(3 đề) Bàn tay em đọc hiểu có đáp án

Bàn tay em là một bài thơ hay của Xuân Quỳnh. Thông qua hình ảnh đôi bàn tay, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu chân thành, mãnh liệt đối với người bạn đời của mình. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ bộ đề đọc hiểu Bàn tay em có đáp án giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhan đề bàn tay em cũng như những đặc sắc về nội dung nghệ thuật của tác phẩm.

Bộ đề đọc hiểu Bàn tay em

1. Nội dung bài thơ Bàn tay em

Bàn tay em là một bài thơ hay của nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ 32 câu đan xen giữa các câu tho 7 chữ và 8 chữ đã giúp tác giả thể hiện vẻ đẹp chân thành và giản dị của người phụ nữ trong gia đình. Vẻ đẹp ấy không nằm ở nhan sắc hay những thứ phù phiếm bên ngoài. Nó nằm ở sự vô giá của đôi bàn tay biết chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ, cho cuộc sống đời thường. Giá trị nhân văn sâu sắc của bài thơ là đã làm hiện lên chân thực hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, tần tảo, đảm đang, giàu đức hy sinh và luôn khát khao một cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc.

Sau đây là chi tiết nội dung bài thơ Bàn tay em, mời các bạn cùng tham khảo:

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em

Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984
XUÂN QUỲNH

2. Bàn tay em ngón chẳng thon dài đọc hiểu

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).

Đọc đoạn văn bản sau:

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy

{....}

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền, vá áo cho anh

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc

Tay em dừng trên vầng trán lo âu

Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau

Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả.

Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở…

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

Em trao anh cùng với cuộc đời em.

(Trích Bàn tay em, Xuân Quỳnh, Những nhà thơ Việt Nam thời chống Mỹ, NXB Kim Đồng, 2007, tr.158-159)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra những việc mà “bàn tay em” đã làm được thể hiện trong đoạn trích?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ sau:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền, vá áo cho anh

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

Câu 4. Anh, chị hiểu hai câu thơ sau như thế nào?

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

Em trao anh cùng với cuộc đời em.

Câu 5: Nhận xét về tình cảm mà nhân vật trữ tình “em” dành cho anh.

Câu 6: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 dòng) trình bày suy nghĩ về điều em tâm đắc nhất khi đọc bài thơ trên.

Đáp án

Câu 1.

- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

- Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: biểu cảm.

Câu 2. Những việc mà “bàn tay em” đã làm được thể hiện trong đoạn trích là: khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn, xoa dịu nỗi đau, góp nhặt niềm vui, đan áo, làm thơ.

Câu 3. Biện pháp tu từ: Liệt kê

Tác dụng:

+) Làm cho câu thơ sinh động, tăng tính gợi hình, gợi cảm

+) Ngợi ca sự chu toàn, khéo léo, đảm đang của bàn tay em luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương anh tuyệt đối.

Câu 4. Tôi hiểu hai câu thơ: Khẳng định giá trị của đôi bàn tay em như là giá trị của con người em. Và tất cả em đã trao cho anh, hiến dâng cho anh, hy sinh vì anh. Bởi vì, em yêu anh.

Câu 5: Tình cảm mà nhân vật trữ tình “em” dành cho anh là một tình yêu chân thành, mãnh liệt. Tình yêu đó thể hiện bằng sự quan tâm, chăm sóc chu toàn, trọn vẹn của em dành cho anh.

Câu 6: Học sinh được tự do trình bày suy nghĩ về điều em tâm đắc nhất khi đọc bài thơ trên, miễn là không vi phạm pháp luật và không vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Có thể trình bày về tình yêu của người phụ nữ hoặc vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ được nhà thơ Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ.

3. Đọc hiểu Bàn tay em - đề 1

Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

"Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi chuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.

Đường tít tắp, không gian như bể,
Anh chờ em, cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ.
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả.
Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở.

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,
Em trao anh cùng với cuộc đời em"

[Bàn tay em - Xuân Quỳnh]

1/ Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên? Nêu nội dung chính của văn bản? 

Phương thức biểu đạt bài Bàn tay em: Tự sự.

Nội dung chính bài Bàn tay em: Đoạn thơ là tiếng lòng, là khát vọng tình yêu, khát vọng gắn bó, sẻ chia của người phụ nữ.

2/ Chỉ ra các phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ 2 và phân tích hiệu quả của nó.

Các phép tu từ: điêp từ “tay” “bàn tay” “lấy thời gian”, so sánh “không gian như bể”, liệt kê, hoán dụ + NT nhân hóa "bàn tay em biết nhớ", "vầng trán lo âu", "mái đầu cực nhọc"

=> Tác dụng:

- Thể hiện tình yêu chân thành, mãnh liệt, sâu sắc của XQ.

- Hình ảnh người phụ nữ đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh, rất giàu nữ tính.

- Các điệp từ tạo nhịp điệu cho đoạn thơ.

3/ Viết một đoạn văn ngắn 8-10 câu, trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người phụ nữ trong văn bản trên. Chỉ rõ kiểu lập luận trong đoạn văn đó.

Bài thơ “ Bàn tay em” đã khắc họa rất thành công hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh và khát yêu mãnh liệt qua một hình ảnh hoán dụ đặc sắc “bàn tay”. Người phụ nữ ấy chính là tác giả Xuân Quỳnh với đôi bàn tay có phần thô ráp “ngón chẳng thon dài”, chẳng mềm mại búp măng, chỉ thấy “vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả”. Chị đã trải qua biết bao nhọc nhằn, lam lũ từ thuở ấu thơ? Đã qua bao đắng cay, đơn độc, tủi hờn “Tập may vá tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ”? Vậy mà chị vẫn chẳng hề chai sạn, vẫn dịu dàng, ấm áp biết bao! Nói như ngạn ngữ phương Tây "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì chính Xuân Quỳnh là một “người thợ” tài năng, khéo léo bởi chị biết vun đắp nên hạnh phúc lứa đôi từ những điều thật bình thường, giản dị mỗi ngày: “tay cắm hoa”, “treo tranh”, “phơi mền”, “vá áo”, lại “thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc”… “Người thợ” ấy sao giỏi giang đến thế, biết “góp nhặt niềm vui từ mọi ngả” và “xoa dịu nỗi đau”; lại thủy chung, thắm thiết lạ thường - đem nỗi nhớ kết thành những câu thơ, xóa nhòa cách trở… “Người thợ” ấy cũng nồng nàn, mãnh liệt lắm – nguyện mang đời mình sống chết với tình yêu “Bàn tay em gia tài bé nhỏ/ Em trao anh cùng với cuộc đời em”…. Thật đáng khâm phục biết bao!

4/ Viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ về đôi bàn tay đã nuôi em khôn lớn nên người. 

Không ấm áp như bàn tay mẹ, không dịu dàng như bàn tay bà, không mềm mại như tay em bé, đôi bàn tay của ba tôi giống như một trái sầu riêng: nếu bên ngoài vỏ xấu xí xù xì với những cái gai nhọn hoắt thì bên trong càng khám phá ta mới cảm nhận, mới thưởng thức hết hương thơm ngào ngạt lan tỏa, mùi vị đặc trưng của nó.

Đôi bàn tay ba rất đặc biệt, đó không phải là đôi tay mềm mai, trắng trẻo của vị bác sĩ, của người giám đốc, của nhân viên ngân hàng như ba của bạn tôi mà đó đơn thuần chỉ là đôi tay của một người thợ xây lam lũ, cực nhọc và nghèo nàn. Nhưng tình yêu mà ba dành cho tôi thì không hề nhỏ bé, tầm thường và nghèo nàn như chính công việc của ba, ba yêu thương tôi bằng cả trái tim dạt dào như nguồn suối trong trẻo đã tưới mát tâm hồn tôi. Tôi có thể tự tin khẳng định rằng: “Trên đời có bao nhiêu chiếc lá thì bằng vậy lần ba yêu tôi”. Nhưng cái cách mà ba yêu thương tôi vô cùng đặc biệt, có một bài hát như thế này: “Cha thương con nhưng cha không nói, mẹ thương con không giấu một lời…” Ba tôi là như vậy, tình yêu mà ba dành cho tôi là sự hy sinh thầm lặng, bền bỉ mà sâu đậm, lớn lao. Ba không ngọt ngào, không dịu dàng và không giỏi thể hiện tình cảm, cảm xúc ra bên ngoài như những người đàn ông khác, ba luôn âm thầm dõi theo, chăm sóc và bảo vệ tôi.

Dòng đời cứ trôi đi một cách vô tình và hững hờ, thân hình ba ngày càng nhỏ bé, mái tóc ba đã bạc nhiều hơn và đôi tay ba ngày càng trở nên thô ráp, chai sạn và khô cứng:

“Con thương bàn tay cha vung lên bổ củi những chiều
Năm ngón cũng rục khô như củi
Lễ những dằm, mẹ bao lần cầm tay cha cắm cúi
Như nâng niu năm nhánh thủy tinh”

Phải chăng chính những vết chai sạn ấy là những nỗi nhọc nhằn, lo toan đè nặng lên tấm lưng gầy cháy nắng của ba, là minh chứng sống động nhất của tình yêu thương to lớn, bất diệt của ba dành cho tôi mà tôi vô tâm không hề hay biết? Đôi bàn tay ấy đã chịu biết bao sóng gió, biết bao thử thách khắc nghiệt của cuộc đời. Đó là đôi bàn tay đã bồng bế tôi một cách vụng về khi tôi còn là đứa trẻ thơ, là đôi bàn tay ấm áp dắt tôi đến trường trong ngày đầu tiên đi học, là bàn tay xoa đầu tôi trìu mến khi tôi đạt điểm tốt, là đôi bàn đã sưởi ấm tôi trong vòng tay to lớn, vững chãi những lần tôi bị ốm… Và đăc biệt đôi bàn tay thô kệch bám đầy bụi xi măng ấy là cả một biển trời yêu thương bất biệt và vĩnh hằng. Đôi bàn tay ba đã nuôi tôi khôn lớn và trưởng thành như ngày hôm nay, ba dạy tôi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, dạy tôi cách làm người.Tất cả những kỷ niệm đó như ùa về trong tâm trí tôi, như một thước phim quay chậm mà tất cả cảnh trong đó đều hiện lên rõ mồn một và đau nhói.

Biết bao lần trái tim tôi thổn thức, nghẹn ngào cảm xúc, tôi muốn nói hết tất cả tình cảm của mình dành cho ba. Tôi bây giờ đã là cô gái 17 tuổi, tôi đủ trưởng thành, đủ để hiểu hết về ba, về tình cảm của ba, về những nỗi nhọc, cơ cực, đắng cay đè nặng lên đôi vai hao gầy của ba. Nhưng thực sự tôi chưa thể làm được, chưa có thể giãi bày hết tâm sự cảu mình với ba rằng tôi luôn có thái độ gắt gỏng, khó chịu nhưng tôi thương ba, yêu ba rất nhiều. Đã bao lần tôi muốn nói nhưng có cái gì đó đã ngăn cản tôi, cổ họng tôi nghẹn đắng không nói nên lời. Dường như tôi không đủ tự tin và dũng cảm để làm điều đó. Nhìn ánh mắt mòn mỏi của ba, đôi bàn tay gân guốc, cháy nắng của ba, lòng tôi đau như cắt, nước mắt tuôn chảy rồi vụn vỡ thành trăm mảnh thủy tinh đau khổ. Chính lúc đó, tóa án lương tâm trong tôi dường như đã hé mở một cách mạnh mẽ. Tôi biết ơn đôi bàn tay kỳ diệu của ba, đó là ánh hào quang rực rỡ sưởi ấm trái tim tôi lạnh buốt, là niềm tin, là sức mạnh lớn lao của tôi trong cuộc đời đầy giông tố và thử thách.

Từ tận trong sâu thẳm trái tim, tôi luôn khao khát được nâng niu, được nhẹ nhàng hôn lên đôi bàn tay thô ráp, chai sạn và khắc khổ ấy của ba mà thốt lên rằng: “Ba! Con xin lỗi ba. Con thực sự yêu đôi bàn tay này của ba và đứa con gái vô tâm, hư hỏng này thương ba, yêu ba vô cùng. Ba là tất cả cuộc đời con, là vị thiên sứ kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho con. Cảm ơn ba đã nuôi dạy con khôn lớn và trưởng thành như ngày hôm nay bằng tất cả trái tim nhân hậu và vị tha. Cảm ơn cuộc đời này!”

4. Đọc hiểu Bàn tay em - đề 2

Đọc đoạn trích sau:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền, vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả.

Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em.

(Trích Bàn tay em, Xuân Quỳnh, Những nhà thơ Việt Nam thời chống Mỹ, NXB Kim Đồng, 2007, tr. 158-159)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích. Dấu hiệu nhận biết thể thơ đó là gì?

- Thể thơ của đoạn trích: Tự do

- Dấu hiệu nhận biết: Số tiếng trong các dòng thơ không đồng nhất (dòng 7 tiếng, dòng 8 tiếng).

Câu 2. Khổ thơ thứ nhất được ngắt nhịp, gieo vần như thế nào?

- Khổ thơ thứ nhất được ngắt nhịp 3/4 ở 3 câu thơ đầu; nhịp 3/5 ở câu thơ thữ 4:

Trời mưa lạnh / tay em khép cửa

Em phơi mền, / vá áo cho anh

Tay cắm hoa, / tay để treo tranh

Tay thắp sáng/ ngọn đèn đêm anh đọc.

- Gieo vần: Tiếng cuối của câu 2 vần với tiếng cuối của câu 3 (anh - tranh)

Câu 3. Xác định và nêu dấu hiệu nhận biết nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên?

- Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên: "Em"

- Dấu hiệu nhận biết: Nhân vật trữ tình xưng "em" - là người bộc lộ cảm xúc trong đoạn thơ.

Câu 4. Hình ảnh đôi bàn tay em gắn liền với những công việc thường nhật nào? Qua những công việc đó, anh/chị cảm nhận được điều gì về tình yêu của "em" dành cho "anh"?

- Hình ảnh đôi bàn tay em gắn liền với những công việc thường nhật: Khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn, xoa dịu nỗi đau, góp nhặt niềm vui, đan áo, làm thơ

- Qua những công việc đó, người đọc cảm nhận được tình yêu chân thành, da diết, mãnh liệt của "em" dành cho "anh". Đó đều là những hành động thường nhật nhưng có ý nghĩa vun vén cho tình yêu, cho hạnh phúc gia đình.

Câu 5. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong khổ thơ thứ nhất:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền, vá áo cho anh

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

- Biện pháp tu từ liệt kê: Khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn;

- Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê:

+ Cụ thể hóa những công việc thường nhật của đôi bàn tay em;

+ Thể hiện tình yêu của em dành cho anh;

+ Ngợi ca sự chu toàn, khéo léo, đảm đang của bàn tay em luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương anh tuyệt đối.

+ Làm cho câu thơ sinh động, tăng tính gợi hình, gợi cảm, tăng tính nhạc.

Câu 6. Em hiểu câu thơ sau như thế nào: "Bàn tay em, gia tài bé nhỏ".

Câu thơ: "Bàn tay em, gia tài bé nhỏ" thể hiện giá trị của đôi bàn tay người phụ nữ: Đó là đôi bàn tay tạo nên giá trị vật chất, giá trị tinh thần cho bản thân, cho những người xung quanh bằng việc làm, bằng sự chăm sóc ân cần, chu đáo.. Đôi bàn tay ấy không chỉ làm việc mà còn có thể trao đi tình yêu. Vì vậy, đôi bàn tay được so sánh như gia tài - gia tài, dù nhỏ bé nhưng lại vô cùng quý giá, đáng được trân trọng, nâng niu.

Câu 7. Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là người phụ nữ chu toàn, đảm đang, có tình yêu đám say, mãnh liệt, có ý thức vun vén cho tình yêu, hạnh phúc gia đình..

Câu 8. Từ hình ảnh "bàn tay em", anh/ chị có suy nghĩ gì về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Người phụ nữ dù ở bất kỳ thời đại nào, quốc gia, dân tộc nào cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng:

- Trong gia đình:

+ Chủ động chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.

+ Là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình….

- Trong xã hội:

+ Người phụ nữ trong xã hội ngày nay nắm giữa rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.

+ Tham gia nhiệt tình, hiệu quả các hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ….

5. Bàn tay em trắc nghiệm

Bàn tay em

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ
Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc

Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em

Câu 1. Dòng nào sau đây nêu đúng đặc điểm hình thức của bài thơ?

A. Số chữ trong câu không cố định, không có biện pháp tu từ, không có vần.
B. Số chữ trong câu không cố định, có biện pháp tu từ, không có vần.
C. Số chữ trong câu không cố định, có biện pháp tu từ, có vần.
D. Số chữ trong câu cố định, có biện pháp tu từ, không có vần.

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là gì?

A. Tự sự.
B. Biểu cảm.
C. Miêu tả
D. Nghị luận

Câu 3. Đâu không phải là đặc điểm của bàn tay em được miêu tả trong bài thơ?

A. Bàn tay em thon dài, thanh mảnh, đẹp đến lạ lùng
B. Bàn tay em vất vả với bao công việc nhọc nhằn
C. Bàn tay em xoa dịu mọi nỗi đau buồn, lo âu của anh
D. Bàn tay em biết nhớ thương anh khi xa cách

Câu 4. Đoạn thơ nào sau đây thể hiện nỗ lực vun vén hạnh phúc của em và anh?

A. Đường tít tắp, không gian như bể/ Anh chờ em cho em vịn bàn tay
B. Tay cắm hoa, tay để treo tranh/ Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
C. Gia tài em chỉ có bàn tay/ Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
D. Lấy thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Câu 5. Vì sao đôi bàn tay em với vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả lại được coi là gia tài quý báu?

A. Vì bàn tay em mang một dáng hình độc đáo.
B. Vì đó là bàn tay của người phụ nữ tần tảo, hi sinh để vun vén hạnh phúc gia đình.
C. Vì đó là bàn tay của người phụ nữ đã gồng gánh sinh kế của cả gia đình.
D. Vì ngoài đôi bàn tay, em không còn một tài sản quý báu nào khác.

Câu 6. Đâu không phải là tác dụng của việc sử dụng kết cấu đầu cuối tương ứng: Em trao tặng anh từ ngày ấy/ Em trao anh cùng cuộc đời em?

A. Khẳng định rằng bàn tay em luôn cần một điểm nương tựa, đó là anh.
B. Bày tỏ tình yêu tha thiết, khát vọng dâng hiến trọn vẹn cho anh của em.
C. Thể hiện mong muốn rằng anh sẽ mãi ghi nhớ công sức, sự hi sinh của em dành cho anh.
D. Bày tỏ niềm tin mãnh liệt của em vào tình yêu và hạnh phúc của đôi ta.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.492
0 Bình luận
Sắp xếp theo