Đọc hiểu Người con gái Việt Nam

Bài thơ Người con gái Việt Nam của Tố Hữu có thể nói là 1 trong số các tuyệt phẩm của ông. Người con gái Việt Nam đã khắc họa nên một hình tượng bằng xương bằng thịt về cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào, đồng chí miền Nam đi trước về sau. Sau đây là một số đề đọc hiểu bài thơ Người con gái Việt Nam của Tố Hữu có đáp án chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Tác giả: Tố Hữu (1920 - 2002), tên khai sinh: Nguyễn Kim Thành. Quê: ở Huế. Ông sớm giác ngộ cách mạng và hăng say hoạt động cách mạng. Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thi ca của ông hòa quyện vào nhau trong từng bước đi của lịch sử và thời đại. Giọng thơ của Tố Hữu: tâm tình, ngọt ngào, đậm đà tính dân tộc.

- Tác phẩm: ra đời vào 7/12/1958, khi đất nước ta tạm chia làm hai miền. Miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong khi miền Nam vẫn chịu sự thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm. Đây là thời kỳ đen tối và khốc liệt nhất của cách mạng miền Nam. Người con gái được nhắc đến trong bài thơ là chị Trần Thị Lý (Trần Thị Nhâm), quê ở Quảng Nam. Thoát khỏi nhà tù của Mỹ - ngụy, chị được đưa ra miền Bắc dưỡng bệnh. Trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô, chị Lý vinh dự được Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm. Trước tấm gương kiên trung của chị, với niềm xúc cảm lớn lao, nhà thơ Tố Hữu đã viết “Người con gái Việt Nam”, khắc họa nên một hình tượng bằng xương, bằng thịt về cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào, đồng chí miền Nam.

Đọc hiểu Em là ai cô gái hay nàng tiên

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên

Em có tuổi hay không có tuổi

Mái tóc em đây hay là mây là suối

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

Thịt da em hay là sắt là đồng?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt

Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt

Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh

Trên mình em đau đớn cả thân cành!

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại

Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời

Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

….

(Trích Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

Câu 2. Hình tượng nhân vật trung tâm trong đoạn trích là ai? Thái độ của tác giả đối với hình tượng ấy?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của những biện pháp tu từ có trong hai câu thơ sau:

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

Câu 4. Từ đoạn trích, anh/chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa.

Đáp án

1

- Thể thơ: Tự do.

2

- Hình tượng nhân vật trung tâm: Em/ Người con gái Việt Nam/ Người con gái anh hùng/ Nữ chiến sĩ Trần Thị Lý.

- Hình tượng ấy được tác giả thể hiện với thái độ: thương cảm, xót xa; cảm phục, ngợi ca, tự hào,…

3

- Biện pháp tu từ:

+ Liệt kê: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

+ Đối lập: Hành vi dã man của kẻ thù (câu trên) > < Tinh thần bất khuất của người nữ chiến sĩ (câu dưới)

- Tác dụng:

+ Tăng tính nhạc và tính gợi hình, biểu cảm cho câu thơ.

+ Nhấn mạnh hành động tra tấn dã man của kẻ thù vẫn không làm khuất phục tinh thần anh dũng, kiên cường của nữ chiến sĩ -> lòng cảm phục của nhà thơ…

4

Rút ra thông điệp có ý nghĩa từ đoạn trích: Sống phải có lí tưởng/Sống phải biết cống hiến/Cần có tấm lòng tri ân đối với thế hệ đi trước/…

(HS nêu được một thông điệp mang tính tích cực, liên quan đến đoạn trích đều cho điểm tối đa).

Người con gái Việt Nam đọc hiểu tự luận

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 : Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Em hình dung như thế nào về đôi mắt của "em" qua câu thơ: Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông?

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật sử dụng trong hai dòng thơ cuối.

Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, em hãy nêu nhận xét về vẻ đẹp của hình tượng "em".

Câu 5. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của nhà thơ đối với người nữ anh hùng?

Câu 6. Trong khổ thơ tiếp theo, Tố Hữu viết:

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại

Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời

Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ nội dung khổ thơ trên, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.

Gợi ý

Câu 1:

Thể thơ: Tự do

Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2: Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

Hình ảnh đôi mắt trong câu thơ trên là đôi mắt chất chứa lòng căm thù giặc; đó cũng là đôi mắt ngang tàng, thách thức trước kẻ thù; đôi mắt của quyết tâm không chịu đầu hàng, khuất phục.

Câu 3:

- Nghệ thuật:

+ Liệt kê (Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung)

+ Đối lập: Hành vi dã man của kẻ thù (câu trên) >< tinh thần bất khuất của người nữ chiến sĩ (câu dưới)

- Tác dụng: + Tăng tính nhạc và tính gợi hình, biểu cảm cho lời thơ

+ Nhấn mạnh hành động tra tấn dã man của kẻ thù không thể làm khuất phục tinh thần anh dũng, bất khuất của người nữ chiến sĩ; thể hiện lòng cảm phục của nhà thơ trước vẻ đẹp người con gái Việt Nam.

Câu 4: Nhận xét vẻ đẹp của "em" trong đoạn trích:

Cách trình bày 1:

Người con gái Việt Nam trong đoạn trích trên hiện lên với vẻ đẹp của lòng yêu nước, tinh thần căm thù giặc, đặc biệt là tinh thần anh dũng, bất khuất phi thường. Dù bị tra tấn dã man: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung nhưng chị vẫn kiên cường vượt qua tất cả.

Cách trình bày 2:

- Trong đoạn trích trên, dù bị tra tấn dã man: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung nhưng người nữ chiến sĩ vẫn kiên cường vượt qua.

- Chị hiện lên với vẻ đẹp của lòng yêu nước, tinh thần căm thù giặc, đặc biệt là tinh thần anh dũng, bất khuất phi thường.

Câu 5:

Tình cảm, thái độ của nhà thơ đối với người nữ anh hùng:

+ thương cảm, xót xa trước nỗi đau mà chị phải chịu đựng ()

+ cảm phục, ngợi ca, tự hào về tinh thần bất khuất, kiên cường của người nữ anh hùng ()

Câu 6:

- Trách nhiệm học tập, trau dồi tri thức;

- Trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện nhân cách;

=> trở thành người có ích cho xã hội

- Trách nhiệm xây dựng, cống hiến cho đất nước, quê hương: Lao động sản xuất, tham gia các hoạt động cộng đồng, yêu thương, giúp đỡ đồng bào, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ khi Tổ quốc cần.. 

Người con gái Việt Nam trắc nghiệm

Đề 1

Câu 1: Thể thơ của đoạn trích trên là:

A. Tự do

B. Tám chữ

C. Bảy chữ

D. Lục bát

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích:

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Câu 3: Dòng nào không biểu đạt hình ảnh đôi mắt của em qua câu thơ: Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông?

A. Đôi mắt chất chứa lòng căm thù giặc;

B. Đôi mắt ngang tàng, thách thức trước kẻ thù;

C. Đôi mắt quyết tâm không đầu hàng, khuất phục;

D. Đôi mắt dịu dàng, trong sáng, thánh thiện.

Câu 4: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

A. Tố Hữu

B. "Em"

C. Tôi

D. Quân giặc

Câu 5: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là:

A. Cảm hứng ngợi ca, tự hào

B. Cảm hứng xót xa, thương cảm

C. Cảm hứng phê phán tội ác giặc

D. Cảm hứng trào lộng

Câu 6: Cảm xúc, thái độ của nhà thơ thể hiện trong những câu thơ sau là gì: Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh/Trên mình em đau đớn cả thân cành:

A. Xót xa

B. Căm thù

C. Phê phán

D. Ca ngợi

Câu 7: Giá trị biểu đạt của những câu hỏi tu từ trong khổ thơ đầu là gì:

A. Hỏi nhằm biểu đạt sự nghi ngờ về điều đặc biệt ở "em"

B. Hỏi nhằm khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của "em"

C. Hỏi nhằm tìm kiếm sự thật về "em".

D. Hỏi nhằm thể hiện sự cảm thông, thương xót cho "em".

Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Phân tích tác dụng của những câu hỏi tu từ trong khổ thơ thứ nhất.

- Các câu hỏi tu từ:

Em là ai cô gái hay nàng tiên?

Em có tuổi hay không có tuổi?

Mái tóc em hay là mây là suối?

Ánh mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông?

Thịt da em hay là sắt là đồng?

- Tác dụng:

+ Tác giả nêu ra các câu hỏi tu từ nhưng không nhằm tìm kiếm câu trả lời mà nhằm ca ngợi vẻ đẹp của em, nhằm khẳng định vẻ đẹp ở về sau của câu hỏi: Em là nàng tiên có sức sống kì diệu, mang đến điều kì diệu; em như người "không tuổi" - sống mãi; mái tóc em đẹp như mây như suối, ánh mắt em chất chứa lòng căm thù giặc, ý chí diệt thù, tinh thần bất khuất và thịt da em cứng như sắt như đồng, có thể gánh chụi bao đòn roi với tinh thần bất khuất.

+ Tăng tính nhạc cho lời thơ, giúp lời thơ thêm gợi hình, biểu cảm.

Câu 9: Khái quát nội dung của đoạn trích.

