Thương nhớ 12 đọc hiểu
Đọc hiểu văn bản Thương nhớ mười hai
Vũ Bằng là một nhà báo, một nhà văn tài hoa, hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của ông là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục, tập quán của người Bắc Việt. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đề đọc hiểu Thương nhớ mười hai trắc nghiệm, đề tự luận Thương nhớ mười hai có đáp án chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Đọc hiểu Thương nhớ mười hai
Đọc văn bản sau:
(1) Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm ngát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.
Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống.
Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn xuân la trồng ở bên giậu trúc; nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thổ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo…
Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!
(2) Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch nương ở Nghi Tàm có còn chưa phong quanh như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi với người vợ bé nhỏ, bồng con ở trên tay để đến thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn “Bình Bịp” bây giờ ra thế nào? Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ và các cô gái ngăm ngăm da dâu có còn nắm lấy tay các du khách mà ví von ca hát không cho về? Ở trước cửa chợ Đồng Xuân, có còn chăng những hàng nước chè tươi; ở chợ Hôm, những hàng phở gánh bán cho khách ăn đêm; và ở trên khắp nẻo đường, những người đội thúng, cầm một chiếc đèn dầu ở tay, lặng lẽ đi trong đêm rao “giò, dầy”?
(3) Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng trai nhớ gái; bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết. (…)
(Trích Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001)
Câu 1. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là? (0,5 điểm)
- Biểu cảm và thuyết minh
- Thuyết minh và nghị luận
- Tự sự và nghị luận
- Tự sự và biểu cảm
Câu 2. Văn bản trên viết về vùng đất nào? (0,5 điểm)
- Hà Nội
- Bắc Việt
- Hồ Gươm
- Cả A và B
Câu 3. Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (1) (0,5 điểm)
- Nhân hóa
- Ẩn dụ
- Liệt kê
- Hoán dụ
Câu 4. Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (2) (0,5 điểm)
- Nhân hóa
- Câu hỏi tu từ
- Ẩn dụ
- Hoán dụ
Câu 5. Cảm xúc chủ đạo của văn bản trên là: (0,5 điểm)
- Nỗi nhớ
- Nỗi buồn
- Nỗi thất vọng
- Nỗi day dứt
Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung khái quát của văn bản? (0,5 điểm)
- Nỗi nhớ da diết đối với Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung
- Nỗi nhớ da diết về một thời đã qua đi không trở lại
- Ước mong cháy bỏng được trở về thăm lại cảnh cũ, người xưa
- Nỗi buồn vì những vẻ đẹp của Hà Nội xưa nay đã không còn nữa
Câu 7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản? (0,5 điểm)
- Cái tôi tài hoa
- Cái tôi uyên bác
- Cái tôi trữ tình
- Cả A và C
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Bạn rút ra được thông điệp gì sau khi đọc văn bản trên? (0,5 điểm)
Câu 9. Nêu chủ đề của văn bản? (1,0 điểm)
Câu 10. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của quê hương đối với mỗi con người? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)
Đáp án
Câu 1. D Tự sự và biểu cảm
Câu 2. D Cả A và B
Câu 3. C Liệt kê
Câu 4. B Câu hỏi tu từ
Câu 5. A Nỗi nhớ
Câu 6. A Nỗi nhớ da diết đối với Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung
Câu 7. D Cả A và C
Câu 8.
Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là tích cực và liên quan đến nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu. Tham khảo:
– Hãy yêu thương mảnh đất mà mình từng gắn bó.
– Hãy biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Câu 9.
Chủ đề của văn bản: Văn bản là nỗi nhớ da diết của người đi xa nhớ về Hà Nội, nhớ về Bắc Việt. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp của Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung, đồng thời cũng thấy được tấm lòng yêu thương, gắn bó sâu nặng mà tác giả dành cho những miền đất ấy.
Câu 10.
Suy nghĩ về vai trò của quê hương đối với mỗi con người:
– Quê hương là nơi ta được sinh ra và lớn lên, gắn với tuổi thơ ấu tươi đẹp
– Quê hương là nơi cho ta những giá trị văn hóa, cho ta tình yêu thương của gia đình, bạn bè, lối xóm, giúp hình thành nhân cách và tâm hồn của ta sau này
– Quê hương là nơi mà ta có thể trở về để tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống
Thương nhớ mười hai đọc hiểu tự nhiên như thế
Đọc văn bản sau:
Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.
Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.
Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!
Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.
Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa mà là cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa.
Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.
Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác.
Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.
Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở đầu bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.
Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, NXB Văn học, Hà Nội, 1993
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Tản văn
B. Tùy bút
C. Kí
D. Truyện kí
Câu 2. Bên cạnh yếu tố trữ tình (biểu cảm), văn bản trên có sử dụng thêm phương thức biểu đạt nào khác?
A. Tự sự và miêu tả
B. Miêu tả và nghị luận
C. Miêu tả và thuyết minh
D. Tự sự và thuyết minh
Câu 3. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?
A. Bày tỏ cảm xúc yêu mến với mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân của Bắc Việt
B. Thuật lại kỉ niệm khó quên về tết Hà Nội
C. Bày tỏ nỗi nhớ Hà Nội
D. Miêu tả không khí mùa xuân Hà Nội
Câu 4. Biện pháp tu từ được nhà văn sử dụng trong câu sau là gì?
Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.
A. So sánh và nhân hóa
B. So sánh và điệp từ
C. So sánh và ẩn dụ
D. So sánh và liệt kê
Câu 5. Biện pháp lặp cấu trúc được sử dụng trong đoạn sau có tác dụng gì?
Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.
A. Khẳng định vẻ đẹp của mùa xuân
B. Khẳng định mùa xuân là mùa của yêu thương và tình yêu
C. Khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân, những sự việc hiển nhiên không bao giờ dừng lại cũng như việc không bao giờ có người hết yêu mùa xuân
D. Khẳng định tình cảm của nhà văn với mùa xuân đất trời
Câu 6. Đọc văn bản và chỉ ra khoảng thời gian mà tác giả cảm thấy “yêu mùa xuân nhất”
A. Đầu xuân
B. Tết nguyên Đán
C. Sau rằm tháng giêng
D. Cuối mùa xuân
Câu 7. Cảm xúc chủ đạo của văn bản trên là:
A. Niềm hoài niệm trước những vẻ đẹp truyền thống xưa cũ
B. Tình yêu và nỗi nhớ với tết Hà Nội
C. Tình yêu và nỗi nhớ với Hà Nội mùa xuân
D. Tình yêu và nỗi nhớ với những điều bình dị nhất của mùa xuân của Bắc Việt
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Lựa chọn một biện pháp tu từ trong văn bản trên và phân tích.
- Điệp cấu trúc: Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân. (Ai – cấm/đừng – động từ chỉ cảm xúc yêu, nhớ)
- So sánh: Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh. (Những xúc cảm mạnh mẽ trong tâm hồn khi đón nhận mùa xuân).
Câu 9. Chỉ ra những đặc điểm của tản văn xuất hiện trong văn bản.
Đặc điểm tản văn trong văn bản:
- Về yếu tố trữ tình: Cảm xúc của nhà văn về mùa xuân Hà Nội và Bắc Việt, bày tỏ niềm yêu thương, nhớ nhung về những điều bình dị nhất. (Cảm xúc yêu, mến được nhắc lại nhiều lần trong văn bản)
- Đan xen yếu tố miêu tả và thuyết minh: Miêu tả những đặc điểm của mùa xuân, thuyết minh thêm về những món ăn, những nét văn hóa đẹp của mùa xuân Bắc Việt (Các đoạn văn miêu tả về không khí, về các món ăn ngon sau rằm tháng giêng, các nghi lễ khác của mùa xuân Bắc Việt).
Câu 10. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) chia sẻ cảm nhận của em về mùa xuân (hoặc Tết) ở địa phương mà em sinh sống.
Học sinh đưa ra suy nghĩ của mình về vấn đề theo dòng cảm xúc của cá nhân đảm bảo yêu cầu:
- Mùa xuân hoặc Tết ở địa phương nào?
- Một số nét đặc sắc: Các lễ hội, phong tục, thú vui ngày tết…
- Cảm nhận chung của em.
Mùa xuân ở Tây Bắc với làn sương khói mờ ảo, ẩn hiện sau đó là ánh hồng của rừng hoa anh đào thơm ngát, màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa ban, hoa mận. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên cảnh sắc đẹp tuyệt vời, khung cảnh bình yên, giản dị, nên thơ. Đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc vô cùng đa dạng, mỗi dân tộc sẽ có một phong tục tập quán riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng màu sắc. Không những thế, Tết tại Tây Bắc luôn có những điệu múa, trò chơi dân gian đặc sắc như nhảy sạp, chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, chọi trâu, đánh cỏ…Mùa xuân Tây Bắc sẽ mang đến cho bạn khoảng thời gian được trải nghiệm, hòa mình và hiểu hơn về lối sống, tập quán của các dân tộc anh em. Là khoảng thời gian giúp bạn nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày vất vả bon chen vì cuộc sống.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
-
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (những hoài bão, ước mơ)
-
Suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống
-
Ngừng viện cớ đọc hiểu (có đáp án)
-
Muối của rừng đọc hiểu (2 đề)
-
So sánh thân phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám trong Một bữa no và Tư cách mõ
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công