Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong bài thơ Đất nước
- 1. Dàn ý phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân
- 2. Sơ đồ tư duy tư tưởng đất nước của nhân dân
- 3. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân ngắn gọn
- 4. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân chi tiết
- 5. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân học sinh giỏi
- 6. Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân siêu ngắn
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã được tác giả chứng minh qua nội dung bài thơ như một sự thống nhất các yếu tố lịch sử, địa lí, văn hóa, phong tục, sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và dân tộc, giữa thế hệ này với thế hệ khác qua tư tưởng cốt lõi Đất Nước của Nhân dân. Dưới đây là mẫu dàn ý tư tưởng Đất nước của nhân dân, phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ Đất nước. Mời các bạn cùng tham khảo.
1. Dàn ý phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân
2. Sơ đồ tư duy tư tưởng đất nước của nhân dân
3. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân ngắn gọn
Đất nước là một chủ đề được quan tâm hàng đầu đối với lịch sử văn học nước ta. Mỗi thời đại có một cách hiểu, cách quan niệm riêng về đất nước. Thời trung đại người ta thường quan niệm đất nước gắn liền với công lao của các triều đại, do các triều đại kế tiếp nhau gây dựng lên. Còn ở thời hiện đại, khi người ta nhìn thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, người ta mới thấy rằng đất nước là của nhân dân. Điều này tất nhiên càng được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn ai hết khi dân tộc ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt chương thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chính là tư tưởng đất nước của nhân dân.
Thành công đầu tiên khi thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân là Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn cho mình chất liệu văn hóa rất phù hợp đó là chất liệu văn hóa dân gian. Vẫn biết rằng chất liệu thuộc hình thức nghệ thuật của một bài thơ mà nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ còn trái tim là nghệ sĩ. Tuy nhiên việc thể hiện tiếng nói của trái tim là rất quan trọng. Văn hóa dân gian trong bài thơ là những câu tục ngữ ca dao, những làn điệu dân ca, những câu hò sông nước, những câu chuyện cổ tích, những phong tục tập quán mà Nguyễn Khoa Điềm đã gói gọn trong câu thơ: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.
Nguyễn Khoa Điềm đi tìm đất nước ở cái ngày xửa ngày xưa trong câu chuyện cổ tích. Vì vậy nhà thơ mở đầu khúc ca đất nước bằng những câu thơ:
"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…"
Trở về với cái “ngày xửa ngày xưa” ấy, nhà thơ đã phát hiện ra hai nguyên tố gốc, nguyên tố cơ bản làm ra đất nước đó là “đất” và “nước”. Trong quá trình hình thành thực thể đất nước cũng như phát triển đất nước “đất” và “nước” là hai tế bào đầu tiên. Nguyễn Khoa Điềm biến hóa, nhân đôi, sinh sôi nảy nở để trở thành cơ thể đất nước hoàn chỉnh. Tất cả những điều đó làm toát lên vẻ đẹp của nền văn minh lúa nước lâu đời. Cái hay của Nguyễn Khoa Điềm ở đây là ông không đặt nguyên những câu tục, ngữ ca dao nào thành thơ của mình mà dường như những chất liệu văn hóa dân gian này thấm sâu vào tâm hồn ông ngay từ tấm bé qua câu hát điệu ru của bà của mẹ để bây giờ khi viết về đất nước, ông đã chắt lọc và xử lý qua lăng kính tâm hồn của mình. Thế là mỗi câu thơ dưới ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm phảng phất theo làn điệu dân ca, phỏng theo những điệu hát ca dao, phỏng theo câu truyện cổ tích.
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm”
Dùng thuyết âm dương, nhà thơ đã nhập đất vào với nước để tìm ra khái niệm đầu tiên:
“Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Với cách cắt nghĩ khám phá để lý giải, tác giả khẳng định làm ra đất nước này đó chính là sự hò hẹn của đôi ta. Đôi ta ở đây chính là “anh và em”, là sự hóa thân của nhân dân. Nói cách khác nhân dân là người làm ra đất nước.
Văn hóa dân gian là sản phẩm tinh thần của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm đã mượn sản phẩm tinh thần của nhân dân để viết về tư tưởng đất nước của nhân dân, như vậy bài thơ Đất Nước từ nội dung đến hình thức nghệ thuật đều thấm đẫm tư tưởng đất nước của nhân dân. Và cứ như thế, không mạnh mẽ gân guốc, tác giả thủ thỉ thì thầm với người đọc để khẳng định rằng đất nước này trong bốn nghìn năm qua không ai khác ngoài nhân dân bằng những câu thơ:
“Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
Đất nước này có phát triển, có vẹn tròn to lớn nhờ có chúng ta cầm tay mọi người, nhờ có tinh thần đoàn kết của nhân dân. Tinh thần đoàn kết ấy tạo ra sức mạnh cho đất nước, giúp đất nước phát triển to lớn.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
…
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Vẫn biết rằng một đất nước là sự cộng gộp của biết bao ngọn núi, con sông, ruộng đồng, gò bãi… Ở đâu cũng có tên đất, tên làng, tên núi, tên sông… Một mảnh đất chừng nào thiếu đi tên gọi, chừng ấy nó thiếu đi sự thiêng liêng của con người. Nhưng đặt tên gọi không tùy tiện bởi đằng sau tên gọi là một huyền thoại, đằng sau huyền thoại là một cuộc đời. Chính cuộc đời ấy, con người ấy ngã xuống bảo vệ đất nước này, làm nên đất đai của xứ sở.
Hòn Vọng Phu ngàn năm còn đó như minh chứng cho lòng thủy chung, son sắc ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam bởi hai chữ “Vọng Phu” là chờ chồng. Đất nước ta đã phải trải qua ba mươi lăm năm của hai cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, biết bao nhiêu “người con trai ra trận, người con gái trở về nuôi cái cùng con”. Đây chính là tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nội dung cũng là hình ảnh người học trò nghèo đã “góp cho Đất nước mình núi Bút non Nghiên”. Họ còn là người yêu quê hương, thổi hồn mình vào con cóc, con gà “cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Đó là những người ta nhớ mặt đặt tên: “ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm” nhưng thử hỏi đất nước này có biết bao nhiêu con người ngã xuống vì ngày mai độc lập, ngã xuống để bảo vệ đất nước mà ta không nhớ mặt đặt tên:
“Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”
Như đã nói là người chiến sĩ làm thơ, gót chân của Nguyễn Khoa Điềm đã in hằn trên mọi nẻo của Tổ quốc thân yêu. Đi đến đâu, nhìn vào lĩnh vực nào, khía cạnh nào, phương diện nào ông cũng đều chia sẻ tất cả là do nhân dân làm ra.
Từ một tiền đề vững chắc, tác giả đã triển khai đất nước ở chiều dài thời gian lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước:
“Em ơi em
…
Người con gái trở về nuôi cái cùng con”
Trong suốt bốn nghìn năm ấy, người Việt Nam cứ truyền ngọn lửa yêu nước từ lớp người này qua lớp người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lớp lớp người Việt Nam ra đánh trận để viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trang sử ấy được viết lên bằng máu, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng cuộc đời của biết bao con người. Nhận định về vấn đề này, Engels đã nói: “Không có máu và nước mắt của nhân dân, dân tộc ấy không thể có lịch sử”.
Đặt bài thơ “Đất nước” trong bối cảnh ngày hôm nay, khi nền văn học Việt Nam đang hội nhập với nền văn học thế giới. Mỗi người Việt Nam yêu nước cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Và thế là “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa khẳng định những thành công vốn có của bài thơ này, xứng đáng trở thành hành trang tinh thần của mỗi chúng ta.
Vẫn biết rằng trường ca là một thể thơ dài, khó thuộc khó nhớ và người viết trường ca dễ bị sa vào lối liệt kê, kể lể. Trích đoạn “Đất Nước” nói riêng, trường ca “Mặt đường khát vọng" nói chung tuy không tránh khỏi tùy vết này nhưng với tất cả những gì Nguyễn Khoa Điềm đã mang lại cho bài thơ “Đất Nước” với tư tưởng đất nước của nhân dân, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm xứng đáng là những vần thơ của năm tháng không thể nào quên.
4. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân chi tiết
Chủ đề về đất nước đã như một dòng suối thấm nhuần vào biết bao trang văn, đặc biệt là khi nước ta còn trong những ngày chiến đấu... Đất Nước - một đề tài không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Từ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, chúng ta đã thấy ý thức về lòng tự tôn dân tộc, về độc lập nước nhà được khẳng định. Cho tới bản cáo trạng tội ác giặc Minh của Nguyễn Trãi, rồi đến lời tuyên bố bất hủ trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh năm 1945, tất cả đều khẳng định Đất Nước của chúng ta đã trải qua biết bao gian khó để giữ vững nền tự do, đánh đuổi quân xâm lược. Nguyễn Khoa Điềm đã có một sáng tạo vô cùng mới mẻ với bản trường ca Mặt Đường Khát Vọng của mình. Đặc biệt trong chương V mang tên “Đất Nước”, nhà thơ không chỉ cho chúng ta thấy một Việt Nam đi từ bom đạn đến ngày tháng hòa bình, mà Nguyễn Khoa Điềm còn làm người đọc thổn thức trước vẻ đẹp của đất nước trên mọi phương diện qua một phong cách nghệ thuật tài hoa và độc đáo... Nhưng điều cốt yếu cần nhận thấy ở đây, nếu không nhắc tới sẽ là một sự thiếu sót, đó chính là đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm về mặt tư tưởng cho nền văn học nước nhà: tư tưởng Đất Nước của nhân dân. Tư tưởng ấy “như một sợi chỉ đỏ” xuyên suốt văn bản đã thực sự làm tăng thêm giá trị cao đẹp cho tác phẩm...
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Đất Nước có từ ngày đó..."
Bài thơ mở đầu giống như một câu chuyện... Dường như tác giả đang khắc họa lại hình bóng đất nước từ những thuở rất xa. Mỗi con người sinh ra, đều có một mốc thời gian xác định. Còn Đất Nước? Đất Nước có tự bao giờ? Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo diễn tả rằng “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”... Chẳng phải đây là cái thú vị lắm sao. Từ lâu nay, mấy ai nghĩ tới câu hỏi “Đất Nước có tự bao giờ?” Như vậy, trong Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là lòng yêu nước, mà còn là một trái tim say mê nghiên cứu khám phá... Và cũng chính từ khám phá của Nguyễn Khoa Điềm, mà ta thấy Đất Nước như được đặt vào một mạch vận động của thời gian. Đất Nước cũng như con người lớn lên theo năm tháng. Đặc biệt là trong những ngày tháng ấy của Đất Nước đều có hình bóng người dân. “Câu chuyện ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể” hay “miếng trầu bà ăn” đều là những điều bình dị thôi. Nó gắn với tuổi thơ êm dịu của con trẻ. Nó như một chiếc nôi để ta tìm về cho tâm hồn những phút giây tĩnh tại... Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc tới những điều thân thuộc như thế để trả lời cho câu hỏi lạ lùng Đất Nước có từ bao giờ ấy... Với sự lí giải này, với những hình ảnh hết mực gần gũi bình dị này, ta thấy Đất Nước sao mà gần quá, sao mà gắn bó giản dị quá...
Không chỉ viết về “Đất Nước bắt đầu” mà Nguyễn Khoa Điềm còn viết cả khoảng thời gian mà “Đất Nước lớn lên”. Ở đây, ta bắt gặp những câu truyện dân gian quen thuộc mà truyện miệng nhau tới mức có khi đã thuộc lòng. Câu chuyện thánh Gióng kể về dân tộc ta những ngày đầu thuở dựng nước được nhắc tới khéo léo trong đoạn thơ. Ngay từ những dòng đầu tiên này, ta đã thấy hình bóng nhân dân rồi. Những người dân “biết trồng tre mà đánh giặc”. Lẽ nào có thể phủ nhận rằng biết bao chiến thắng và kỳ tích trong lịch sử dân tộc lại không phải từ sức mạnh nhân dân? Nguyễn Khoa Điềm đã gợi mở những ý nghĩ ban đầu về tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân như vậy. Bằng những hình ảnh hết mực giản dị và gần gũi, những câu truyện đã đi vào lòng người từ thuở còn bé thơ...
Điều đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Khoa Điềm đó là ông đã sử dụng rất nhiều thi liệu dân gian. Với khổ thơ đầu của chương V, nét dân gian thể hiện ở hình ảnh được sử dụng, thể hiện ở những câu truyện mà tác giả nhắc tới, những phong tục như búi tóc, rồi cách đặt tên... Nhưng ngoài ra nó còn thể hiện rõ rệt trong việc lấy ý tưởng từ những bài ca dao của tác giả:
“Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Với những câu mở đầu cho phần một, Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho ta hình ảnh Đất Nước một cách sinh động đầy yêu mến giản dị, lại như khắc họa được cả quá trình “lớn lên” của Đất Nước, thì ở đoạn tiếp theo, Đất Nước đã hiện lên rõ hơn với những lời định nghĩa cụ thể...
“Đất là nơi em đến trường
Nước là nơi anh tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Nguyễn Khoa Điềm đã tách hai khái niệm Đất và Nước để mang tới cho chúng ta một cái nhìn rõ nhất về Đất Nước. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong đoạn thơ này được thể hiện khi. Đất Nước gắn với những sinh hoạt thường ngày của người dân. Mỗi câu thơ về Đất Nước đều sóng đôi cùng hình ảnh con người. Cũng như đoạn thơ trên, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa vận dụng vốn tri thức uyên thâm của mình về văn hóa dân tộc vào những trang thơ. Người đọc lại một lần nữa đến với hình ảnh Đất Nước qua con người của Đất Nước, đến với Đất Nước là những nét cổ truyền của dân tộc... Đọc đoạn thơ trên, hẳn ai cũng nghĩ đến bài ca dao dịu dàng
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt…”
Hay là nhớ về câu hò mênh mang của vùng Bình - Trị - Thiên “Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc - con cá ngư ông móng nước biển khơi…”
Và Đất Nước dù có hiện lên qua hình ảnh nào đi chăng nữa, cuối cùng cũng về với nhân dân, là của nhân dân... Câu thơ “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ” như một lời giãi bày và khẳng định cho chân lý ấy, khẳng định cho tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vậy...
Từ những lý giải về Đất Nước có tự bao giờ, từ định nghĩa về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn vào lịch sử, rồi lại nhìn vào thế hệ muôn đời. Nhà thơ nặng lòng với Đất Nước muốn gửi gắm lời căn dặn của mình cho con cháu những thế hệ đương thời hoặc cả sau này... Từ cái thuở “Lạc Long Quân và Âu Cơ - Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, từ những người đã khuất hay những người vẫn đang tồn tại, tất cả trong họ đều có một phần Đất Nước... Ta đã từng sống vì Đất Nước từ thuở hoang dại ngày xưa, của những ngày buổi đầu dựng nước còn cơ cực, của những ngày mà truyền thuyết con Rồng cháu Tiên vẫn truyền nhau như niềm tự hào dòng giống con Lạc cháu Hồng. Thì bây giờ, ta vẫn phải sống vì lý tưởng, vì Đất Nước như vậy.
“Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ…”
Theo tôi đây là đoạn thơ rất hay của chương “Đất Nước” này. Nó khái quát cả một thời gian dài trong lịch sử người Việt, làm nhấn mạnh thêm vào truyền thống yêu nước, giữ nước và dựng nước của nhân dân ta... Và câu thơ như một lời răn dạy... Hành động “cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ” là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Những con người đã hiến dâng cho Đất Nước lại biết tôn thờ truyền thống, tôn thờ lịch sử hay cũng chính là tôn thờ Đất Nước... Bởi Đất Nước là của nhân dân, vận mệnh nước nhà nằm trong tay mỗi người chúng ta nên ta cần phải giữ gìn, phải trân trọng và nhận thức được trách nhiệm của mình
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn
Mau này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng…”
Đất Nước không chỉ có ở câu truyện cổ tích, không chỉ được tái hiện bởi lịch sử... Nếu như vậy, e rằng nhiều ý kiến sẽ cho rằng bài thơ “Đất Nước” vẫn còn nặng về chính trị, nặng về kêu gọi, mang màu sắc chính luận mà thiếu đi chất trữ tình... Nhưng không, Nguyễn Khoa Điềm về mặt nghệ thuật đã kết hợp trong đoạn trích Đất Nước những gì đặc sắc nhất của văn chính luận, của tùy bút và của thơ trữ tình khiến bài thơ lột tả được hết vẻ đẹp nghệ thuật cũng như khắc họa một cách độc đáo những điều mà Nguyễn Khoa Điềm muốn truyền đạt. Còn về nội dung, ở đoạn thơ này, ta còn thấy Đất Nước hiện hữu trong tình yêu đôi lứa... Nếu so sánh tình yêu đôi lứa trong những trang thơ trước cách mạng tháng tám, ta sẽ thấy tình yêu được nhắc đến mang màu sắc cá nhân, ghi đậm dấu ấn của những “cái tôi”, về khao khát hưởng thụ và dâng hiến trong tình yêu... Nhưng ở thời kì này, khi mà Nguyễn Khoa Điềm viết Đất Nước để kêu gọi nhân dân miền Nam, đặc biệt là người trẻ nhận thức được ý thức trách nhiệm của mình, ông đã đặt tình yêu đôi lứa vào tình yêu Đất Nước. Nó không hề là một sự gò ép mà trái lại, làm trọn vẹn và toàn diện thêm tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Tình yêu của “anh và em hôm nay” được đặt trong một tập thể... Vì thế, không chỉ có anh và em nắm tay, làm Đất Nước như “hài hòa nồng thắm”, mà ở đây còn là cái “nắm tay mọi người”. Nguyễn Khoa Điềm đã mang chất trữ tình vào một bài thơ đậm màu sắc chính trị, một bản trường ca về ca ngợi Đất Nước và kêu gọi người dân... Hẳn không nhà thơ nào có thể làm được hơn thế trong thơ... Nỗi khát khao, nỗi trăn trở về trách nhiệm của người với người còn được thể hiện ở niềm gửi gắm cho những thế hệ sau... “Con sẽ mang Đất Nước đi xa - Đến những tháng ngày mơ mộng”. Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân được thể hiện trong đoạn thơ này đặc biệt biết mấy. Nguyễn Khoa Điềm gửi vào nhân dân niềm tin tưởng, tin tưởng rằng tương lai tốt đẹp của Đất Nước không nằm đâu xa mà nằm trong tay chính những con người cần cù bình dị...
Một tiếng gọi tha thiết được cất lên:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Phải rồi, Đất Nước là máu xương của mình. Đất Nước thân thuộc và gắn bó ruột thịt với chúng ta. Câu thơ đặt dưới hình thức một câu mệnh lệnh nhưng nghe sao vẫn uyển chuyển thiết tha bởi lời gọi “Em ơi em” và giọng điệu thân tình... Cũng từ những hình ảnh máu xương và khỏi lửa, ta chợt nhớ về một tập thể những con người oai hùng, tập thể ấy đã tạo nên một Đất Nước oai hùng
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
(Đất Nước - Nguyễn Đình Thi)
Ở phần sau của đoạn trích, tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” được thể hiện đặc biệt rõ nét và vô cùng độc đáo. Mở đầu là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn nhận những danh thắng ấy dưới con mắt đặc biệt hướng về nhân dân mình...
“Những người vợ nhớ chồng góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Có thể nhận thấy ở đoạn thơ này, sự xuất hiện dày đặc những địa danh của quê hương là một điều hết sức đặc biệt. Nguyễn Khoa Điềm không chỉ muốn giới thiệu về vẻ đẹp của Đất Nước mình mà ông còn muốn nói một điều, chính những người dân bình dị đã tạo nên biết bao vẻ đẹp ấy. Từ người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, đó đều là những điển tích được trích dẫn ra, là điển tích lý giải cho sự tạo thành của những cảnh đẹp bây giờ. Nguyễn Khoa Điềm luôn coi Đất Nước và Nhân Dân là một. Nhân dân, chính nhân dân mới là những người làm nên đất nước. Hình ảnh trong thơ Nguyễn Khoa Điềm tuy là được liệt kê những hoàn toàn không phải là liệt kê một cách tràn lan mà nó rất có chọn lọc. “Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương” nhắc nhớ ta về truyền thuyết nơi đất tổ vua Hùng có chín mươi chín con voi quây quần thần phục. Nó nhưng một truyền thống yêu nước và hướng về cội nguồn quý báu mà nhân dân ta từ bao đời nay vẫn gìn giữ. Cội nguồn, quê hương vẫn là một cái gốc mà người dân Việt không bao giờ quên trong mỗi cuộc đời. Rồi núi Bút, non Nghiên được tạo nên bởi “người học trò nghèo”. Câu thơ làm người ta nghĩ tới sự hiểu hóc, chăm chỉ cần cù trong học tập rèn luyện của người Việt. Ông cha ta từ bao đời nay đã vượt qua cái nghèo, cái khổ nhưng vẫn dành tâm sức cho việc rèn luyện bản thân. Những người tài ắt hẳn cũng lớn lên, thành công và đóng góp cho nước nhà từ đức tính siêng năng ấy. Rồi chỉ những người dân bình thường thôi, cũng góp phần tạo nên danh thắng Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm ở Nam Bộ. Điều đặc biệt là nhà thơ đã liên tưởng rất độc đáo những tên của địa danh này để rồi gắn vào đằng sau đó là sự đóng góp của người dân. Trải dài qua khổ thơ, từ “góp” liên tục được xuất hiện. Không phải là một từ nào khác mà là “góp”. Đôi khi chỉ một cách dùng từ, một từ ngữ làm điểm nhấn cũng tạo được cho tác phẩm giá trị riêng và thành công đến bất ngờ. Từ “góp” thể hiện không chỉ một người, mà là nhiều người cùng chung tay, cùng tạo nên một Đất Nước Việt Nam với nhiều cảnh đẹp như thế. Động từ “góp” nó thể hiện sự thân tình, như một cách nói của khẩu ngữ dân gian vô cùng quen thuộc, nó lại thể hiện được cái tâm thế, sao mà bình dị, sao mà cần mẫn của mỗi người dân khi đóng góp cho Đất Nước đến thế... Nguyễn Khoa Điềm đã không bỏ đi một chi tiết nào, mà đều lựa chọn cẩn thận, từ hình ảnh đến từ ngữ để đoạn thơ hiện lên hay và tập hợp được những gì tinh túy nhất. Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân ở đoạn này không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, mà nó còn nâng lên tầm cao hơn, bởi nó nhắc nhở chúng ta rằng Đất Nước được tạo nên từ người dân bình thường mà thôi...
Lướt qua một loạt những địa danh, vẻ đẹp của Đất Nước đã hiện ra đủ đầy ở phương diện Địa Lý, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi! Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”
Lời khẳng định này đã thực sự đem tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân thấm vào lòng người đọc. Cách diễn đạt của Nguyễn Khoa Điềm luôn luôn mang đến sự mới mẻ cho độc giả. “Trên khắp ruộng đồng gò bãi” đã là một sự khái quát không có gì có thể khước từ. Nó không còn chỉ là ở những địa danh đã nêu ở trên, không phải chỉ tồn tại ở một nơi nào đó, mà nó là ở khắp Đất Nước ta, khắp sông núi ta... Cũng tương tự như vậy với câu thơ “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy - những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”. Câu thơ trước nâng tầm khái quát về không gian thì câu thơ sau lại nâng tầm khái quát về thời gian. Nó hòa quyện vào nhau, tổng hợp cùng nhau để cùng tô đậm cho tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân xuyên suốt mạch bài thơ...
Lại một lần nữa, Nguyễn Khoa Điềm cất tiếng gọi tha thiết
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”
Thêm một lần nữa Nguyễn Khoa Điềm đã làm thức tỉnh trong ta ý thức về trách nhiệm của mình với Đất Nước. Để độc giả nhận thấy được những lời mình muốn căn dặn, Nguyễn Khoa Điềm không đi nặng vào giáo điều triết lý. Ông dùng chính những con người để thức tỉnh và mời gọi con người. Như một quy luật, một điều tất yếu không thể nào khác, bốn nghìn năm lịch sử của chúng ta đã đi qua để lại dấu ấn bằng những cuộc đánh đuổi quân xâm lược. Mà những chiến thắng ấy vì đâu mà có? Những trang sử ấy do ai viết nên? Ai là người đã cầm súng chiến đấu? Ai là người đã xông pha ra mặt trận? Ai là người đã kiên quyết giữ cho Đất Nước không rơi vào tay của quân giặc hung tàn? Đó chính là nhân dân! Nguyễn Khoa Điềm không hướng về những vị danh tướng, những bậc anh hùng vốn hay được ca ngợi trong văn học kim cổ, ông viết về
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Nét đặc biệt trong đoạn trích Đất Nước thuộc trường ca Mặt Đường Khát Vọng là ở đó. Nguyễn Khoa Điềm không một chút rời xa khỏi tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân của mình. Mỗi câu thơ nói về Đất Nước, dù đó là miêu tả cảnh đẹp, là khắc ghi niềm tự hào dân tộc, là kể lại truyền thống lịch sử, chung quy lại đều để làm sáng tỏ cái tư tưởng cốt lõi ấy. Nhà thơ đã khám phá một nét mới mẻ độc đáo và biết cách khái quát nó lên, để nó trở thành một đóng góp giá trị về tư tưởng cho Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến 1975. Những con người xuất hiện trong thơ Nguyễn Khoa Điềm đều là những người chung chung. Họ không mang một cái tên riêng nào cả, không phải là những vị anh hùng với chiến tích quá lẫy lừng như sử sách. Đó chỉ là những con người “đã sống và chết” một cuộc đời “giản dị và bình tâm”. Tại sao lại là “giản dị” và “bình tâm”? Bởi cuộc đời họ sinh ra là để hy sinh cho Tổ Quốc. Một cuộc đời biết sống vì Tổ Quốc, nghe theo lời kêu gọi của nước nhà lúc đau thương, nó lớn lao mà vẫn giản dị, nó có hy sinh và đau khổ mà vẫn thật bình tâm... Tất cả những điều mà họ làm được nấy đều được Đất Nước và bao thế hệ ghi nhận lại. Sự đóng góp ấy đã đúc kết nên dải đất hình chữ S vẫn vẹn nguyên qua năm tháng, đập tan biết bao ách xâm lược và thống trị dã man đã từng đàn áp nhân dân ta...
Và để bản trường ca thật sự có chiều sâu, Nguyễn Khoa Điềm còn làm sáng tỏ tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân của mình qua việc khắc họa Đất Nước ở chiều sâu văn hóa. Nền văn hóa ấy cũng bắt nguồn từ nhân dân, nền văn hóa ấy lại được lưu giữ và truyền cho ngàn đời sau bởi nhân dân. Truyền thống ấy kết tinh ở nhân dân... Vậy nên, chính việc nói tới chiều sâu văn hóa dân tộc mình đã giúp Nguyễn Khoa Điềm làm cho tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân thêm trọn vẹn
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại"
Tập tục của một nền nông nghiệp lúa nước được nhà thơ tái hiện qua những câu văn. Từ những điều tưởng chừng như tầm thường, bé nhỏ như hòn than, con cúi cũng cho thấy một phần nào đó bản sắc riêng của dân tộc. Người dân Việt Nam là thế, trải qua bao đời họ vẫn giữ trong mình những phẩm chất riêng không thể lẫn vào đâu... Những công việc lao động đã từ ngàn đời nay vẫn còn tồn tại... Rồi truyền thống yêu nước, căm thù giặc... Tất cả đã làm nên một bản sắc riêng cho dân tộc Việt... Và Nguyễn Khoa Điềm đã dùng chính những bản sắc ấy, dùng chính những gì là phong tục tập quán ấy, để nói lên một điều
“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Đất Nước - Nhân dân tư tưởng này đã xuyên suốt bài thơ ở mạch ngầm của văn bản giờ đã được khẳng định một cách rõ ràng. Đất Nước - Nhân dân không thể tách rời. Nhân Dân đã làm nên Đất Nước, nhân dân đã gìn giữ và bảo vệ Đất Nước... Những người trẻ hay những người già, chẳng phân biệt gái trai đều là một trong hàng triệu người đang góp phần vào công cuộc giữ vững xây dựng nước nhà... Hai câu thơ trên có sức lay động mạnh mẽ trong lòng người. Nó như một nguồn ánh sáng thức tỉnh tâm cam ta, thức tỉnh trong ta về một niềm tự hào dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm đã gói gọn tất cả tư tưởng của mình chỉ bằng hai câu thơ mà thôi. Người ta sẽ nhìn lại vào năm tháng đã qua, sẽ đưa mắt theo chiều rộng hướng về không gian Địa Lý, rồi lại lắng lòng mình xuống sâu cùng văn hóa quê hương... Tất cả, đều hiểu một điều: “Đất Nước này là Đất Nước nhân dân”...
Vậy còn "Đất Nước của ca dao thần thoại"... Hãy thử đọc và cảm nhận xem
“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre mà đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
Biết bao thi liệu dân gian được lấy từ những câu ca dao mà Nguyễn Khoa Điềm đã gửi gắm vào đây. Sự uyên bác trong trí thức lẫn tài năng nghệ thuật văn chương đã khiến cho bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm dù sử dụng mật độ khá dày những điển tích dân gian, ca dao dân ca nhưng vẫn uyển chuyển và không khô cứng...
Con người Việt Nam được thể hiện qua một trái tim yêu, qua một câu ca dao rất đáng yêu ý nhị
“Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc anh ngồi anh ru”
Con người Việt Nam lại được khắc họa bởi lòng biết quý trọng công sức lao động
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”
Và chưa hết, ý chí quyết tâm chống giặc bảo vệ Đất Nước mặc cho thời gian, mặc khó khăn gian khổ một lần nữa được nhắc đến
“Thù này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què”
Khi xưa Phan Bội Châu đã nói “Dân là dân nước, Nước là nước dân”... Tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân nguyên sơ hình thành từ ngày đó. Hay một câu nói nổi tiếng của bậc kỳ tài xưa cũng căn dặn rằng phải “Lấy dân làm gốc”... Thế nhưng, chỉ đến Nguyễn Khoa Điềm, tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân mới thật sự mang sức khái quát, thực sự được đưa lên một tầm cao tư tưởng mới, thực sự làm dậy lên những rung cảm trong lòng người đọc và trở thành đóng góp quý giá vào bậc nhất cho văn học Việt Nam.
Đoạn trích “Đất Nước” ở chương V của trường ca “Mặt Đường khát vọng” thì đã khép lại nhưng những dư âm vẫn luôn gợi mở nhiều suy tư trong mỗi chúng ta. Nguyễn Khoa Điềm từ tình cảnh nước nhà, đã viết nên bài thơ để thức tỉnh ý thức của tầng lớp trẻ miền Nam. Ông đã đưa vào bản trường ca, đặc biệt là đoạn trích Đất Nước những gì đẹp nhất và tinh túy nhất của nghệ thuật, của nội dung và giá trị về tư tưởng. Đó quả thực là sự lao động miệt mài dày công sức và đáng trân trọng. Văn học Việt Nam sẽ còn ghi tên Nguyễn Khoa Điềm, như một người đầu tiên đem tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân với tất cả thế hệ người đọc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Một hồn thơ nặng lòng với Đất Nước, một cây bút tài hoa cùng những khám phá sâu sắc mới mẻ về tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân đã làm những áng văn của Nguyễn Khoa Điểm trở thành một kiệt tác nghệ thuật bất hủ.
5. Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân học sinh giỏi
Trong bản hợp xướng của thơ ca chống Mỹ, nổi lên những âm vang trầm hùng, sâu lắng thiết tha về đất nước. Đất nước hiện lên qua màu xanh “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, trong dòng người cuồn cuộn trên “Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh”, “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo. Đất nước đó cũng rung lên mạnh mẽ khi tuổi trẻ không yên những tà áo trắng đã xuống đường trong “Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm. Trong bản trường ca chín chương sôi sục nhiệt huyết của tuổi trẻ trước vận mệnh của dân tộc, ông đã dành hẳn một chương (V) để nói về đất nước:
“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” đã thấm nhuần trong cả chương thơ về “Đất Nước”. Điều mà chúng ta dễ nhận ra trước tiên là tác giả đã sử dụng rộng rãi các chất liệu văn hoá dân gian. Nghĩa là văn hoá của nhân dân từ ca dao tục ngữ đến truyền thuyết, cổ tích, từ phong tục tập quán đến cuộc sống dân dã hàng ngày: miếng trầu, hạt gạo, hòn than, cái kèo, cái cột. Các chất liệu ấy đã tạo ra được một thế giới nghệ thuật hết sức quen thuộc gần gũi mà sâu xa, bay bổng của văn hoá dân gian Việt Nam bền vững và độc đáo. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo truyền thống văn hoá dân gian, mà chính là thấm nhuần quan niệm về “Đất Nước của Nhân dân”, là sự thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi ấy trong cảm hứng và sáng tạo hình ảnh thơ của tác giả:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa... mẹ thường hay kể”
Bằng giọng tâm tình như lời kể truyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm xúc và suy tưởng của mình về đất nước. Cảm hứng có vẻ phóng túng, tự do như một thứ tuỳ bút bằng thơ, nhưng thực ra nó vẫn có một hệ thống lập luận khá chặt chẽ rõ ràng. Tác giả đã tập trung thể hiện đất nước trên các bình diện chủ yếu đó là Đất Nước trong chiều dài thời gian lịch sử (quá khứ xa xưa cho đến hiện tại tương lai); trong chiều rộng không gian lãnh thổ, địa lý. Và cuối cùng là trong bề dày văn hoá, tâm hồn cốt cách. Ba phương diện ấy được thể hiện trong sự gắn bó thống nhất. Nhiều khi một chi tiết đưa ra cùng nói về mấy cả phương diện ấy của đất nước. Nhưng ở bất cứ phương diện nào thì quan niệm “Đất Nước của Nhân dân” cũng là tư tưởng cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi mọi cảm xúc và suy tưởng cụ thể và chính nhờ đó, mà tác giả đã có những phát hiện mới mẻ, có chiều sâu nhiều khi ở chính những hình ảnh chất liệu quen thuộc.
Nói về lịch sử mấy ngàn năm của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không dùng những sử liệu như nhiều nhà thơ khác. Ông dùng lối kể đậm đà của dân gian:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Hình ảnh thơ phải chăng đã gợi cho ta về sự tích trầu cau từ đời Hùng Vương dựng nước xa xưa, về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân đã đi vào lịch sử? Nghĩa là lịch sử đất nước được đọng lại trong từng câu chuyện kể, hiện hình trong miếng trầu bây giờ bà ăn, trong trồng tre mà đánh giặc. Hay nói cách khác đất nước đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi người dân, trường tồn trong đời sống tâm hồn nhân dân qua bao thế hệ. Đó cũng chính là Đất Nước của Nhân dân.
Vì vậy khi nghĩ về mấy ngàn năm lịch sử của đất nước, tác giả không điểm lại các triều đại từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây dựng nên nền độc lập (Nguyễn Trãi) và cũng không nhắc lại tên tuổi những anh hùng lừng danh trong sử sách như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... mà Nguyễn Khoa Điềm đã nhấn mạnh đến muôn ngàn những con người bình dị vô danh:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Nhưng con người vô danh ấy chính là nhân dân vô tận đã tạo dựng và gìn giữ đất nước trải qua mọi thời đại. Họ không chỉ đánh giặc ngoại xâm mà còn là người sáng tạo và truyền lại mọi giá trị vật chất và tinh thần cho các thế hệ nối tiếp nhau:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh tên làng tên xã trong mỗi chuyến di dân”
Cùng với thời gian đằng đẵng là không gian mênh mông được tạo lập từ thuở sơ khai với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ: “Đất là nơi chim về - Nước là nơi rồng ở”. Một đất nước đẹp đẽ và thiêng liêng biết bao!
Nhưng đất nước cũng là cái không gian rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân: “Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm” và đất nước ấy đã chứng kiến những mối tình đầu của biết bao lứa đôi:
“Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Từ quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”, tác giả đã có những phát hiện sâu sắc và mới mẻ về vẻ đẹp thiên nhiên đất nước gắn liền với con người mà trước hết là những con người bình thường. Và chính những con người bình thường ấy đã làm nên vẻ đẹp muôn đời của thiên nhiên đất nước, một vẻ đẹp không chỉ mang màu sắc gấm vóc của non sông, mà còn là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn, truyền thống dân tộc:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại”
Rồi người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên, cho đến những địa danh thật nôm na bình dị. Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm. Từ đó, tác giả đã đi tới một nhận thức khái quát sâu xa:
“Ôi! Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”
Đất nước ấy còn có một bề dày văn hoá, tâm hồn cốt cách Việt Nam. Cũng như hai phương diện trên, bề dày văn hoá không được nói đến qua các danh nhân văn hoá như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm... mà được thể hiện trong nguồn mạch phong phú của văn hoá dân gian để nêu lên truyền thống tinh thần và vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Trong các kho tàng văn hóa phong phú ấy, tác giả tìm thấy những vẻ đẹp nổi bật của tâm hồn tính cách Việt Nam. Đó là thật say đắm và thuỷ chung trong tình yêu: Yêu nhau từ thuở trong nôi; cha mẹ yêu nhau bằng gừng cay muối mặn; Biết quý trọng tình nghĩa: Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội. Nhưng cũng thật quyết liệt với kẻ thù: Biết trồng tre đợi ngày thành gậy - Đi trả thù không sợ dài lâu. Ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc đã được ông nói lên sâu sắc, thấm thía từ những câu ca dao đẹp - những tiếng lòng của nhân dân trải qua từng thời kỳ lịch sử.
Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là Đất nước của Nhân dân của ca dao thần thoại. Những thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ đã tạo nên nét đặc sắc cho bài thơ. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm cho ý niệm về đất nước của thơ ca chống Mỹ.
6. Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân siêu ngắn
Là một trí thức tham gia kháng chiến, trưởng thành trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế, Nguyễn Khoa Điềm còn là nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thiên về chính luận kết hợp với trữ tình. Những bài bài thơ của tác giả đều thể hiện khát vọng chiến đấu, một niềm tin cháy bỏng vào đất nước và nhân dân. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân’’ đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ của tác giả. Tư tưởng "Đất nước của nhân dân" được thể hiện rõ trong đoạn trích "Đất nước" trích "Trường ca Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm.
Trước hết, tư tưởng đất nước của nhân dân được thể hiện trong quan niệm về Đất Nước của ông. Đất Nước theo Nguyễn Khoa Điềm là những gì gần gũi, gắn bó với mỗi con người, đất nước là những gì ngày xửa ngày xưa “mẹ thường hay kể”, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng trăm con, “Đất Nước, bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”, “là nơi ta hò hẹn", “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”... chất suy tưởng của nhà thơ đậm màu sắc dân gian dẫn ta đi về cội nguồn: ta là con Rồng cháu Tiên, cái quá khứ thần thoại và tương lai như hòa quyện với nhau tăng cảm xúc trữ tình bay bổng:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
Đất nước có trong những cái “Ngày xửa ngày xưa ...mẹ thường hay kể”. Đất nước trường tồn trong chiều dài lịch sử và hóa thân vào mỗi con người:
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất Nước vẹn tròn to lớn”
Thật là một suy tưởng đúng đắn và đầy sáng tạo. Xưa nay chúng ta thường quan niệm đất nước là của chung, là những cái xoay quanh ta, đã mấy ai coi đất nước có trong mỗi con người. Hơn nữa nếu “hai đứa cầm tay, Đất Nước vẹn tròn to lớn”. Một quan niệm về đất nước như thế thật gần gũi, thân thiết. Cách nhìn mới mẻ ấy của nhà thơ giúp cho chúng ta thấy mình như một bộ phận, dù rất nhỏ bé trong cơ thể đất nước là ta lo cho trước hết bản thân mình, là góp phần cho đất nước muôn đời, lo cho con cháu chúng ta mai sau.
Đất nước của nhân dân nên nhân dân gắng công giữ gìn như là giữ cho chính máu thịt của mình. Lịch sử đã ghi nhận điều đó cho nên “những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Chủ nhân của đất nước này, lịch sử vẻ vang của đất nước này là công lao đóng góp của nhân dân. Thế hệ trước, thế hệ sau, kẻ ngã xuống, người đứng lên đã tạo nên vẻ đẹp của đất nước, và như vậy, núi sông này tồn tại, đất nước này vươn tới, nhất định phải là công lao của nhân dân.
Điều giản dị mà Nguyễn Khoa Điềm khám phá, đưa vào thơ là sự sáng tạo của nhà thơ. Thế mới biết thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực, thi vị hóa hiện thực mà còn chắp cánh cho con người đi lên, bay bổng vươn tới tương lai.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 12 2024
Top 35 mẫu kết bài Người lái đò sông Đà hay chọn lọc
(6 mẫu) Viết 1 đoạn văn nêu suy nghĩ về nghị lực trong cuộc sống
Đọc hiểu Chao ôi trăng đẹp quá
Top 4 mẫu tóm tắt văn bản Tuyên ngôn độc lập siêu hay
Viết đoạn văn về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác
Nghị luận về vấn đề tai nạn giao thông
Top 27 mẫu Mở bài Tây Tiến siêu hay
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
267 KB 23/11/2022 3:57:00 CHTải Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ Đất nước doc
23/11/2022 4:50:07 CH
Gợi ý cho bạn
-
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (những hoài bão, ước mơ)
-
Trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày
-
Thơ tình cuối mùa thu đọc hiểu
-
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp đọc hiểu
-
Đọc hiểu Giấc mơ của anh hề
-
Phân tích tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ
-
Bên kia sông Đuống đọc hiểu
-
Những nhận định văn học hay dùng làm mở bài
-
Trình bày suy nghĩ của anh, chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống
-
Top 27 mẫu Mở bài Tây Tiến siêu hay
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn mẫu 12
So sánh Đây mùa thu tới và Tràng giang
(Chính thức) Đề thi thử Văn sở Hà Tĩnh 2024 có đáp án
Tài liệu ôn tập Ngữ văn 12 học kì 2 file Word (123 trang)
So sánh đánh giá hai tác phẩm thơ Hoàng hạc lâu và Tràng giang
Bộ đề tham khảo tốt nghiệp THPT môn Văn tỉnh Gia Lai có đáp án
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay