Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp đọc hiểu

Tràng giang là bài thơ nổi tiếng của Huy Cận nói riêng và thơ ca lãng mạn 1932-1945 nói chung. Bài thơ được trích trong tập Lửa thiêng, tác phẩm là vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên "trời rộng sông dài" đồng thời cũng là cảm giác về cái bé nhỏ, bơ bơ hữu hạn của kiếp người. Đây là một trong những tác phẩm thường xuyên xuất hiện trong các đề thi quan trọng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc bộ đề đọc hiểu bài Tràng giang có đáp án chi tiết giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung nghệ thuật của tác phẩm.

 Đề đọc hiểu bài Tràng giang

1. Đề đọc hiểu bài Tràng giang số 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu :

" Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng"

a, chỉ ra ý nghĩa biểu đạt và ý nghĩa biểu cảm của những từ láy trong đoạn trích?

b, vẻ đẹp cổ điển của đoạn trích toát lên từ những yếu tố nào?

c, nhận xét về nhịp điệu của câu thơ cuối cùng nêu ấn tượng của anh chị về hình tượng được gợi tả trong câu thơ?

d, Viết một đoạn văn ngắn khoảng 10 đến 12 câu nêu cảm nhận của anh chị về nỗi niềm tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích.

Trả lời

a,

- Từ láy điệp điệp:

+ Nghĩa biểu đạt: gợi những con sóng nối tiếp nhau.

+ Nghĩa biểu cảm: thể hiện nỗi buồn da diết, triền miên tưởng như không dứt từ lòng người lan tỏa vào sóng nước trường giang. Nỗi buồn như tỏa ra từ lòng người và thấm vào cảnh vật.

- Từ láy song song:

+ Nghĩa biểu đạt: gợi hình ảnh con thuyền rẽ sóng, chia nước thành đôi ngả.

+ Nghĩa biểu cảm: gợi sự sóng đôi nhưng thực chất nhấn vào nỗi buồn chia li, cách trở.

b,

-vẻ đẹp cổ điển của đoạn trích toát lên từ những yếu tố:

+ không gian sông nướcrộng lớn mang đậm phong vị cố điển, phảng phất phong vị Đường thi (2 câu đầu)

+ thi liệu trong thơ Đường như sóng, thuyền, nước

+ tả cảnh ngụ tình: qua cảnh gợi mở về một nỗi buồn, u sầu như con sóng sẽ còn vỗ mãi ở các khổ thơ còn lại

c,

- Nhịp điệu: Nhịp câu thơ trúc trắc (1 - 3 - 1 - 2) phá cách thơ thất ngôn cổ điển

- Hình ảnh củi một cành khô là một chi tiết chân thực, nôm na, gần gũi với đời thường. Điều này ít gặp trong thơ ca cổ điển mà thường xuất hiện trong thơ hiện đại, là sự cách tân trong thơ Huy Cận. Hình ảnh cành củi khô bập bềnh trôi dạt lạc lõng gợi ra sự nhỏ bé cô đơn. Tác giả sử dụng biện phpá nghệ thuật đối lập giữa cái nhỏ bé, mong manh của " củi một cành khô" và cái mênh mông bao la của " lạc mấy dòng" tô đậm tâm trạng buồn, cô đơn, lẻ loi. Nếu liên tưởng dòng sông là dòng đời thì cành củi khô là hình ảnh của thân phận cô đơn, lạc lõng không biết trôi dạt về đâu.

d,

Khổ thơ mở ra bài thơ với âm hưởng buồn sầu của thi nhân. Bài thơ mở đầu bằng cảnh sông nước mênh mông, bát ngát, và nỗi buồn cũng trải ra bất tận, khôn cùng. Hai từ “sóng gợn” gợi tả vòng xoáy đang lan ra, loang ra, gối lên nhau, xua đuổi nhau đến vô tận, như nỗi buồn âm thầm mà da diết khôn nguôi. Hai từ “ sóng gợn “ lại được tác giả sắp xếp liền kề trước hai từ “tràng giang”, khiến người ta có cảm giác con sóng cứ nối nhau đến tận cuối trời sông nước, cùng với nó là những nỗi buồn chồng chất tầng tầng, lớp lớp “buồn điệp điệp" “Nếu như câu một tả sóng, thì câu hai là hình ảnh “con thuyền”. Ở đây có thể là con thuyền nương theo dòng nước mà trôi, có thể là con thuyền bất lực ngay cả với mái chèo của mình, lênh đênh cho dòng nước cuốn đi. Hai câu thơ mang một nỗi sầu lớn vì nó còn gợi cảm giác chia lìa, không gắn bó. Con thuyền cô đơn vô định, xuôi dòng nước mà như không có mỗi liên hệ với nước, đi với dòng mà như chia li với dòng. Câu thơ thứ 3 cũng gợi một cảm giác chia lìa, thuyền về một ngả, nước lại một đường, khối sầu toả đi khắp trăm ngả buồn thương. Nỗi sầu ở đây đã được tác giả tăng cấp từ “buồn điệp điệp “sang sầu. Với biện pháp nt đảo ngữ “củi một cành khô “, đã cho thấy rõ hơn cái khô của củi, cái bé nhỏ gầy guộc của cành. Câu thơ gợi lên trong lòng người đọc thân phận của những kiếp phù sinh bé nhỏ, lênh đênh lạc loài trôi nổi giữa dòng đời vô định. Đây là hiện thân của cái tôi cá nhân tự ý thức thấy mình bơ vơ giữa cõi người, bé nhỏ giữa dòng đời, và trở thành tha hương trên chính quê hương mình.

2. Đề đọc hiểu bài Tràng giang số 2

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)

Thực hiện các yêu cầu sau:

a. Đưa vào lời thơ những thi liệu cổ điển nhưng cách viết của Huy Cận mới mẻ ở chỗ nào?

b. Đoạn trích cho thấy tình cảm, thái độ gì của nhà thơ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu:

a. Đưa vào lời thơ những thi liệu cổ điển nhưng cách viết của Huy Cận rất mới mẻ

- Trong văn chương cổ điển, hình ảnh cánh bèo trên mặt nước gợi sự trôi nổi vô định đại diện cho thân phận trôi dạt nhỏ bé của kiếp phù sinh (bèo dạt mây trôi). Trong thơ Huy Cận, không đơn lẻ một cánh bèo trôi mà là cả đám bèo đông đúc nổi nênh trên mặt nước. Nhưng đông đúc mà chẳng hề tấp nập bởi đám bèo cứ lặng lẽ hàng nối hàng trôi dạt, không biết về đâu.

- Thơ xưa mượn hình ảnh cầu và đò để nối liền những không gian xa cách, để xóa đi những khoảng trời li biệt thì nay Huy Cận cũng gọi đò, gọi cầu (gọi sự sống con người) về thơ mình nhưng càng gọi càng vắng bóng (không một chuyến đò ngang, không cầu gợi chút niềm thân mật) nên chỉ thấy nỗi cô đơn, vắng lặng, li cách, chia lìa mênh mông bao trùm khắp không gian.

b.

- Qua đoạn trích cho thấy từ cảnh vật, không gian đều mang nét gợi buồn cho thấy tâm trạng u buồn của tác giả. Một bức tranh gợi về số phận nổi trôi, bơ vơ, bất hạnh của kiếp người trong xã hội cũ.

3. Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu đọc hiểu

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu đại ý của đoạn trích.

Câu 2. Hai chữ đìu hiu trong đoạn trích được Huy Cận học tập từ câu thơ nào trong Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn, diễn Nôm Đoàn Thị Điểm)? Cặp từ láy lơ thơ, đìu hiu gợi lên cảm nhận gì trong bức tranh “tràng giang”?

Câu 3. Nêu cảm nhận về âm thanh được gợi lên trong bức tranh sông nước mênh mang

Câu 4. Chỉ ra hiệu quả của nghệ thuật đối trong hai câu thơ cuối đoạn trích. Cách diễn đạt sâu chót vót có gì đặc biệt?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu:

Câu 1:

Đại ý của đoạn trích diễn tả khung cảnh cồn bến hoang vắng trong nắng chiều.

Câu 2:

- Hai chữ đìu hiu trong đoạn trích được Huy Cận học tập từ câu thơ trong Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn, diễn Nôm Đoàn Thị Điểm):

Non Kì quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

- Hiệu quả của các từ láy:

+ Từ láy lơ thơ gợi sự vắng vẻ của không gian, cảnh vật bên dòng Tràng Giang.

+ Từ láy đìu hiu gợi lên nỗi buồn hiu hắt. Dường như nỗi buồn ở trong lòng đã lan tỏa lây lan sang cảnh vật nơi đây.

Câu 3:

- Âm thanh được gợi lên trong bức tranh sông nước mênh mang được tác giả nhắc đến gồm tiếng họp chợ của một làng chài ở phía xa: “chợ chiều” đã “vãn”

+ “Đâu tiếng làng xa” có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người.

+ Cũng có thể là "đâu có", một sự phủ định hoàn toàn, vì chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên. Tất cả chỉ là sự im lặng bao trùm lên dòng chảy tràng giang.

Câu 4:

- Hai câu thơ cuối sử dụng nghệ thuật đối tài tình: (nắng xuống / trời lên, sông dài / trời rộng), đối giữa các câu (nắng xuống trời lên / sông dài trời rộng; sâu chót vót / bến cô liêu). Phép đối làm cho lời thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển, giúp người đọc hình dung được rõ nét không gian đa diện, nhiều chiều: chiều cao (nắng xuống trời lên), chiều rộng (sông dài trời rộng), chiều sâu (sâu chót vót).

- Chót vót vốn là từ láy chỉ được sử dụng để diễn tả độ cao, trong câu thơ của Huy Cận, nó lại đi với chiều sâu. Cảm giác sâu chót vót là có thật bởi tác giả nhìn dòng sông và thấy bầu trời dưới đáy sông sâu.

=> Đó chính là sự rợn ngợp trong tâm hồn của thi nhân trước cái vô cùng của vũ trụ.

- Cách sử dụng từ hết sức mới lạ bởi tác giả đã lồng chiều cao vào chiều sâu; ông đang ngắm cảnh bầu trời cao “chót vót” dưới mặt nước “sâu” thăm thẳm. Không gian càng rộng, hình ảnh con người lại càng nhỏ bé, cô độc, lẻ loi.

- Hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.

=> Không gian càng vắng lặng rộng lớn bao la thì hình ảnh con người càng cô đơn đến tột cùng. Nỗi buồn lan tỏa khắp không gian, bao trùm lên cảnh vật.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 4.668
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm