Đọc hiểu Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

Tuổi thơ là một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Duy khi viết về những kí ức tuổi thơ hồn nhiên, vô tư nơi đồng quê yên bình. Đến với Tuổi thơ của Nguyễn Duy, ta như gặp lại mình trong những miền kí ức xưa cũ với trò chơi gắn liền trong kí ức tuổi thơ. Trong bài viết  này Hoatieu xin chia sẻ bộ đề đọc hiểu Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng, đọc hiểu Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi giúp các em hiểu rõ hơn về tác phẩm.

1. Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng đọc hiểu

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng đọc hiểu

Đọc đoạn trích:

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

Cỏ và lúa và hoa hoang quả dại

Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

Bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

Con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít

Con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

Con chích chòe đánh thức buổi ban mai

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi

Năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

Cả năm tháng mong manh mà vững chãi

Con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

Người miền rừng bóng suối dáng cây

Người mạn bể ăn sóng nói gió

Người thành thị nét đường nét phổ

Như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

(Trích tuổi thơ. Nguyễn Duy. quê nhà ở phía ngôi sao, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2017, tr. 63-64)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh trong khổ thơ thứ nhất diễn tả không gian đặc trưng của làng quê.

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu như thế nào về ảnh hưởng của quê hương đối với mỗi người: Người miền rừng bóng suối đáng cây người mạn bể ăn sóng nói gió

Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong đoạn trích.

Gợi ý:

Câu 1. Thể thơ tự do (kết hợp thể thơ 7 chữ và 8 chữ)

Câu 2. Hình ảnh diễn tả không gian đặc trưng làng quê:

- bát ngát cánh đồng

- bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Câu 3. Quê hương có ảnh hưởng nhất định đến lối sống, tính cách, phong cách của mỗi người.

Câu 4. Tình cảm của tác giả đối với quê hương: nhớ thương, trân trọng, biết ơn quê hương của mình.

2. Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi đọc hiểu

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích chòe đánh thức buổi ban mai

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi
năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cái năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

(Trích Tuổi thơ – Nguyễn Duy

Nguồn: Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010, tr.13)

a. (0,5 điểm). Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

b. (0,75 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng nghệ thuật của một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng thành công trong đoạn thơ trên?

c. (0,75 điểm). Trong đoạn thơ trên, những hình ảnh, chi tiết nào đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả? Nhận xét về những hình ảnh, chi tiết đó?

d. (1,5 điểm). Từ nội dung được gợi ra trong đoạn thơ, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi, trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của kí ức tuổi thơ đối với sự trưởng thành của mỗi con người.

Đáp án

a. Thể thơ tự do.

b. HS chỉ ra được một trong những biện pháp tu từ đặc sắc sau đây:

+ Biện pháp liệt kê : cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại/ vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải...; con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít/ con chim trả bắn mũi tên xanh biếc ...

- Tác dụng: Làm hiện lên kho kí ức tuổi thơ vừa phong phú, giàu có vừa hồn nhiên vô tư và tinh
nghịch của lứa tuổi trẻ thơ.. / góp phần tạo ra nhịp điệu cho đoạn thơ...

+ Biện pháp điệp cấu trúc : “Tuổi thơ tôi”

- Tác dụng: Vừa nhấn mạnh ý thơ trong những hình ảnh, chi tiết liệt kê, vừa góp phần tạo nhịp điệu, nhạc điệu vui tươi, nhí nhảnh cho đoạn thơ.

+ Biện pháp nhân hóa: “ Con chích choe đánh thức buổi ban mai”:

Tác dụng: Làm cho thế giới thiên nhiên, tạo vật trở nên sinh động, có hồn - cách nói giàu hình
ảnh rất gần gũi với lối tư duy hồn nhiên của trẻ thơ.

c - Trong đoạn thơ, những hình ảnh, chi tiết đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả:

+ bát ngát cánh đồng; cỏ - lúa; hoa hoang - quả dại

+ vỏ ốc trắng/ luống cày phơi ải

+ bờ ruộng bùn/ dấu chân cua

+ trắng muốt cánh cò

+ con sáo mỏ vàng/ con chào mào đỏ đít/ ...

- Nhận xét: Đây đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam, gợi ra vẻ đẹp yên ả, thanh bình, chân thực và khó quên trong tâm trí mỗi con người.

d.

1. Yêu cầu chung

1.1. Yêu cầu về hình thức

Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, đảm bảo yêu cầu về quy mô; cách thức trình bày mạch lạc, chặt chẽ.

1.2. Yêu cầu về nội dung

Học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, song cần thể hiện được những nội dung cơ bản để làm sáng tỏ : vai trò của kí ức tuổi thơ đối với sự trưởng thành của mỗi con người.

1.3. Yêu cầu về kiến thức

Vận dụng hợp lý, linh hoạt những kiến thức có liên quan để giải quyết thuyết phục nội dung cần nghị luận trong đoạn văn.

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể tham khảo các ý sau:

+ Kí ức tuổi thơ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Dẫu đó chỉ là những kí ức mơ hồ, nhỏ bé của những năm tháng đã qua nhưng nó vẫn luôn sống mãi trong tiềm thức của chúng ta như chính nhà thơ Nguyễn Duy đã khẳng định: “năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại cái năm tháng mong manh mà vững chãi”.

+ Mang theo những kí ức tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc sẽ giúp ta sống hạnh phúc hơn, biết trân trọng quá khứ tốt đẹp đã qua, từ đó giúp hình thành thái độ sống đúng đắn trong hiện tại, biết nỗ lực và phấn đấu cho tương lai. góp phần làm hoàn thiện tính cách, lối sống của bản thân mỗi người.

+ Hơn nữa, trong quá trình trưởng thành, con người dễ vấp ngã, dễ bị cám dỗ.... Khi ấy, những kí ức tuổi thơ sẽ là “liều thuốc tinh thần” an ủi, động viên, khích lệ, tiếp sức để chúng ta tiếp tục vững bước.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
9 49.967
0 Bình luận
Sắp xếp theo