Bí quyết làm bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao

Kĩ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Văn hay nhất

Kì thi tốt nghiệp THPT 2024 đã cận kề. Ở những bài viết trước Hoatieu đã chia sẻ đến các em học sinh các tác phẩm trọng tâm thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong bài viết này, Hoatieu xin chia sẻ thêm cho các thí sinh bí quyết làm bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao cũng như gây ấn tượng với người chấm bài để các em đạt kết quả tốt nhất.

Kĩ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Văn hay nhất

1. Cách phân bổ thời gian làm bài Văn thi THPT quốc gia

Đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia gồm 2 phần:

- ĐỌC HIỂU (3 điểm)

- LÀM VĂN (7 điểm).

Với thời gian làm bài 120 phút, bạn có thể phân bổ thời gian theo chiến lược 15/25/80 khi làm bài. Cụ thể là:

- 15 phút để làm phần ĐỌC HIỂU. Phần này chỉ chiếm 30% số điểm và không hóc búa nên bạn cần tiết kiệm thời gian và chiếm trọn 3 điểm của phần này.

- 25 phút để làm câu 1 của phần LÀM VĂN. Phần này thường là bàn về một đạo lý, triết lý cuộc sống như thành công, trung thực... hay hiện tượng xã hội và rút ra bài học với bản thân. Phần này cũng tương đối dễ ăn điểm vì gắn liền với thực trạng cuộc sống.

- 80 phút còn lại dành cho bạn làm câu 2 của phần LÀM VĂN. Đây là phần nghị luận văn học chiếm số điểm nhiều nhất trong đề thi.

LƯU Ý: Với phần LÀM VĂN, tốt nhất bạn nên vạch ra dàn ý, có luận điểm rõ ràng. Đặc biệt là phần Nghị luận xã hội không nên viết lan man, không đúng trọng tâm, rất dễ bị trừ điểm.

2. Chiến lược để làm bài thi môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT  điểm cao

Yếu tố cơ bản để làm văn hay

  • Đi đúng trọng tâm đề bài, không lan man, không lạc đề
  • Bài viết có mở, thân, kết bài rõ ràng, hợp lý
  • Sử dụng từ ngữ chính xác, không sử dụng những từ không phù hợp hoàn cảnh, mục đích bài viết
  • Đảm bảo ngữ pháp của câu văn, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ
  • Chữ viết sạch đẹp, không gạch xóa chi chit

Phần đọc - hiểu

  • Đọc kỹ câu hỏi, gạch chân từ khóa quan trọng trong câu hỏi trước khi đọc đoạn văn
  • Trả lời ngắn gọn, xúc tích, đúng trọng tâm của câu hỏi

Tại phần đọc hiểu, ngân hàng kiến thức là vô cùng nhiều. Thí sinh cần phải biết những dạng câu hỏi nào thường gặp, câu hỏi nào ít gặp để khoanh vùng ôn tập.

Tham khảo:

Câu 1 thường là câu kiểm tra kiến thức tiếng Việt và văn học. Để làm tốt câu này, sĩ tử cần nắm rõ về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phương thức lập luận, đề tài, thể loại,…

Câu 2 người học chú ý câu hỏi dạng như: "Theo tác giả, (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) được nói đến trong đoạn trích là gì?", hay "Anh/ chị hiểu thế nào về (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) trong đoạn trích trên?"...

Câu 3 thường ở dạng: vì sao sao tác giả cho rằng (ý kiến)?

Câu 4 thường kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của thí sinh vào thực hành. Dạng câu hỏi thường gặp là: "Anh/chị có đồng quan điểm với tác giả không? Vì sao?", "Bài học rút ra từ đoạn trích trên?"...

Phần làm văn

1. Câu 1

  • Với câu hỏi về đạo lý cuộc sống, thí sinh cần trả lời được các câu hỏi "Định nghĩa", "Tại sao?", "Ngược lại thì như thế nào?", sau đó kết luận. Bạn cần thể hiện quan điểm của mình và đưa bằng chứng trong cuộc sống để chứng minh quan điểm đó.
  • Với câu hỏi về hiện tượng trong cuộc sống, thí sinh cần trả lời các câu hỏi trọng tâm: Vấn đề gì đang diễn ra? Ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới xã hội? Nguyên nhân của hiện tượng? Bài học rút ra được sau khi chứng kiến hiện tượng đó là gì?...

2. Câu 2

Bạn nên tập trung nghe giảng, vạch ra các ý chính trong tác phẩm rồi mới học đến các chi tiết phụ. Cách này giúp bạn dễ học, dễ nhớ và không lo bỏ sót ý khi làm bài. Riêng những luận điểm chính đã giúp bạn chiếm được một lượng điểm nhất định trong tổng điểm. Vì thế nếu bạn không thể phân tích sâu thì cũng có được số điểm nhất định.

Thí sinh cũng nên tập viết nhiều, tìm và giải các đề thi của năm trước để không bỡ ngỡ. Để học hiệu quả, thí sinh có thể nhóm các tác phẩm theo từng nhóm như theo đề tài, chủ đề, giai đoạn văn học, tác giả, khuynh hướng (lãng mạn, hiện thực, sử thi,...), trào lưu, thể loại (trữ tình - tự sự - kịch - nghị luận),... để tiện ghi nhớ và phân tích.

3. Cách để viết mở bài nghị luận văn học lấy lòng giáo viên chấm thi

Trong một bài nghị luận văn học, bạn phải đảm bảo đủ mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó phần mở bài rất quan trọng, tạo tiền đề cho bạn viết những phần tiếp theo cũng như tạo được dấu ấn tốt với giáo viên chấm thi.

Yêu cầu với mở bài

  • Đặt vấn đề/nêu vấn đề mà bài văn cần phải xử lý/giải quyết. Có rất nhiều học sinh mở bài dài, rất hay nhưng không nêu được vấn đề cần giải quyết nên không có điểm
  • Mở bài có thể trực tiếp và gián tiếp. Hiện nay, có rất nhiều học sinh chỉ mở bài một cách theo khuôn mẫu, truyền thống, đáp ứng được tiêu chí mở bài đúng nhưng lại không tạo được sự hấp dẫn cho người đọc.
  • Không nên quá dài
  • Đúng ngữ pháp, chính tả, dấu câu

Các cách để có mở bài hay

Phần dưới đây đề cập tới cách mở bài gián tiếp

Cách 1: Đi từ nhân vật, hình tượng

Nhân vật, hình tượng trong một tác phẩm là những chi tiết "đinh". Nếu biết cách triển khai từ nhân vật, hình tượng, bạn sẽ có một mở bài hay, chứng tỏ sự hiểu bài và cảm thụ văn học.

Cách 2: Đi từ tác giả

Với cách này, thí sinh cần ghi nhớ điểm đặc biệt của nhà văn, nhà thơ hoặc phong cách viết để triển khai chính xác.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu phân tích hình tượng người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của Kim Lân.

=> Học sinh có thể viết rằng: "Nhắc tới hồn văn bình dị, gắn liền với cuộc sống nông thôn và người dân miền Bắc không ai không biết đó là Kim Lân. Ông có rất nhiều tác phẩm xuất sắc và một trong số đó là Vợ nhặt...."

Cách 3: Đi từ hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm nào cũng có hoàn cảnh sáng tác và đều được đề cập tới trong quá trình phân tích tác phẩm ở trên lớp. Đi từ hoàn cảnh sáng tác, bạn chỉ cần lồng ghép khéo léo tên tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận là trọn vẹn.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu cảm nhận hình tượng người lái đò trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà".

=>Thí sinh có thể viết: "Được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc, "Người lái đò sông Đà" là kết quả từ chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến Tây Bắc. Qua ngòi bút sắc sảo, độc đáo, cùng tình yêu thiên nhiên đất nước, hình tượng người lái đò hiện lên... "

Cách 4: Đi từ chủ đề

Bất kỳ tác phẩm nào cũng đều có một chủ đề nhất định. Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm điều gì... bạn có thể lồng ghép đưa vào mở bài.

Cách 5: So sánh

So sánh cũng là cách rất hay giúp học sinh triển khai mở bài hấp dẫn. So sánh chính là đối chiếu hai hoặc nhiều đối tượng với nhau để người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của đối tượng đó.

Cách mở bài theo kiểu so sánh cũng giúp người đọc nhận thấy được vốn hiểu biết văn học phong phú của bạn. Bạn có thể so sánh về tác giả, đề tài, chủ đề, nội dung, cảm hứng, thể loại, giai đoạn, giá trị, nhân vật… của các tác phẩm với nhau.

Ví dụ: Đề bài yêu cầu cảm nhận 9 câu thơ đầu trong bài "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm)

=> Bạn có thể viết: "Đất Nước” từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc và bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu (trích thơ).

Nếu đề bài yêu cầu so sánh 2 bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi và "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm, bạn có thể viết: "Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã đi vào không biết bao nhiêu bài thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ “Nam quốc sơn hà”, "Hịch tướng sĩ”... tiếp nối bền vững qua mỗi thời kỳ. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy".

Cách 6: Phản đề

Với cách này, bạn nêu sự đối lập, tương phản so với vấn đề nêu trong đề bài. Cách này rất thú vị, có thể tạo sự kích thích ngay từ đầu cho giáo viên chấm điểm.

4. Cách lấy dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội tạo ấn tượng với người chấm

Tác dụng của việc lấy dẫn chứng

  • Chứng tỏ sự hiểu biết về đề bài cũng vốn kiến thức xã hội của thí sinh
  • Giúp bài viết thêm thuyết phục, hấp dẫn, không bị mơ hồ, lý thuyết suông
  • Giúp ghi điểm trọn vẹn trong phần làm văn nghị luận xã hội

=> Một chất liệu không thể thiếu khi viết đoạn văn chừng 200 chữ về một tư tưởng, đạo lý, một hiện tượng xã hội nào đó.

Lấy dẫn chứng như thế nào?

Thông thường mỗi luận điểm sẽ có một dẫn chứng. Tuy nhiên nếu không lựa chọn đúng lí lẽ và phân tích sâu dẫn chứng thì sẽ làm bài viết bị mờ nhòa hoặc đi sai trọng điểm. Bạn cần ghi nhớ:

  • Đối với bài nghị luận về một hiện tượng trong đời sống, đưa nhiều dẫn chứng ở phần nêu thực trạng
  • Đối với dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, phần phân tích, chứng minh phải có dẫn chứng đi kèm.

Ví dụ 1: Yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

Với đề này, chúng ta phải giải thích sự tử tế là gì, sự tử tế có ý nghĩa như thế nào với con người và xã hội cũng như lật ngược lại vấn đề nếu như xã hội này không còn sự tử tế. Trong đó, việc đưa dẫn chứng cần là những việc có thực trong đời sống.

- Dẫn chứng về việc làm tử tế: Vào tháng 6 vừa qua, clip cậu bé Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 6 trường THCS Long An (xã Long An, H.Long Thành, Đồng Nai) dừng xe lại trước một cống thoát nước rồi cuối xuống nhặt hết đống rác đang che miệng cống để khơi thông dòng chảy được lan truyền trên mạng xã hội. Hành động đẹp, ý nghĩa của em truyền cảm hứng chung tay làm việc tốt, bảo vệ môi trường tới cộng đồng.

=> Đây là sự việc mới, được báo chí, truyền thông rầm rộ cách đây không lâu. Việc lấy được những dẫn chứng mới giúp bài viết sinh động, thời sự, không bị đi vào lối mòn.

Ngoài ra, thí sinh có thể lấy dẫn chứng việc làm tử tế xung quanh đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những mạnh thường quân ủng hộ tiền, vật dụng, thiết bị y tế, cống hiến cho cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh....

- Còn dẫn chứng về việc xã hội thiếu sự tử tế thì sẽ như thế nào, bạn có thể kể đến sự việc lợi dụng dịch bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh bán khẩu trang với giá "cắt cổ", đội giá lên nhiều lần.

Ví dụ 2: Trình bày suy nghĩ về câu nói của Bác trong khoảng 200 từ: "Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau".

Bạn cần lấy dẫn chứng cho từng luận điểm

- Luận điểm thứ nhất: Nghề nào cũng cao quý, mỗi nghề nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu xã hội nên có vị trí riêng, không thể thay thế trong đời sống xã hội.

Bạn có thể lấy dẫn chứng bằng cách đặt những giả thiết liên quan như nếu bây giờ không có những người lao công, không có những người lái xe, không có những người thợ thủ công…, xã hội sẽ thiếu hụt điều gì? Và hậu quả sẽ như thế nào?

- Luận điểm thứ hai: Chứng minh con người làm vẻ vang nghề nghiệp chứ không phải nghề nghiệp làm rạng danh con người. Dù là lao động trí óc hay lao động tay chân thì họ đều đóng góp sức lao động chân chính của mình để xây dựng xã hội. Do vậy bất cứ ngành nghề nào cũng đáng được tôn vinh.

Dẫn chứng về các cuộc thi hay danh hiệu mà họ được nhận. Điều đó chứng tỏ những công việc tưởng chừng như bình thường vẫn được tôn vinh nếu người làm việc cố gắng hết sức… Ví dụ: Dương Huy Khải là đầu bếp Việt Nam đầu tiên được vinh danh trên Đại lộ Cordon Bleu, Pháp.

**Lưu ý

- Khi làm bài, lấy dẫn chứng càng mới, càng gần thời điểm thi càng tốt. Những dẫn chứng đã quá quen thuộc, thường được sử dụng đi sử dụng lại từ trước đến nay trong các bài văn thì không nên tiếp tục sử dụng. Muốn có dẫn chứng mang tính thời sự cần tích cực theo dõi báo, tivi, truy cập nguồn mới nhất từ internet…

- Số lượng dẫn chứng nên phù hợp, nên có 2 dẫn chứng, tối đa là 3 dẫn chứng cho vấn đề nghị luận.

- Dẫn chứng phải là dẫn chứng ở ngoài đời thực, không lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn chương.

- Chú ý lấy dẫn chứng ở trong nước trước rồi mới đến nước ngoài.

- Tuyệt đối không lấy dẫn chứng kiểu chung chung, sáo rỗng hoặc không liên quan đền vấn đề đang bàn luận.

- Sự sáng tạo luôn được đánh giá cao.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 39
0 Bình luận
Sắp xếp theo