(Chính thức) Đề thi thử Văn sở Thái Bình 2024 có đáp án

Tải về

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn sở Thái Bình 2024 mới nhất lần 1 lần 2 đã được Hoatieu tổng hợp và chia sẻ đến các em học sinh trong bài viết này kèm theo đáp án chính thức của SGDĐT tỉnh Thái Bình sẽ là tài liệu tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn hiệu quả cho các em học sinh. Sau đây là nội dung chi tiết đề thi thử Văn sở Thái Bình 2024 có đáp án, mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn lần 1 sở Thái Bình

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn
Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi
Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.

(Trích Phương ấy, Hoàng Nhuận Cầm, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, NXB Hội Nhà văn, 2007)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh trong những dòng thơ:

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Câu 3. Anh/Chị hiểu nội dung hai dòng thơ sau như thế nào?

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Câu 4. Đoạn trích gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc ứng xử nhân văn trước những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

... Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô.

Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. […]

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.191)

Anh/Chị hãy cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về nét tài hoa, uyên bác trong nghệ thuật viết tùy bút của Nguyễn Tuân.

Đáp án

Xem thêm trong file tải về.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn lần 2 sở Thái Bình

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Vì rằng con người là khác biệt, các dân tộc là khác biệt nên giữa họ chỉ có thể có quan hệ hoà bình với nhau, nếu như họ hiểu nhau, chấp nhận nhau và tôn trọng nhau trong những sự khác biệt đó. Sự đa dạng về chủng tộc, tôn giáo, phong tục, hệ thống chính trị vốn là một đặc điểm của nhân loại. Chính nó tạo nên sự phong phú cho nhân loại. Dù cho sự pha tạp về dân cư, những sự trao đổi tư tưởng và thông tin giữa con người, những tiến bộ khoa học và kĩ thuật hay ảnh hưởng ưu việt của một “mô hình” kinh tế - xã hội nào đó xảy ra như thế nào chăng nữa thì sự đa dạng vẫn sẽ tồn tại và phải tồn tại như một nguyên tắc. Do đó mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc sẽ phải cố gắng với chính mình để không chỉ chấp nhận người khác có thể suy nghĩ và xử sự khác mình mà còn tin rằng cách sống của mình không có sự cao siêu hơn người khác.
Sự cố gắng càng cần thiết hơn nữa khi không gian cuộc sống của chúng ta ngày càng xích lại gần nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên trên thế giới bắt buộc chúng ta phải “nhìn vào” người khác, dù rằng chúng ta có không muốn làm điều đó đi chăng nữa nhưng nó vẫn cần thiết với chúng ta. Thêm nữa, khi sự phụ thuộc lẫn nhau trong các vấn đề mà nhân loại phải vượt qua để tiếp tục tồn tại ở bước ngoặt nghìn năm - chỉ kể qua những vấn đề chính như sự tăng trưởng nhân khẩu, vấn đề môi trường và phát triển - làm cho hành động, cách cư xử của cá nhân và tập thể tạo ra các hiệu quả đan chéo nhau, khó mà đo được mức độ đan xen hoặc gắn bó của những hiệu quả ấy.

(Trích Bài phát biểu tại Hội nghị chuyên gia quốc tế về những vấn đề khoan dung - Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1996, tr.146-147)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, điều gì vốn là một đặc điểm của nhân loại?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý nghĩa câu nói: Sự cố gắng càng cần thiết hơn nữa khi không gian cuộc sống của chúng ta ngày càng xích lại gần nhau?

Câu 4. Từ nội dung của đoạn trích, anh/ chị hãy rút ra một bài học ý nghĩa nhất cho bản thân và lí giải.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

(Trích Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.120)

Anh/Chị hãy cảm nhận đoạn thơ trên; từ đó, nhận xét về chất trữ tình - chính luận trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Đáp án

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn lần 2 sở Thái Bình

Xem thêm trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 3.938
(Chính thức) Đề thi thử Văn sở Thái Bình 2024 có đáp án
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm