Thơ tình cuối mùa thu đọc hiểu

Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” thì Xuân Quỳnh cũng được độc giả yêu quí gọi là “nữ hoàng của thơ tình yêu”. Tình yêu là đề tài muôn thuở của nhân loại, của thi ca. Với Thơ tình cuối mùa thu, bài thơ như một bản nhạc du dương và êm ái thấm vào tâm hồn người đọc. Xuân Quỳnh viết bài thơ này khi chị không còn ở tuổi đôi mươi nữa. Dưới đây là mẫu đề đọc hiểu bài Thơ tình cuối mùa thu có đáp án sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Đọc hiểu Thơ tình cuối mùa thu Xuân Quỳnh

Trắc nghiệm Thơ tình cuối mùa thu

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá


Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:


Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

(Xuân Quỳnh)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do

B. Thơ năm chữ

C. Thơ 7 chữ

D. Thơ 8 chữ

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là gì?

A. Biểu cảm

B. Nghị luận

C. Tự sự

D. Miêu tả

Câu 3: Em hãy cho biết mạch cảm xúc của bài thơ

A. Cảm xúc trước mùa thu của thiên nhiên đất trời, từ đó liên hệ tới mùa thu của đời người và đúc kết về quy luật của tình yêu.

B. Cảm xúc trước mùa hạ của thiên nhiên đất trời, từ đó suy ngẫm về cuộc đời con người

C. Cảm xúc trước mùa thu của thiên nhiên đất trời, sau đó là những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và tình yêu của Xuân Quỳnh.

D. Cảm xúc trước mùa thu của thiên nhiên đất trời, từ đó liên hệ tới mùa thu đời người và những suy ngẫm sâu sắc, đúc kết quy luật về tình yêu của thơ Xuân Quỳnh.

Câu 4: Nội dung chính của bài thơ là gì?

A. Giai điệu mùa thu, bức thư tình yêu khắc khoải đầy cảm xúc của nhà thơ Xuân Quỳnh.

B. Sự khám phá bất ngờ về mùa thu và tình yêu của Xuân Quỳnh

C. Mối giao cảm bất ngờ và ngọt ngào giữa thơ và nhạc trong khoảnh khắc mùa thu của nhà thơ Xuân Quỳnh

D. Bức thư viết vào mùa thu về tình yêu không mùa và không tuổi của Xuân Quỳnh

Câu 5: Trong câu thơ sau, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì?

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Ẩn dụ

D. Liệt kê

Câu 6: Câu thơ Chỉ còn anh và em được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ. Tác dụng của việc lặp lại dòng thơ trên nhằm khẳng định điều gì?

A. “Chỉ còn anh và em”, câu thơ được điệp lại 4 lần, khẳng định 1 điều như chân lí; anh – em và mùa luôn song hành, tình yêu của chúng ta đi cùng thời gian, năm tháng.

B. Dù mọi thứ ngoài kia đang trở mình biến động nhưng có những điều không thay đổi, vì đã thuộc về nhau, đã hòa trộn vào nhau; Là mùa thu của hoa cúc, là anh đã là của em.

C. “Chỉ còn anh và em” câu thơ khẳng định thời gian không quan trọng, dù là mùa thu hay mùa xuân, quan trọng ta ở bên nhau mãi mãi

D. “Chỉ còn anh và em”, câu thơ khẳng định thời gian không quan trọng, chỉ cần anh và em bên nhau.

Câu 7: Trong những hình ảnh của bài thơ, em thấy ấn tượng nhất với hình ảnh nào? Tại sao?

Câu 8: Em hãy kể tên và tác giả của 02 bài thơ khác có đề tài viết về mùa thu.

Đáp án

1

B

2

A

3

D

4

A

5

A

6

B

7

- HS lựa chọn được câu thơ ấn tượng nhất (0.25)

- Lí giải bằng nội dung và nghệ thuật của câu thơ đó (0.75)

8

- HS kể đúng tên và tác giả của mỗi bài thơ được 0,5 điểm

Ví dụ: Sang thu – Hữu Thỉnh; Tiếng thu – Lưu Trọng Thu; Thu điếu – Nguyễn Khuyến, ….

Đọc hiểu văn bản Thơ tình cuối mùa thu

Câu 1: Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Bài thơ viết về đề tài gì? Kể tên 3 bài thơ viết cùng đề tài với bài thơ trên.

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 4: Khổ thơ thứ nhất được gieo vần, ngắt nhịp như thế nào?

Câu 5: Bước đi của mùa thu trong hai khổ thơ đầu thể hiện những suy tư của nhân vật trữ tình về điều gì?

Câu 6: Điệp khúc "Chỉ còn anh và em" được lặp lại nhiều lần trong bài thơ, cùng với sự khẳng định: "Là của mùa thu cũ", "Cùng tình yêu ở lại" gợi cho em suy nghĩ như thế nào về tình yêu của "anh" và "em"?

Câu 7: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật lặp cấu trúc trong khổ thơ sau:

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ.

Gợi ý đọc hiểu:

Câu 1:

- Thể thơ: Ngũ ngôn (5 chữ) ;

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2:

- Bài thơ viết về đề tài: Tình yêu;

- Ba bài thơ viết cùng đề tài với bài thơ trên: Sóng, Thuyền và biển, Tự hát (Xuân Quỳnh).

Câu 3: Nhân vật trữ tình là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là người con gái (em).

Câu 4:

- Khổ thơ thứ nhất gieo vần "a" ở các tiếng "quá", "lá" cuối câu 2 và 4.

- Cách ngắt nhịp 2/3:

Cuối trời/ mây trắng bay

Lá vàng/ thưa thớt quá

Phải chăng/ lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Câu 5:

- Bước đi của mùa thu trong hai khổ thơ đầu: Mùa thu đi cùng lá rụng về rừng, mùa thu ra biển cả theo dòng nước, mùa thu vào hoa cúc (nở rồi tàn).

- Bước đi của mùa thu thể hiện những suy tư của nhân vật trữ tình về bước đi của thời gian. Thời gian là dòng chảy tuyến tính, mỗi mùa thu qua đẩy thời gian hiện tại vào quá khứ, mùa thu đi đồng nghĩa với sự ra đi của thời gian, sự sống của đời người. Hai khổ thơ đầu là những suy tư thoáng chút buồn, lo âu của nhân vật trữ tình trước sự ra đi của mùa thu, của thời gian cuộc đời.

Câu 6:

Điệp khúc "Chỉ còn anh và em" được lặp lại nhiều lần trong bài thơ, cùng với sự khẳng định: "Là của mùa thu cũ", "Cùng tình yêu ở lại" gợi lên những cảm nhận: Dù thời gian có trôi qua, cuộc đời có biến thiên với bao nhiêu thăng trầm biến cố thì tình yêu của "anh" và "em" vẫn mãi vững bền, như "mùa thu cũ", như thuở ban đầu. "Tình yêu ở lại" là tình yêu trường tồn, không thay đổi. Đó là tình yêu đẹp, thủy chung, sâu nặng.

Câu 7:

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ.


- Biện pháp nghệ thuật lặp cấu trúc trong khổ thơ trên: 2 cấu trúc câu được lặp lại: Tình ta như + danh từ; Đã + cụm động từ.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự viên mãn, trọn vẹn, sự "bình ổn", vững bền của tình yêu sau những biến cố thăng trầm của cuộc đời.

+ Tạo nhịp điệu, tăng tính nhạc, tính liên kết và sự sinh động, hấp dẫn cho lời thơ; khiến âm điệu lời thơ thêm da diết, truyền cảm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.381
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi