Muối của rừng đọc hiểu (2 đề)

Đọc hiểu văn bản Muối của rừng

Muối của rừng là một tác phẩm văn xuôi sinh thái của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Thông qua tác phẩm tác giả đã khơi dậy lòng trắc ẩn, tình yêu thiên nhiên và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc đề đọc hiểu văn bản Muối của rừng giúp các bạn hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó.

Đọc hiểu Muối của rừng có đáp án

Đọc văn bản sau :

(1) Sau Tết Nguyên Đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân

(2) Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.

(3) Chính dịp đó ông Diểu đi săn.

(4) Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.

… (5) Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. « Thôi tao phóng sinh cho mày ! » - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bước đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.

(6) ÔngDiểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mởi nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

(Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp, Tập truyện Tình yêu, tội ác và trừng phạt, NXB Trẻ, 2012)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2:  Xác định ngôi kể trong trích đoạn trên.

Câu 3. Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi nào?

Câu 4. Theo anh (chị), tại sao ông Diểu lại phóng sinh cho con khỉ đực?

Câu 5. Loài hoa tử huyền được miêu tả có đặc điểm gì? Ý nghĩa biểu tượng của hoa tử huyền?

Câu 6. Từ văn bản, anh(chị) hãy nêu quan điểm của bản thân về cách con người nên ứng xử với thiên nhiên.

Đáp án

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2

Người kể chuyện toàn tri.

Câu 3

Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi « thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng ».

Câu 4

Ông Diểu phóng sinh vì nhìn thấy con khỉ đực này còn có gia đình, cần có trách nhiệm với gia đình; vì ông nhận ra hành động đi săn sẽ giết chết con khỉ đực, phá hoại một gia đình.

Câu 5

- Hình ảnh hoa tử huyền được miêu tả: cứ ba chục năm mởi nở một lần, người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn, hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm.

- Hoa tử huyền gợi đến nhiều ý nghĩa:

+ Kết tinh vẻ đẹp của núi rừng thiên nhiên.

+ Hình ảnh mang tính chất đánh giá và dự báo.

Câu 6

Muối của rừng là một tác phẩm văn học sinh thái của Nguyễn Huy Thiệp. Cốt truyện kể về một ông già tên Diểu đi săn thú rừng trong tiết xuân. Ông bắn được một con khỉ đực trong đàn khỉ, nhưng khỉ cái cứu khỉ đực, còn khỉ con cướp súng của ông. Cuối cùng, ông băng bó cho khỉ đực và thả nó đi sau những chiêm nghiệm sâu sắc. Con người là hiện thân của thế giới văn minh nhưng cũng lại là kẻ đi xâm lấn không gian thiên của loài vật. Trong thực tế hiện tại, có lẽ thiên nhiên đã rất nhiều lần gửi tín hiệu cầu cứu đến loài người để bảo vệ hành tinh này. Mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta một hệ sinh thái hoàn hảo để sinh sống. Chính vì vậy con người nên có thái độ trân trọng, giữ gìn ngôi nhà xanh này bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh, không săn bắt động vật hoang dã và khai thác quá mức các loài sinh vật, xây dựng các khu bảo tồn, vườn quốc gia để bảo vệ các sinh vật hoang dã... Hy vọng trong một tương lai không xa chúng ta sẽ có thể khôi phục lại thiên nhiên với vẻ đẹp nguyên trạng mà nó đã từng có.

Đề đọc hiểu Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp

Đề đọc hiểu Muối của rừng

Đọc hiểu truyện ngắn

MUỐI CỦA RỪNG

– Nguyễn Huy Thiệp-

Lí thuyết đọc – hiểu văn bản tự sự

1/ Tìm hiểu một số thông tin về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phục vụ cho việc đọc – hiểu văn bản tác phẩm

2/ Tóm tắt cốt truyện và xác định tình huống truyện.

3/ Kết cấu truyện?

4/ Nhận xét nghệ thuật trần thuật?

5/ Phân tích hình tượng nhân vật ông Diểu: khai thác các chi tiết ngoại hình, hành động, trang phục, suy nghĩ, tâm trạng,… Không gian và thời gian cuộc đi săn của ông Diểu gợi cho em suy nghĩ gì?

6/ Thông điệp của tác phẩm? Sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm của bản thân em sau khi đọc câu chuyện?

Gợi ý

1/ Tác giả Nguyễn Huy Thiệp

* Cuộc đời

– Ông được nhận xét là một bông hoa nở muộn trên văn đàn văn học Việt Nam. Những truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986. Không lâu sau đó các tác phẩm của ông được bàn luận sôi nổi trong làng văn cả trong lẫn ngoài nước.

* Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có một số điểm nổi bật:

– Giọng văn lạnh lùng, không sắc thái biểu cảm. Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, bức tranh cuộc sống luôn hiện ra một cách trung thực, khách quan trước mắt người đọc. Độc giả được tự do phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.

– Đưa thơ vào văn xuôi làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ: Các tác giả trước đây chủ yếu lấy thơ làm đề từ cho văn xuôi, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ trong tác phẩm tự sự như một phương tiện nghệ thuật độc đáo và tạo được hiệu ứng thẩm mỹ rõ nét và làm nên nét đặc trưng cho phong cách tác giả.

– Kết cấu truyện : Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường triển khai kết cấu theo dòng thời gian tuyến tính. Nhà văn thường dùng cách mở đầu mỗi truyện theo lối truyền thống – thường giới thiệu thông tin ngắn gọn, khái quát về nhân vật ở ngay mở đầu tác phẩm. Trái với cách mở đầu mang tính truyền thống, kết thúc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường kết thúc mở. Để tạo ra kết thúc mở, nhà văn thường dùng những yếu tố mang tính hư cấu, những chi tiết mang đậm chất huyền thoại hoặc những lời đồn đại trong dân gian tùy người đọc phán xét, suy ngẫm. Cách kết thúc này nhiều khi cũng tạo nên chất thơ cho tác phẩm.

2/ Tác phẩm

– Hoàn cảnh sáng tác: Thời kì đổi mới đất nước. Bước vào thời kì hòa bình, xây dựng đất nước, bên cạnh những thành tựu thì đời sống xã hội và nhân tâm vỡ ra nhiều bất ổn. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên cũng đòi hỏi phải được nhìn nhận lại.

– Thể loại: truyện ngắn.

– Tóm tắt cốt truyện và nhận xét kết cấu truyện

+ Tóm tắt: Mùa xuân, sau tết nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Mưa xuân ấm áp, rừng ẩm ướt, cây cối đâm chồi nảy lộc,… Đúng lúc ấy, ông Diểu đi săn. Ông đội mũ, đi giầy, nai nịt quần áo gọn gàng, và mang theo khẩu súng hai nòng tuyệt vời mà thằng con ông từ nước ngoài gửi về cho. Ông Diểu đi sâu vào rừng, men theo chân núi đá vôi đến cánh rừng dâu da săn khỉ. Ông nhìn thấy gia đình nhà khỉ có khỉ đực, khỉ cái và khỉ con đang chăm sóc nhau. Cho rằng hành động chọn quả ngon chén trước rồi mới ném cho “vợ”, con của khỉ bố thật là đê tiện, ông Diểu nhắm bắn vào khỉ bố. Ngay sau đó, một cảm giác sợ hãi và có chút hối hận xuất hiện trong ông. Khỉ mẹ và khỉ con hoảng sợ chạy theo đàn nhưng được một đoạn thì khỉ mẹ quay lại. Ông cho đó là hành động đạo đức giả nên giương súng toan bắn khỉ cái. Khỉ cái sợ hãi bỏ chạy nhưng rồi ngay sau đó nó lại tiếp tục quay trở lại, ôm khỉ đực vào lòng và bỏ chạy. Ông ném khẩu súng đuổi theo thì khỉ con từ đâu xông ra vồ lấy. Để cứu khỉ bố và khỉ mẹ, khỉ con ôm theo cây súng lao mình xuống vực. Hành trình đuổi theo con mồi, bắt được con mồi rồi băng bó cho nó, chứng kiến tình nghĩa thủy chung của loài vật đã khiến ông Diểu thay đổi suy nghĩ và nhận thức về tự nhiên. Cuối cùng, ông quyết định buông bỏ con mồi. Ông ra về trần truồng trong mưa xuân. Trên đường đi, ông Diểu may mắn gặp được loài hoa tử huyền ba mươi năm mới nở một lần. Khi hoa tử huyền nở là rừng kết muối, điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc…

+ Kết cấu: Truyện được kết cấu theo trình tự thời gian cuộc đi săn của ông Diểu từ lúc bắt đầu đến khi ông trở về. Truyện kết thúc theo lối mở với chi tiết đậm màu sắc huyền thoại đó là sự xuất hiện của loài hoa tử huyền. Cái kết này mang lại chất thơ cho tác phẩm và cũng góp phần khắc sâu chủ đề của tác phẩm.

– Tình huống truyện: Sự kiện ông Diểu đi săn và bắn được khỉ bố trong gia đình nhà khỉ. Hành trình đuổi theo để bắt lại con mồi cho ông chứng kiến tình nghĩa của thế giới loài vật. Chính điều đó đã làm ông thay đổi.

– Nhận xét nghệ thuật trần thuật:

+ Ngôi kể: Ngôi thứ ba – người kể chuyện đứng ngoài cuộc.

+ Điểm nhìn trần thuật đặt vào chính nhân vật ông Diểu

+ Giọng điệu trần thuật: khách quan, trung tính.

3/ Phân tích nhân vật ông Diểu trong cuộc đi săn

a/ Không gian, thời gian cuộc đi săn

– Thời gian: sau Tết Nguyên đán một tháng – thời gian thích nhất/đẹp nhất ở rừng.

– Không gian:

Khu rừng mùa xuân thật đẹp đẽ và thơ mộng. “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm.” “Khoảng thời gian này đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật là tuyệt thú. Tất cả những nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc trên cành dâu da.”

Thiên nhiên thơ mộng đôi lúc còn trở lại trong hành trình săn bắn của ông Diểu: loài cây lá bạc phếch như lá nhót, có những bông hoa vàng như hoa tai rủ xuống tận đất. Thời tiết ấm hơn lên, không gian huyền ảo thêm lên bởi những làn mưa xuân mỏng và mịn dịu dàng buông xuống.

Thế nhưng tất cả vẻ đẹp thơ mộng, sự tĩnh lặng bình thản cao cả của rừng hoàn toàn không có ý nghĩa gì, không gây một nỗi xúc động gì với ông Diểu khi ông bước vào khu rừng mùa xuân không phải với tâm thế của kẻ thưởng ngoạn tự nhiên mà chỉ bằng tâm thế của kẻ đi săn, của kẻ đi chinh phục, khai thác tự nhiên. Mưa xuân vẫn lặng lẽ buông, những bông hoa vàng vẫn dịu dàng rủ xuống từng chùm,… Thiên nhiên vẫn bình thản và nhẫn nại dâng hiến cái đẹp cho con người. Mặc, tâm trí ông Diểu vẫn còn đang bận rộn với những toan tính: Bắn chim xanh? Hay bắn đàn gà rừng sặc sỡ? Bắn sơn dương ư? Thật đã đời, nhưng hơi khó! Ông quyết định sẽ săn một chú khỉ.

b/ Hành trang của ông Diểu

– Vũ khí, trang phục:

Ông Diểu bước vào cuộc đi săn với tâm trạng đầy hứng khởi và tâm thế rất tự tin, có phần kiêu ngạo của kẻ đi chinh phục đã được trang bị đầy đủ. Vũ khí của ông là cây súng – khẩu súng hai nòng, “nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi”, thằng con ông Diểu gửi từ nước ngoài về. Ông rất tự tin với thứ vũ khí ấy. Cây súng là biểu tượng cho sức mạnh của con người ở thời đại văn minh kĩ trị trong cuộc chiến với thiên nhiên. Với cây súng trong tay, con người xuất hiện ở tư cách là “kẻ tội đồ”, kẻ hủy diệt tự nhiên, kẻ thù đáng sợ nhất của giới tự nhiên.

