Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông

Nghị luận về an toàn giao thông ở học sinh - Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông là một trong những dạng đề bài hay giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia giao thônhg an toàn và đúng luật, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn giao thông. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý nghị luận xã hội về an toàn giao thông kèm theo các bài văn mẫu nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông hiện nay

nghị luận về an toàn giao thông

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

Ngày nay xã hội phát triển thì nhu cầu về cơ sở vật chất của con người ngày càng tăng. Đối với chuyện đi lại cũng thế, ngày nay nhu cầu đi lại ngày càng nhiều. Chính vì thế mà tình trạng gia thông ngày nay khá phức tạp. Để hiểu rõ thêm về an toàn giao thông chúng ta cùng đi tìm hiểu và nhận thức đối với học sinh ta nên làm gì để hiểu rõ hơn về an toàn giao thông.

II. Thân bài:

1. Thực trạng về an toàn giao thông hiện nay

Tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng phổ biến. Theo Cục CSGT, năm 2016 thì:

Cả nước xảy ra hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông

Cướp đi sinh mạng gần 9.000 người.

Cùng nhiều thiệt hại về tài sản khác

2. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông

- Do người tham gia giao thông không chấp hành đúng luật giao thông.

- Những người điều khiển phương tiện giao thông không nắm được luật giao thông.

- Sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của người tham gia giao thông như: lạng lách, đua xe, đi xe không đúng tốc độ, không đúng làn đường quy định.

- Say xỉn khi tham gia giao thông.

- Những người đi bộ, người bán hàng rong đi không đúng đường quy định.

- Lỗi do phương tiện giao thông yếu kém.

- Những phương tiện giao thông đã quá cũ kĩ không thể tiếp tục tham gia giao thông.

- Lỗi do cơ sở hạ tầng yếu kém: giao thông có những ổ voi, ổ gà, đường quá chật,….

3. Hậu quả:

Nhiều người thiệt mạng.

Mất mát về tiền của, vật chất của con người.

Ùn tắc giao thông, mất trật tự xã hội.

4. Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông

Đưa ra những biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông.

Đưa ra những chính sách phù hợp nhằm mang tính chất răn đe phòng ngừa những người tham gia giao thông để họ có thể tham gia giao thông an toàn.

Làm tốt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông.

III. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ của cá nhân em về tai nạn giao thông.

2. Suy nghĩ của em về tai nạn giao thông hiện nay

Nội dung do Hoatieu biên tập, các bên sao chép vui lòng ghi nguồn.

Tai nạn giao thông hiện nay đang là một vấn đề nóng gây nhức nhối trong xã hội bởi những con số về các ca thương vong tai nạn giao thông hàng vẫn đang là vấn đề được các cơ quan chức năng và người dân quan tâm hàng đầu. Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, các loại phương tiện giao thông hiện đại thì sự đáp ứng về trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông đường bộ của người dân chưa cao. Ở các thành phố lớn, giao thông đông đúc thì tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, vi phạm nồng độ cồn vẫn liên tục diễn ra một cách rất phổ biến. Thậm chí có cả những trường hợp băng qua đường cao tốc dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng gây thương vong đến tính mạng con người. Những điều này xảy ra do ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân chưa được tốt. Chính vì vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông thì trước tiên người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về luật lệ và an toàn giao thông cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Em mong rằng mọi người sẽ cùng chung tay chấp hành luật giao thông thật tốt để mọi chuyến đi đều an toàn.

3. Nghị luận về an toàn giao thông - mẫu 1

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên bao nhiêu thì các phương tiện giao thông hiện đại càng phổ biến bấy nhiêu kéo theo đó là sự đông đúc trên đường phố cùng với tai nạn giao thông ngày càng tăng lên đáng kể. Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông thực sự là một vấn đề quan trọng của nhân loại.

An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.

Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể thống kê được rất nhiều những vụ tai nạn giao thông để lại nhiều hậu quả đáng buồn. Tại sao việc an toàn giao thông lại khó đến vậy? Nguyên nhân điều này là do đâu? Đó là do người dân không chỉ chủ quan mà còn thiếu ý thức trách nhiệm trong khi tham gia giao thông, chỉ chấp hành luật khi thấy có công an giao thông canh phòng, nếu sơ hở là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạn lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm. Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không bao giờ dùng tới xi nhan, đèn hiệu, còi. Nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái và gây tai nạn. Những tai nạn gây ra hầu hết đều là do sự vô ý thức của chính người dân và đã thiệt hại rất nhiều về người và của. Không ít những trường hợp mà mẹ mất con, con mất cha, gia đình đau xót, cá nhân mất mát sau những tai nạn như vậy, người còn sống cũng ít nhiều để lại những hậu di chứng về sau. Đó đều là mất mát do tai nạn giao thông gây nên.

Để lại nhiều hậu quả đau lòng như vậy, rõ ràng an toàn giao thông đóng một vai trò quan trọng cho cá nhân và cho xã hội. Việc chấp hành các nội dung trong điều luật về an toàn giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra một cách đáng kể. Tai nạn giảm thiếu, số người chết và bị thương do những tai nạn gây ra cũng giảm theo và bớt đi phần nào những nỗi đau đớn mất mát mà gia đình và cá nhân phải chịu đựng khi có một người vì tai nạn giao thông mà mất đi sinh mạng hoặc di tật cả đời. Thêm vào đó, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng là giảm thiểu chi phí do việc này gây ra. Đối với một xã hội mà an toàn giao thông được giữ vững, luật giao thông được chấp hành, người tham gia giao thông có ý thức và an toàn thì nhất định là một xã hội ngày càng đi lên.

Mỗi chúng ta để thực hiện được an toàn giao thông thì cần tự xác lập cho mình ý thức trách nhiệm về việc chấp hành những quy định khi tham gia giao thông. Quy định được đặt ra không chỉ để chấp hành mà là những quy chuẩn nhất định để bảo vệ sự an toàn của chúng ta vì vậy hãy chấp hành nó là vì sự an toàn của chính mình, đừng đối phó hay chống đối, điều này không có ích lợi cho ai cả. Những điều như không vượt đèn đỏ, tốc độ đúng quy định, không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần được nghiêm túc chấp hành để tạo nền móng cho một xã hội văn mình an toàn.

Nhưng ngày nay, không thiếu những hành vi coi thường luật giao thông để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Những hành vi ấy nhất định cần có biện pháp xử lí đích đáng.

Phía trước tay lái là cuộc sống. Hãy nhớ khẩu hiệu đó và luôn có ý thức trách nhiệm giữ an toàn giao thông cho người khác ở mọi lúc mọi nơi.

4. Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông - mẫu 2

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, các phương tiện giao thông ngày càng được cải tiến để phục vụ cho nhu cầu đi lại của con người thêm phần tiện lợi, an toàn. Thế nhưng có một thực trạng đáng buồn tình trạng an toàn giao thông hiện nay lại trở thành vấn đề đáng báo động.

An toàn giao thông tức là sự chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật giao thông khi lưu thông trên đường. An toàn giao thông đảm bảo cho tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Nhưng hiện nay tình trạng an toàn khi tham gia giao thông càng ngày càng đáng báo động. Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông cuộc gia, hết tháng 9 cả nước đã xảy ra 10518 vụ tai nạn, làm chết hơn chín người và hơn mười nghìn người bị thương. Tai nạn giao thông trên đường bộ chiếm tỉ lệ lớn nhất. Trong quá trình tham gia giao thông ý thức của mọi người còn rất kém, có tới 50% người tham gia giao thông không dùng đèn tín hiệu khi chuyển hướng, 72% không đội mũ bảo hiểm, tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra thường xuyên gây nên những tai nạn thương tâm, đáng tiếc. Không chỉ vậy, tình trạng tham gia giao thông khi đã sử dụng chất kích thích như rượu, bia vẫn thường xuyên diễn ra.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng báo động trên. Trước hết phải kể đến ý thức kém của những người tham gia giao thông. Họ đội mũ để chống đối, để không mất tiền, không bị công an phạt, chứ không phải để bảo vệ cho sự an toàn của bản thân. Những quãng đường không có công an, thường xuyên xảy ra tình trạng vượt đèn đỏ, do vội vàng, do lười phải đứng lại chờ đèn chuyển xanh. Nhưng họ đâu có biết, nhanh một phút nhưng có thể chậm cả cuộc đời. Đã biết bao vụ tai nạn xảy do đi trước một vài giây khi đèn chuẩn bị chuyển sang xanh. Đặc biệt với lớp thanh niên, trẻ tuổi thích thể hiện mình, trên đường phố thường phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Ngoài ra cũng cần phải kể đến hạ tầng nước ta còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Bởi vậy mới dẫn đến hiện tượng trong giờ tan tầm, mọi người tranh nhau đi lên vỉa hè để đi cho nhanh, hiện tượng này xuất hiện chủ yếu ở các thành phố. Nhiều con đường xấu, vòng vo gây ra những khó khăn khi gặp tình huống bất ngờ cần xử lí. Trên đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông ở nước ta hiện nay.

Thực trạng thiếu an toàn khi tham gia giao thông gây nên những hậu quả hết sức đáng tiếc. Trước hết là đối với người bị tai nạn, nặng thì mất đi tính mạng – tài sản quý giá nhất đối với mỗi con người, nhẹ hơn có thể bị tai biến, mất khả năng lao động,… Đối với gia đình, bị tai nạn giao thông sẽ dẫn đến những chi phí lớn cho việc chữa trị, mất đi nhân lực lao động, đẩy gia đình đến chỗ khó khăn, túng quẫn. Đối với xã hội, tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mất đi người lao động, khiến năng suất lao động giảm sút. Nhưng vụ tai nạn giao thông lớn làm tê liệt hệ thống giao thông, làm hư hại đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nến kinh tế của đất nước.

Để thực trạng mất an toàn khi tham gia giao thông không còn tiếp diễn và lan rộng, thì ngay lúc này chúng ta cũng như các cấp, các ngành có liên quan cần lập tức hành động. Đối với bản thân, cần ý thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông. Chấp hành luật không chỉ bảo vệ bạn mà còn bảo vệ chính những người xung quanh. Ra đường luôn trang bị đầy đủ kiến thức, vững tay lái để đi an toàn. Không tham gia giao thông khi tinh thần không tỉnh táo, say sỉn. Bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành. Cần có những biện pháp nghiêm minh hơn nữa xử lí những trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông. Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ để việc tham gia giao thông thuận lợi, không phải chen lấn, xô đẩy trong những giờ tan tầm. Khi có sự phối kết hợp đầy đủ của tất cả mọi người, chắc chắn tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông sẽ giảm.

Là một học sinh, cần nghiêm túc chấp hành mọi quy định về an toàn giao thông. Vận động mọi người chấp hành luật để đảm bảo tính mạng cho bản thân và những người xung quanh. “An toàn giao thông/ Hạnh phúc của mọi nhà”.

5. Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông - mẫu 3

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông. Trên thực tế tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Mỗi ngày trôi qua có hơn ba mươi người chết và bị thương. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên chúng ta.Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mọi người.Trung bình làm chết trên dưới 1 triệu người và bị thương hàng chục triệu người mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông lại tăng thêm 10% con số này ở các nước nghèo và đang phát triển cao hơn tỉ lệ ở các nước công nghiệp phát triển. Phổ biến nhất hiện nay ở phần lớn các quốc gia là tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong hàng đầu cho xã hội. Loại tai nạn này thường xảy ra đối với ô tô và xe gắn máy khi đi trên các tuyến đường bộ hay các tuyến đường chuyên dùng cho người đi bộ. Ngoài ra còn có các loại tai nạn giao thông khác như tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thuỷ, tai nạn giao thông đường hàng không…

Vậy tai nạn giao thông được hiểu trên những phương diện như thế nào cho đúng? Tai nạn giao thông đã có từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thật chính xác có thể lột tả hết những đặc tính của nó. Trên hình thức nó được biểu hiện bằng những hành vi cụ thể, gây ra những thiệt hại nhất định về tính mạng, sức khỏe cho con người, vật và tài sản. Chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông cụ thể phải là đối tượng đang tham gia vào hoạt động giao thông.

Còn xét về lỗi, chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc là không có lỗi, không thể là lỗi cố ý. Tai nạn giao thông không chỉ gây đau thương cho mọi gia đình mà còn liên luỵ đến bao nhiêu người vô tội khác. Lỗi chung lớn nhất là do ý thức người dân còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác, chưa có ý thức bảo vệ tài sản của cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Gần 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện gây ra. Có tránh được tai nạn giao thông hay không là do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao Thông của người lái xe. Các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua đều xuất phát từ hành vi coi thường pháp luật của lái xe và chưa có ý thức chấp hành pháp luật.

Theo thống kê những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, xã hội còn mất đi những bàn tay lao động, những con người đang từng ngày ra sức xây dựng tổ quốc và thật xót xa khi đất nước lại còn bị mất đi những người công dân ưu tú, những nhân tài và cả những mầm non tương lai nữa.Hậu quả của tai nạn giao thông để lại thật khủng khiếp làm sao!

Hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông. Tính riêng trong năm 2006 đã có 12.600 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ mà trong đó có hơn 20% là do học sinh, sinh viên gây ra. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp, trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là đi xe máy. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên cũng hết sức đa dạng: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ.

Một số học sinh, sinh viên còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, đi xe mô tô,xe đạp một bánh, quẹt chân chống xuống nền đường nhựa, đùa nghịch gây rối trật tự trên phố. Khi tan trường, học sinh “túm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng, đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Sẽ không thể nào kể hết được các lỗi mà các em đã gây ra.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên – những người chủ tương lai đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh đổi với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, Dylan phi như bay trên những con đường lớn ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt.

6. Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông - mẫu 4

Những tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gãy tay gãy chân. Nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Lý do vì đâu cũng là ở nhận thức của thanh niên. Họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi hại của việc mình đã làm. Những bậc cha mẹ khi con mình xảy ra tai nạn, khi nhận ra thì đã quá muộn. Tại sao họ sắm cho con những chiếc xe thật tốt, phân khối thật lớn để chúng đi đua. Họ làm ra nhiều tiền rồi cũng nhận ra khi mất đứa con thì tiền bạc cũng chẳng giải quyết được gì. Họ hối hận vì tại sao ngay từ đầu không bảo ban con cái mình thì bây giờ đã muộn có tốn bao nhiêu nước mắt thì mọi chuyện gạo cũng đã chín thành cơm.

Một số địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả . Do mải làm ăn, buôn bán, các bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng cho con khi mua xe mô tô cho con hoặc cho con đi xe máy đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe.

Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em mà phải kể đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội. Khi bề trên quản giáo không nghiêm thì con trẻ dễ làm điều không đúng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có tiếng nói chung trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh, sinh viên. Như trong năm vừa rồi ,cái chết thương tâm của hai bạn nữ sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ khi đang đạp xe trên đường đi học về gây bức xúc trong giới học đường khiến cho gia đình các bạn cũng đau lòng. Đùa giỡn trên xe để không làm chủ tay lái và rồi ngã vào xe tải đang lưu thông cùng chiều.Các bạn ấy mới 16 tuổi thôi, còn quá trẻ để làm nhiều việc có ích cho xã hội.

Gần đây việc giáo dục ý thức công dân và giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng không thực sự được quan tâm như trước. Kết quả thi cử của các em đã đè nặng lên vai những người làm thầy, làm cô khiến họ không còn quan tâm nhiều đến những môn không phải thi tốt nghiệp hoặc thi đại học. Mô hình giáo dục cân bằng không còn nữa, “trí dục” đã chiếm ưu thế trước “đức dục” trong các chương trình giảng dạy. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế và hệ giá trị, “người Thầy” cũng không còn cái uy với học sinh như xưa và một bộ phận không nhỏ học sinh bỏ qua những lời răn dạy đạo đức của thầy, cô cũng là điều dễ hiểu.Các cơ quan nhà nước cũng không quan tâm đúng mức tới giao thông học đường. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

Ở phạm vi toàn xã hội, việc người lớn không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ đã trở thành tấm gương xấu cho bọn trẻ làm theo. Không ít các trường hợp, người lớn còn kích động, cổ vũ cho những hành vi sai trái của các em như tập trung xem và hò hét khi các em đua xe trái phép. Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc.Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

Muốn chấn chỉnh giao thông học đường , phải cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông, mà phải bằng hành động cụ thể. Chẳng hạn như phát động tháng “An toàn giao thông”, thực hiện phải kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông giám sát theo dõi tình hình giao thông, xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng bổ ích. Lực lượng học sinh, sinh viên tình nguyện đứng ra điều khiển giao thông cũng là một biện pháp hữu ích.

Việc tất cả công dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một biện pháp thiết thực giúp bảo vệ an toàn cho mọi người.Cần phải phát huy những mặt tích cực để tai nạn giao thông ngày một giảm theo chiều hướng nhanh nhất.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân.

7. Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông - mẫu 5

Nước ta từ ngàn đời xưa có vô số tập tục, văn hóa, trong đó còn có 1 thứ văn hóa gọi là văn hóa giao thông. Nhưng hiện nay ít ai quan tâm đến thứ văn hóa này. Giao thông đã và đang trở thành vấn đề "quốc nạn" của nước ta. Nguyên nhân thì nhiều nhưng việc nâng cao văn hóa của người khi tham gia giao thông cũng rất là quan trọng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của nước ta hiện nay.

Theo tôi để là người có văn hóa khi tham gia giao thông trước hết chúng ta phải là người hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời.

Ngoài ra chúng ta phải biết cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như: ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, không xả rác khi tham gia giao thông. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, mà loài người mới sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa…”.

Người ta thường nói: chật nhà thì nép, chật đường thì chen. Đèn đỏ, mọi người dừng lại trước vạch vôi, ấy thế mà có một cô nàng xinh đẹp cứ đạp chân xuống đường cố nhích, cố lách mũi xe của mình để lên trước dù chỉ là vài xăng ti mét đường. Để làm gì? Kết quả là bánh xe của cô chẹt lên bàn chân của một người khác đang dừng xe bên cạnh cô, thế là toáng lên chửi nhau. Vậy văn hóa giao thông đang ở đâu trong mỗi người, tai nạn giao thông từ đâu mà ra?

Đáng buồn hơn nữa là có anh cảnh sát lăm lăm dùi cui đứng bên đường thì đi đứng sao mà nghiêm chỉnh thế. Vậy mà khi vắng bóng anh thì ôi thôi: đường ta, ta cứ đi, chẳng còn coi thiên hạ xung quanh là gì nữa. Hỏi sao tại nạn lại cứ xảy ra. Ai cũng nghĩ ở nông thôn trình độ kém hơn ở thành thị, vậy tại sao những bản tin tai nạn đều ở thành thị? Phải chăng trình độ hiểu biết của người nông thôn đã hơn người thành thị?

Không phải thế, chỉ vì con người ta biết luật mà vẫn không nghe theo, biết sai mà không dừng lại. Phải chăng vấn nạn giao thông xảy ra do chính ý thức của con người. Tôi cũng chỉ là một học sinh trung học, những gì tôi hiểu về cuộc sống còn rất ít, nhưng những gì tai nghe mắt thấy hằng ngày thì không thể phủ nhận. Ra đến đường đã thấy lạng lách đánh võng, nửa đêm tiếng xe rú ga ầm ầm, rồi lại tai nạn người khóc, kẻ mếu. Nhà nước ta chậm phát triển cũng do ý thức cũng như tình hình giao thông còn kém.

Đường đi cũng không phải ít, từ một trục đường chính rẽ ra vô số đường nhánh nhỏ, nhưng nhiều lúc đường chính còn " tồi tàn" hơn cả đường nhánh. Đường nhánh do dân tự bảo nhau xây nên, con đường chính do nhà nước, vậy tại sao đi đâu cũng có ổ gà, ổ voi trên đường, phải chăng đây là hiện tượng tham ô? Thử hỏi tại sao lại không xảy ra tai nạn.

Vậy thì tôi và các bạn hãy cùng hành động, nói đi đôi với làm. Bác dạy “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Những tấm gương đạo đức của những người tiêu biểu, những người tốt, việc tốt có ý nghĩa thúc đẩy cho quá trình đó”. Xây đi đôi với chống: Trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt -xấu, đúng - sai, cái đạo đức - cái vô đạo đức vẫn luôn đan xen, đối chọi nhau, thông qua hành vi của những con người khác nhau.

Vì vậy việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, đạo đức mới đặc biệt là nếp sống văn hóa giao thông phải được tiến hành và phối hợp chặt chẽ từ bản thân với gia đình, nhà trường và ngoài xã hội; nhất là những tập thể mà nơi con người, công nhân viên chức lao động dành phần lớn thời gian cuộc đời gắn bó. Phải thường xuyên tu dưỡng văn hóa, đạo đức suốt đời: Đây là một công việc phải làm suốt đời.

Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại trường học, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là nâng cao ý thức và thái độ của mọi người khi tham gia giao thông. Biết từ tốn, bình tĩnh ưu tiên nhường nhịn cho người già, trẻ em. Biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, biết đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông nâng lên thì những hành vi sai trái, quậy phá, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án.

Khi đó văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ từng bước được đẩy lùi. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc sống mới luôn đòi hỏi phải xây dựng nền văn hóa đạo đức mới Việt Nam ngang tầm với yêu cầu của cuộc cách mạng mới và hội nhập quốc tế. Mỗi người chúng ta phải nghiêm túc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

8. Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông ngắn gọn

Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động. Vậy chúng ta, nhất là những người trẻ, có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông?

Trước hết, ta cần hiểu tai nạn giao thông là như thế nào? Khi tham gia giao thông trên đường, bất ngờ ta bị tai nạn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân. Từ khi con người sáng chế ra những phương tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, cứ mười lần bước ra đường phố thì đã nhìn thấy hết bảy lần xảy ra tai nạn giao thông. Vậy tại sao lại có được một con số thật khó tưởng tượng, vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến? Có nhiều lý do để giải thích, như đã nói ở trên là do khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số.

Nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm răng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Thứ hai là có hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Một phần nữa vì không có biện pháp kiểm soát, bắt nóng ngay khi phạm luật nên mọi người cứ vô tư phạm luật khi không thấy có cảnh sát giao thông. Xét về nguyên nhân khách quan, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng do sự tắc trách của các cơ quan xây dựng, ăn hối lộ, rút xén vật liệu đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho người lưu thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì mọi người đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông , đi đúng tốc độ ,đúng phần đường ,không điều khiển xe khi đã uống rượu bia ,đi trên đường không nên ganh đua với người khác. Đặt biển báo giới hạn tốc độ, làm gờ giảm tốc, đèn hiệu giao thông, vạch dành cho người đi bộ ở khu vực có đông trẻ em. Phía nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Tích cực phát huy tính kỷ luật nghiêm khắc của một nơi gọi là môi trường giáo dục học sinh, có như thế thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng vi phạm luật an toàn giao thông của học sinh.

Riêng về phần học sinh chúng ta, ngay bây giờ,khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tích cực tham gia các hoạt động thiết thực do Đoàn trường tổ chức để tuyên truyền luật giao thông cho mọi người và gia đình, chấp hành nghiêm luật giao thông, đội mũ khi đi xe gắn máy. Không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân mình. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng chấp hành luật giao thông thất tốt, góp một phần nhỏ nào đó làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội này. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại nhiều niềm vui cho những ai tham gia giao thông.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
93 95.265
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm