Viết đoạn văn về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác

Viết đoạn văn về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác. Đây là câu hỏi đã từng xuất hiện trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngữ văn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số gợi ý giúp các em học sinh nắm được cách viết đoạn văn về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác, đoạn văn nghị luận về tôn trọng quan điểm của người khác sao cho hay và đạt được điểm cao nhất.

1. Gợi ý viết đoạn văn về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác

Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn - Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

* Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.

* Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác. Có thể theo hướng sau:

* Giải thích:

+ Tôn trọng là thái độ đánh giá cao, không vi phạm hay xúc phạm.

+ Quan điểm của mỗi người được hình thành từ cách suy nghĩ, đánh giá một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó.

+ Trong cuộc sống, chúng ta cần phải tôn trọng quan điểm của người khác.

- Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác:

+ Mỗi người có suy nghĩ, cách đánh giá, hệ giá trị khác nhau nên sẽ có quan điểm khác nhau về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Tôn trọng quan niệm của người khác cũng chính là tôn trọng sự khác biệt của mỗi người.

+ Tôn trọng quan điểm của người khác giúp cho họ tự tin vào bản thân mình hơn, lạc quan hơn vào cuộc sống.

+ Tôn trọng quan điểm của người khác giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, học được cách lắng nghe, đồng cảm, từ đó hoàn thiện bản thân mình hơn.

+ Tôn trọng quan điểm của người khác cũng chính là tôn trọng quan điểm của chính mình. Người biết tôn trọng quan điểm của người khác sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng.

+ Tôn trọng quan điểm của người khác sẽ tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tích cực, văn minh, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân.

Học sinh lấy dẫn chứng để chứng minh cho từng luận điểm. Dẫn chứng được đưa ra cần cụ thể và thuyết phục. Ví dụ: Khi nghe tin quân Thanh sang xâm lược, ban đầu Nguyễn Huệ định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng sau đó ông đã lắng nghe ý kiến của tướng sĩ, tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Việc Nguyễn Huệ tôn trọng quan điểm, ý kiến của các tướng sĩ giúp nhà vua thu phục được lòng dân, tạo nên khối sức mạnh đoàn kết của dân tộc, đánh đuổi được bè lũ bán nước, cướp nước.

Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

2. Đoạn văn nghị luận về tôn trọng quan điểm của người khác - số 1

Trong cuộc sống, việc có thái độ tôn trọng quan điểm của người khác là một thái độ sống mà ai cũng cần có. Thật vậy, trong mối quan hệ giữa người với người, việc tôn trọng quan điểm của người khác là việc sẽ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Thái độ tôn trọng quan điểm của người khác được thể hiện bằng việc chúng ta lắng nghe cẩn trọng và không hạ thấp hay phản bác hoàn toàn với ý kiến đó. Đầu tiên, việc tôn trọng ý kiến của người khác thì sẽ góp phần đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề chung đang mắc phải. Đối diện trước một vấn đề, có muôn vàn những quan điểm khác nhau, việc tôn trọng quan điểm của người khác thay vì phản biện gay gắt hay hạ thấp ý kiến thì việc tôn trọng sẽ góp phần đưa ra những giải pháp khác nhau cho vấn đề đó. Thứ hai, việc tôn trọng quan điểm của người khác sẽ giữ gìn mối quan hệ giữa bạn và người đó được tốt đẹp. Người đối diện sẽ cảm giác được tôn trọng thì họ sẽ tôn trọng lại chúng ta. Cứ như vậy, mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cuối cùng, việc lắng nghe và tôn trọng những quan điểm của mọi người xung quanh chính là một kỹ năng quan trọng mà ta cần có. Khi làm việc, mỗi cá nhân không thể nào tách rời bản thân ra khỏi tập thể nên việc lắng nghe ý kiến của người khác, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề chung. Tóm lại, việc tôn trọng, lắng nghe quan điểm, ý kiến của người khác chính là một kỹ năng cần thiết để có thể có được sự thuận lợi, tốt đẹp hơn trong công việc và cuộc sống.

3. Đoạn văn nghị luận về tôn trọng quan điểm của người khác - số 2

Cuộc sống của chúng ta có muôn vàn sắc màu, mà mỗi màu lại tô điểm cho cuộc sống ngày một thêm tươi đẹp hơn. Trong đó sự tôn trọng quan điểm của người khác là một điều vô cùng quan trọng. Đầu tiên, tôn trọng chính là chúng ta đánh giá cao, và không có lời lẽ, hành động xúc phạm đến người khác. Về quan điểm của mỗi người thì đó hoàn toàn dựa vào suy nghĩ, cách đánh giá sự vật, sự việc của mỗi người. Nên sẽ không ai giống ai về quan điểm cả. Chúng ta có suy nghĩ cùng với cách đánh giá, các hệ giá trị của bản thân cũng rất khác nhau. Tôn trọng quan điểm của người cũng như tôn trọng người đó và đồng thời tôn trọng sự khác biệt của mỗi người. Trước đây vấn đề sử dụng điện thoại từng nhận được rất nhiều lời phê phán rằng xã hội dần trở thành “thế hệ cúi đầu”, nhưng cũng có người cho rằng chiếc điện thoại di động là một bước đột phá, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người. Mỗi quan điểm lại có một ý đúng và sai, ta không thể phủ nhận hay khẳng định ý kiến nào. Hay chỉ trong một cuộc tranh luận mà chúng ta tôn trọng quan điểm của người khác giúp cho họ tự tin vào bản thân mình hơn, lạc quan hơn vào cuộc sống. Hãy là người thông minh khi biết tiếp thu những quan điểm tốt và loại bỏ những điểm xấu để càng ngày hoàn thiện bản thân hơn. Và tôn trọng quan điểm của người khác sẽ tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tích cực, văn minh, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân. Xây dựng một xã hội văn minh thì nên biết tôn trọng quan điểm của người khác.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
10 16.846
0 Bình luận
Sắp xếp theo