Ngoài ra, ông còn nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ để chống lại cái rét và bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm khác từ rừng. Cẩn thận hơn, ông mang theo cả nắm xôi nếp dự phòng cho cuộc đi săn kéo dài.

– Tri thức của ông Diểu về khu rừng: Ông Diểu có vốn hiểu biết khá dày dặn về khu rừng và đặc tính của các loài vật. Ông men theo suối cạn ngược lên mó nước đầu nguồn, đi chừng một dặm nữa để đến hang động đá vôi. Nơi đây có nhiều sơn dương. Săn được một chú sơn dương thì “thật đã đời”. Nhưng ông cũng biết bắn được giống này hơi khó. Cuối cùng, ông quyết định men theo chân núi đá vôi sang rừng dâu da săn khỉ.

Ông cũng có kinh nghiệm nhất định trong nghề đi săn. Nhìn thấy đàn gà rừng sặc sỡ, ông định bắn, nhưng rồi sợ động rừng thì cuộc đi săn sáng nay của ông sẽ chẳng có kết quả gì. Bởi vậy, ông “ngồi bất động trong tư thế như vậy rất lâu”. Đến rừng dâu da, ông ngồi lặng lẽ quan sát. Ông hiểu tập tính của loài khỉ, chúng “khôn tựa như người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác, con gác rất thính”, phải thấy nó thì cuộc săn mới thắng lợi. Ông ngồi im nửa giờ quan sát cho đến khi con khỉ đầu đàn xuất hiện.

c/ Diễn biến tâm trạng ông Diểu trong cuộc đi săn

– Ông bắt đầu cuộc săn với tâm trạng vui vẻ, hào hứng và tâm thế rất tự tin, kiêu ngạo bởi những thứ trang bị mà mình có. Bước vào khu rừng, trong lúc ngồi yên đợi con khỉ đầu đàn, ông “không nghĩ gì, không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán”. Trong lòng ông nhuốm cái tĩnh lặng bình thản của khu rừng.

– Con khỉ đầu đàn xuất hiện với nghi lễ vương chủ, đường hoàng và dũng mãnh “văng mình rất nhanh” qua ông. Ông cũng phải thầm thán phục sự nhanh nhẹn dẻo dai của nó. Nhưng rồi, con khỉ đế vương ấy biến mất, trong ông nhói lên một nỗi xót xa: “Số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông”- kiểu độc thoại theo nguyên lí tảng băng trôi. “Nhà văn – kẻ đi săn, ông Diểu (Diểu – vị chúa Trời nhỏ) biết mình không có “chân mệnh đế vương” nên hắn yên tâm với thân phận dân đen của hắn, hắn không đi tranh hùng, không đi gây loạn và hoắng huýt, […]. Hắn chịu đựng, nhẫn nhục và chấp nhận chung sống với bọn khỉ cái, khỉ con, với các đồng loại khỉ độc và khỉ gió.” (GS Đỗ Đức Hiểu). Ý nghĩ ấy khiến “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa”.

– Cách ông Diểu nhìn nhận về gia đình nhà khỉ: Nhìn gia đình nhà khỉ 3 “người” cứ quấn lấy nhau, ngay lập tức ông quyết định sẽ chọn khỉ bố làm con mồi, bởi ông căm ghét cái giống đực ấy: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!” Ông nhìn thiên nhiên như cách ông đánh giá về con người trong xã hội mà ông đang sống, một cái nhìn đầy định kiến, một cách tiếp cận con người và cuộc sống từ phía tiêu cực chứ không phải từ phía cái đẹp. Bởi vậy ông đã gắn những suy nghĩ đầy cay đắng cho loài vật. Với giống cái, cái nhìn của ông cũng chẳng thiện cảm hơn. Nhận ra khỉ mẹ làm nhiệm vụ canh gác, ông yên tâm, “Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà lại đi bắt rận ở người thì còn gì nữa?Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất.” Cho nên ông tin là dù mình có đi mạnh chân một chút, “gây nên một sự bất cẩn nhố nhăng nào đó cũng chẳng hề gì”.

Cái nhìn đầy định kiến, hay cũng là kiểu tư tưởng biện minh cho hành động tội ác của con người, còn tiếp tục khi ông Diểu đánh giá hành động của khỉ bố bứt quả trên cây ném xuống cho hai mẹ con “trước khi ném, bao giờ nó cũng chọn quả ngon chén trước. Hành động ấy thật là đê tiện.” Ngay lập tức, ông hạ gục con mồi bằng một tiếng nổ dữ dội.

– Tâm trạng của ông Diểu – kẻ đi săn khi hạ gục con mồi: Là người đi săn, là kẻ đi chinh phục nhưng ông Diểu không có cảm giác hả hê, thỏa mãn hay kiêu hãnh, tự hào ở giây phút hạ gục được con mồi. Trong kẻ đi săn (có lẽ là không chuyên nghiệp) ấy vẫn còn lương tri và nhân tính cho nên khác với tâm thế của ông lúc ban đầu, ngay sau tiếng súng dữ dội hạ gục khỉ bố, “ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra”. Lúc khỉ cái tiến lại gần khỉ đực, thay cho nỗi vui mừng vì có cơ hội “lập cú đúp” hại gục hai con mồi, ông Diểu thầm rên lên đầy thảng thốt “Chạy đi!”. Dường như đó là sự lên tiếng của con người thứ hai trong ông Diểu – con người nhân văn, nhân đạo bên cạnh con người – kẻ tội đồ, kẻ thù của tự nhiên. Hai con người ấy đồng hiện, xâm lấn lẫn nhau trong ông Diểu, cho nên đồng thời với sự thảng thốt, lo lắng cho số phận khỉ cái, ông vẫn giương cây súng hướng về phía nó.

– Cách hành xử của loài vật đã buộc ông Diểu phải thay đổi cách nhìn nhận về chúng.

Thoạt tiên, ông Diểu căm ghét và tức giận khi thấy cách hành xử của các thành viên trong gia đình nhà khỉ trong “cơn gia biến”, nó như một sự đối chọi gay gắt với những suy nghĩ áp đặt và sai lạc của ông về chúng, đồng thời như một sự mỉa mai đối với đạo đức con người. Từ lâu, sống trong xã hội đầy giả dối, xảo trá, lọc lừa, ông Diểu đang bị mất niềm tin vào các giá trị, và dần trở nên vô cảm. Bất cứ một hành vi nào khoác áo đạo đức cũng khiến ông hoài nghi. Bởi thế, ông chỉ thấy hành động “liều thí mạng” của khỉ cái khi bất chấp nguy hiểm để tiến lại gần cứu khỉ bố là hành động đạo đức giả, điều ấy khiến ông căm ghét và nguyền rủa.

Nhìn thấy nòng súng đang chĩa về phía mình, khỉ cái sợ hãi kinh hoàng, vứt phịch khỉ đực xuống đất rồi bỏ chạy. Phản ứng của khỉ cái khiến ông Diểu hả hê bật cười bởi nó củng cố trong ông niềm tin rằng đạo đức không có thật trên đời. Ông tự tin nhô người ra khỏi chỗ nấp, tiến về thu lượm “chiến lợi phẩm” nhưng cũng ngay sau đó ông phải hối hận bởi hành động chủ quan vội vàng ấy khi thấy khỉ cái, sau phút hoảng sợ, đã liều mạng quay trở lại. Nó kịp định thần và nhận ra kẻ thù nguy hiểm trước mắt chính là con người. Trong mắt tự nhiên, con người đã lộ mặt là “tên ám sát”, là kẻ thù số một! Khỉ cái ghì khỉ đực vào lòng lăn tròn trên đất, rất nhanh.

“Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Bất luận thế nào ông cũng đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm.“ Như vậy là, có một thứ quy luật ngoài quy luật. Sát hại con khỉ, ông Diểu bị điểm âm.

Khai thác chi tiết tiêu biểu khỉ nhỏ đoạt súng: Thiên nhiên đã tính sổ một cách sòng phẳng khi con người tôn thờ bạo lực, bất chấp nguyên tắc ứng xử hòa bình, bình đẳng và thân thiện với muôn loài. Hành động đoạt súng không chỉ là hành động của một con khỉ nữa mà là lời lên án của thiên nhiên dành cho con người, là sự phản đối của thiên nhiên trước hành động của con người. Sự hi sinh “không chút chần chừ” cùng với “tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ” là lời cảnh báo, là phản ứng của thiên nhiên không chỉ với ông Diểu mà còn cho cả loài người.

Mất đi khẩu súng – điểm tựa sức mạnh của con người văn minh – có nghĩa là cơ hội sử dụng bạo lực đã bị triệt tiêu. Trơ trọi một mình đối mặt với tự nhiên, ông Diểu thấy mình thật lố bịch và thảm hại! Mất điểm tựa sức mạnh, trong ông chỉ còn cảm giác hoang mang, sợ hãi.

– Ông Diểu vẫn kiên trì mục tiêu chiếm đoạt con mồi khi phát hiện khỉ đực đang ở một mình. Ôm con khỉ, ông giật mình rút phắt tay lại khi chạm vào vết thương trên cơ thể nó, do ông gây ra. Con khỉ “đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn”. Ông bỗng thấy thương hại, lấy nắm cỏ dịt vào vết thương để cầm máu cho nó. Nhưng cách hành xử của loài vật, hết lần này đến lần khác khiến ông bất ngờ. Mọi ý nghĩ, quan niệm về thế giới loài vật trong ông dần bị đảo lộn. Trước hành động (ngỡ là nhân đạo) của ông, khỉ đực “co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông”, rồi một lát, nó rúc hẳn vào hai lòng tay ông, miệng lắp bắp như tiếng trẻ con. Lần đầu tiên, ông hiểu nó đang van xin ở ông một sự giúp rập. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó, “Ông rất khó chịu”! Bởi sự bao dung của khỉ, niềm tin cậy của loài vật vào con người đã ép ông vào thế phải làm người tốt, phải đóng vai thiện trong khi ông đã là kẻ ác và vẫn không hề có ý định từ bỏ mục tiêu tóm lấy con mồi. Hành động tránh nhìn vào đôi mắt van lơn tội nghiệp của khỉ báo hiệu sự chuyển biến nội tâm trong nhân vật ông Diểu. Ông sợ sẽ mủi lòng, và như vậy mục đích của chuyến đi săn có thể sẽ thất bại. Cuộc đấu tranh và xung đột thiện – ác, giữa tình thương và tham vọng, giữa bản năng sinh vật thấp hèn và phẩm chất người cao quý trong ông bắt đầu nảy sinh.

– Sự thay đổi của ông Diểu trong sự nhìn nhận, đánh giá về khỉ đực, khỉ cái ở cuối tác phẩm: Lòng bao dung của khỉ đực, lòng tận tụy, thủy chung và tình yêu của khỉ cái đã khiến ông Diểu nhận ra rằng thế giới loài vật cũng có sinh mệnh thật sự với số phận, tính cách, tâm hồn và đời sống tình cảm như con người. Hơn thế nữa, bản tính tự nhiên của loài vật là bản tính thiện, vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Thế giới tình cảm của giới tự nhiên là một đối trọng, một sự phản biện lại thế giới con người vốn đầy xảo trá, lọc lừa. Đối sánh với tự nhiên, con người thấy mình thật xấu xa, hèn hạ và tồi tệ, đầy những khiếm khuyết. Tự nhiên cho con người thức nhận giá trị của tình yêu thương. Sự xuất hiện của cái đẹp, cái thiện đã cứu rỗi và nâng đỡ tâm hồn con người trong thế giới mà cái ác đang bủa vây.

d/ Hình ảnh ông Diểu trần truồng đi về trong mưa xuân

Con người với đầy đủ vũ khí, trang bị ra đi với ý định hủy diệt thiên nhiên cuối cùng lại trần truồng, độc trọi trở về. Ông trở về với hai bàn tay trắng, trong hình hài nguyên thủy của con người như tự nhiên sinh ra, cũng là trở về với bản tính thiện của muôn loài. Hành trình đi săn của ông Diểu chính là hành trình của con người từ thế giới văn minh vốn đầy bất ổn, từ “thế giới người” đầy xảo trá, lọc lừa về với tự nhiên, về với nguồn cội, về với cái thuần khiết, cái thiện.

Hành động tha bổng con khỉ như một sự chuộc lỗi với tự nhiên. Trong cuộc đấu tranh âm thầm diễn ra trong ông, cuối cùng phần người, cái thiện và tình thương đã thắng thế. Thiên nhiên vẫn luôn mở lòng bao dung và hành xử cao thượng với con người. Những hạt mưa xuân dịu dàng thanh khiết bao bọc và che chở thân thể ông. Thế giới tự nhiên tuy bí hiểm khôn lường nhưng có một thuộc tính đáng quý là rất công bằng nếu con người ứng xử với nó trên tinh thần bè bạn.

Trên đường về, ông Diểu chọn đi con đường vắng người, ông sững sờ gặp hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Loài hoa ba chục năm mới nở một lần, màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta gọi nó là muối của rừng. “Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.” Đó như một sự ân thưởng của thiên nhiên khi con người biết phục thiện và nhận thức ra bài học đúng đắn về cách hành xử với thiên nhiên. Từ nhiều thế kỷ qua, con người luôn ảo tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của văn minh công nghiệp, đem luật chơi của kẻ mạnh áp đặt vào đời sống cộng sinh, tàn sát thiên nhiên làm thiên nhiên nổi giận. Con người cần hiểu rằng: Đối xử với thiên nhiên bằng bạo lực chính là hành động tự sát!

4/ Thông điệp từ tác phẩm

Viết về cái xấu xa, cái tiêu cực nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn lấp lánh chất nhân văn bởi niềm tin vào khát khao hướng thiện, niềm tin vào nhân tính con người trong xã hội đầy khủng hoảng sau chiến tranh và những năm đầu đổi mới. Đó là sức hút của văn NHT, như Nguyễn Khải từng phát biểu: “Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.

Nguyễn Huy Thiệp: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời. Nó là cuộc đi săn tìm danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều trò khỉ. Cuộc sống là những trò khỉ. Cuối cùng mình trần thân trụi cả, tất cả đều về với cát bụi. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người.”

Cùng với sự phát triển của nền văn minh, nhân loại ngày càng phải đối mặt với những hiểm họa to lớn từ môi trường sinh thái. Nó đe dọa sự sống của con người và tất cả các sinh vật tồn tại trên trái đất này. Đứng trước những hiểm họa ấy, văn chương cũng phải có trách nhiệm lên tiếng. Tác phẩm văn học chủ đề sinh thái cảnh báo hiểm họa môi trường, hướng tới tương lai phát triển bền vững của nhân loại.

Tác phẩm hình thành trong con người nhân sinh quan tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn sinh thái: Tư tưởng coi trọng tự nhiên, đối xử bình đẳng với tự nhiên trên tinh thần bè bạn, lối sống hòa hợp với thiên nhiên thay cho chinh phục và chiếm đoạt thiên nhiên; con người phải biết đồng cảm với tự nhiên bị chà đạp, bị thương tổn. Quay về với thiên nhiên, con người sẽ trở về bản tính thiện vốn có.

Phản ánh cuộc đấu tranh của con người bên trong con người để vươn tới cái cao cả, cái tốt đẹp, tác phẩm thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn khi con người ý thức được quyền sống của tự nhiên, quyền sống của muôn loài. Hành trình từ chỗ nhận thức về quyền sống của con người đến quyền sống của thiên nhiên là bước tiến dài trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
22 56.224
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm