Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 2023

Tải về

Đề tham khảo đọc hiểu môn văn thi vào 10 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây là tổng hợp các đề đọc hiểu ngữ văn 9 thi vào lớp 10 có đáp án chi tiết giúp các em nắm được cách trả lời các câu hỏi của phần đọc hiểu khi ôn thi môn ngữ văn vào lớp 10. Sau đây là nội dung chi tiết các đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào lớp 10, mời các em cùng tham khảo.

1. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 1

Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Người ta nói: “Ăn cho mình, mặc cho người”, có lẽ nhiều phần đúng. Cô gái một mình trong hang sâu chắc không váy xoè váy ngắn, không mắt xanh môi đỏ, không tô đỏ chót móng chân móng tay. Anh thanh niên đi tát nước hay câu cá ngoài cánh đồng vắng chắc không chải đầu mượt bằng sáp thơm, áo sơ-mi là phẳng tắp... Trang phục không có pháp luật nào can thiệp, nhưng có những quy tắc ngầm phải tuân thủ, đó là văn hoá xã hội. Đi đám cưới không thể lôi thôi lếch thếch, mặt nhọ nhem, chân tay lấm bùn. Đi dự đám tang không được mặc áo quần loè loẹt, nói cười oang oang.

(Ngữ văn 9, tập Hai, trang 9, NXB Giáo dục 2008)

Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (1.0 điểm). Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong câu: “Anh thanh niên đi tát nước hay câu cá ngoài cánh đồng vắng chắc không chải đầu mượt bằng sáp thơm, áo sơ-mi là phẳng tắp...”.

Câu 3 (1.0 điểm). Tìm các từ ngữ tạo nên phép lặp giữa những câu văn sau:

Trang phục không có pháp luật nào can thiệp, nhưng có những quy tắc ngầm phải tuân thủ, đó là văn hoá xã hội. Đi đám cưới không thể lôi thôi lếch thếch, mặt nhọ nhem, chân tay lấm bùn. Đi dự đám tang không được mặc áo quần loè loẹt, nói cười oang oang.

Câu 4 (1.0 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 5 (1.0 điểm). Em có đồng ý với quan điểm “mặc cho người” hay không? Vì sao?

Trả lời

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận.

Câu 2:  chắc - Thành phần tình thái

Câu 3:

Phép lặp: không; đi

Câu 4:

Nội dung chính của đoạn trích: Học sinh nêu được một trong hai ý sau:

- Đoạn trích bàn về vấn đề ăn mặc (trang phục) của con người trong cuộc sống.

- Ăn mặc phải phù hợp với môi trường sống, môi trường làm việc và tuân thủ theo các quy tắc văn hoá xã hội.

Câu 5:

Học sinh có thể đưa ra nhiều ý kiến khác nhau miễn sao lí giải hợp lí và không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Sau đây là một số gợi ý:

Mức 1:

- Đồng ý và lí giải được một trong các gợi ý sau:

+“mặc cho người” thể hiện lòng tự trọng của mỗi cá nhân.

+“mặc cho người” thể hiện ý thức tôn trọng đối với mọi người trong cộng đồng.

+“mặc cho người” thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc.

+...

- Không đồng ý và lí giải được một trong các gợi ý sau:

+ “mặc” trước hết cho bản thân mình, thể hiện sở thích, cá tính của mỗi người.

+ “mặc” phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe, công việc, kinh tế,... của từng người.

+...

- Vừa đồng ý vừa không đồng ý và lí giải được cả hai.

Mức 2: Đồng ý hoặc không đồng ý nhưng lí giải còn chung chung, ít thuyết phục.

Mức 3:

+ Nêu được quan điểm.

+ Lí giải không chính xác, không liên quan đến vấn đề hoặc không trả lời.

2. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 2

Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long có đoạn:

Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng.

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

1. Ông họa sĩ là trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là nhân vật chính hay nhân vật phụ? Nhân vật này đóng vai trò gì trong câu chuyện?

2. Những điều anh thanh niên suy nghĩ đã tạo nên những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ trong lòng ông hoạ sĩ. Em hãy cho biết ông đã có thay đổi gì trong suy nghĩ sau khi gặp gỡ người thanh niên ấy?

3. Dựa vào hiểu biết về tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phương pháp lập luận tổng-phân-hợp nêu cảm nhận của em về tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc của anh thanh niên. Trong đoạn văn có sử dụng một câu cảm thán và một phép nối để liên kết câu (gạch chân và chú thích rõ).

3. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đời người không thể thiếu những lần vấp ngã, giống như đứa trẻ nào cũng từng ngã nhiều lần khi tập đi. Nếu không may vấp ngã, không bị thương là điều tốt nhất, đừng vì sơ ý nhất thời mà không gượng dậy được. Dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì đều là kinh nghiệm quý báu đối với người thông thái, đều giúp ích cho thành công của họ sau này. Vì vậy, đời người cho dù có vài lần vấp ngã, chỉ cần gượng dậy được thì không có gì to tát, đôi khi ta còn thu được lợi ích ngoài mong đợi.

Thứ nhất, vấp ngã giúp ta tích lũy kinh nghiệm. Vấp ngã chưa chắc là chuyện xấu. Khi đứa trẻ bị ngã, bố mẹ thường nói: “Đừng vội, ngã càng nhiều, trưởng thành càng nhanh”. Tích lũy thật nhiều kinh nghiệm bị ngã, sẽ không còn sợ ngã nữa; dẫu có ngã, cũng sẽ bình yên vô sự.

Thứ hai, vấp ngã giúp ta rèn luyện ý chí. Trên đời này có nhiều chuyện không thể thành công trong chốc lát, ta phải trải qua nhiều trở ngại, nhiều lần vấp ngã rồi mới nếm được trái ngọt. Thất bại là mẹ thành công, thành công chỉ thuộc về những người có ý chí kiên cường, có thể kiên trì tới cùng.

Thứ ba, vấp ngã giúp chúng ta thấu được tình người. Có những người bạn nghênh ngang bỏ đi khi thấy ta vấp ngã. Có những người bạn bình thường không mấy thân thiết, nhưng lại sẵn sàng giúp đỡ ta khi ta vấp ngã, đó mới là những người bạn chân chính.[…]

Khi vấp ngã không được nản lòng, dũng cảm đứng dậy làm lại từ đầu và thành công sẽ vẫy gọi ta.

(Dẫn theo Một đời đáng giá đừng sống qua loa, Đại sư Tinh Vân, Hà My dịch, Nxb Hà Nội)

a. Theo tác giả, những “lợi ích ngoài mong đợi” mà đời người sau vài lần vấp ngã, nếu gượng dậy được thu được đó là gì? (1 điểm)

b. Cho biết nội dung của đoạn trích.(0,5 điểm)

c. Chỉ ra và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Đời người không thể thiếu những lần vấp ngã, giống như đứa trẻ nào cũng từng ngã nhiều lần khi tập đi”. (0,5 điểm)

d. Qua đoạn trích em rút ra được bài học gì cho bản thân? Hãy diễn đạt bằng một đoạn văn ngắn từ 3 – 5 dòng. (1 điểm)

Trả lời

1a. Những lợi ích ngoài mong đợi đó là:

- Thứ nhất, vấp ngã giúp ta tích lũy kinh nghiệm;

- Thứ hai, vấp ngã giúp ta rèn luyện ý chí;

- Thứ ba, vấp ngã giúp chúng ta thấu được tình người.

1b. Nội dung:

- Nêu ra những mặt tích cực sau những lần vấp ngã;

- Đưa ra lời khuyên mọi người không được nản lòng khi thất bại, hãy dũng cảm đứng lên làm lại từ đầu và thành công sẽ vẫy gọi.

1c.

- Biện pháp so sánh

- Tác dụng: Nói lên việc vấp ngã là một điều khó tránh khỏi của đời người, nhưng vấp ngã chuưa chắc là chuyện xấu, nó sẽ cho ta những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp ích cho thành công của ta sau này.

1d.

- Hình thức Viết đúng hình thức đoạn văn. Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không sai chính tả, ngữ pháp.

- Nội dung:

+ Rút ra được bài học: về niềm tin vào bản thân, dũng cảm, mạnh mẽ, có ý chí vươn lên trong cuộc sống….

+ Suy nghĩ về bài học, có hướng phấn đấu cho bản thân.

4. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 4

Đọc đoạn trích sau:

Từ Đạt ở Khoái Châu, lên làm quan tại thành Đông Quan thuê nhà ở cạnh cầu Đồng Xuân, láng giềng với nhà quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Phùng giầu mà Từ nghèo; Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm; Phùng chuộng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ. Lề thói hai nhà đại khái không giống nhau. Song cũng lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy.

Phùng có người con trai là Trọng Quỳ, Từ có người con gái là Nhị Khanh, gái sắc trai tài, tuổi cũng suýt soát. Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, cũng có ý muốn kết duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kỳ cưới hỏi.

Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư xử với họ hàng, rất hòa mực và thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền...

Năm chàng 20 tuổi, nhờ phụ ấm được bổ làm một chức ở phủ Kiến Hưng. Gặp khi vùng Nghệ An có giặc, triều đình xuống chiếu kén một viên quan giỏi bổ vào cai trị. Đình thần ghét Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm hại, bèn hùa nhau tiến cử. Khi sắc đi phó nhậm, Phùng Lập Ngôn bảo Nhị Khanh rằng:

- Đường sá xa xăm, ta không muốn đem đàn bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở quê nhà. Đợi khi sông bằng nước phẳng, vợ chồng con cái sẽ lại cùng nhau tương kiến.

Trọng Quỳ thấy Nhị Khanh không đi, có ý quyến luyến không rứt. Nhị Khanh ngăn bảo rằng:

- Nay nghiêm đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bên trong thực dồn đuổi vào chỗ tử địa. Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam chướng nghìn trùng, hiểm nghèo giữa đám kình nghê, cách trở trong vùng lèo mán, sớm hôm săn sóc, không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng bận lòng đến chốn hương khuê.

Sinh không đừng được, mới bày một bữa tiệc từ biệt, rồi cùng Lập Ngôn đem người nhà đi vào phương nam. Không ngờ lòng giời khó hiểu, việc người khôn lường, cha mẹ Nhị Khanh nối nhau tạ thế. Nàng đưa tang về Khoái Châu, chôn cất cúng tế xong rồi, đến cùng ở chung với bà cô Lưu thị…

(Trích Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Hội Nhà văn 2018)


Lựa chọn phương án đúng nhất:

Câu 1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Đoạn trích kể về chuyện gì?

A. Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu

B. Đánh giặc ở Nghệ An

C. Sự mâu thuẫn trong triều đình

D. Nhà họ Từ và nhà họ Phùng

Câu 3. Nhân vật chính trong đoạn trích là ai?

A. Trọng Quỳ

B. Nhị Khanh

C. Phùng Lập Ngôn

D. Lưu thị

Câu 4. Cuộc hôn nhân của Trọng Quỳ và Nhị Khanh là do:

A. sắp đặt của cha mẹ

B. Trọng Quỳ và Nhị Khanh có ý muốn kết duyên với nhau

C. được vua ban hôn

D. Trọng Quỳ và Nhị Khanh có ý muốn kết duyên với nhau, được cha mẹ đồng ý

Câu 5. Khi về nhà chồng, Nhị Khanh được người ta khen là:

A. người nội trợ hiền

B. còn nhỏ

C. có nhan sắc

D. biết cư xử

Câu 6. Em hiểu gì về đức hạnh Nhị Khanh qua lời khuyên chồng “… Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng bận lòng đến chốn hương khuê”

A. Hiếu thảo

B. Thủy chung

C. Hiểu lễ nghĩa

D. Tất cả các ý trên

Câu 7. Đoạn trích gợi nhắc em nhớ tới nhân vật nào trong tác phẩm văn học trung đại đã được học trong chương trình lớp 9?

A. Vũ Nương

B. Thúy Kiều

C. Thúy Vân

D. Kiều Nguyệt Nga

Câu 8. Biện pháp tu từ nào được sử dung trong câu văn : “Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư xử với họ hàng, rất hòa mực và thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền”

A. Nhân hóa

B. Liệt kê

C. Ẩn dụ

D. Điệp ngữ

Câu 9. Chuyển lời dẫn trực tiếp sau sang lời dẫn gián tiếp:

“Đường sá xa xăm, ta không muốn đem đàn bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở quê nhà. Đợi khi sông bằng nước phẳng, vợ chồng con cái sẽ lại cùng nhau tương kiến”

Câu 10. Từ nhân vật Nhị Khanh và các nhân vật phụ nữ khác trong văn học trung đại trong chương trình văn 9, em nhận xét gì về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam xưa? (Trình bày trong khoảng từ 3-5 câu)

Trả lời

1. C

2. A

3. B

4. D

5. A

6. D

7. A

8. B

9. HS chuyển linh hoạt, xong phải đảm bảo yêu cầu: Giữ được nội dung- ý chính của lời văn

10. HS tự do trình bày theo cảm nhận:

+ Hình thức (3-5 câu),

+ Nội dung: đảm bảo từ 3 phẩm chất trở lên, có tính thuyết phục, có thể là: Đảm đang, hiếu hạnh, biết lễ nghĩa, ứng xử,…

5. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 5

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Chúng ta đang ở đâu ? Hôm nay ngày 8-8-1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải một mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô- clet, về lí thuyết có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa , và phá hủy thế cân bằng của hệ mặt trời . Không có một nghành khoa học hay công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như nghành công nghiệp hạt nhân kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm, không có một đứa con nào của tài năng con người lại có một tầm quan trọng quyết định đến như vậy đối với vận mệnh thế giới”.

Theo tác giả,ngành công nghiệp nào có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh thế giới?

Em hiểu thế nào về ý nghĩa của thanh gươm Đa- mô- clet ?

Em có nhận xét gì về cách viết của tác giả trong đoạn trích trên ?

Trả lời

1. Theo tác giả,ngành công nghiệp có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh thế giới là ngành công nghiệp hạt nhân ( 0,5 điểm)

2. Ý nghĩa của thanh gươm Đa- mô- clet là chỉ mối nguy cơ đe dọa trực tiếp sự sống của con người (0.5 điểm)

3. Nhận xét về cách viết của tác giả ( 1,0 điểm)

-  Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng xác thực.

- Thái độ và giọng điệu của tác giả mạnh mẽ, dứt khoát, nhấn mạnh những nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang hiện hữu.

- Sử dụng câu hỏi tu từ, mốc thời gian, số liệu phân tích chính xác bộc lộ những lo ngại, trăn trở về hiểm họa của vũ khí hạt nhân.

- Dùng hình ảnh so sánh, điển tích làm tăng sứ hấp dẫn

6. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 6

Đọc đoạn trích sau:

Mười năm qua, Cắm về làm cách mạng ở cái xã Mèo cheo leo trên đỉnh núi này. Mùa
mưa đến, mùa mưa đi, rồi mùa mưa lại đến, như một người bạn chí tình, không bao giờ lỡ
hẹn. Tóc Cắm dần dần bạc đi từng sợi. Nhưng cách mạng thì Cắm không bỏ được. Cắm làm
chủ tịch xã. Ừ, cũng vào dạo một mùa mưa, tiếng súng nổ dưới Phủ Thông, Đèo Giàng, Cắm
dẫn một đoàn dân công Mèo đi vác súng, đạn, gạo ăn, nước uống cho bộ đội. Đoàn dân công
của Cắm đi gần một con trăng, đến khi về thì thiếu mất một người. Người đó là thằng cháu
của Cắm. Nó chẳng mở miệng nói với Cắm một tiếng nào cả. Suốt mười ngày Cắm thấy nó
lầm lầm lì lì, mặt lúc nào cũng như mặt hòn đá. Cắm bảo bụng: nó nghĩ cái gì thế? Sao nó
không hát nữa, sao nó không đùa nữa? Hằng ngày nó hát hay đến cháy trái tim con gái Mèo
kia mà? Hay là nó mất tinh thần rồi? Hừ, tao nuôi mày lớn lên bằng này mà mày làm nhục tao à?

Một buổi sáng, nó nói với Cắm:

- Chú à, cháu cũng đi cách mạng thôi.

- Đi dân công cũng là đi cách mạng chứ.

- Không, cháu đi cách mạng với bộ đội kia.

Thế là nó đi.

(Trích Rẻo cao, Nguyên Ngọc, Văn học 6, tập Một, NXB Giáo dục,1995, trang 106)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,75 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,75 điểm). Chỉ ra các từ láy trong đoạn trích.

Câu 3 (0,75 điểm). Những câu văn nào trong đoạn trích có sử dụng biện pháp tu từ so sánh?

Câu 4 (0,75 điểm). Mỗi từ gạch chân trong các trường hợp sau được dùng theo nghĩa gốc hay
nghĩa chuyển?

- Cắm bảo bụng: nó nghĩ cái gì thế?

- Sao nó không hát nữa, sao nó không đùa nữa?

- Chú à, cháu cũng đi cách mạng thôi.

Câu 5 (1,0 điểm). Nhân vật Cắm trong đoạn trích có những phẩm chất nổi bật nào?

Câu 6 (1,0 điểm). Qua đoạn trích, em có suy nghĩ gì về lẽ sống của con người Việt Nam trong kháng chiến? (Trình bày từ 5 đến 7 dòng).

Trả lời

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự. 0,75

Câu 2.

Từ láy: cheo leo, dần dần, lầm lầm lì lì.

Câu 3.

Những câu văn có dùng biện pháp tu từ so sánh:

- Mùa mưa đến, mùa mưa đi, rồi mùa mưa lại đến, như một người bạn
chí tình, không bao giờ lỡ hẹn.

- Suốt mười ngày Cắm thấy nó lầm lầm lì lì, mặt lúc nào cũng như
mặt hòn đá.

Câu 4.

- hát: nghĩa gốc;

- bụng, đi: nghĩa chuyển.

Câu 5.

Hiểu biết của học sinh về phẩm chất nổi bật của nhân vật có thể khác nhau song cần phải xuất phát từ nội dung đoạn trích.

Sau đây là một số gợi ý:

- Yêu đất nước, yêu cách mạng, trung thành với cách mạng;

- Yêu thương, quan tâm đến người thân.

Câu 6.

Học sinh có thể trả lời bằng nhiều cách khác nhau, song nội dung cần phải xuất phát từ yêu cầu của đề bài và đảm bảo các chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Sau đây là một số gợi ý:

- Lẽ sống của con người Việt Nam trong kháng chiến thể hiện qua đoạn trích là khát khao cống hiến cho đất nước, cho cách mạng.

- Thái độ trân trọng, tự hào, biết ơn đối với thế hệ đi trước.

- Ý thức về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

7. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 7

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò...sung chát đào chua...

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết nào?

Câu 3: Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?

Câu 4: Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ gì về lời ru của mẹ đối với những đứa con?

Trả lời

Câu 1:

Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2:

Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết: “không có yếm đào”, “Nón mê thay nón quai thao đội đầu”, “Rối ren tay bí tay bầu”, “váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Đó là một người mẹ nghèo, lam lũ, vất vả.

Câu 3:

Tâm tư, tình cảm của tác giả: Nỗi nhớ, lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương to lớn dành cho người mẹ.

Câu 4:

Lời ru của mẹ không xa lạ trong thi ca như ta thường thấy, vậy mà những ngôn ngữ rất đời thường của Nguyễn Duy lại khiến ta xốn xang trước phận mình bởi nhà thơ đã nhận ra “kiếp con người” dễ gì sánh được “mấy lời mẹ ru”. “Mấy lời” thôi nhưng là sự kết tinh của một cuộc đời và cả nhiều cuộc đời. Nó không chỉ chứa đựng tình mẹ bao la mà còn là những bài học làm người vô cùng quý giá mà chúng ta phải dành cả cuộc đời để học, để thấm và để biết ơn. Nói cách khác, hai câu thơ đã thức tỉnh muôn người, hãy nhìn lại mình trên nẻo về với cõi thiêng liêng.

8. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 8

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Ông tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh

(Lưu Quang Vũ - Tiếng Việt)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

Câu 3: Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt.

Câu 4: Viết đoạn văn khoảng 6 - 8 câu, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay.

Trả lời

Câu 1:

Văn bản trên thuộc thể thơ tự do.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản: so sánh:

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Ông tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Như gió nước không thể nào nắm bắt

- Tác dụng: hữu hình hóa vẻ đẹp của tiếng Việt bằng các hình ảnh, âm thanh; tiếng Việt đẹp bởi hình và thanh.

Câu 3:

Văn bản trên thể hiện lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

Câu 4:

Thí sinh phải viết một đoạn văn ngắn hoàn chỉnh khoảng 6 - 8 câu trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (Ví dụ: ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nói và viết, phê phán các hành vi cố tình sử dụng sai tiếng Việt).

9. Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 - số 9

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

(1) Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?

(2) Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên "Dạ minh châu" của Đường Minh Hoàng, khúc "Nghê thường vũ y" của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu – mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ – thì đã có J.H.Pha-brow và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.

(3) Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư? Thì ta bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn cản ta cả.

(Trích Tự học-một nhu cầu thời đại – Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2003)

Câu 1: Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 2: Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 3: Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng khi "thấy chán những con số" thì "bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai"?

Câu 4: Anh/ chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.

Trả lời

Câu 1:

Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy.

Câu 2:

Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh. HS Trả lời đúng theo một trong các cách trên

Câu 3:

Tác giả cho rằng khi"thấy chán những con số" thì "bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai", bởi vì "coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai" sẽ giúp ta thư giãn đầu óc, tâm hồn cởi mở, phóng khoáng hơn, làm cho đời sống đỡ nhàm chán, trở nên thú vị hơn. Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

Câu 4:

Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 9.270
Đề tham khảo đọc hiểu môn Văn thi vào 10 2023
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm