp theo khi thấy bản thân không đủ năng lực tiếp tục làm ở vị trí này.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoatieu.vn về Nhiệm vụ và quyền hạn giáo viên kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội 2025. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích tại chuyên mục Hỏi đáp pháp luật.

Đánh giá bài viết
15 41.719
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng