Xử lý đảng viên bị khởi tố 2023

Đảng viên phải gương mẫu trong các hoạt động phong trào. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều đảng viên vi phạm pháp luật. Vậy nếu Đảng viên bị khởi tố thì bị xử lý thế nào? Bài viết này Hoatieu.vn sẽ giải đáp cho bạn.

1. Xử lý đảng viên bị khởi tố

Căn cứ vào điều 17 Quy định 22/QĐ-TW 2021 về xử lý kỷ luật đối với Đảng viên bị khởi tố như sau:

Điều 17. Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật

1. Khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giữ, bắt, khám xét khẩn cấp, khởi tố bị can hoặc bản án có hiệu lực pháp luật đối với công dân là đảng viên thì chậm nhất là 3 ngày, thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên đó.

2. Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó.

3. Đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị toà án tuyên phạt tử hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đó là thành viên. Đảng viên, cấp ủy viên bị toà án tuyên phạt hình phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải quyết định cho đảng viên trở lại sinh hoạt đảng, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt cấp ủy và xem xét để quyết định xử lý kỷ luật theo đúng quy trình.

4. Đảng viên bị xử oan, sai đã được toà án quyết định hủy bỏ bản án hoặc thay đổi mức án, cơ quan có thẩm quyền đình chỉ vụ án thì các tổ chức đảng có thẩm quyền phải kịp thời xem xét lại quyết định kỷ luật đối với đảng viên đó, kể cả trường hợp đã chết.

Vì thế khi Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc tam giam thì tổ chức đảng sẽ thực hiện việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với Đảng viên đó luôn tuỳ theo mức độ xử lý mà không cần chờ kết luận của các cơ quan liên quan. Nghĩa là Đảng viên khi có đấu hiệu bị khởi tố sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật luôn.

Nếu Đảng viên sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, toà án, thanh tra mà thấy việc kỷ luật còn chưa đúng thì tổ chức đảng phải xem xét lại việc kỷ luật đối với Đảng viên đó.

Cũng có thể thấy trong quy định này thì những đảng viên sau khi bị khởi tố mà bị tuyên án mức phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì sẽ bị khai trừ hoặc xoá tên khỏi Đảng với Đảng viên dự bị.

Xử lý đảng viên bị khởi tố 2023

2. Đảng viên bị khởi tố bị đình chỉ sinh hoạt

Cụ thể cũng theo quy định tại điều 28 Quy định 22/QĐ-TW 2021 như sau:

Điều 28. Trường hợp bị đình chỉ sinh hoạt đảng

1. Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng nhằm ngăn chặn hành vi gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc hành vi làm cho vi phạm trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Đảng viên, cấp ủy viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành vi cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng hoặc bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam thì phải đình chỉ sinh hoạt đảng; cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng đương nhiên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy; cấp ủy viên bị khởi tố thì phải đình chỉ sinh hoạt cấp ủy nhưng vẫn được sinh hoạt đảng.

3. Tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành vi cụ thể cố ý gây trở ngại cho hoạt động của tổ chức đảng, cho công tác lãnh đạo và kiểm tra của Đảng thì đình chỉ hoạt động.

Bởi vậy khi đảng viên bị khởi tố thì việc đình chỉ sinh hoạt nhằm ngăn chặn nguy cơ hành của người đảng viên khi hoạt động có thể làm nghiêm trọng hơn vấn đề hoặc có quy định tại khoản 2 điều trên.

3. Thời hạn xử lý kỷ luật đảng viên

Căn cứ theo điều 31 Quy định 22/QĐ-TW 2021 cũng quy định về thời hạn xử lý kỷ luật đình chỉ sinh hoạt như sau:

Điều 31. Thời hạn đình chỉ sinh hoạt, hoạt động

1. Thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng và đình chỉ sinh hoạt cấp ủy là 90 ngày. Trường hợp phải gia hạn thì thời hạn đình chỉ kể cả gia hạn không quá 180 ngày. Thời hạn đình chỉ hoạt động đối với tổ chức đảng không quá 90 ngày.

2. Thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên (kể cả cấp ủy viên) bị truy tố, bị tạm giam và thời hạn đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên bị khởi tố được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).

3. Thủ trưởng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền quyết định khởi tố, tạm giam, truy tố, xét xử đối với công dân là đảng viên, cấp ủy viên phải chỉ đạo thông báo ngay bằng văn bản (chậm nhất là 3 ngày) các quyết định trên (kể cả khi gia hạn) đến cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên, cấp ủy viên đó.

Cụ thể là khi Đảng viên bị truy tố, tạm giam thì thời hạn đình chỉ sinh hoạt của Đảng viên được tính theo thời hạn quy định của pháp luật kể cả gia hạn. Nghĩa là khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền truy tố, khởi tố, tạm giam thì người Đảng viên sẽ bị đình chỉ sinh hoạt lập tức theo thời gian được ghi trong thông báo.

Như vậy có thể thấy hình thức xử phạt, thời hạn xử phạt đối với Đảng viên còn tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm của người Đảng viên đó theo pháp luật chứ không có quy định chặt chẽ, cụ thể về mức độ xử lý đối với Đảng viên.

4. Thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng viên

Cụ thể theo quy định tại điều 4 Quy định 69/QĐ-TW 2022 như sau:

Điều 4. Thời hiệu kỷ luật

1. Thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật.

2. Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

a) Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:

- 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.

- 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo.

- Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

b) Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:

- 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.

- 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

- Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Như vậy nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm của Đảng viên mà Đảng viên hoặc tổ chức có vi phạm mới thì thời hiệu sẽ được tính từ khi có vi phạm mới. Bởi vậy nếu Đảng viên còn vi phạm thì thời hiệu được tính theo lần vi phạm cuối cùng theo thời gian.

Ví dụ: Đảng viên A có vi phạm vào ngày 02/5/2018 và còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật, đến ngày 08/9/2020 lại có vi phạm mới thì thời hiệu đối với vi phạm cũ được tính lại từ ngày 08/9/2020. Tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật.

Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật đảng viên; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Ví dụ: Đảng viên A bị kỷ luật khiển trách, đảng viên đó khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên; tổ chức đảng giải quyết khiếu nại cuối cùng quyết định chuẩn y hình thức kỷ luật khiển trách đối với đảng viên đó (thời gian từ khi có hành vi vi phạm đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trên 5 năm), vì không tính lại thời hiệu nên đảng viên đó vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng cấp trên.

Xử lý đảng viên bị khởi tố 2021

5. Hồ sơ xử lý kỷ luật đảng viên

  • Bản tự kiểm điểm của đảng viên;
  • Biên bản kiểm phiếu (2 biên bản);
  • Phiếu biểu quyết ( 2 loại phiếu);
  • Biên bản họp xét kỷ luật của chi bộ;
  • Quyết định kỷ luật.

6. Đảng viên bị khởi tố có được dự đại hội không?

Trường hợp không triệu tập dự đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở bao gồm những trường hợp quy định tại Hướng dẫn 04-HD/TW năm 2014 như sau:

  • Những đảng viên ở đại hội đảng viên; những cấp ủy viên và những đại biểu ở đại hội đại biểu trước thời điểm khai mạc đại hội bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố, bị truy tố, tạm giam; những đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử.
  • Những cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã có thông báo hoặc quyết định nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội.

Do vậy, đảng viên bị khởi tố không được tham dự đại hội.

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Phiếu nhận xét đảng viên, Nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 3.557
0 Bình luận
Sắp xếp theo