Khái quát nội dung của đoạn trích: Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của hình tượng người con gái Việt Nam: Dũng cảm, kiên cường, yêu đất nước. Qua đó ta thấy được tình cảm yêu mến, tự hào, khâm phục của nhà thơ đối với nhân vật nữ anh hùng.

Câu 10: Hình tượng người con gái Việt Nam được khắc họa trong đoạn thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về lẽ sống của tuổi trẻ?

- Hình tượng nhân vật trong đoạn thơ trên được miêu tả là người con gái bất khuất, kiên cường, yêu nước. Dù bị tra tấn dã man chị cũng vẫn giữ vững tinh thần cách mạng.

- Hình tượng người con gái Việt Nam trong bài thơ khiến em nghĩ đến trách nhiệm của tuổi trẻ ngày nay: Biết ơn đối với sự hi sinh của các thế hệ đi trước, trân quý cuộc sống hòa bình mà ông cha ta đã bảo vệ; có tình yêu đất nước, quê hương; có trách nhiệm giữ gìn bản sắc quê hương, đất nước; phấn đấu học tập, lao động để cống hiến cho đất nước; tham gia các hoạt động cộng đồng: Đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ di sản văn hóa, truyền thống, bảo vệ môi trường, chung tay giúp đồng bào hoạn nạn..

Đề 2

Câu 1: Thể thơ của văn bản trên giống với thể thơ của văn bản nào sau đây?

A. Bảo kính cảnh giới 43 - Nguyễn Trãi

B. Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

C. Đất nước - Nguyễn Đình Thi

D. Bạn đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến.

Câu 2: Hình tượng nghệ thuật trong bài thơ là:

A. Hình tượng "tôi"

B. Hình tượng "em"

C. Hình tượng đôi mắt

D. Hình tượng đôi bàn tay.

Câu 3: Những biện pháp nghệ thuật sử dụng trong khổ thơ thứ nhất là?

A. Liệt kê

B. Câu hỏi tu từ

C. Điệp ngữ

D. Cả A, B, C

Câu 4: Dòng nào nêu đúng một trong số những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ?

A. Chất cổ điển kết hợp với chất hiện đại

B. Chất trữ tình kết hợp với chất chính trị

C. Hình ảnh tượng trưng ước lệ kết hợp cùng hình ảnh đậm chất hiện thực

D. Ngôn từ vừa trong sáng, tự nhiên vừa trang trọng, cổ kính

Câu 5: Hai câu thơ: Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt - Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt thể hiện tâm trạng, thái độ gì của Tố Hữu?

A. Đau đớn, xót xa, đồng cảm

B. Căm thù, giận dữ tận gan ruột

C. Bàng hoàng ngơ ngác, không thể tin

D. Niềm vui vì chị đã sống lại

Câu 6: Dòng nào không liên quan đến nội dung câu thơ: Em đã sống lại rồi, em đã sống

A. "Em" đã hồi sinh sau biết bao đau đớn cực hình

B. Ca ngợi sức sống bền bỉ, mãnh liệt của "em"

C. Thể hiện niềm vui mừng của nhà thơ trước sự trở về của em

D. Phép điệp tạo giọng điệu vui tươi cho lời thơ

Câu 7: Hai câu thơ: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung - Không giết được em người con gái anh hùng sử dụng các biện pháp nghệ thuật gì?

A. Liệt kê, ẩn dụ

B. Liệt kê, đối lập

C. So sánh, ẩn dụ

D. Nhân hóa, liệt kê

Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Nêu nội dung của từng khổ thơ.

- Khổ 1: Thái độ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, tình cảm yêu mến, ngợi ca của tác giả trước vẻ đẹp của nhân vật "em".

- Khổ 2: Niềm đau xót, cảm thương của tác giả trước nỗi đau mà "em" phải gánh chịu.

- Khổ 3: Niềm vui trước sự hồi sinh của "em", ngợi ca sức sống bền bỉ, tinh thần bất khuất của "em".

Câu 9: Em hãy kể tên 2 tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của những nữ anh hùng trong chiến tranh.

- Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)

- Ngã ba Đồng Lộc (Huy Cận)

Câu 10: Theo em, Tố Hữu thể hiện cảm xúc gì của mình qua những câu thơ:

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Trả lời

Với giọng điệu hân hoan như một tiếng reo vui, người đọc có thể nhận thấy cảm xúc vui mừng, xúc động của Tố Hữu trước sự hồi sinh kì diệu của người con gái. Sau bao đòn tra tấn dã man, cái chết như hiện hữu trogn đôi chân lạnh ngắt, đôi tay nắm chặt, trên thân mình đau đớn tả tơi.. nhưng cuối cùng "em" đã trở về trong niềm vui, sự chờ đón của vòng tay đồng đội.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 64
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm